Lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy về trận chiến giải phóng Đà Nẵng

27/03/2016 08:12
Đại tá Đặng Việt Thủy (ghi)
(GDVN) - Thắng lợi của chiến dịch Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng tạo điều kiện cho quân và dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.

LTS: Tiếp tục loạt bài viết về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

Hôm nay, Đại tá Đặng Việt Thủy gửi tới quý độc giả về diễn biến trận chiến cắt đường số 1, đánh chiếm đèo Hải Vân, giải phóng bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng vào tháng 3 năm 1975 qua lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy (sinh năm 1931, nhập ngũ năm 1948), nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 9 Sư đoàn 304, Chủ tịch Ủy ban quân quản lâm thời thị xã Quảng Trị (tháng 5/1972), nguyên Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Sư đoàn 325 (năm 1973), Tư lệnh Sư đoàn 325 (năm 1976), Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 2 (năm 1986), Quyền Tư lệnh Quân khu 2 (năm 1993). 

Trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, ông là Phó Tư lệnh Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 trực tiếp tham gia chỉ huy chiến đấu giải phóng Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn - Gia Định. 

Bài viết là lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy về trận chiến đấu cắt đường số 1, đánh chiếm đèo Hải Vân, giải phóng bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng tháng 3 năm 1975:


Đầu tháng 2 năm 1975, Sư đoàn 325 chúng tôi nhận nhiệm vụ tiến công trên hướng chủ yếu của Quân đoàn 2; tiêu diệt cụm quân địch ở khu vực Hòn Kim Sắc, các cao điểm 520, 560, 494. 

Sau đó cắt đường số 1 trên đoạn đường số 1 từ Lương Điền, cầu Bạch Thạch, đến quận Phú Lộc; thực hiện chia cắt chiến dịch để các lực lượng của Quân đoàn 2, Quân khu Trị - Thiên tiêu diệt toàn bộ khoảng 5 vạn quân địch ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, giải phóng Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Lúc này đội hình của Sư đoàn 325 chỉ có 2 trung đoàn bộ binh: 101, 18, Trung đoàn 84 pháo binh và các đơn vị trực thuộc; Trung đoàn 95 Bộ đã điều đi tăng cường cho mặt trận Buôn Mê Thuột.

Theo mệnh lệnh của Tư lệnh Quân đoàn 2, Sư đoàn 325 nổ súng đợt 2 của chiến dịch vào ngày 21/3/1975.

Để đưa được pháo binh vào chiến đấu, sư đoàn phải mở một con đường dài gần 20km để kéo hàng chục khẩu pháo 122, 85, pháo cao xạ 2 nòng lên đỉnh dẫy lưỡi cái cao tới 863m để ngắm bắn trực tiếp vào các trận địa địch trên dãy Hòn Kim Sắc.

Trung đoàn 101 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Giảng và Chính ủy Nguyễn Hữu Đang chỉ huy có nhiệm vụ tiêu diệt quân địch trên dãy Hòn Kim Sắc.

Lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy về trận chiến giải phóng Đà Nẵng  ảnh 1
Lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy về trận chiến giải phóng Đà Nẵng (Ảnh: baodanang.vn)

Trung đoàn 18 do Trung đoàn trưởng Phạm Hồng Lẫm và Chính ủy Hồ Sĩ Khuyên chỉ huy đảm nhiệm tấn công trên hướng chủ yếu tiêu diệt tiểu đoàn 61 biệt động ngụy trên các cao điểm 520, 560, 494.

Sau đó xuống đánh chiếm khu vực cầu Bạch Thạch thực hiện nhiệm vụ chia cắt chiến dịch trên đoạn đường số 1 từ Ròng Bò đến quận lỵ Phú Lộc.

Để đảm bảo nắm chắc Trung đoàn 18 tác chiến hướng chủ yếu, tôi (Nguyễn Đức Huy) Phó tư lệnh Sư đoàn được tăng cường chỉ huy Trung đoàn 18 ngay từ khi làm công tác chuẩn bị. 

