Đôi nét về phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam

27/04/2017 07:00
Đại tá Đặng Việt Thủy
(GDVN) - Trong lịch sử quân đội Mỹ, các cuộc phản đối chiến tranh tại Việt Nam đã trở thành phong trào rầm rộ, tác động sâu sắc và lâu dài đến xã hội Mỹ.

LTS: Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017), Đại tá Đặng Việt Thủy tiếp tục gửi đến bạn đọc bài viết về phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Cuộc chiến tranh của Mỹ xâm lược Việt Nam là một trong những cuộc chiến tranh lớn nhất, chi phí nhiều nhất với tổn thất nhiều nhất về người trong lịch sử chiến tranh của Mỹ và là cuộc bại trận đầu tiên của Mỹ.

Để phục vụ lợi ích chiến tranh toàn cầu, Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Việc Mỹ bị sa lầy trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã tác hại lớn đến lợi ích chiến lược toàn cầu của Mỹ. Mỹ buộc phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam để cứu lợi ích toàn cầu của Mỹ. 

Rốt cuộc Mỹ đã phải dùng chiến lược toàn cầu của Mỹ để phục vụ việc rút quân Mỹ khỏi Việt Nam.

Mỹ đã không can thiệp khi ta Tổng tiến công và nổi dậy để giải phóng hoàn toàn miền Nam mùa Xuân năm 1975.

Đó là vì Mỹ đã trải qua một chuỗi dài thất bại ở Việt Nam, cũng là vì những lợi ích toàn cầu của Mỹ do Mỹ đã lùi một bước về chiến lược khi ký Hiệp định Pa-ri ngày 27/1/1973.

Mỹ dùng chiến tranh ở Việt Nam làm thí điểm cho chiến tranh của Mỹ đàn áp phong trào cách mạng thế giới và để răn đe nhân dân thế giới.

Ngược lại, nhân dân thế giới coi cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam là tiêu điểm của cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ là kẻ thù chung của nhân dân thế giới.

Đôi nét về phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam ảnh 1

Độc lập, tự do - khát vọng ngàn đời của người dân đất Việt

Nhân dân thế giới coi thắng lợi hoặc thất bại của nhân dân Việt Nam có liên quan trực tiếp đến số phận của nhân dân toàn thế giới.

Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trở thành lương tri của nhân loại.

Việt Nam đã trở thành "nơi thử thách sức mạnh và uy tín của đế quốc Hoa Kỳ", như những người cầm quyền Mỹ đã thú nhận.

Cuộc chiến tranh Việt Nam đã làm suy yếu Mỹ, gây nên cuộc khủng hoảng ngay trong lòng xã hội Mỹ, làm thức tỉnh lương tri của người dân Mỹ cũng như lương tri của nhân loại.

1. Phong trào phản chiến của thanh niên và binh lính Mỹ


Ngay trong thời gian chiến tranh, phong trào phản chiến của thanh niên, binh lính Mỹ đã diễn ra rất mạnh mẽ trên khắp nước Mỹ.

Điều đáng chú ý là, trước khi xảy ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, được phục vụ trong quân đội là niềm tự hào, ước mơ của nhiều thanh niên Mỹ. 

Ngoài niềm vinh dự khi tại ngũ, họ còn nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi giải ngũ.

Khi cuộc chiến tranh phi nghĩa này xảy ra, người thanh niên đầu tiên có hành động phản kháng bằng cách đốt thẻ quân dịch là David O'Brien ở Boston. 

Lúc đầu hình thức phản kháng này bị Tòa án liên bang truy tố, về sau phong trào phát triển trên toàn quốc thì nhà tù không còn đủ chỗ giam giữ nữa. 

Phong trào phản chiến của thanh niên Mỹ phản đối chiến tranh tại Việt Nam. (Ảnh đăng trên TTXVN)
Phong trào phản chiến của thanh niên Mỹ phản đối chiến tranh tại Việt Nam. (Ảnh đăng trên TTXVN)

Đỉnh cao phong trào vào những năm sau năm 1967, chỉ tính riêng ở San Francisco trong tháng 10 năm 1967 đã có 300 thanh niên đốt thẻ quân dịch. 

