Giải tán Phòng Giáo dục, trao quyền cho Hiệu trưởng bổ nhiệm Hiệu phó

15/12/2017 07:19
Bùi Nam
(GDVN) - Phó hiệu trưởng là người giúp việc cho hiệu trưởng và là viên chức nhưng quy trình bổ nhiệm hiện nay giống như của hiệu trưởng là không phù hợp.

LTS: Sau khi đưa ra đề xuất giải tán các phòng giáo dục tại các quận, huyện, thầy giáo Bùi Nam tiếp tục đề xuất việc gia tăng tính tự chủ cho các hiệu trưởng, đặc biệt là cho họ quyền được bổ nhiệm cấp phó của mình.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Vấn đề tăng lương giáo viên và tinh giản biên chế luôn là đề tài rất nóng, nhận được sự quan tâm của các lãnh đạo Đảng, chính quyền và nhân dân cả nước.

Nếu thực hiện tốt 2 vấn đề trên, chắc chắn mang lại lợi ích to lớn không chỉ cho giáo dục mà còn làm tinh thần làm việc hăng say, tích cực, và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Đề xuất về việc bỏ các Phòng giáo dục ở các quận, huyện đã nhận được sự quan tâm và đồng thuận rất lớn của độc giả trên mọi miền đất nước.

Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, thời đại “công nghiệp 4.0”  tất cả mọi việc đều được xử lý bằng tự động hóa với tin học nên Phòng giáo dục đã hết sứ mệnh lịch sử.

Đây là giai đoạn tốt nhất để “giải tán” tất cả Phòng giáo dục trên cả nước.

Bỏ Phòng giáo dục không chỉ làm chỉ làm tinh giản biên chế mà còn giảm khâu trung gian tránh chồng chéo trong quản lý, không làm phức tạp thêm công việc.

Phòng giáo dục không giúp được gì cho giáo dục phát triển mà chỉ gây thêm sự rắc rối, phức tạp không đáng có và can thiệp quá sâu vào các vấn đề của trường.

Hiệu trưởng cần được tăng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm. (Ảnh minh hoạ: Tuoitre.vn)
Hiệu trưởng cần được tăng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm. (Ảnh minh hoạ: Tuoitre.vn)

Bên cạnh đó, việc bỏ Phòng giáo dục còn làm tăng thêm quỹ đất cho nhà nước, có thể thành lập công ty, xí nghiệp thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Bỏ Phòng giáo dục quận, huyện sẽ tăng thêm tinh thần trách nhiệm cho hiệu trưởng, tăng tính tự chủ, tự quyết và chịu trách nhiệm của các trường.

Nhân bàn về tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hiệu trưởng các trường, tôi xin tiếp tục đề xuất về việc bổ nhiệm phó hiệu trưởng các trường.

Phải để hiệu trưởng ký quyết định bổ nhiệm phó hiệu trưởng

Việc bổ nhiệm hiệu trưởng các trường do Phòng giáo dục quản lý như quy định hiện hành theo các bước:

Thông qua Đảng Ủy xã/ phường, Phòng giáo dục kết hợp Phòng nội vụ lấy phiếu tín nhiệm tại nơi công tác sau đó tham mưu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện ra quyết định theo tôi là ổn.

Nếu sau này bỏ Phòng giáo dục thì Phòng nội vụ trực tiếp lấy phiếu tín nhiệm và tham mưu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện ra quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng.

Hiệu trưởng là công chức nên việc bổ nhiệm như trên là đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp Huyện.

Nhưng việc phó hiệu trưởng là người giúp việc cho hiệu trưởng và là viên chức nhưng quy trình bổ nhiệm hiện nay giống như của hiệu trưởng vẫn do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện ký là không phù hợp.

Giải tán Phòng Giáo dục, trao quyền cho Hiệu trưởng bổ nhiệm Hiệu phó ảnh 2Thầy giáo Bùi Nam đề xuất giải tán Phòng giáo dục ở các quận, huyện

Thiết nghĩ phó hiệu trưởng là người giúp việc cho hiệu trưởng, thực hiên chức năng thống kê, hỗ trợ cho hiệu trưởng nên để hiệu trưởng đề xuất, lấy phiếu tín nhiệm công khai tại đơn vị và trực tiếp ký quyết định bổ nhiệm.