Theo kế hoạch giờ "G" nổ súng tiến công là 5 giờ ngày 21/3/1975, nhưng thời tiết không thuận lợi, đến giờ "G" rồi mà sương mù vẫn dày đặc, pháo binh không thể quan sát được mục tiêu tiến công nên Tư lệnh Quân đoàn 2 cho lùi giờ tấn công 10 phút, nếu sau 10 phút mà sương mù vẫn chưa tan thì chuyển sang phương án 2: "Tấn công địch không có pháo bắn chuẩn bị". 

Rất may trời quang dần, các mục tiêu trên dãy Hòn Kim Sắc và các cao điểm 560, 620, 494 đều hiện rõ cả. Tư lệnh sư đoàn Phạm Minh Tâm ra lệnh cho pháo bắn. 

Lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy về trận chiến giải phóng Đà Nẵng  ảnh 2

Các trận đánh then chốt, xuất hiện thời cơ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng

(GDVN) - Mùa Xuân 1975 cùng với thắng lợi to lớn của các chiến dịch, thời cơ lớn xuất hiện; toàn quân, toàn dân ta đi đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Lập tức hàng trăm quả đạn pháo 122, 85, cao xạ 2 nòng đã nổ thẳng vào mục tiêu tiến công, một số công sự địch bị phá hủy, hàng trăm tên địch bị diệt. 

Sau khi pháo chuyển làn, bộ binh của Trung đoàn 18 đã xung phong đánh chiếm được cao điểm 520, 494. Còn cao điểm 560 - sở chỉ huy của tiểu đoàn 61 biệt động ngụy thì Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18 mới chỉ chiếm được một phần. 

Quân địch ở đây dựa vào công sự và chướng ngại vật chống trả quyết liệt, nhiều đợt xung phong của quân ta đều bị chặn lại, thương vong của ta cũng nặng, khả năng dứt điểm của Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18 gặp khó khăn. 

Trong khi đó, Trung đoàn 101 lại tấn công chệch hướng, do vậy đến gần 12 giờ vẫn chưa chiếm được dãy Hòn Kim Sắc nên không hỗ trợ được Trung đoàn 18.

Để nhanh chóng dứt điểm cao điểm 560, Trung đoàn 18 quyết định tăng cường Đại đội 7, Tiểu đoàn 8 do Đại đội trưởng Thiều Chí Đinh và Chính trị viên Đậu Văn Bạch chỉ huy tăng cường cho Tiểu đoàn 9. 

Đồng thời tăng cường đồng chí Nguyễn Trọng Hóa, Tham mưu phó, đồng chí Nguyễn An Gang, Phó chính ủy trung đoàn lên trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 9 đánh chiếm dứt điểm cao điểm 560.

Đại đội 7, Tiểu đoàn 8 khi lên tới cao điểm 560 do đã mất yếu tố bất ngờ nên không thể xung phong đánh chiếm cao điểm 560 theo hướng Tiểu đoàn 9 đã tấn công. 

Vì vậy, Đại đội trưởng Thiều Chí Đinh và Chính trị viên Đậu Văn Bạch đã chọn nơi có địa hình dốc nhất mà địch cho rằng ta không thể từ đó tấn công vào cao điểm 560, bí mật gỡ mìn và cắt các hàng rào dây thép gai vào sát lô cốt địch rồi bất ngờ xung phong đánh chiếm cao điểm 560. 

Và phối hợp với Đại đội 7 Tiểu đoàn 8 các hướng của Tiểu đoàn 9 cũng đồng loạt xung phong vào các mục tiêu địch đang chống cự, tiêu diệt sở chỉ huy tiểu đoàn 61 biệt động ngụy, bắt sống tên tiểu đoàn trưởng và toàn bộ quân địch còn lại. 

Ở đây có một tấm gương dũng cảm của chiến sĩ Lương Văn Toán, khi được giao nhiệm vụ đi đầu gỡ mìn và cắt hàng rào, chiến sĩ Toán đã mang một khối bộc phá quanh người để đề phòng trường hợp bí mật cắt hàng rào không được, sẽ sẵn sàng cho nổ khối bộc phá để mở đường cho bộ đội xung phong, nhưng rất may tình huống này không xảy ra, nên chiến sĩ Toán vẫn an toàn xung phong cùng đồng đội tiêu diệt địch. 

