Khởi kiện “nhân tài” là nhân văn và để thu hồi tiền thuế của nhân dân

26/05/2018 06:00
Tấn Tài
(GDVN) - Việc khởi kiện các học viên đề án vi phạm ra tòa án là cần thiết để thu hồi tiền thuế của nhân dân đóng góp.

Trước những vấn đề đặt ra xung quanh việc các “nhân tài” ở Đà Nẵng nghỉ việc, bị khởi kiện ra tòa, ngày 25/5, đại diện sở Nội vụ Đà Nẵng đã cung cấp các thông tin “về tình hình triển khai đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố”.

Đó có phải là “nhân tài”?

Theo đại diện sở Nội vụ, tính đến nay, thành phố đã cử 616 người đi học theo đề án 922. Trong đó, có 460 học viên đã được bố trí công tác.

Nhiều học viên đề án 922 đang làm việc tại các khu vực công đã xin rút đề án vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Ảnh: TT
Nhiều học viên đề án 922 đang làm việc tại các khu vực công đã xin rút đề án vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Ảnh: TT

Ông Võ Ngọc Đồng - Giám đốc sở Nội vụ Đà Nẵng cho hay, có 40 học viên rút khỏi đề án khi đang công tác trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến 2018.

Với thời gian 14 năm thì mức độ nghỉ việc của học viên không lớn. Riêng thời gian sau này, học viên nghỉ nhiều hơn.

Lý do chính mà các học viên này “xin rút” là để đoàn tụ gia đình hoặc giải quyết việc gia đình, 6 trường hợp lý do cá nhân (để theo học ở bậc cao hơn)...

Theo ông Đồng, đây là vấn đề không mới và đã được thành phố nhìn nhận, đánh giá kỹ càng cách đây một năm để thấy rõ những ưu điểm/hạn chế của đề án này.

Đà Nẵng dừng chi tiền cho nhân tài đi du học, sẽ thay đổi cách thu hút, đãi ngộ

Năm 2017, Hội đồng nhân dân thành phố cũng đã ban hành nghị quyết về “ban hành chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố Đà Nẵng”.

Đây là lần đầu tiên các hoạt động phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công được quy định trong một văn bản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận cũng như đảm bảo hiệu quả khi thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Chiến - Phó giám đốc sở Nội vụ cho rằng, việc các phương tiện truyền thông và dư luận nói các học viên đề án 922 là “nhân tài” thì chưa được đúng lắm.

Bởi từ năm 1998 đến nay, đã có hơn 1.000 người về thành phố làm việc. Và có hơn 500 người được cử đi đào tạo ở trong và ngoài nước. Nếu gọi tất cả những học viên đó là “nhân tài” thì không được chính xác – ông Chiến nói.

Khác với các đề án đào tạo nhân lực của Bộ giáo dục (đề án 911 hay 322), đề án 922 của Đà Nẵng có hợp đồng ký kết giữa học viên và thành phố khá rõ ràng, cụ thể.

Trong đó có quy định các quyền và nghĩa vụ liên quan giữa hai bên. Khi xảy ra vi phạm thì căn cứ hợp đồng để xử lý.

“Hầu hết các học viên đề án 922 khi ra khỏi đề án đều chấp nhận bồi hoàn, chỉ rất ít không thực hiện nên buộc chúng tôi khởi kiện ra tòa. Qua đó, đã thu hồi hơn 89 tỷ đồng cho ngân sách”, ông Chiến nói.

Có nhiều ý kiến cho rằng, Đà Nẵng đã vội vàng khi khởi kiện “nhân tài” ra tòa và đó là một quyết định không nhân văn.

Nhưng theo quan điểm của ông Chiến thì nhân văn nhất là việc để Tòa án giải quyết theo hợp đồng đã ký kết. Và quan trọng nhất là thu hồi lại tiền thuế của nhân dân bỏ ra (ngân sách đầu tư đi đào tạo).

Nhiều thay đổi về chính sách thu hút “nhân tài”

Trả lời câu hỏi về việc làm sao không để xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám”, ông Đồng cho rằng, việc chuyển dịch nhân lực từ khu vực công ra ngoài và ngược lại thì đó là sự chuyển dịch bình thường của bất kỳ nền hành chính nào.

Khởi kiện “nhân tài” là nhân văn và để thu hồi tiền thuế của nhân dân ảnh 2Cựu bí thư Nguyễn Sự: Chính quyền kiện là đúng, nhưng cũng phải xem lại mình

“Nếu như những bạn giỏi, có đạo đức ra khỏi đề án là điều cực kỳ tiếc. Bởi Đà Nẵng đang rất cần những người giỏi để phát triển thành phố. Hiện tượng nhân lực ra khỏi khu vực công thì nhiều chứ không phải chỉ học viên đề án”.

Ông Đồng cũng bày tỏ làm tiếc khi các học viên rời đề án. Do đó, để giữ chân học viên cũng như cán bộ có năng lực, phẩm chất, gắn bó với thành phố thì Đà Nẵng đã có những thay đổi về chính sách.

Trong đó, tạo điều kiện tốt nhất để công chức hoặc học viên đề án thực hiện công việc của mình một cách tốt nhất, tạo môi trường cho họ có cơ hội thể hiện tài năng.

“Có hai vấn đề chính ở đây là tổ chức bộ máy và biên chế tiền lương. Đối với chế độ tiền lương cũng gây khó khăn cho công chức, họ chưa thể yên tâm công tác.

Trước đây, Đà Nẵng có chính sách hỗ trợ thêm cho cán bộ thuộc diện thu hút hoặc học viên đề án 1 triệu đồng/tháng. Nhưng cái này trái với quy định nhà nước nên phải hủy”, đại diện sở Nội vụ chia sẻ.

Theo vị này, từ năm 2013, Đà Nẵng đã không cử học viên đi học Đại học bằng nguồn ngân sách mà chỉ đào tạo sau Đại học đối với các chuyên ngành mà thành phố đang cần.

“Đào tạo, bồi dưỡng học viên tại chỗ thông qua các khóa học là phương án để nâng cao năng lực cán bộ.

Việc đào tạo gắn với nhu cầu của thành phố, không tập trung vào tăng số lượng người mà nâng cao chất lượng là chính.

Ví dụ như, chúng ta cử bác sĩ sang Anh học một khóa ngắn hạn về mổ tim cho trẻ em. Sau khi về nước, họ sẽ thành thục chuyên môn đó và nhu cầu thực tế cũng cần”, ông Đồng nói thêm.

Thời gian qua, có trên 200 học viên được bố trí vào công chức (đặc cách và thi tuyển) là sự nỗ lực rất lớn của thành phố. Hiện còn 173 người (thuộc đề án 922) chưa được tuyển vào công chức.

Liên quan đến đến việc nhà nước bỏ kinh phí để cử học viên đi đào tạo, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết phản ánh, phân tích về những cái được - mất của chính sách này.

Tấn Tài