Có thể khởi tố vụ án cô giáo bị bắt quỳ mà không cần đơn tố giác tội phạm

08/03/2018 11:14
Hưng Long
(GDVN) - Luật sư Hồ Nguyên Lê phân tích, cô giáo Trường Tiểu học Bình Chánh không cần phải làm đơn tố giác tội phạm nhưng cơ quan chức năng vẫn có thể khởi tố vụ án.

Ngày 28/02, nhiều phụ huynh đã tới Trường Tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) phản ánh cách xử phạt học sinh bằng hình thức quỳ gối.

Cô Nhung – giáo viên đã ra hình thức xử phạt học sinh nhận lỗi với phụ huynh và và hứa sẽ khắc phục sai sót.

Các phụ huynh không đồng tình nên bắt cô Nhung quỳ gối để xin lỗi.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ. (Ảnh: H.L)
Luật sư Hồ Nguyên Lễ. (Ảnh: H.L)

Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh viện dẫn theo Luật Viên chức qui định: “Viên chức là công dân được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập ... , hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập”.

Giáo viên tại các trường công lập là viên chức nên giáo viên đang dạy học phải được xem như đang thi hành công vụ do nhà nước phân công, yêu cầu thực thi đúng trách nhiệm được giao và pháp luật qui định.

Cô giáo bị bắt quỳ đã rất mong muốn được cứu giúp nhưng Hiệu trưởng bỏ đi

Ngoài tư cách là người đang thi hành công vụ thì thầy cô còn thực hiện công việc đáng kính trong xã hội mà mọi người ai cũng tôn trọng.

“Khi một ai xúc phạm đến thầy cô là xã hội, dư luận lên án là điều hiễn nhiên”, luật sư Lễ nhấn mạnh.

Qui định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Điều 155 qui định việc khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật hình về tội Làm nhục người khác khi có yêu cầu của bị hại. 

Trường Tiểu học Bình Chánh. (Ảnh: H.L)
Trường Tiểu học Bình Chánh. (Ảnh: H.L)

Luật sư Hồ Nguyên Lễ phân tích: “Như vậy, nếu một người bình thường bị người khác làm nhục thì phải có đơn tố giác tội phạm thì vụ án mới được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại”. 

Tuy nhiên, đối với khoản 2 Điều 155 Bộ luật hình sự quy định về Tội làm nhục người khác nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền có quyền khởi tố vụ án mà không cần có yêu cầu của bị hại.

Cụ thể, khoản 2 Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 về Tội làm nhục người khác qui định phạm tội thuộc một trong các trường hợp “đối với người đang thi hành công vụ” và “đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình...” thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Hành vi làm nhục người đang thi hành công vụ là hành vi nghiêm trọng hơn làm nhục người khác vì khi thi hành công vụ, người bị hại đang thay mặt nhà nước, tổ chức xã hội thi hành công việc chứ không phải cá nhân họ. 

Ông Võ Hòa Thuận, người bắt cô giáo quỳ vừa được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư 

Luật sư Hồ Nguyên Lễ giải thích, “Làm nhục người thi hành công vụ” là làm mất uy tín, làm giảm lòng tin của mọi người với nhà nước, tổ chức xã hội, trong đó có cả đối với thầy cô giáo là những người dạy dỗ, giáo dục con em chúng ta.

Cơ quan có thẩm quyền cần xác định rõ, cô giáo đúng là “người đang thi hành công vụ” mà bị nhiều phụ huynh tự ý vào trường tìm gặp và làm áp lực để cô giáo phải quỳ gối hay không?

“Trong khi cô giáo còn đang trong giờ hành chính dạy học tại trường thì có dấu hiệu tội làm nhục người khác đối với người đang thi hành công vụ?”, luật sư Lễ khẳng định.

Hưng Long