Cần phân biệt giữa tự chủ tài chính và "tự lo" về tài chính

10/12/2016 07:53
Thùy Linh (ghi)
(GDVN) - PGS.Trần Quốc Toản khẳng định: “Sẽ là sai lầm khi coi cơ chế tự chủ về tài chính của nhà trường đồng nhất với cơ chế “tự lo” về tài chính”.

Vấn đề tự chủ của các cơ sở giáo dục – đào tạo nói chung, nhất là của các cơ sở giáo dục đại học, đã được đề cập trong các văn bản chính thức của Đảng và Nhà nước hơn mười năm qua.

Trong những năm gần đây, trong văn kiện Đại hội XI, Đại hội XII, trong Luật Giáo dục Đại học (2013) và một số văn bản dưới luật của Chính phủ đã nhấn mạnh và quy định rõ hơn những nội dung liên quan đến vấn đề cơ chế tự chủ của các trường đại học.

Thực tế cơ chế tự chủ đã được thực hiện ở những mức độ khác nhau trong một số trường đại học. Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được cũng đang cho thấy nhiều vấn đề bất cập, thậm chí tiêu cực nảy sinh.

Bàn về vấn đề này, tại Hội thảo “Tự chủ đại học và trách nhiệm xã hội”  do Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã tổ chức vào 30/9 vừa qua, PGS.TS Trần Quốc Toản – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã nêu ra một số vấn đề cần được nghiên cứu kỹ để có những quy định phù hợp khi thực hiện tự chủ đại học.  
 
Các thành tố cấu thành cơ chế tự chủ đại học


Theo  PGS.Trần Quốc Toản, xét về nội dung của cơ chế tự chủ và các chủ thể liên quan thì cơ chế tự chủ đại học có thể khái quát gồm những thành tố chủ yếu như sau :

1. Quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đối với phát triển giáo dục nói chung và đối với các cơ sở giáo dục đại học.

2. Tự chủ của cơ sở giáo dục trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học…

3. Tự chủ của cơ sở giáo dục trong việc xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ về tổ chức, biên chế, nhân sự…

4. Tự chủ của cơ sở giáo dục trong việc xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ về tài sản, tài chính…

5. Trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đối với nhà nước và xã hội.

6. Vai trò và trách nhiệm của xã hội đối với cơ sở giáo dục và ngược lại.

Cần phân biệt giữa tự chủ tài chính và "tự lo" về tài chính ảnh 1
Các thành tố cấu thành cơ chế tự chủ đại học (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Còn xét về phương diện nội bộ của cơ sở giáo dục, thì nội dung của cơ chế tự chủ phải được thể hiện ở thành tố chủ yếu sau:

7. Tính đồng bộ về quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà trường trước nhà nước và xã hội với tính cách là một đơn vị tự chủ.

8. Các nội dung và sự phân định hợp lý về quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm và cơ chế hoạt động giữa Hội đồng trường và Ban giám hiệu.

9. Sự phân cấp hợp lý về quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm và cơ chế hoạt động giữa Ban giám hiệu và các đơn vị trực thuộc trong trường khi thực hiện cơ chế tự chủ.

10. Vai trò và trách nhiệm của Tổ chức Đảng trong nhà trường khi thực hiện cơ chế tự chủ.

11. Quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm và lợi ích của đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, đội ngũ những người lao động khác trong trường khi thực hiện cơ chế tự chủ.

12. Quyền, quyền hạn, lợi ích, nghĩa vụ, trách nhiệm của người học.

Cần phân biệt giữa tự chủ tài chính và "tự lo" về tài chính ảnh 2

Đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng giáo dục

(GDVN) - Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Nghị quyết số 89/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016.

PGS.Trần Quốc Toản cũng lưu ý thêm rằng: “Các nội dung này trong cơ chế tự chủ đại học, có những nội dung là quyền tự chủ đương nhiên của một trường đại học, có nội dung là quyền tự chủ có điều kiện (nghĩa là quyền tự chủ đó phụ thuộc vào loại trường, điều kiện và trình độ phát triển cụ thể cụ thể của trường…

Khi trường có đủ các điều kiện đó, đồng thời phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển của nhà nước)”.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ minh chứng, nhà trường có toàn quyền tự chủ tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo theo các quy định hiện hành;

Nhưng việc mở ngành mới hay tăng số lượng tuyển sinh về một ngành nào đó không chỉ căn cứ vào điều kiện của trường mà còn phải căn cứ vào nhu cầu của xã hội và quy hoạch đào tạo của nhà nước đối với cả nước trong từng giai đoạn.

Hay vấn đề tự chủ phát triển học thuật (nước ngoài gọi là tự do học thuật) cũng có những phạm vi khác nhau giữa các trường (chương trình) đào tạo theo hướng hàn lâm và các trường (chương trình) đào tạo theo hướng ứng dụng - thực hành.

Đối với các trường (chương trình) đào tạo theo hướng hàn lâm sẽ có không gian tự do học thuật rộng hơn, còn đối với các trường (chương trình) đào tạo theo hướng ứng dụng – thực hành không gian tự do học thuật còn được “chế định”.

