Đề án 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 Tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang được dư luận đặc biệt quan tâm mấy ngày qua.
Câu chuyện sử dụng ngân sách để bồi dưỡng, đào tạo nhân tài ở Đà Nẵng hay một số địa phương khác được xem là bài học quý cho Bộ Giáo dục khi phân vân giữa thu hút, đãi ngộ hay đào tạo?
Nếu như trước đây, Đà Nẵng là địa phương “đầu tàu” trong việc chi tiền ngân sách cử cán bộ đi đào tạo nước ngoài với đề án 922 thì nay phải dừng lại, chuyển sang thu hút.
Nguyên do là nhiều học viên đề án sau khi học xong đã chọn con đường ở lại nước ngoài, chấp nhận bồi thường để phá vỡ hợp đồng.
Một số trở về nhưng lâm vào cảnh phải “bưng trà, rót nước”, chứ không được làm chuyên môn của mình nên cũng chọn con đường ra đi.
Đã xảy ra nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười khi thành phố khởi kiện “nhân tài” ra Tòa án để đòi lại khoản tiền đã đầu tư.
Do đó, địa phương này đã đưa ra một chính sách thu hút nhân tài bằng chính sách đãi ngộ chưa từng có với học viên được đào tạo tại các trường trong danh sách 200 trường đại học hàng đầu thế giới.
Cụ thể như có trình độ đại học: 180 lần mức lương cơ sở, thạc sĩ: 230 lần mức lương cơ sở và tiến sĩ: 280 lần mức lương cơ sở.
Đào tạo rồi có giữ chân được Tiến sĩ?
Quay lại câu chuyện bỏ ra 12.000 tỷ đồng để đào tạo 9.000 Tiến sĩ của Bộ Giáo dục đang khiến dư luận băn khoăn khi chỉ mới đây,
cơ quan chức năng của Bộ này đã phát hiện ra “lò ấp Tiến sĩ” tại Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam.
Câu chuyện Đà Nẵng khởi kiện nhân tài đi học nước ngoài bằng nguồn ngân sách là bài học cho Bộ Giáo dục và Đào tạo khi hoàn thiện đề án đào tạo 9.000 Tiến sĩ. Ảnh: AN |
Không nói thì ai cũng biết về chất lượng của các Tiến sĩ đi ra từ những lò như vậy. Vậy 9.000 Tiến sĩ mà Bộ Giáo dục đang dự kiến đào tạo ra có ai kiểm định được chất lượng?
Người dân có quyền nghi ngờ chất lượng của những Tiến sĩ ấy. Bởi nhìn vào số lượng Tiến sĩ xếp nhất nhì Đông Nam Á nhưng các sản phẩm công bố, bài báo khoa học có chỉ số ISI thì chót bảng.
Tiến sĩ nước ngoài trở về rồi “dứt áo ra đi”, chuyện chưa bao giờ kể! |
Ngay trong bản thân đề án 911 hay 322 của Bộ Giáo dục cũng đang gặp nhiều vấn đề khi giảng viên được cử đi học nước ngoài trở về phải chật vật với mức lương bèo bọt.
Nhiều học viên của các đề án này than phiền về mức kinh phí nhà nước hỗ trợ không đủ, không chuyển đúng thời hạn… gây khó khăn cho nghiên cứu sinh.
Nhiều nghiên cứu sinh phải làm thêm ở ngoài để kiếm thêm tiền trang trãi cuộc sống, gây ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Bỏ ra hàng tỷ đồng để đi học ở nước ngoài trở về nhưng có một thực tế khiến nhiều Tiến sĩ ngoại phải vỡ mộng.
Đó là mức lương mà các trường trả cho họ chỉ vài triệu đồng/tháng, không đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Mới đây, tại cuộc làm việc với Cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), lãnh đạo nhiều trường đại học phàn nàn vì không tuyển được đội ngũ giảng viên thay thế.
“Lý do là trường đặt ra yêu cầu tìm người tốt, đặt ra tiêu chuẩn cao. Nhưng với tiền lương như vậy thì người giỏi họ không về.
Tôi xin 20-30 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được khoảng 10- 15 người. Số lượng người “đầu quân” về rất nhỏ. Vấn đề là làm sao đưa được người giỏi về với chúng ta?”, một lãnh đạo trường đại học nói. [1]
Để những Tiến sĩ nước ngoài trở về toàn tâm toàn ý phục vụ nhà trường thì cần phải trả một mức lương tương xứng với tài năng họ bỏ ra.
Có như vậy thì thái độ, tinh thần và tình yêu nghề của họ cũng dần mai một.
Đừng để hàng ngàn tỷ đồng “trôi sông”
Vấn đề đặt ra là liệu chi hàng ngàn tỷ đồng như vậy để đào tạo Tiến sĩ nhưng có giữ chân được họ.
Vài lời bàn về việc tiêu 12 ngàn tỷ đồng để đào tạo 9000 tiến sĩ |
Hay những Tiến sĩ này sau khi hoàn thành khóa học lại chọn con đường ra đi tìm kiếm môi trường tốt hơn, mức lương cao hơn, tương xứng với năng lực của họ.
Vậy tại sao Bộ giáo dục lại không sử dụng số tiền ấy để thu hút hàng ngàn Tiến sĩ đang “lưu lạc” ở nước ngoài trở về phục vụ?
Hoặc tạo ra những khoản chi phí hỗ trợ Tiến sĩ đang làm việc tại các trường đại học tăng cường các nghiên cứu, công bố quốc tế.
Bởi như tâm sự của một nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Dong-A (Busan, Hàn Quốc) rằng: “Nhân tài học xong ai cũng muốn về cống hiến cho đất nước, nhưng… chính môi trường làm việc, mức lương và các chế độ đãi ngộ đã khiến họ phải “ra đi”.
Một khảo sát của Nghiên cứu sinh này tại Đại học Dong-A đã đưa ra một con số giật mình là 80% du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc chọn con đường không trở về Việt Nam mà ở lại kiếm việc làm hoặc đi sang một nước thứ ba [2].
Còn nếu Bộ vẫn quyết làm đề án này thì cần phải tính toán kỹ để kiểm định chất lượng đào tạo Tiến sĩ “ra lò” từ đề án này.
Có cơ chế đãi ngộ hợp lý khi những Tiến sĩ này trở về làm việc. Nếu không, lại xảy ra chuyện Bộ đi khởi kiện Tiến sĩ để đòi lại tiền đào tạo như Đà Nẵng hiện nay.
Ngoài ra, cần hoàn thiện chính sách để tránh trường hợp đào tạo về nhưng họ không phát huy được sở trường, lại phải ra đi, khiến hàng ngàn tỷ đồng của người dân đổ sông, đổ biển.
Tài liệu tham khảo:
[2] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nhan-tai-hoc-xong-ai-cung-muon-ve-cong-hien-cho-dat-nuoc-nhung-post172745.gd