Thực hiện như trên tăng tính tự chủ cho trường, giảm thủ tục hành chính, tăng quyền hạn và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn phó hiệu trưởng của mình.

Hết nhiệm kỳ nếu lấy phiếu tín nhiệm thấp hoặc không làm được việc, hiệu trưởng có thể ký quyết định bổ nhiệm phó hiệu trưởng khác.

Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm cao nhất trước Đảng, nhà nước về trường học do mình phụ trách nên để hiệu trưởng lựa chọn, ký quyết định bổ nhiệm phó hiệu trưởng.

Tránh tình trạng bổ nhiệm phó hiệu trưởng không làm việc được cùng hiệu trưởng;

Tránh tình trạng trường đề xuất phó hiệu trưởng nhưng Phòng giáo dục không đồng ý, hay Phòng giáo dục đồng ý nhưng Uỷ ban nhân dân huyện không đồng ý, có khi quy trình bổ nhiệm phó hiệu trưởng kéo dài cả năm, làm tăng thêm thủ tục hành chính và nhất là làm ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ của nhà trường.

Hiệu trưởng phải là người ký kết hợp đồng lao động đối với viên chức

Dựa vào các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo của ngành, hiệu trưởng là người quyết định ký kết nhân sự, hợp đồng làm việc với giáo viên mới, bổ nhiệm viên chức mà không phải qua khâu trung gian là Phòng giáo dục.

Hiệu trưởng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc ký sai, ký thừa, thiếu,…

Sau khi bỏ Phòng giáo dục ở các quận, huyện là tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và ý thức của các hiệu trưởng phải nâng lên, các hiệu trưởng phải thay đổi mạnh mẽ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm của mình.

Đa số đều đồng tình với đề xuất giải tán các Phòng giáo dục, vấn đề “lăn tăn” duy nhất chỉ là làm như vậy trao quyền quá lớn cho hiệu trưởng, các ông hiệu trưởng trở thành những “ông trời con” hay không?

Giải tán Phòng Giáo dục, trao quyền cho Hiệu trưởng bổ nhiệm Hiệu phó ảnh 3Thêm nhiều lý do để giải tán phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện

Xin thưa chúng ta đang trong giai đoạn đổi mới không chỉ về phương pháp, cách thức làm việc sao cho hiệu quả, công cụ quản lý không chỉ là xử lý kỷ luật mà còn luật dân sự, hình sự.

Việc ông Đinh La Thăng và nhiều quan chức bị bắt vì tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng hay việc một hiệu trưởng bị bắt vì lạm thu là hồi chuông cảnh tỉnh các ông hiệu trưởng phải làm hết tinh thần trách nhiệm vì giáo viên, học sinh và nhân dân.

Bên cạnh đó mỗi vị hiệu trưởng phải tự soi gọi, gột rửa mình xứng đáng với nhiệm vụ chính trị, chức năng, quyền hạn hiệu trưởng.

Tôi tin rằng với quyết tâm chính trị rất lớn, khi giao quyền sẽ tạo ra những vị hiệu trưởng có tâm, có tầm, có đạo đức, không tham lam vụ lợi đưa giáo dục Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Các vị hiệu trưởng không làm được việc sẽ tự xin nghỉ hoặc cho nghỉ để làm việc khác hoặc nếu cố tình vi phạm sẽ bị xử lý hành chính, hình sự tùy theo mức độ.

Chúng ta phải trao đủ quyền hạn, trách nhiệm nhưng phải có pháp luật đủ mạnh. Phải đưa ngay vào “lò” những thứ mục nát, hư hỏng, thoái hóa biến chất.

Cuối cùng tôi xin nhấn mạnh rằng Phòng giáo dục đã hết sứ mệnh lịch sử nên giải tán, tăng quyền hạn, trách nhiệm cho hiệu trưởng và mọi người trong đó có hiệu trưởng phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

Mong Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thực hiện việc khảo sát trên báo lấy ý kiến của đồng bào và nhân dân cả nước về đề xuất “giải tán” Phòng giáo dục quận, huyện để có cơ sở trình Bộ Giáo dục xem xét và đưa vào dự thảo Luật Giáo dục đang lấy ý kiến trên cả nước.

Bùi Nam