Và điều chỉnh một cách khách quan bởi “chuẩn” trình độ nhân lực – trình độ ngành nghề theo quy định của nhà nước, nhu cầu nhân lực của xã hội và hội nhập quốc tế.
 
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Quốc Toản cũng nhấn mạnh: “Khi thực hiện cơ chế tự chủ (dù ở cấp độ nào) thì vấn đề quan trọng là phải chế định đồng bộ, hợp lý và hiệu quả giữa các nội dung về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và lợi ích của các chủ thể liên quan, nhất là giữa nhà trường với các chủ thể bên ngoài (kể cả nhà nước) với tư cách một đơn vị tự chủ.

Đồng thời nhà trường, về phía nội bộ, phải chế định đồng bộ, hợp lý và hiệu quả về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và lợi ích giữa các đơn vị và tất cả những người lao động trong trường gắn với kết quả và chất lượng hoạt động
”.
 
Tự chủ tài chính, hiểu sao cho đúng?

 
PGS. Trần Quốc Toản khẳng định, hiện nay có những nhận thức không đầy đủ và sai lầm khi thiên về “đòi quyền tự chủ” cho nhà trường trong quan hệ với nhà nước và xã hội, nhưng lại vẫn muốn và giữ cơ chế quản lý – quản trị trong trường theo cơ chế tập trung quan liêu bao cấp trước đây.

Đồng thời, một vấn đề quan trọng nữa là cần nhận thức rõ mối quan hệ hữu cơ giữa tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với tự chủ về tổ chức, biên chế, nhân sự, và với tự chủ về tài chính, gắn với trách nhiệm giải trình của một cơ sở giáo dục đại học.

Nếu đặt quyền tự chủ về tài chính với những nội dung không đúng và ở vị trí ưu tiên cao hơn – chi phối và làm biến dạng tự chủ về thực hiện mục tiêu - nhiệm vụ chuyên môn là sai lầm.

Cần phân biệt giữa tự chủ tài chính và "tự lo" về tài chính ảnh 3

GS.Trần Hồng Quân: Chỉ có tự chủ, giáo dục đại học mới có thể khởi sắc

(GDVN) - GS.Trần Hồng Quân cho rằng: “Quá trình tự chủ giống như việc chúng ta cho đứa con ra ở riêng, ở riêng thì tự lập nhưng cũng có những khó khăn và thách thức”.

Hơn nữa, cũng là sai lầm khi xác định mức độ - quy mô - phạm vi - trình độ quyền tự chủ của một trường đại học căn cứ chủ yếu vào mức độ “tự lo” về tài chính (chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển), để cho phép mở rộng tương ứng về quyền tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và quyền tự chủ về tổ chức, biên chế, nhân sự.

Đối với một cơ sở giáo dục đại học, dù theo cơ chế tài chính nào thì yêu cầu tối thiểu để tồn tại bình thường và phát triển thì phải cân đối được thu – chi theo những tiêu chuẩn đã được xác định, dù nguồn thu của trường do nhà nước cung cấp hay từ các nguồn ngoài nhà nước.

Cơ chế tự chủ về tài chính đối với một cơ sở giáo dục đại học công lập không phải chỉ nhằm chủ yếu vào mục đích giảm phần kinh phí nhà nước cấp cho trường và tăng phần tự thu của trường từ các nguồn khác (tới mức cao nhất là tự lo 100% kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển”
, PGS.Trần Quốc Toản nhấn mạnh.

Nếu ở mức như vậy thì bản chất của trường công lập (đầy đủ) đã thay đổi, rất cần được nghiên cứu kỹ vấn đề này). Sẽ là sai lầm khi coi cơ chế tự chủ về tài chính của nhà trường đồng nhất với cơ chế “tự lo” về tài chính.

Cơ chế tự chủ về tài chính còn có mục đích quan trọng là với tổng các nguồn thu của trường (phần của nhà nước cấp và phần huy động từ xã hội và người học…), nhà trường có quyền tự chủ và trách nhiệm sử dụng hiệu quả nhất theo những quy định chung của nhà nước và quy chế của trường nhằm đạt được những mục tiêu phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo của trường.

Về nguyên tắc, đối với trường công lập, nhà nước vẫn phải có trách nhiệm đảm bảo cung cấp phần kinh phí quan trọng; việc cung cấp phần kinh phí này tới mức nào, theo cơ chế nào và trách nhiệm của nhà trường đối với việc sử dụng phần kinh phí này như thế nào đối với một trường (hay loại trường) đại học cụ thể cần phải được nghiên cứu kỹ và xác định phù hợp.

Ngay đối với các cơ sở giáo dục được Nhà nước “bao cấp” 100% kinh phí thì vẫn cần và có thể xây dựng một cơ chế tự chủ về tài chính phù hợp và hiệu quả, đồng bộ với tự chủ về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và tự chủ về tổ chức, biên chế, nhân sự”, PGS.TS Trần Quốc Toản lưu ý.

Thùy Linh (ghi)