Tìm hiểu đôi nét về các đơn vị quân đội Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam

30/04/2018 07:00
Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY
(GDVN) - Từ năm 1950 Mỹ bắt đầu cung cấp viện trợ quân sự cho Pháp nhằm chống lại Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

LTS: Nhằm cung cấp cho bạn đọc những tư liệu về các đơn vị quân đội Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam, Đại tá Đặng Việt Thủy có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Theo hai tác giả Jeff Stein - Marc Leepson trong cuốn sách "Sổ tay chiến tranh Việt Nam" do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Trung tâm báo chí nước ngoài Bộ Ngoại giao, xuất bản năm 1993, thì từ năm 1950 Mỹ bắt đầu cung cấp viện trợ quân sự cho Pháp nhằm chống lại Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các đơn vị quân đội Mỹ tham chiến ở Việt Nam (Ảnh: tư liệu).
Các đơn vị quân đội Mỹ tham chiến ở Việt Nam (Ảnh: tư liệu).

Ngày 7/5/1954, người Pháp đã bị Việt Minh đánh bại hoàn toàn ở Điện Biên Phủ, buộc nước Pháp phải đến Hội nghị hòa bình Giơ-ne-vơ.

Tháng 2/1955, tổng thống Mỹ là Eisenhower đã gửi cố vấn quân sự đến miền Nam Việt Nam.

Khi phi công của CIA Francis Gary Power bị bắn rơi trên bầu trời nước Nga vào tháng 5/1960 thì lúc này đã có 685 cố vấn quân sự Mỹ có mặt tại Việt Nam.

Năm sau (1961) đã lên hơn 1.000 người. Cuối năm 1962 có 2.600 nhân viên quân sự; cuối năm 1963 là 17.000 người; cuối 1964 số quân Mỹ có mặt ở Việt Nam là 23.300 người.

Ngày 8/3/1965, đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ đầu tiên gồm 13.500 người đã tới Việt Nam. Nhiệm vụ của đơn vị này là: Bảo vệ sân bay Đà Nẵng, bảo đảm an ninh cho thành phố Đà Nẵng, bình định những làng xung quanh, tìm diệt Việt Cộng...

Tìm hiểu đôi nét về các đơn vị quân đội Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam ảnh 2Lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy về trận chiến giải phóng Đà Nẵng

Đơn vị chiến đấu trên bộ đầu tiên của quân đội Mỹ đến Việt Nam vào tháng 5/1965 là Đơn vị đổ bộ hàng không số 173.

Trước đó, vào đầu tháng 4/1963, Hoa Kỳ bắt đầu xây dựng một cảng biển khổng lồ và ở sâu vào bờ biển phía Nam Việt Nam, đó là cảng Cam Ranh.

Tới giữa năm 1965 đã có 75.000 quân Mỹ có mặt ở Việt Nam.

Tại Chiến khu D, phía tây bắc Sài Gòn, Sư đoàn đổ bộ đường không số 173 đã tiến hành một loạt cuộc tiến công càn quét chống lại Việt Cộng.

Đây cũng là "Cuộc hành quân tìm và diệt" có một bộ phận lớn quân Mỹ tham gia lần đầu tiên.

Tháng 11/1965, lính thủy đánh bộ Mỹ đã tiến hành chiến dịch Piranha ở vùng cát phẳng biển phía nam Đà Nẵng.

Vào tháng 10, tháng 11/1965, một trận chiến lớn xảy ra ở thung lũng I-a Đrăng. Đó là lần đầu tiên, Mỹ và những người cộng sản tiến hành trận đánh có quy mô nhỏ giữa các đơn vị chủ lực - đây là điều mà Mỹ đã lâu nay tìm kiếm cho cách đánh cổ truyền của mình.

Về phía Mỹ, trận chiến ở thung lũng I-a Đrăng chủ yếu do Sư đoàn kỵ binh số 1 tham chiến.

Tìm hiểu đôi nét về các đơn vị quân đội Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam ảnh 3Đôi nét về phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam

Sau trận giao tranh này, tổng thống Mỹ đã trao tặng Sư đoàn kỵ binh số 1 này phần thưởng đặc biệt là được mang tên đơn vị của tổng thống.

Đây là phần thưởng duy nhất loại đó được tặng thưởng trong toàn bộ cuộc chiến tranh Việt Nam.

Sư đoàn kỵ binh số 1 của quân đội Mỹ được thành lập từ một vài nhóm kỵ binh vào năm 1921.

Tới cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, sư đoàn được chuyển thành một đơn vị lính bộ binh.

