Phương án thi tuyển hiệu trưởng của cô Phan Tuyết

16/12/2017 08:07
Phan Tuyết
(GDVN) - Việc sát nhập trường đương nhiên phải cần một hiệu trưởng thực sự có năng lực và nhiệt tình thì mới lãnh đạo được, và được vậy thì phải thi tuyển công khai.

LTS: Tiếp tục đóng góp những ý kiến hữu ích về việc sáp nhập các trường học, góp phần giảm số lượng cán bộ biên chế trong ngành giáo dục, tác giả Phan Tuyết - một nhà giáo tâm huyết với nghề đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Sau bài viết “Nên sáp nhập các trường tiểu học dưới 10 lớp trong cùng một xã” của tác giả Thuận Phương đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 13/12 đã nhận được sự đồng tình của khá nhiều độc giả.

Các ý kiến đều cho rằng đây là giải pháp hay, thiết thực vừa làm cho Ban Giám hiệu nhà trường phải “vận động” để phát huy tính sáng tạo trong công tác chỉ đạo chuyên môn, vừa giảm biên được chế dôi dư cho ngành giáo dục, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước một số tiền không nhỏ.

Bạn Thanh Nhàn cho rằng: “Bài viết sát thực tế, hiện một số địa phương vẫn có trường 8 lớp cũng 2 hiệu phó. Sáp nhập thì phải thi chọn hiệu trưởng và giảm hiệu phó”.

Bạn đọc có biệt danh Nợ trần cũng phản ánh: “Hiện nay rất nhiều trường hợp trên địa bàn một xã không bị cách bởi sông suối, mà tồn tại nhiều trường tiểu học cách nhau khoảng 3-4 km với biên chế mỗi trường chỉ 4-6 lớp”.

Phương án thi tuyển hiệu trưởng của cô Phan Tuyết ảnh 1Nên sáp nhập các trường tiểu học dưới 10 lớp trong cùng một xã

Bạn Nguyễn Thanh Hoàng chia sẻ:

“Hoàn toàn nhất trí với quan điểm của bài viết. Không những sáp nhập các trường mà còn giảm đi các điểm trường lẻ để thuận lợi quản lí và nâng cao chất lượng.

Cần giảm áp lực hồ sơ sổ sách, các hoạt động khác như hội họp, chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn, dự giờ học hỏi.

Tạo điều kiện để giáo viên tập trung vào công việc chính của mình là giảng dạy và giáo dục học sinh.

Đánh giá giáo viên cần lấy chất lượng giảng dạy và giáo dục học sinh là chính. Muốn vậy cần có cơ chế giao khoán chất lượng, số lượng một cách công bằng từ đầu năm”.

Bạn đọc tên Huyền nêu đề xuất: “Việc sát nhập trường đương nhiên phải cần một hiệu trưởng thực sự có năng lực và nhiệt tình thì mới lãnh đạo được vậy thì phải thi tuyển công khai”.

Có thể thấy chuyện một xã không ngăn cách bởi sông suối, núi đồi (ở miền đồng bằng) với biên chế trường khoảng 10 lớp hay 7,8 lớp thậm chí 4 đến 6 lớp cũng tồn tại một trường học độc lập là bất hợp lý và vô cùng lãng phí.

Thế nên chuyện sáp nhập những trường nhỏ lẻ này thành một trường học lớn là điều nên làm và cần làm ngay.

Nhưng, lãnh đạo một ngôi trường có gần 2 nghìn học sinh với hàng trăm giáo viên, nhân viên như thế phải cần tới người hiệu trưởng năng động, xông xáo, tài ba.

Để có được một người hiệu trưởng mang đủ tầm, đủ tâm, có sức ảnh hưởng lớn đến đội ngũ giáo viên và phụ huynh chắc chắn không thể “bổ nhiệm đúng quy trình” như hiện nay mà tiêu chí đầu tiên là ngoan (nhất định phải ngoan, ngoan là khi cấp trên bảo gì làm nấy, vâng dạ và phục tùng tuyệt đối mà không được cãi, không được lý sự này nọ…).

Sự cần thiết phải thi tuyển Ban Giám hiệu

Muốn có được hiệu trưởng năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cũng như một hiệu phó vững vàng trong chuyên môn, linh hoạt sáng tạo trong cách làm việc thì ngành giáo dục địa phương phải tổ chức thi tuyển chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng công khai, minh bạch.

Khi tổ chức thi tuyển, người đỗ vào các chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng sẽ được giáo viên nhìn nhận với con mắt khác.

