LTS: Kết thúc năm học là các em học sinh được nghỉ hè. Tuy nhiên, với những gia đình khó khăn, các em thậm chí không có một kỳ nghỉ đúng nghĩa.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả của cô giáo Đỗ Quyên về chủ đề này.
Sau những tháng ngày miệt mài bên sách vở, hè về trẻ như chim sổ lồng, niềm hồ hởi khi không phải ngày hai buổi đến trường dâng đầy trên khóe mắt các em.
Thế nhưng khác với những háo hức, mong chờ của trẻ, khá nhiều phụ huynh trăn trở, lo lắng “làm thế nào để trẻ có được một mùa hè đúng nghĩa trong khi ba mẹ suốt ngày đầu tắt mặt tối vì mưu sinh?”.
Quê cũng không còn chỗ để chơi
Khá nhiều phụ huynh thành phố chọn giải pháp gửi con về quê với ông bà 3 tháng hè.
Theo chị Minh (quận 7, thành phố Hồ Chí Minh) việc này có 2 điều lợi.
Thứ nhất, ba mẹ không phải nhốt con trong nhà hoặc phải nhờ người trông nom.
Thứ hai, về quê, con được tiếp xúc với cuộc sống nơi thôn dã và con sẽ học được khá nhiều kĩ năng sống mà lại không mất tiền.
Người phố nghĩ thế nhưng người thôn quê hiện cũng đang đau đầu tính toán sao cho con có một mùa hè đúng nghĩa.
Mang tiếng là thôn quê nhưng đất đai ruộng đồng ngày xưa đâu còn nữa?
làm thế nào để trẻ có được một mùa hè đúng nghĩa trong khi ba mẹ suốt ngày đầu tắt mặt tối vì mưu sinh? Ảnh minh hoạ: anninhthudo.vn |
Những cánh đồng cò bay thẳng cánh giờ đây họ san lấp bán đất nền, những trung tâm thương mại mọc lên, những khu vui chơi cho thiếu nhi nhưng giá vé luôn ở mức vài chục ngàn đồng mới qua được cửa.
Trẻ nhà quê đâu còn ngày thả trâu trên đồng, tụ tập nhau chơi trận giả, thả diều.
Không gian vui chơi bị bó hẹp, trẻ chỉ còn biết làm bạn với điện thoại, máy tính bảng hoặc miệt mài ngồi “cày” quán game (những quán game được mọc san sát quanh xóm làng) luôn mời gọi những đứa trẻ rảnh rỗi, ham chơi hoặc thiếu người quản lý.
Cha mẹ suốt ngày bận bịu với biết bao công việc. Phần đông họ rời nhà lúc gà chưa gáy sáng và trở về nhà khi mặt trời đã lặn hoặc quá nửa khuya.
Thế nên con chơi gì, ăn gì đôi khi cha mẹ chẳng thể hay biết.
Đi học thêm là an toàn nhất
Chị Lan, mẹ của cô bé học lớp 4 cho biết "cháu học suốt 9 tháng cũng mệt rã rời. Hè lẽ ra phải để con thư thả.
Thế nhưng vợ chồng đi vắng suốt ngày, con ở nhà một mình sao yên tâm?".
Mẹ của Hùng học lớp 5 cũng cho biết “nó có tính ham chơi. Cứ chờ ba mẹ ra khỏi nhà là đi biệt mông sứ.
Hè mà bắt con phải học cũng tội nhưng không gửi đi học lại chẳng yên tâm cho con ở nhà một mình".
Thế nhưng đi học thêm đại trà, giáo viên cũng chỉ dạy khoảng 2 tiếng là xong.
Nếu thế, ba mẹ phải bỏ công đi đón hoặc phải thuê người nhưng về nhà chẳng ai quản cũng bằng không.
Vì thế, nhiều phụ huynh đã chọn cho con học hè theo kiểu bán trú tại nhà giáo viên.
Lịch học kín từ thứ hai đến thứ sáu. Khoảng 7 giờ, cha mẹ chở đến nhà thầy cô đến 5 giờ chiều mới tới đón về.
Các em sẽ được học mỗi buổi 2 tiếng, một ngày học 4 tiếng. Nội dung học chủ yếu là toán và tiếng Việt. Lịch học ngày nào cũng là học-ăn - ngủ - học.
Học sinh gia đình khá hơn chỉ học nhà giáo viên buổi sáng.
Buổi chiều, sẽ chạy xô các môn như Anh văn và một số môn năng khiếu.
Học xong chỗ này, chạy qua chỗ khác học tiếp. Có em nói rằng “con phải học nhiều hơn những ngày đi học chính khóa”.
Nhưng được đi học hè (dù mệt, áp lực) cũng đã là một hạnh phúc.
Có những đứa trẻ ước ao được đi học nhưng không thể được vì các em phải cùng ba mẹ làm việc để cùng giúp lo cái ăn cái mặc, lo tiền đóng gạo góp khi tựu trường…
Thế là trời chưa sáng hẳn những đứa trẻ này đã lọ mọ cùng ba mẹ xuống bến làm cá, xẻ mực đến đêm mới về.
Học hè nhiều lợi hay hại?
Nếu hỏi bất kì đứa trẻ nào "con có thích đi học hè không?" câu trả lời nhận được gần như 100% là không thích (trừ những em phải lao động cật lực cùng gia đình).
Có em còn biết dí dỏm “là mẹ thích học hè chứ không phải con”.
Việc ép trẻ học nhiều trong mấy tháng hè đã trở nên “lợi bất cập hại”, ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất và tâm lý của trẻ chẳng phải phụ huynh không biết điều này.
Thế nhưng vì sao biết mà họ vẫn nhất quyết bắt các con đi học và học nhiều như thế?
Câu trả lời nghe thật nhói lòng “gia đình nghèo khổ con làm gì có mùa hè?”.