LTS: Chỉ ra nguyên nhân và giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng dạy thêm học thêm hè của các em học sinh, tác giả Đỗ Quyên gửi đến độc giả bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Khá nhiều phụ huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng nghỉ hè chỉ muốn cho con nghỉ ngơi, thư giãn và không muốn cho con đi học thêm nhưng cuối cùng cũng phải “tặc lưỡi” ép trẻ phải đi học thêm học kì 3.
Người không rõ chuyện nói rằng, cha mẹ ham thành tích đày đọa con.
Người hiểu chuyện thì thấu hiểu và cảm thông “không đi học như thế, con trẻ sẽ đuối và không thể theo kịp bạn vào năm học. Và như thế thì còn tội con gấp hàng chục lần”.
Hình ảnh một lớp học thêm hè tại nhà của giáo viên ((Ảnh: P.L). |
Liên hệ với một số đồng nghiệp đang giảng dạy ở vùng ấy thì được biết “tụi mình cũng chẳng ép buộc học sinh phải đi học hè nhưng khá nhiều phụ huynh có con sẽ học lớp mình năm tới, họ tình nguyện gửi con đi học trước. Dạy theo nhu cầu của họ là sai sao?”.
Dù là người trong nghề nhưng nghe đồng nghiệp nói “phụ huynh có con sẽ học lớp mình năm tới…” tôi cũng hoàn toàn bất ngờ vì ngay địa phương nơi tôi giảng dạy, phải vào năm học mới thầy cô mới biết được mình sẽ dạy lớp nào.
Vậy mà phụ huynh nơi đồng nghiệp tôi công tác đã có thể biết con mình năm tới sẽ học với chính thầy cô ấy là vì sao?
Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thông tư số: 30/2014/TT-BGDĐT
Điều 15 Thông tư 30 quy định rõ việc nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh.
1. Nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh nhằm đảm bảo tính khách quan của kết quả đánh giá chất lượng học sinh cuối năm học hoặc cuối cấp học và đảm bảo trách nhiệm của giáo viên dạy lớp năm học trước và giáo viên nhận lớp ở năm học sau.
Giúp giáo viên nhận lớp trong năm học tiếp theo có đủ thông tin cần thiết về quá trình và kết quả học tập, mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh để có kế hoạch, biện pháp giáo dục hiệu quả.
- Bàn giao hồ sơ đánh giá học sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 13 của Quy định này; trao đổi các nhận xét về những nét nổi bật hoặc hạn chế cần khắc phục về mức độ nhận thức, mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng môn học, hoạt động giáo dục, mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh; ghi biên bản nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh.
Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thông tư 30, nhiều trường tiểu học ở các địa phương đã thực hiện bàn giao chất lượng học sinh giữa hai giáo viên lớp cũ và lớp mới ngay thời điểm kết thúc năm học.
Bởi thế, giáo viên đã chắc chắn mình sẽ dạy lớp ấy. Và phụ huynh cũng biết giáo viên ấy chính là thầy cô giáo của con mình sang năm học mới.
Với học sinh lớp 1, sau khi chiêu sinh xong nhà trường cũng tiến hành phân lớp ngay.
Vì thế dù chưa vào năm học, nhưng phụ huynh vẫn biết con mình sang năm học với ai.
Không thể không cho con đi học thêm
Đây là câu nói của một số phụ huynh khi tôi có dịp tiếp xúc. Họ nói rằng khi biết sang năm thầy cô ấy chủ nhiệm lớp con thì ngay đầu hè đã cho con đến nhà giáo viên để học.
Trước chỉ vài em, sau thì gần như cả lớp.
Một số người có nhu cầu thực sự nhưng không ít phụ huynh lại buộc phải làm theo. Bởi, họ sợ con mình qua năm không thể theo nổi khi những điều cô đã dạy rồi sẽ dạy lại sơ sơ.
Chẳng hạn, lớp có 45 học sinh năm nay vào lớp 1 nhưng các em đi học hè hơn ba chục em.
Giáo viên đã dạy âm, vần, đọc trơn, nghe viết…sang năm học mới, chỉ còn vài em chưa biết gì.
Phần đông học sinh trong lớp đã đọc thông viết thạo thì thầy cô không thể dạy lại từng âm, vần, từng tiếng mà dạy theo kiểu nâng cao tránh cho các em nhàm chán.
Những học sinh chưa biết đọc, viết sẽ học theo kiểu kèm riêng nên khá thiệt thòi cho những em không đi học trước.
Điều này lý giải vì sao nhiều học sinh học lớp 1 ở Thành phố Hồ Chí Minh và Biên Hòa, mới vào năm học được gần một tháng nhưng đã biết đọc câu, biết viết được chính tả nghe đọc.
Trong khi yêu cầu này phải cuối năm học lớp 1 các em mới có đủ kiến thức, kĩ năng để viết.
Đã từng có không ít phụ huynh phản ánh, lớp 1 mới học âm vần nhưng vào năm học chưa lâu cô giáo cứ nói rằng “cháu học quá chậm, viết bài quá yếu” là vì vậy.
Hạn chế bằng cách nào?
Việc chấm dứt tình trạng dạy thêm học thêm không thể thực hiện đơn lẻ mà phải có sự phối kết hợp của nhà trường, của giáo viên và chính phụ huynh mới thực sự đem lại kết quả.
Về phía nhà trường, việc thực hiện bàn giao chất lượng học sinh giữa giáo viên cũ và giáo viên mới theo đúng sự chỉ đạo của Thông tư 30 không nhất thiết phải thực hiện ngay thời điểm cuối năm học như một số địa phương đang làm hiện nay.
Việc này, có thể thực hiện vào đầu mỗi năm học. Nhờ đó, phụ huynh không thể biết sang năm ai dạy con mình để mang nặng áp lực buộc các em đi học trước.
Về phía phụ huynh (với học sinh tiểu học) hãy để cho các em chơi, thư giãn trong 2 tháng hè.
Hàng ngày, ba mẹ có thể dành cho con từ 1 đến 2 tiếng để trẻ đọc, viết và làm vài phép tính cơ bản trong sách để khỏi quên kiến thức đã là đủ rồi.
Tránh hiệu ứng thấy con người ta đi học, bằng mọi giá con mình cũng phải đua theo. Được thế, việc học thêm với học sinh bậc tiểu học chắc chắn sẽ được giảm thiểu rất nhiều.