Sau khi dứt điểm được cao điểm 560, tiểu đoàn 61 biệt động ngụy bị tiêu diệt, chiều tối ngày 21/3/1975 tôi cùng đồng chí Lẫm, Trung đoàn trưởng và đồng chí Khuyên, Chính ủy Trung đoàn 18 triệu tập đồng chí Trần Minh Thiệt, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 lên giao nhiệm vụ. 

Đó là, trong đêm 21/3/1975 đưa 1 trung đội bộ binh và 1 trung đội trinh sát, bí mật ra chiếm cầu Đá Bạc cách đường số 1 khoảng 50m thì dừng lại triển khai đội hình chiến đấu và dùng tín hiệu báo về sở chỉ huy Trung đoàn 18 để đưa toàn bộ của lực lượng của Tiểu đoàn 8 ra đánh chiếm đường số 1 vào sáng ngày 22/3/1975. 

Chấp hành mệnh lệnh, đồng chí Trần Minh Thiệt đã đưa lực lượng trinh sát và Tiểu đoàn 8 ra đến cầu đường sắt lúc 3 giờ sáng ngày 22/3/1975, đúng vị trí đã được giao, nhưng đồng chí Thiệt đã không tổ chức chốt lại mà dẫn toàn bộ lực lượng về sở chỉ huy Trung đoàn 18 báo cáo, với lý do nếu ở lại sẽ bị cô lập. 

Nghe báo cáo, tôi không đồng ý và nghiêm khắc phê bình, đồng thời giao tiếp nhiệm vụ cho đồng chí Thiệt đưa 1 đại đội của Tiểu đoàn 8 ra đánh chiếm cầu Đá Bạc.

Lúc này trời đã sáng rõ, muốn đánh chiếm cầu Đá Bạc bộ đội phải vận động qua chân cao điểm 200, ở đây địch bố trí 1 đại đội biệt động ngụy, có cấu trúc trận địa công sự, vật cản vững chắc.

Lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy về trận chiến giải phóng Đà Nẵng  ảnh 3

Diễn biến trận chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa tháng 4 năm 1975

(GDVN) - Năm 1975, sau chiến thắng của chiến dịch Tây Nguyên, kế hoạch quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam bao gồm cả các đảo và quần đảo Trường Sa, Côn Đảo...

 
Khi bộ đội ta vận động qua, chúng có thể sử dụng hỏa lực ngăn chặn, sát thương.

Để bảo đảm bộ đội vận động qua chân cao điểm 200 được thuận lợi và giảm thương vong, Trung đoàn 18 đã tổ chức 1 đại đội cối 120 ly, 1 đại đội 12, 7 ly, 2 khẩu ĐKZ 75 và lệnh cho Tiểu đoàn 9 ở cao điểm 560 dùng cối 82 và súng 12,7 ly phối hợp với hỏa lực của trung đoàn chế áp địch ở điểm cao 200. 

Nhưng ở đây địch do được chuẩn bị từ trước, các loại hỏa lực của chúng đều được bố trí trong công sự có nắp kiên cố, đồng thời pháo địch ở mũi Né cũng tập trung bắn chặn đường vận động của bộ đội ta, một số đồng chí đã thương vong, tốc độ phát triển chậm, sau hơn 1 giờ mà bộ đội ta vẫn còn cách đường số 1 khoảng hơn 1km. 

Trong khi đó trên đường số 1, hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, xe vận tải của địch vẫn nối đuôi nhau tháo chạy về Đà Nẵng.

Không thể để địch rút chạy một cách dễ dàng, mà phải nhanh chóng cắt bằng được đường số 1, chặn đường rút chạy của kẻ địch, tôi (Nguyễn Đức Huy) đã hội ý với đồng chí Lẫm, Trung đoàn trưởng, đồng chí Khuyên, Chính ủy Trung đoàn 18, cần tăng cường lực lượng và chỉ huy để nhanh chóng cắt đường số 1. 

Chúng tôi đã nhất trí: đồng chí Lẫm, Trung đoàn trưởng trực tiếp dẫn toàn bộ lực lượng còn lại của Tiểu đoàn 8 ra phối hợp với lực lượng do đồng chí Thiệt đã ra trước; còn chỉ huy lúc này tôi thay đồng chí Lẫm cùng với đồng chí Khuyên chỉ huy Trung đoàn 18. 