Sư đoàn này đã giao chiến trên toàn vùng Nam Thái Bình Dương và là đơn vị đầu tiên đặt chân lên Nhật Bản vào năm 1945. Sư đoàn cũng tham chiến tại Triều Tiên.

Vào tháng 7/1965, nó được gọi là Sư đoàn kỵ binh số 1 của quân đội Mỹ. Hai tháng sau đó sư đoàn đã tới Việt Nam.

Sư đoàn đã giao chiến trên toàn miền Nam Việt Nam và những quân nhân của sư đoàn đã giành được 25 huân chương danh dự của quốc hội Mỹ.

Hơn 30.000 lính của sư đoàn kỵ binh số 1 đã bị giết hoặc bị thương tại Việt Nam trước khi sư đoàn rút khỏi Việt Nam vào tháng 4/1970.

Năm 1965 đã có 184.300 quân Mỹ có mặt ở Việt Nam.

Tháng 8/1966, tổng thống Mỹ đã lệnh cho cho hai đơn vị chiến đấu lớn đến Việt Nam. Đó là Sư đoàn bộ binh số 4 và Lữ đoàn bộ binh nhẹ số 196.

Cùng với các đơn vị khác, Sư đoàn bộ binh số 4 được lệnh nhanh chóng bảo vệ thành phố Pleiku, một thành phố nhỏ nhưng trọng yếu về chiến lược ở vùng cao nguyên miền Trung.

Cuối năm 1966, đã có 385.300 quân Mỹ có mặt ở Việt Nam.

Tìm hiểu đôi nét về các đơn vị quân đội Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam ảnh 4Cuộc tranh luận chưa hồi kết về ngày mở màn Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975

Vào tháng 7/1967, Mỹ đã tiến hành một chiến dịch đầy tham vọng ở tây bắc Sài Gòn, gọi là "cây tuyết tùng rụng lá".

Mục tiêu của chiến dịch này là tấn công vào những căn cứ cộng sản tại vùng tam giác sắt.

Có 5 đơn vị đã tham gia chiến dịch "cây tuyết tùng rụng lá" này là:

Trung đoàn kỵ binh bọc thép số 11, Lữ đoàn không vận số 173, thêm vào đó là một số đơn vị của Sư đoàn bộ binh số 25, Sư đoàn bộ binh nhẹ số 196 và của Sư đoàn bộ binh số 1.

Alexander Haig, một trung tá trẻ, chỉ huy một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn bộ binh số 1 trong chiến dịch trên ở Bến Tre, sau này trở thành bộ trưởng ngoại giao của Chính phủ Mỹ.

Sư đoàn bộ binh số 1 tham gia chiến dịch "cây tuyết tùng rụng lá" được đặt tên lóng là "anh cả đỏ". Còn Lữ đoàn không vận số 173 được đặt tên lóng là "Đoàn người".

Nói thêm về Sư đoàn bộ binh số 1 của quân đội Mỹ, sư đoàn này có tên gọi thân mật như đã nói là "anh cả đỏ". Sở dĩ gọi nó là sư đoàn "anh cả đỏ" là vì phù hiệu của đơn vị có số 1 to màu đỏ.

Sau những thất bại nặng nề và thoái chí ở Việt Nam, những người lính của sư đoàn bắt đầu gọi nó với cái tên là "anh cả chết"!

Lực lượng cơ giới ven sông của hải quân Mỹ đã tiến hành các chiến dịch tấn công trên toàn bộ hệ thống sông suối rộng lớn tại đồng bằng sông Cửu Long.

John Kerry, một trung úy hải quân trẻ tham chiến ở miền Nam Việt Nam đã giành được những huân chương, sau trở thành thượng nghị sĩ Mỹ bang Massachusetts.

(John Kerry sau còn làm Phó thống đốc bang Massachusetts, từ ngày 1/2/2013 John Kerry là Ngoại trưởng Hoa Kỳ, thay thế bà Hillary Clinton, dưới thời tổng thống Barack Obama, ông đã trở lại thăm Việt Nam với cương vị Ngoại trưởng của chính phủ Mỹ - ĐVT).

Tìm hiểu đôi nét về các đơn vị quân đội Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam ảnh 5Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Sư đoàn bộ binh số 23 của Mỹ được thành lập để tiến hành các chiến dịch ở miền Bắc, Nam Việt Nam. Sư đoàn này còn được gọi là Sư đoàn American.

Ngày 30/4/1969 số lượng lính Mỹ ở Việt Nam đạt con số kỷ lục là 543.400 người.

Ngày 8/6/1969, tổng thống Nixon đưa ra tuyên bố rút quân Mỹ khỏi Việt Nam.

Tất cả các đơn vị đều được rút vào ngày 27/7/1969 trừ Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn bộ binh số 9.