Khi cuộc biểu tình xảy ra trước Lầu Năm Góc thì có một bao tải thẻ được chuyển đến Tòa án liên bang để xem xét. 

Chỉ trong tháng 5 năm 1969 tại bang Ca-li-phooc-ni-a đã có 4.400 người chống quân dịch. Lúc đầu phong trào này chỉ xuất hiện ở bộ phận lính nghĩa vụ, sau lan truyền cả sang bộ phận lính tình nguyện.

Khi cuộc chiến tranh Việt Nam lên đến đỉnh cao, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc bắt lính gắt gao, hàng vạn thanh niên đã trốn ra nước ngoài hoặc lưu thân trong các nhà thờ để tránh nhập ngũ. 

Các quốc gia mà thanh niên Mỹ đến tập trung đông nhất ở Ca-na-đa, sau đó là Pháp, Thụy Điển, Hà Lan... 

Riêng năm 1967 đã có khoảng 47.000 thanh niên trốn lính, lúc cuộc chiến tranh này lan rộng ra cả Đông Dương thì con số này là 89.000 người.

Thời kỳ cuộc chiến tranh leo thang ra miền Bắc Việt Nam, trên đường chuyển bom đến căn cứ không quân ở Thái Lan, có những quả bom bị vặn ngược lại kíp nổ. 

Tháng 5 năm 1965, một quân nhân tên là Richard Steinke, từng tốt nghiệp Học viện West Point danh tiếng, đã từ chối đi càn quét ở một làng tại Nam Việt Nam, lý do là "người Mỹ không đáng tốn sinh mạng bởi cuộc chiến tranh vô nghĩa này".  

Năm 1965, có ba quân nhân từ chối sang Việt Nam với lý do "Mỹ đang theo đuổi cuộc chiến tranh vô đạo đức, không hợp lệ và phi nghĩa". 

Đôi nét về phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam ảnh 3

Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Đại úy, bác sĩ Howard Levy từ chối giảng bài vì "họ đang được huấn luyện để sang giết những phụ nữ và nông dân Việt Nam nghèo vô tội". 

Tại Phú Bài, tháng 4 năm 1972, có 40 lính phản chiến trong tổng số 142 lính đóng ở đây. 

Theo báo cáo của Bộ quốc phòng Mỹ, chỉ tính riêng năm 1971, đã có 1.000 quân nhân Mỹ tại Nam Việt Nam đã "vắng mặt" khi được phân công làm nhiệm vụ. 

Trong những sư đoàn có mặt tại Nam Việt Nam, họ lập ra những nhóm và ủy ban "vì hòa bình", mặc dù hình thức này có thể bị xử tù và thời hạn có thể là hơn 10 năm. 

Trong hàng ngũ binh sĩ Mỹ, những người da màu bị phân biệt đối xử, bị giao những nhiệm vụ nguy hiểm nên tỉ lệ phản chiến của họ là cao nhất. 

Lính da đen phản chiến phải ra hầu tòa và chịu phạt tù không dưới 7 năm, mức án cao hơn lính da trắng, thế nhưng họ vẫn luôn đi đầu phong trào phản chiến.

Những lính Mỹ đã giải ngũ cũng có nhiều hình thức phản kháng chiến tranh. 

Ở Fort Jackson có quán cà phê của GIs (lính Mỹ) mọc lên và bị đóng cửa, lập tức khắp các bang lại mọc lên nhiều quán cà phê kiểu này. 

Ở Fort Devens có kho sách riêng của GIs, năm 1970 từng có 50 tờ báo của cựu binh Mỹ. 