Đề nghị pháo của sư đoàn tập trung chế áp trận địa pháo của địch ở mũi Né. Do được tăng cường lực lượng và chỉ huy nên khoảng 10 giờ ngày 22/3/1975 Tiểu đoàn 8 đã chiếm được cầu Đá Bạc và chiếm được đường số 1. 

Trong lúc này, Tiểu đoàn 7 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Cách và Chính trị viên Đỗ Hồng Mão được đồng chí Nguyễn Trọng Hóa, Tham mưu phó Trung đoàn 18 chỉ huy cũng tràn xuống đánh chiếm Ràng Bò, tạo thành đoạn chia cắt khoảng 4km. 

Tiếp theo, Trung đoàn 101 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Giảng và Chính ủy Nguyễn Hữu Đang chỉ huy, sau khi giải quyết xong được dãy Hòn Kim Sắt cũng nhanh chóng phát triển xuống đường số 1, nên đến chiều ngày 22/3/1975 đoạn chia cắt trên đường số 1 của Sư đoàn 325 đã mở rộng khoảng 10km.

Sau khi nhận được báo cáo, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 đã điện biểu dương Sư đoàn 325 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chia cắt đường số 1 và nhắc nhở Sư đoàn 325 phải giữ vững khu vực đã chia cắt; nếu để địch đánh chiếm lại được đoạn chia cắt, thì không có công nào bù đắp nổi tội lỗi để địch mở thông lại đường số 1... 

Những ngày tiếp theo, Trung đoàn 101 và Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 18 dưới sự chỉ huy của Sư đoàn trưởng Phạm Minh Tâm phát triển lên phía Bắc tiêu diệt căn cứ Lương Điền phối hợp với các lực lượng  của Quân đoàn 2 và Quân khu Trị Thiên giải phóng Phú Bài và 10 giờ 30 phút ngày 25/3/1975 Trung đoàn 101 (Trung đoàn Trần Cao Vân - con đẻ của nhân dân Thừa Thiên Huế) đã cắm lá cờ giải phóng lên cột cờ Huế ở Phu Văn Lâu, báo tin toàn bộ thành phố Huế được hoàn toàn giải phóng.

Ở cánh phía Nam dưới sự chỉ huy của Sở chỉ huy nhẹ do tôi phụ trách, Trung đoàn 18 tiếp tục đánh chiếm mũi Né, quận lỵ Phú Lộc, đèo Phước Tượng (sở chỉ huy của lữ 258 thủy quân lục chiến ngụy) chiếm giữ.

Huế được giải phóng, quân địch ở đèo Phú Gia, Lăng Cô hoang mang. Nắm được tình hình trên, tôi triệu tập Ban chỉ huy Trung đoàn 18 mở rộng gồm đồng chí Phạm Hồng Lẫm, Trung đoàn trưởng, đồng chí Hồ Sĩ Khuyên, Chính ủy và một số cơ quan của Trung đoàn 18, đồng chí Viên trợ lý tác chiến sư đoàn, đồng chí Kim trợ lý trinh sát sư đoàn đi theo sở chỉ huy nhẹ của Sư đoàn 325 để bàn chủ trương tiếp theo.

Tôi nêu ý kiến: Lúc này Huế đã được giải phóng, quân địch ở đèo Phú Gia và Lăng Cô đang hoang mang. Phía trước bộ đội địa phương của Quân khu Trị Thiên đang chiến đấu với địch tại Thừa Lưu, Nước Trong. 

Đây là thời cơ để ta nhanh chóng phát triển đánh chiếm đèo Phú Gia, Lăng Cô, tạo điều kiện để ta đánh chiếm đèo Hải Vân và Đà Nẵng sau này.

Lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy về trận chiến giải phóng Đà Nẵng  ảnh 4

Lần đầu tiên công bố nhiều hình ảnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ

(GDVN) - Ngày 30/4/1975 mãi đi vào lịch sử dân tộc, là niềm tự hào của lớp lớp người dân Việt Nam ngày hôm nay và mãi mãi sau này.

 
Nhưng lúc này Trung đoàn 18 có những khó khăn, đồng chí Lẫm, Trung đoàn trưởng nêu: Hiện nay quân của trung đoàn đang phân tán, Tiểu đoàn 9 đang chốt ở dãy 560, 494; Tiểu đoàn 7 đã phát triển vào Huế; Tiểu đoàn 8 có Đại đội 7 đang chốt ở cửa Tư Hiền, trong tay của trung đoàn trưởng chỉ còn Tiểu đoàn 8 thiếu 1 đại đội và các đại đội trực thuộc; gạo, đạn cũng sắp hết. 

Đồng chí Khuyên, Chính ủy Trung đoàn nêu: Trung đoàn 18 đánh đến đây đã hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao, sức khỏe của bộ đội giảm sút, nên cho bộ đội dừng lại củng cố rồi hãy tiếp tục phát triển. Đồng chí Viên, trợ lý tác chiến, đồng chí Kim, trợ lý trinh sát của sư đoàn cùng ý kiến Trung đoàn 18 nên tiếp tục phát triển.

Qua các ý kiến trao đổi thấy rằng, nếu dừng lại thì mất thời cơ, nên tôi quyết định: Trung đoàn 18 tiếp tục phát triển phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương đánh chiếm Thừa Lưu, Nước Ngọt, đèo Phú Gia, Lăng Cô... để khắc phục khó khăn của trung đoàn về lực lượng đề nghị Sở chỉ huy cơ bản cho rút Tiểu đoàn 9 đuổi theo. 

Mỗi tổ chiến đấu trang bị thêm 1 khẩu phóng lựu M79 thu được của địch; đạn cối 82, cối 60 lấy đạn của địch bổ sung; gạo thiếu vào dân vay, khi nhận được tiếp tế sẽ trả lại dân.

Mọi người đều nhất trí với quyết định trên và chuẩn bị ra về để triển khai công việc, thì ngay lúc đó đồng chí Bùi Công Ái, Tham mưu trưởng Quân đoàn 2 tới. 

Tôi thay mặt Trung đoàn 18 báo cáo tình hình và kết quả chiến đấu của Trung đoàn 18 và quyết định của Trung đoàn 18 tiếp tục phát triển đánh chiếm Phú Gia, Lăng Cô... đề nghị quân đoàn bổ sung gạo, còn đạn thì đơn vị giải quyết. 

Sau khi nắm tình hình, đồng chí Bùi Công Ái hỏi thêm: "Trung đoàn 18 bắt được bao nhiêu tù binh?". 

Tôi trả lời: "Báo cáo, Trung đoàn 18 không bắt tù binh mà chỉ tước vũ khí rồi cho về địa phương vì không có gạo để nuôi". 

Đồng chí Tham mưu trưởng Quân đoàn đã biểu dương thành tích chiến đấu xuất sắc những ngày qua mà Trung đoàn 18 đã đạt được và nói: "Tôi xuống đây để truyền đạt lại mệnh lệnh của Bộ tư lệnh Quân đoàn: Trung đoàn 18 tiếp tục phát triển đánh chiếm đèo Phú Gia, Lăng Cô; sẵn sàng đánh chiếm đèo Hải Vân, tham gia giải phóng Đà Nẵng. Như vậy là quyết định của các đồng chí phù hợp với mệnh lệnh của Quân đoàn". 

Ngày 27/3/1975 Trung đoàn 18 đánh chiếm được đèo Phú Gia, phát triển đánh chiếm cụm quân địch ở Lăng Cô, quân địch ở đây dựa vào công sự chống trả quyết liệt. 

Sau nhiều lần tổ chức hỏa lực và tấn công dũng mãnh, đến chiều ngày 27/3/1975 mới đánh chiếm được Lăng Cô, cầu Lăng Cô và trận địa pháo của địch ở nam cầu Lăng Cô. 

Ta thu 4 khẩu pháo 105 ly, toàn bộ quân địch ở khu vực ga Lăng Cô và phía bắc chân đèo Hải Vân đều bị tiêu diệt, số còn lại chạy lên trên đường hầm xe lửa hòng phối hợp với lực lượng của thủy quân lục chiến đã bố trí sẵn để cố thủ. 

Suốt cả ngày 28/3/1975 quân ta tổ chức nhiều lần tấn công nhưng không chiếm được đường hầm và sườn bắc đèo Hải Vân, nên tạm thời phải dừng lại.

5 giờ sáng ngày 29/3/1975, một đại đội xe tăng lội nước PT85 do đồng chí Hoàng Đan, Phó tư lệnh Quân đoàn 2 chỉ huy tới ga Lăng Cô. 

Rất vui mừng tôi chạy ra báo cáo với đồng chí Phó tư lệnh Quân đoàn tình hình chiến đấu của Trung đoàn 18 trong 2 ngày 27 và 28/3/1975. 

Nghe xong, đồng chí Phó tư lệnh đã biểu dương chiến công của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 18 và thân mật nói: "Tớ mang cho các cậu một đại đội xe tăng", và giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 18 nhanh chóng đánh chiếm đèo Hải Vân, tham gia giải phóng Đà Nẵng. Nhận được lệnh trực tiếp từ đồng chí Phó tư lệnh Quân đoàn, mọi người vô cùng phấn khởi. 

Tôi báo cáo và đề xuất với Phó Tư lệnh Quân đoàn Hoàng Đan: Hiện nay, quân địch đang chiếm giữ hầm đường sắt và sườn phía bắc đèo Hải Vân là lữ đoàn 258 thủy quân lục chiến ngụy tuy 2 ngày vừa qua chống trả ta quyết liệt, nhưng do chúng trước đó đã bị Trung đoàn 18 của ta đánh cho thua phải chạy từ Phước Tượng, Phú Gia, Lăng Cô... về co cụm tại đây, nên chúng rất hoang mang. 

Lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy về trận chiến giải phóng Đà Nẵng  ảnh 5

Tướng Thước: Chiếm đèo Hải Vân, kẻ xấu có thể chia đôi đất nước

(GDVN) -Trung tướng Nguyễn Quốc Thước kịch liệt phản đối cấp phép cho dự án khu du lịch tại khu vực đèo Hải Vân bởi vị trí đặc biệt quan trọng về An ninh – Quốc phòng.

Giờ đây ta đã có xe tăng, có hỏa lực mạnh, ta có thể triển khai xe tăng, phát huy pháo và 12,7 của xe tăng, kết hợp với hỏa lực của Trung đoàn 18, tổ chức đợt hỏa lực ngắn chế áp địch, sau đó cho bộ binh ngồi trên xe tăng tấn công trong hành tiến. 

Khi quân địch thấy ta có xe tăng, có hỏa lực mạnh, chúng sẽ hoang mang bỏ chạy, lúc đó ta thừa thắng thọc nhanh lên đánh chiếm đèo Hải Vân.

Phương án này được Phó tư lệnh Hoàng Đan phê chuẩn, nhưng khi triển khai thực hiện gặp phải khó khăn là một đại đội xe tăng chỉ chở được một đại đội bộ binh, lực lượng còn lại chạy bộ sẽ không theo kịp xe tăng. 

Rất may trong bãi pháo của địch có một số xe ô tô GMC của địch bỏ lại còn tốt, ta có thể cho bộ binh và ban chỉ huy của Trung đoàn 18 ngồi trên xe ô tô GMC chạy theo sau. 

Nhưng bộ đội ta lại không có ai biết lái loại ô tô này, ta chọn giải pháp động viên được một số người dân là lái xe, xung phong lái xe chở bộ đội ta chiến đấu (số người này sau đó còn chở bộ đội tham gia hết chiến dịch Hồ Chí Minh). 

Để chỉ huy được chặt chẽ, kịp thời, tôi phân công đồng chí Nguyễn Tiến Lãi, Đại đội trưởng Đại đội 6 ngồi xe tăng đi đầu, đồng chí Trần Minh Thiệt, Tiểu đoàn trưởng ngồi xe tăng thứ hai, tôi ngồi xe tăng thứ ba, đồng chí Hoàng Đan, Phó tư lệnh Quân đoàn 2 ngồi xe tăng thứ tư. 

Sở chỉ huy Trung đoàn 18 do đồng chí Phạm Hồng Lẫm, Trung đoàn trưởng, đồng chí Hồ Sỹ Khuyên, Chính ủy cùng một đại đội bộ binh còn lại của Tiểu đoàn 8 ngồi trên xe ô tô bám theo sau.

Đúng như dự kiến, chỉ sau 15 phút tổ chức hỏa lực bắn chuẩn bị ngắn, một số địch ở trong cửa đường hầm và sườn đèo Hải Vân bị diệt, số còn lại bỏ chạy dạt vào rừng trên đèo Hải Vân.

Xe tăng và bộ binh ta thừa thắng xông lên, nhưng gần đến đỉnh đèo Hải Vân, cụm quân địch ở đỉnh đèo đã dựa vào các công sự bê tông được cấu trúc trước để ngăn chặn. 

Ngay lập tức, Đại đội trưởng Đại đội 6 đã lệnh cho bộ đội xuống xe tăng, chia làm hai cánh, dưới sự chi viện của pháo xe tăng và 12,7 quân ta đã dũng mãnh xung phong tiêu diệt được một số địch, số còn lại cũng bỏ chạy tán loạn, quân ta nhanh chóng chiếm được đỉnh đèo.

Đến khoảng 10 giờ ngày 29/3/1975 ta đã phát triển chiếm được kho xăng Liên Chiểu. Đây là một kho xăng lớn chứa hàng triệu tấn xăng để cung cấp cho toàn bộ vùng 1 chiến thuật của địch. Ta để lại một tiểu đội canh giữ, đại bộ phận đội hình tiếp tục đánh vào thành phố Đà Nẵng lúc hơn 11 giờ. 

Ở đây đã có một số lực lượng của các đơn vị bạn đang chiến đấu, súng nổ vang dội khắp nơi. Nhân dân cũng chạy ra chật ních các đường phố. Đội hình chiến đấu của Trung đoàn 18 không tiến vào thành phố được. 

Theo mệnh lệnh của Phó tư lệnh Hoàng Đan: Trung đoàn 18 không vào thành phố mà vượt qua cầu Trịnh Minh Thế để ra đánh chiếm quân cảng địch, giải phóng bán đảo Sơn Trà. 

Khi đội hình chiến đấu của Trung đoàn 18 ra tới cầu Trịnh Minh Thế và ngã ba sân bay Nước Mặn đã gặp bộ đội của Sư đoàn 2 Quân khu 5 phối hợp chiến đấu. 

Khoảng 13 giờ 30 ngày 29/3/1975, Trung đoàn 18 đã chiếm được quân cảng Sơn Trà - quân cảng lớn nhất của quân ngụy ở miền Nam, thu hàng trăm tàu chiến các loại, hàng trăm xe tăng, hàng ngàn khẩu pháo, súng cối (kể cả pháo 175mm - "Vua chiến trường"), hàng vạn súng các loại...

Đến hơn 17 giờ ngày 29/3/1975, quân ta chiếm cụm thông tin viễn thông trên núi Sơn Trà.

Bán đảo Sơn Trà được hoàn toàn giải phóng, tên trung tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh vùng 1 chiến thuật ngụy, ngày 28/3/1975 vẫn còn hùng hồn tuyên bố "tử thủ Đà Nẵng" nhưng trong đêm 29/3/1975 đã phải ngoi ngóp trên một chiếc xuồng nhỏ chuồn ra hạm đội 7 Mỹ đang chờ sẵn ở ngoài khơi Đà Nẵng. 

Kết thúc chiến dịch Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng, ta đã tiêu diệt hơn 10 vạn quân tinh nhuệ của quân lực Việt Nam cộng hòa, giải phóng hơn 5 triệu dân và địa bàn của 3 tỉnh. 

Thắng lợi của chiến dịch Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng có giá trị về chiến dịch và chiến lược, để cùng với thắng lợi của chiến dịch Buôn Mê Thuột, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975. 

Tài liệu tham khảo:

"Một đời binh nghiệp" - Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2010, trang 173 đến trang 202.

Đại tá Đặng Việt Thủy (ghi)