LTS: Địa phương đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng cho các học viên thuộc đề án 922 ra nước ngoài học tập để quay về phục vụ sự phát triển của thành phố.
Tuy nhiên, nhiều học viên hoàn thành khóa học thì ở lại nước ngoài định cư hoặc tiếp tục học lên cao khiến “chủ đầu tư” là TP.Đà Nẵng phải phát đơn khởi kiện ra tòa nhằm thu hồi vốn.
“Cuộc chiến” giữa các nhân tài và chính quyền TP.Đà Nẵng nổ ra đã phát lộ những bất cập của mô hình “chi tiền ngân sách cho cán bộ đi học nước ngoài”.
Liệu rằng có nên tiếp tục duy trì mô hình nay hay đầu tư theo hướng khác như tăng các chế độ đãi ngộ về lương, nhà ở, cơ hội thăng tiến... để thu hút nhân tài?.
Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam sẽ có loạt bài phản ánh tình trạng này cũng như quan điểm của các chuyên gia hàng đầu về giáo dục.
Qua hơn 10 năm triển khai, đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (gọi tắt là đề án 922) của Đà Nẵng đã chi hơn 600 tỷ đồng để đào tạo học viên chất lượng cao.
Theo Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (viết tắt là CPHUD), đơn vị được TP.Đà Nẵng giao nhiệm vụ tuyển chọn, quản lý học viên, tính đến đầu năm nay, đã có 626 người tham gia đề án 922.
Mỗi học viên “ngốn” hàng tỷ đồng
Với thành tích học tập xuất sắc, tháng 9-2010, anh Huỳnh Văn Long, nguyên là học sinh trường THPT chuyên Lê Qúy Đôn được UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt tham gia đề án.
Long được cử đi học ngành Kỹ sư xây dựng dân dụng tại trường đại học Nottingham (Vương quốc Anh) với thời gian học là bốn năm.
Đà Nẵng bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để đào tạo nhân tài phục vụ sự phát triển của thành phố. (Ảnh: An Nguyên) |
Giữa anh Long và Trung tâm CPHUD (đại diện cho UBND TP.Đà Nẵng) ký kết một bản hợp đồng. Trong đó nêu rõ, học viên được hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo như: học phí, bảo hiểm y tế, số tiền sinh hoạt phí là 1.000 USD/tháng, vé máy bay...
Trách ai khi “nhân tài như lá mùa thu”(GDVN) - Đã có nhiều lời trách móc thậm chí chỉ trích đội ngũ nhân tài mà trước hết là tầng lớp du học sinh đã “quên” quê hương ngay sau đi đặt chân đến xứ người |
Toàn bộ kinh phí ăn học ước khoảng 2,6 tỷ đồng do địa phương trích ngân sách chi trả với điều kiện Long học xong phải trở về làm việc cho địa phương từ bảy năm trở lên.
Trường hợp học viên vi phạm hợp đồng thì cùng với gia đình có trách nhiệm bồi thường gấp 5 lần toàn bộ kinh phí thành phố hỗ trợ.
Tương tự, trường hợp anh Lê Tuấn Anh được phê duyệt tham gia đề án, nghành kỹ sư hệ thống thông tin và viễn thông tại Đại học Công nghệ Compíegne (UTC), Cộng hòa Pháp từ năm 2006.
Tổng kinh phí anh Anh được chính quyền địa phương hỗ trợ là 919 triệu đồng.
Một trường hợp khác là chị Hà Thanh An, học ngành sư phạm tiếng Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng (khóa 2004-2008), sau đó học thạc sĩ tại Đại học Bristol (Anh quốc) khóa 2010-2011.
Theo hợp đồng, sau khi tốt nghiệp phải trở về làm việc cho Đà Nẵng ít nhất 14 năm và chấp nhận sự phân công công tác thành phố.
Chi phí mà thành phố tài trợ cho chị An trong suốt hai năm học ở Anh là hơn 768 triệu đồng.
Hàng chục học viên “vỗ cánh bay”
Tuy nhiên, có một thực tế là sau khi đã hoàn thành các khóa học với nguồn ngân sách chi trả, nhiều học viên đã tự ý phá vỡ hợp đồng.
Thu hút nhân tài nhờ quản trị tài sản trí tuệ(GDVN) - Theo TS. Nguyễn Hồng Quang nhờ quản trị tài sản trí tuệ, trả thù lao xứng đáng cho tác giả có công trình khoa học giúp Trường Đại học Quốc tế thu hút nhân tài. |
Trong đó, trường hợp học viên Long dù đã tốt nghiệp từ tháng 7/2014 nhưng không trở về để thành phố bố trí công việc như cam kết ban đầu.
Ông Huỳnh Bửu (cha Long) cho biết, “sau khi tốt nghiệp Đại học tại Anh quốc, Long có nguyện vọng được gia hạn thời gian về làm việc cho thành phố để tiếp tục học chuyển tiếp lên tiến sĩ bằng kinh phí tự túc trong thời gian ba năm”.
Mặc dù không được UBND TP.Đà Nẵng chấp nhận nhưng Long vẫn ở lại học tiếp lên Tiến sĩ tại Đại học Nottingham với lời hứa: “học xong sẽ trở về phục vụ thành phố”.
Tương tự, trường họp học viên Hồ Viết Luận sau khi tốt nghiệp chuyên nghành kỹ sư xây dựng dân dụng và môi trường tại trường đại học Nottingham (Vương quốc Anh) đã tự xin học bổng học tiến sĩ tại Leed (Anh).
“Luận vẫn luôn nghĩ là học xong sẽ trở về chứ không hề có ý định làm việc hay định cư luôn ở nước ngoài.
Dù không được ngân sách thành phố hỗ trợ, cuộc sống chỉ trông chờ vào học bổng do nhà trường cấp nhưng tôi vẫn luôn động viên cháu cố gắng học xong rồi về” ông Hồ Niên (cha học viên Luận) cho biết.
Ông Nguyễn Văn Chiến - giám đốc Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tặng hoa cho các học viên vừa tốt nghiệp. Ảnh An Nguyên |
Trường hợp ông Anh, do khó khăn về kinh tế nên xin chấm dứt khóa học trở về thực hiện nghĩa vụ làm việc cho thành phố.
Tháng 2/2012, ông Anh được bố trí công tác tại Sở Thông tin và truyền thông. Tuy nhiên, đến tháng 9/2013, ông lại làm đơn xin đi học chương trình thạc sĩ ở Pháp.
Dù không được thành phố chấp nhận nhưng ông Anh vẫn tự ý nghỉ việc để đi học. Sở thông tin truyền thông đã thông báo kỷ luật và buộc thôi việc đối với Anh.
Đồng thời buộc học viên này phải bồi thường gấp đôi kinh phí đã nhận trong thời gian được cử đi đào tạo là 1,8 tỷ đồng.