Tập đoàn FLC công bố mua 20 máy bay Boeing 787-9 dreamliner để chuẩn bị cho hoạt động của hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways). Số tiền mà FLC phải trả vào khoảng 5,6 tỷ USD (128 nghìn tỷ).
Trước đó, FLC đã ký biên bản ghi nhớ mua 24 máy bay A321 NEO của Airbus với chi phí dự kiến là hơn 3 tỷ USD (khoảng 71.000 tỷ đồng).
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, tổng giá trị hợp đồng mà Tập đoàn FLC ký kết mua máy bay để Bamboo Airways cất cánh lên đến gần 200.000 tỷ đồng.
Đây là số tiền vô cùng lớn đối với không chỉ Tập đoàn FLC mà với cả những doanh nghiệp lớn khác của Việt Nam.
Được biết, Tập đoàn FLC có vốn điều lệ gần 7.000 tỷ đồng. Tính đến hết quý I/2018, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn này mới tăng lên là 8.620 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ phải trả của FLC đến hết quý I/2018 cũng không hề nhỏ là 14.947 tỷ đồng, cao hơn nhiều vốn chủ sở hữu.
Như vậy, con số hơn 128.000 tỷ đồng cho hợp đồng vừa ký kết với Tập đoàn Boeing và hơn 71.000 tỷ đồng với Tập đoàn Airbus là rất lớn với khả năng tài chính của FLC.
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC, Chủ tịch Bamboo Airways ký thỏa thuận mua 20 máy bay Boeing trị giá lên đến 5,6 tỷ đô la Mỹ. Ảnh: FLC News |
Không ít người thiếu niềm tin vào khả năng Bamboo Airways có thể cất cánh ngay trong năm 2018 khi hãng hàng không này vẫn chưa được cấp phép.
Thậm chí, có người nghi ngờ, việc Tập đoàn FLC chính thức công bố sự có mặt của Bamboo Airways (năm 2017) có vốn điều lệ 700 tỷ đồng nhằm mục đích “đánh bóng” cho Công ty cổ phần Tập đoàn FLC?
Theo yêu cầu tại Điều 30 và 31 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, một trong các yêu cầu là dự án đầu tư phải phù hợp với quy hoạch phát triển ngành. Ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 236/QĐ-TTg, theo đó quy hoạch đội tàu bay Việt Nam “đến năm 2020 đạt trên 220 chiếc và đến năm 2030 đạt trên 400 chiếc”. Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, thì tính đến hết tháng 12/2017, tổng số tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đã là 170 chiếc. Như vậy, với thông tin dự án về quy mô, phạm vi hoạt động, mạng đường bay, số lượng đội tàu bay sử dụng (3 tàu bay vào năm 2019 và 10 tàu bay vào năm 2030), kế hoạch khai thác hạ tầng cảng hàng không, sân bay của Công ty Tre Việt là phù hợp với quy hoạch ngành. |
Trả lời VTV tại trụ sở Tập đoàn Boeing tại Mỹ cuối tuần vừa qua, Chủ tịch Tập đoàn FLC, đồng thời là Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways - ông Trịnh Văn Quyết khẳng định đang hoàn thiện thủ tục xin phép bay cho Bamboo Airways.
Ông Trịnh Văn Quyết cho biết: “Chúng tôi đã có kế hoạch bay ngay trong năm 2018. Chúng tôi đã chuẩn bị tất cả về hạ tầng, nhân sự để tháng 10 năm nay cất cánh. Và 99% Bamboo Airways sẽ cất cánh trong năm 2018”.
Cũng theo ông Quyết, Bamboo Airways sẽ có tất cả các đường bay trong nước đến các tỉnh thành có sân bay. Hãng cũng đang và đã triển khai các đường bay Quốc Tế từ Việt Nam đến Thái, Hàn Quốc, Đức, Mỹ, Pháp. Tất cả đường bay có tiềm năng Bamboo Airways sẽ khai thác ngay đầu năm 2019.
Đáng chú ý, ngay sau khi hình ảnh ông Trịnh Văn Quyết được các hãng tin quốc tế đưa tin Bamboo Airways đặt bút ký hợp đồng mua 20 máy bay boeing thì ngay lập tức giá cổ phiếu FLC ngày 25/6 tăng 5% lên 5.250 đồng/cổ phiếu.
Nhờ đó tài sản của ông Trịnh Văn Quyết đã tăng thêm nhiều tỷ đồng chỉ trong 1 phiên giao dịch đầu tuần mặc dù Bamboo Airways vẫn đang nằm trên giấy.
Đáng nói, như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, khả năng tài chính của Tập đoàn FLC có vấn đề.
Một thí dụ điển hình là dự án khu công nghiệp FLC Hoàng Long (Thanh Hóa), người dân vô cùng xót xa khi đồng lúa của người dân đang đẹp, giờ vì FLC mà để hoang hóa, cỏ mọc um tùm.
Đáng nói, đến thời điểm này đã hơn 3 năm dự án FLC vẫn đắp chiếu khiến cuộc sống của nhiều hộ dân khổ sở vì chưa nhận được tiền đền bù, đất canh tác bỏ hoang.
Khi có thông tin FLC ký hợp đồng mua máy bay Airbus và Boeing ngay lập tức cổ phiếu FLC tăng giúp tài sản của ông Trịnh Văn Quyết tăng theo nhiều tỷ đồng. Ảnh: FLC |
Trả lời phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) khẳng định đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi dự án FLC Hoàng Long cùng với đó địa phương cũng gửi nhiều văn bản đề nghị tập đoàn FLC bố trí kinh phí chi trả tiền bồi thường; hỗ trợ giá trị thu nhập từ sản xuất cho các đối tượng phải ngừng sản xuất do bị ảnh hưởng bởi dự án, nhưng họ hứa rồi cứ chây ì, để đó.
Điều gì xảy ra khi lãnh đạo tin vào lời hứa của Tập đoàn FLC? |
Không chỉ chây ì trong việc đền bù, hứa suông cho người dân có đất nằm trong dự án mà FLC còn chây ì nộp đủ số tiền trúng đấu giá lô đất ĐM1 có diện tích 6,4 héc-ta (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Theo đó, ngày 25/7/2017, Tập đoàn FLC trúng đấu giá lô đất ĐM1 có giá 860 tỷ đồng.
Theo quy định, sau 20 ngày đơn vị trúng đấu giá phải nộp đủn số tiền trúng đấu giá theo quy định, nếu không sẽ bị hủy kết quả trúng đấu giá.
Tuy nhiên, Tập đoàn FLC chỉ nộp một phần rất nhỏ là 98/860 tỷ đồng vào ngân sách, số tiền còn lại doanh nghiệp này chây ì đến nay vẫn chưa nộp đủ.
Điều khó hiểu, đến thời điểm này đã gần 1 năm trôi qua, kết quả trúng đấu giá đối với lô đất ĐM1 của Tập đoàn FLC vẫn chưa bị Thành phố Hà Nội hủy.
Từ FLC Hoàng Long (Thanh Hóa) tới khu đất ĐM1 (Hà Nội) FLC không thể hiện được đầy đủ trách nhiệm (đặc biệt là đối với người nông dân), cho nên thật dễ hiểu khi có những nghi ngờ về hợp đồng mua máy bay có giá trị hàng tỷ USD và hoạt động của Bamboo Airways.