Đó là sự tâm phục vì tài năng trí tuệ, điều này vô cùng quan trọng. Bởi khi đã tâm phục thì việc hợp tác trong công việc sẽ tốt hơn, người lãnh đạo làm việc cũng dễ dàng, thuận lợi hơn.

Hình minh họa, nguồn: US News Money.
Hình minh họa, nguồn: US News Money.

Ban Giám hiệu trường học được ví như linh hồn của ngôi trường ấy. Đây là người đầu tàu tổ chức và điều hành mọi hoạt động giáo dục của nhà trường.

Thế nên, họ phải có tầm nhìn xa, có những quyết sách đúng đắn không chỉ nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên còn nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện của các em học sinh.

Trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn chuyển mình, ngành giáo dục cần có một diện mạo mới, cần có những bước đi mạnh mẽ, đột phá để rũ bỏ sự vây hãm làm trì trệ, lạc hậu bao năm thì người đứng đầu một trường học không thể thụ động, làm việc chỉ ngồi chờ chỉ đạo, làm việc gì cũng sợ sai.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý ở nhiều địa phương trong cả nước chủ yếu được đề bạt theo quy hoạch nguồn.

Nói là đúng quy trình nhưng thực chất không ít hiệu trưởng lên chức nhờ may mắn, gặp thời, không loại trừ cả sự quen biết, con ông cháu cha được bật “đèn xanh” gửi gắm, hay “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” mà báo chí phản ánh trong thời gian qua.

Lên được quản lý rồi là chỗ ngồi “vững như bàn thạch”, làm suốt đời đến lúc về hưu. Điều này gây nên sự bất lợi lớn, bởi không ít người có tâm lý “cứ từ từ tà tà làm việc cũng chẳng sao”.

Thi tuyển công khai sẽ tạo cho người trẻ có cơ hội để thể hiện mình, để cống hiến ngay những tinh hoa của sức trẻ bằng những việc làm mới, những việc làm sáng tạo mang tính đột phá; Tạo cho người đứng tuổi thể hiện hết kinh nghiệm mình đã tích lũy bao năm. Được thế, giáo dục mới có thể sang trang.

Một số đề xuất thi tuyển Ban Giám hiệu

Người tham gia ứng thí không nhất định phải có trong nguồn quy hoạch hay không. Độ tuổi tối đa tham gia dự tuyển, nam không quá 55 và nữ chưa quá 50.

Buổi sát hạch phải được tổ chức công khai, minh bạch, ngoài sự giám sát của các thành viên trong Hội đồng giám khảo thì giáo viên, cán bộ công nhân viên trong ngành cũng phải được theo dõi.

Ban giám khảo phải là người có năng lực, có tâm, thẳng thắn và quyết đoán, không sợ sự chi phối của bất kì ai.

Phương án thi tuyển hiệu trưởng của cô Phan Tuyết ảnh 3Cái tâm của người hiệu trưởng

Giám khảo kì thi tuyển ít nhất từ 5 người trở lên đại diện cho nhiều lĩnh vực chứ không nhất thiết phải là người trong ngành.

Tốt nhất giám khảo không phải người ở địa phương mà nên cơ cấu người từ nơi khác đến để thể hiện rõ sự công bằng.

Các ứng viên phải trải qua các phần thi như trình bày đề án xây dựng, phát triển nhà trường (trường học cụ thể) trong những năm tới (điều này vô cùng quan trọng).

Chỉ thông qua đề án thì trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, sự nhận thức của ứng viên sẽ được bộc lộ rõ nét.

Đề án cũng được lưu giữ để thẩm định lại (khi ứng viên đỗ) xem họ có làm đúng như kế hoạch mình đã đề ra hay chỉ nói cho có, nói cho hay? Đây cũng là điểm cộng cho những lần bổ nhiệm sau khi hết nhiệm kì.

Có phần thi viết, bài viết thể hiện nội dung kiểm tra trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, những hiểu biết về Luật giáo dục, về chế độ chính sách của nhà giáo.

Phần thi vấn đáp sẽ trực tiếp trả lời những câu hỏi chất vấn, câu hỏi phản biện của Hội đồng giám khảo đưa ra.

Nội dung câu hỏi xoay quanh những giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chất lượng học tập của học sinh, việc đổi mới phương pháp dạy và học, giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các nhà giáo…

Thông qua những phần thi như thế, các ứng viên sẽ đề ra được những giải pháp mới mang tính đột phá, những kiến thức sâu rộng, tư duy khoa học để nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.

Làm được thế mới mong giáo dục từng địa phương nói chung, giáo dục nước nhà nói riêng mới chuyển mình mang theo một diện mạo mới.

Phan Tuyết