Tháng 10 năm 1969 xảy ra một cuộc biểu tình lớn, có sự phối hợp của nhân dân Mỹ với GIs, đi đầu là các cựu binh quấn băng tay do vết thương trên chiến trường Đà Nẵng, Củ Chi. 

Họ tuần hành trên các đường phố ở Thủ đô Washington, mang khẩu hiệu, áp phích phản chiến.

Mùa thu năm 1970 có 28 sĩ quan gồm cả những người đã từng ở Việt Nam, thay mặt 250 sĩ quan khác thông báo với Lầu Năm Góc về thái độ phản chiến của họ. 

Đôi nét về phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam ảnh 4

Có dòng sông nào không bên lở bên bồi?

Tháng 4 năm 1971, hàng nghìn người đến Thủ đô Washington biểu tình, họ ném trả các huân chương từng được tặng ở Việt Nam, qua hàng rào vào Nhà Trắng. 

Năm 1972, một số phi công lái máy bay B-52 không chịu nhận nhiệm vụ ném bom Hà Nội, Hải Phòng. 

Có một thống kê cho rằng, sau chiến tranh Việt Nam, có chừng 700.000 lính Mỹ giải ngũ trong tình trạng "kém danh sự".

Trong lịch sử quân đội Mỹ qua các cuộc chiến tranh đều có phản chiến nhưng ở mức độ nhỏ, lẻ tẻ, tự phát, chỉ có ở chiến tranh Việt Nam thì mới thành phong trào rầm rộ, tác động sâu sắc và lâu dài đến xã hội Mỹ.

2. Phong trào chống chiến tranh xâm lược Việt Nam của nhân dân Mỹ 

Trong khi đế quốc Mỹ đang tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam thì ngay trong lòng nước Mỹ cũng có một cuộc chiến tranh khác, đó là phong trào đấu tranh của chính nhân dân tiến bộ Mỹ.

Ngay từ khi Mỹ bắt đầu dính líu vào Việt Nam, nhân dân Mỹ đã có những cảnh báo sớm. Tháng 4 năm 1963 có cuộc diễu hành ở Niu Yoóc, tháng 8 năm 1963 có cuộc biểu tình ngồi ở nhiều thành phố. 

Mùa thu năm 1965, khi lính Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam Việt Nam thì phong trào phản đối chiến tranh trở nên rầm rộ, các tổ chức liên kết nhau thành lập "Ủy ban phối hợp toàn quốc". 

Ủy ban này tổ chức hai đợt đầu tiên có quy mô toàn quốc, đợt thứ nhất từ ngày 15 đến 17/10/1965, đợt thứ hai từ ngày 15 đến 25/1/1966, mỗi đợt lôi cuốn hơn nửa triệu người tham gia ở hơn 100 thành phố. 

Đôi nét về phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam ảnh 5

Cuộc tranh luận chưa hồi kết về ngày mở màn Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975

Cũng từ đây xuất hiện những cuộc tự thiêu gây chấn động lớn: cụ bà Hez (tháng 3 năm 1965), La Porte (tháng 10 năm 1965)...

Điển hình là anh No-man Mo-ri-sơn, người mà nhà thơ Tố Hữu đã xúc động viết bài thơ "Ê-mi-ly, con" vào tháng 11 năm 1965, nói về em bé Ê-mi-ly, 18 tháng tuổi, là con gái út của No-man Mo-ri-xơn. 

Yêu con tha thiết, ngày 2/11/1965, anh Mo-ri-xơn đã bế Ê-mi-ly từ nhà đến Lầu Năm Góc, và tại đấy, sau khi đặt Ê-mi-ly xuống đất rồi nhìn con gái lần cuối cùng, người cha anh dũng đó đã châm lửa tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của nhà cầm quyền Mỹ ở Việt Nam. 