Về Sư đoàn bộ binh số 9 của Mỹ, sư đoàn này đã tham gia những trận đánh lớn trong Chiến tranh thế giới thứ hai, trong chiến dịch Bắc Phi, đảo Xixin, Normandy, là đơn vị đầu tiên xâm nhập biên giới Siegfried và tiến vào nước Đức.

Thương vong của nó trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai là 23.000 người, còn trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam có 20.000 người chết, bị thương.

Năm 1965 có một đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ đầu tiên vào Việt Nam và đến năm 1969 đơn vị này cũng rời Việt Nam đầu tiên. Đó là Sư đoàn lính thủy đánh bộ số 3.

Những người lính thủy đánh bộ cho rằng họ trở về an toàn, nhưng những sự kiện lớn diễn ra vào năm 1975 đòi hỏi họ quay trở lại Đông Nam Á một cách khẩn trương.

Đó là những sự kiện: Sự tháo chạy khỏi Phnôm pênh; sự tháo chạy khỏi Đà Nẵng; sự tháo chạy khỏi Sài Gòn; việc chiếc tàu Mỹ Mayaguez thoát chết.

Ngày 12/11/1971, tổng thống Nixon tuyên bố hơn 45.000 lính Mỹ sẽ được rút về nước. Tuyên bố này cũng thể hiện sự thay đổi có ý nghĩa đối với vai trò lính Mỹ ở Việt Nam.

Tìm hiểu đôi nét về các đơn vị quân đội Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam ảnh 6Các trận đánh then chốt, xuất hiện thời cơ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng

Lực lượng bộ binh Mỹ chỉ có nhiệm vụ tự vệ, phòng thủ. Lực lượng tiến công do quân Nam Việt Nam đảm nhiệm.

Ngày 29/11/1971, một đơn vị quân đội Mỹ với khả năng tác chiến rất kém, đã bị đánh tê liệt và tan rã, đó là Sư đoàn American.

Ngày 10/3/1972, Sư đoàn 101 là sư đoàn lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam.

Sư đoàn 101 (Đại bàng bổ nhào) trưởng thành trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, bị tổn thất ở Việt Nam lớn gấp hai lần tổn thất dưới quyền tướng Maxwel B.Taylor trong các cuộc chiến tranh ở Normandy, cũng như ở trận Bulge.

Trong cuộc chiến ở Việt Nam, nó được giao trách nhiệm nặng nề là chặn đường xâm nhập của quân đội Bắc Việt Nam ở thung lũng A Sầu. Đã có 20.000 binh sĩ của sư đoàn bị chết và bị thương trong thời gian 1965-1972.

Cũng theo các tác giả Jeff Stein - Marc Leepson trong cuốn sách đã dẫn, các đơn vị quân đội và lục quân Mỹ chiến đấu ở Việt Nam, gồm có:

Bảy sư đoàn quân: Sư đoàn kỵ binh bay số 1, Sư đoàn bộ binh số 1, Sư đoàn bộ binh số 4, Sư đoàn bộ binh số 9, Sư đoàn bộ binh American số 23, Sư đoàn bộ binh số 25 và Sư đoàn không vận số 101.

Thêm vào đó là hai lữ đoàn quân cỡ sư đoàn (Lữ đoàn bộ binh số 5 và Lữ đoàn không vận số 82), hai sư đoàn thủy quân lục chiến số 1 và số 3 và các trung đoàn của Sư đoàn số 5.

Có hai đơn vị quân đội mang số hiệu 18 và cả hai đều có mặt ở Việt Nam, nhưng chức năng hoàn toàn khác nhau. Đó là Lữ đoàn công binh số 18 và Lữ đoàn quân cảnh số 18.

Lần đầu tiên công bố nhiều hình ảnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ

Các tác giả cũng cho biết, máy bay chiến đấu trọng yếu trong lực lượng chiến đấu của Mỹ ở miền Nam Việt Nam là F.4 Phantom.

Lữ đoàn không vận số 1 là đơn vị đầu tiên đến Việt Nam và cũng là đơn vị cuối cùng rời khỏi Việt Nam, và thực sự trở thành một đơn vị lớn nhất ở Việt Nam với 24.000 quân và 4.230 máy bay chiến đấu.

Phù hiệu của Lữ đoàn không vận số 1 là một con chim ưng trông rất dữ với đôi cánh mở rộng, đậu trên một thanh gươm cắm thẳng đứng...

Tài liệu tham khảo:

- Jeff Stein - Marc Leepson, Sổ tay sự kiện chiến tranh Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Trung tâm báo chí nước ngoài Bộ Ngoại giao, Hà Nội - 1993.

Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY