Cuộc tranh luận chưa hồi kết về ngày mở màn Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975

20/03/2016 09:05
Nguyễn Tấn Xuân
(GDVN) - Lịch sử đã có ngày 30/4 là ngày kết thúc đợt Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 nên tất yếu phải có ngày mở màn.

LTS: Từng tham gia Chiến dịch Tây Nguyên, nguyên Trung sĩ, A phó D4, E19, F968, tác giả Nguyễn Tấn Xuân vẫn luôn trăn trở vì hơn 40 năm qua lịch sử nước nhà chưa thể thống nhất ngày nổ súng mở màn Chiến dịch Tây Nguyên. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả nỗi niềm ấy. 


Đến giờ phút này, vì sao chúng ta vẫn chưa thống nhất được ngày nổ súng mở màn Chiến dịch Tây Nguyên theo đúng trình tự lịch sử chiến trận đã diễn ra? 

Với tư cách một người lính đã từng tham gia trong Chiến dịch Tây Nguyên, tôi có cái nhìn của người lính chiến về nghệ thuật chỉ đạo trong Chiến dịch Tây Nguyên của Bộ Tổng tham mưu và việc thực binh của Bộ chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên tại chiến trường.

Theo ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng đã khẳng định “…ngay từ đầu Chiến dịch Tây Nguyên, kế hoạch đánh thẳng vào thị xã Buôn Ma Thuột không thể thực hiện được”[1].

Cuộc tranh luận chưa hồi kết về ngày mở màn Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 ảnh 1
Nhân dân Tây Nguyên cùng bộ đội kéo pháo chiếm các đỉnh cao ở Pleiku. (Ảnh/TTXVN)

Như vậy, ta có quyền loại bỏ ngay từ đầu và dứt khoát trận đánh ngày 10/3 không phải là trận mở màn chiến dịch Tây Nguyên. 

Nếu theo ý kiến của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh trưởng Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975: 

Trận đánh ngày 4/3/1975 chỉ có ý nghĩa cắt đường 19 nối tiếp những trận đánh nghi binh ở Pleiku; nó chỉ có ý nghĩa cầm, giữ chân địch tại Bắc Tây Nguyên nhằm cô lập khi đánh giải phóng Buôn Ma Thuột để hướng đến mục tiêu lớn hơn là phong tỏa cao nguyên với đồng bằng duyên hải miền Trung.

Vậy tại sao các phương tiện thông tin truyền thông vẫn ngày ngày nhắc tới ngày 4/3 và ngày 10/3 mở màn Chiến dịch Tây Nguyên. Đồng nghĩa với điều này có nghĩa là, đây cũng là ngày mở màn đợt Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. 

Trong cuốn “Đại thắng mùa xuân” của Đại tướng Văn Tiến Dũng có đoạn:

 “…trong ngày 11 tháng 3, đồng chí Lê Duẩn nói với một số cán bộ cơ quan Bộ Tổng tham mưu: Các đồng chí hãy suy nghĩ xem trận Buôn Mê Thuột có phải là trận mở đầu cuộc Tổng tiến công lớn của ta không? Trận Buôn Mê Thuột là một đòn sét đánh đối với địch.Chúng choáng váng và rối loạn”…[2]

Cuộc tranh luận chưa hồi kết về ngày mở màn Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 ảnh 2

Các trận đánh then chốt, xuất hiện thời cơ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng

(GDVN) - Mùa Xuân 1975 cùng với thắng lợi to lớn của các chiến dịch, thời cơ lớn xuất hiện; toàn quân, toàn dân ta đi đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Rõ ràng, sau 8 ngày nổ súng mở màn Chiến dịch Tây Nguyên và cuộc đấu trí mưu lược căng thẳng giữa tướng lĩnh hai phía, mãi đến chiều ngày 9/3 Đại tướng Văn Tiến Dũng mới điện về báo cáo Bộ Chính trị: Ngày 10/3 sẽ đánh Buôn Ma Thuột. 

Đồng thời, Đại tướng báo cáo tình hình chiến dịch đã diễn ra từ ngày 1/3 đến ngày 9/3. Ông giải thích khoảng thời gian im lặng trong 8 ngày vừa qua không báo cáo Bộ Chính trị là vì … “để giữ bí mật”[3]. 

Sau trận đánh ngày 10/3, Tổng bí thư Lê Duẩn đã phát hiện tình thế mới của Chiến dịch Tây Nguyên, không còn là chiến dịch thuần túy của mặt trận vùng chiến thuật mà đã xuất hiện thời cơ thống nhất đất nước, vận mệnh mới của dân tộc trăm năm có một lần đã xuất hiện sau trận đánh Buôn Ma Thuột. 

Có lẽ vì ý kiến này, thời đó và hôm nay người ta vẫn diễn dịch sai ý của Lê Duẩn, cho rằng ông nói ngày 10/3 là ngày mở màn chiến dịch.

Cho tới hôm nay, ngày mở màn Chiến dịch Tây Nguyên vẫn là một câu hỏi khó. 

Ngay như việc kỷ niệm 40 năm ngày Thống nhất đất nước năm 2015, Trung ương hội Cựu chiến binh Việt Nam đã phát động "viết về những kỷ niệm sâu sắc mà mình trải nghiệm trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, diễn ra trong giai đoạn từ ngày 10/3/1975, mở màn Chiến dịch Tây Nguyên đến ngày 30/4/1075 kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”

Thật đáng tiếc, cuộc phát động này đã có một nhầm lẫn chết người về khoảng thời gian diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. 

Vậy thử hỏi, nếu đề thi môn Lịch sử có câu hỏi: Ngày mở màn chiến dịch Tây Nguyên là ngày nào? Thì học trò sẽ phải trả lời thế nào mới chính xác. 

Bởi, Trung ương Hội cựu chiến binh thì cho rằng đó là ngày 10/3. Trong khi đáp án của Bộ GD&ĐT lại khẳng định đó là ngày 4/3. 

Về mặt khoa học quân sự Việt Nam, từ các sự kiện chiến sự có thật của lịch sử, qua các tài liệu chỉ đạo, điện mật của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã công bố thì ngày 4/3 hay ngày 10/3 đều không phải là ngày mở màn Chiến dịch Tây Nguyên. 

Theo cuốn “Vũ Lăng một vị tướng tài, sâu nặng tình người” của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước có nêu: 

“… Thời gian đi chuẩn bị chiến trường cho chiến dịch Tây Nguyên 1975 vẻn vẹn chỉ có 75 ngày đêm với 3 lần Bộ Tổng Tư lệnh thay đổi nhiệm vụ, mục tiêu. 

Cuối cùng, chỉ trong 23 ngày đêm, ta đập tan tập đoàn chiến lược trên chiến trường Quân khu 2 ngụy, giải phóng hoàn toàn 4 tỉnh Tây Nguyên và 3 tỉnh ven biển Quân khu 5”
...

Cuộc tranh luận chưa hồi kết về ngày mở màn Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 ảnh 3

Tướng Thước nói về lời tiên tri của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(GDVN) - Tướng Thước: “Lời tiên tri của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về một nước Việt Nam độc lập, thống nhất đã trở thành hiện thực. Và Đại Tướng đã giữ lời hứa với tôi" .

Còn theo Lịch sử hiện đại ghi nhận, các tỉnh trên cao nguyên Tây Nguyên kỷ niệm ngày giải phóng đều trước 24/3/1975. Điều đó có nghĩa là Chiến dịch Tây Nguyên mở màn từ ngày 1/3/1975.

Tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh trưởng Chiến dịch Tây Nguyên khẳng định: Từ ngày 1/3/1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên trực tiếp điều hành mọi hoạt động của các lực lượng tham chiến trên toàn chiến trường, bằng trận đánh mở màn chiến dịch ở Đồn Tầm - Chốt Mỹ với mục tiêu thu hút Trung đoàn 45 sư 23 của địch về Pleiku...

Và, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo từng khẳng định: 

 “....Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây nguyên đã làm tất cả những gì có thể để buộc địch phải tăng cường lực lượng hơn nữa lên hướng bắc, rồi kìm giữ chúng ở đây.

Có thể nói chúng ta đã thực hiện cả một chiến dịch nghi binh từ tung tin thất thiệt, tạo những sơ hở giả đến việc tiến hành công tác chuẩn bị thiết bị chiến trường, điều động lực lượng úp úp mở mở...." .  (trích trong cuốn "Bàn về nghệ thuật quân sự" , trang 184)

Ngoài ra, tướng Thảo cũng đề cập: 

Lâu nay các sử liệu thường tổng hợp là 55 ngày đêm chiến đấu tiến tới giải phóng miền Nam từ ngày 4 tháng 3 đến 30/4/1975 là chưa đúng. 

Vì đánh nghi binh từ ngày 1/3/1975 là rất quan trọng, không có đánh nghi binh thì khó thành công như thế. 

Cho nên phải tính từ ngày 1 tháng 3 chứ không phải tính từ ngày 4/3/1975 là ngày đánh cắt đường sau đó
” (trích trong cuốn "Bàn về nghệ thuật quân sự", trang 249 - NXB Chính trị Quốc gia-2008.

Thậm chí, trận đánh nghi binh này nằm trong lập thế Chiến dịch Tây Nguyên như tướng Hoàng Minh Thảo phê phán tầm nhìn hạn chế sau này của các nhà bình luận quân sự khi không thừa nhận “đòn nghi binh” nằm trong chiến dịch Tây Nguyên:
 
 “…..Phải nhìn rộng ra một chút để thấy rõ vấn đề. Chúng ta có một lực lượng lớn ở Tây Nguyên nhưng trước ngày nổ súng, toàn bộ lực lượng này đã được đưa vào lập thế chiến dịch với các nhiệm vụ: nghi binh (sư đoàn 968), chia cắt (Sư đoàn 320, Trung đoàn 95A ), đánh thị xã Buôn Ma Thuột (Sư đoàn 316, Trung đoàn 95B, Trung đoàn 271)”.

Trận mở màn Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 thần kỳ có giá trị lịch sử, tính khoa học quan trọng như vậy, là tài sản trí tuệ vô giá của Quân đội nhân dân Việt Nam trong việc bảo vệ Tổ quốc như thế nhưng tại sao ngày mở màn "thực" không thể thống nhất?

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn, cách hành văn và góc nghiên cứu riêng của tác giả.

Tài liệu tham khảo: 

[1] Trích Chương 4: “Hạ quyết tâm chiến lược” (cuốn “Tổng hành dinh”) của Đại tướng Võ nguyên Giáp.

Trích Chương 3: “Chiến trường quan trọng” (cuốn “Đại thắng mùa xuân 1975”) của Đại tướng Văn Tiến Dũng.

[2] Trích Chương 5: “Cài thế” (cuốn “Đại thắng mùa xuân 1975”) của Đại tướng Văn Tiến Dũng.

 [3] Trích Chương 3: “Chiến trường quan trọng” (cuốn “Đại thắng mùa xuân 1975”) của Đại tướng Văn Tiến Dũng.

Nguyễn Tấn Xuân