Bài thơ có những câu:

Ê-mi-ly, con cùng cha
Sau khôn lớn con thuộc đường, khỏi lạc...
- Đi đâu cha?
- Ra bờ sông Pô-tô-mác
- Xem gì cha?
- Không con ơi, chỉ có Lầu ngũ giác.
Ôi con tôi, đôi mắt tròn xoe
Ôi con tôi, mái tóc vàng hoe
Đừng hỏi cha nhiều con nhé!
Cha bế con đi, tối con về với mẹ...
Oa-sinh-tơn
Buổi hoàng hôn
Ôi những linh hồn
Còn, mất
Hãy cháy lên, cháy lên Sự thật!
............
Ê-mi-ly, con ơi!
Trời sắp tối rồi...
Cha không bế con về được nữa!
Khi đã sáng bùng lên ngọn lửa
...........
Oa-sinh tơn
Buổi hoàng hôn
Còn mất?
Đã đến lúc lòng ta sáng nhất
Ta đốt thân ta
Cho ngọn lửa chói lòa
Sự thật.


Từ năm 1965 đến năm 1968 có tới tám vụ tự thiêu phản đối chiến tranh ở Mỹ.
Năm 1967, khi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có những đề nghị hòa bình, đế quốc Mỹ bắt đầu sa lầy chiến tranh thì phong trào chống chiến tranh của nhân dân Mỹ càng lên cao. 

Đợt đấu tranh mùa thu từ ngày 15 đến 21/10/1967 lôi cuốn 3,5 triệu ngưởi ở hàng trăm thành phố cùng tham gia. 

Các hình thức đấu tranh: đốt thẻ quân dịch, chống đi lính, trả lại huân chương chiến tranh, nhập cư ra nước ngoài để chống quân dịch... được đông đảo thanh niên tham gia, trong đó có Bill Clinton, người sau này là Tổng thống Mỹ và là người đóng góp lớn cho việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Đôi nét về phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam ảnh 6

Nga liệt kê 7 nguyên nhân lớn quân Mỹ thất bại ở Việt Nam

Sang năm 1968 xuất hiện nhiều hình thức đấu tranh mới, "Ngày ngừng hoạt động", làm tê liệt nhiều hoạt động ở nhiều thành phố của Mỹ. 

Sinh viên nhiều trường đại học dựng chiến lũy để đối phó với cảnh sát, bao vây Bộ quốc phòng...

Năm 1970, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương thì phong trào Moratorium chuyển sang thành phong trào Mobilizasion (Tổng động viên), điển hình là vụ xung đột giữa sinh viên Trường đại học Kent bang Ohio với Cảnh sát quốc gia diễn ra ngày 4/5/1970, có 4 sinh viên bị giết chết, 11 người bị thương. Vụ này gây chấn động chính trị, xã hội rất lớn. 

Năm 1973, khi Tổng thống Ních-xơn mưu toan lật lọng Hiệp định Pa-ri thì các cuộc đấu tranh quy mô lớn lại nổ ra, làm tê liệt nhiều hoạt động xã hội và cả bộ máy chính quyền.

Một số thống kê: Từ năm 1966 đến 1973 có rất nhiều thanh niên đào ngũ, ở Việt Nam có 778 vụ lính Mỹ giết sĩ quan cấp trên, nhiều lính Mỹ viết lên mũ "Không phục tùng lệnh ngu xuẩn", nhiều lính Mỹ vô kỷ luật, tự thương...

Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, các phong trào đấu tranh của nhân dân Mỹ đó được coi là cuộc chiến tranh để chấm dứt chiến tranh, một cuộc chiến tranh chưa từng có trong lịch sử nhân loại, thể hiện khát vọng hòa bình của nhân dân tiến bộ Mỹ cũng như nhân dân các nước trên thế giới.

* Tài liệu tham khảo:
- Học viện Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, "Đại thắng mùa Xuân 1975 - nguyên nhân và bài học", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2003.
- "Góp phần tìm hiểu về 30 năm chiến tranh giải phóng ở Việt Nam (1945-1975) - Hỏi và đáp", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2009.
- "Tuyển tập thơ Tố Hữu", Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội - 2005.

Đại tá Đặng Việt Thủy