Điều gì xảy ra khi lãnh đạo tin vào lời hứa của Tập đoàn FLC?

17/06/2018 08:06
DU THIÊN
(GDVN) - Sau 3 năm, dự án Khu công nghiệp FLC Hoàng Long vẫn “treo”. Có phải lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đang quá coi trọng lợi ích của chủ đầu tư?

Sau những cam kết và lời hứa đầu tư của Tập đoàn FLC tại dự án Khu công nghiệp Hoàng Long, đến nay sau nhiều năm cái gọi là "Khu công nghiệp kiểu mẫu" vẫn là bãi đất trống. 

Nhiều người dân mất tư liệu sản xuất lâm vào cảnh khốn khó, trong khi chính quyền sở tại vẫn chưa có giải pháp cứng rắn để xử lý chủ đầu tư chây ì trong việc thực hiện dự án.

Tài liệu mà phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có được trước đó cho thấy, tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án FLC Hoàng Long, ngày 31/3/2015 (chứng nhận thay đổi lần 1 ngày 28/3/2016) nêu rõ về tiến độ thực hiện các giai đoạn của dự án FLC Hoàng Long... Giai đoạn 1, từ 1/2016 đến tháng 12/2016; giai đoạn 2 từ 1/2017 đến tháng 3/2018). 

Đến nay, sau hơn 3 năm dự án chưa thực hiện đúng theo cam kết. Như vậy, nếu căn cứ theo luật đầu tư, luật đất đai, cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có quyền thu hồi, hủy bỏ dự án đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa thực hiện điều này.

Đến đây, dư luận có quyền đặt nghi vấn: Có phải lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đang coi trọng lợi ích của chủ đầu tư dự án hơn lợi ích của người dân - đối tượng bị ảnh hưởng bởi dự án do bị "treo" liệu sản xuất? 

Dự án FLC Hoàng Long sau 3 năm vẫn là bãi đất trống phía sau chiếc cổng chào lạnh lẽo, vô hồn. Ảnh: Hữu Chí.
Dự án FLC Hoàng Long sau 3 năm vẫn là bãi đất trống phía sau chiếc cổng chào lạnh lẽo, vô hồn. Ảnh: Hữu Chí.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp có ý định đầu tư, mở rộng sản xuất tại Khu công nghiệp này cũng không được chấp thuận, thậm chí họ đành ngoảnh mặt ra đi vì cái gọi là “Khu công nghiệp kiểu mẫu” chỉ mới là bãi đất trống.

Xin nói thêm, một nguyên tắc cơ bản trong việc thu hút đầu tư đó là, Khu công nghiệp phải có lợi thế về giao thông đường bộ hoặc cảng hàng không và cảng biển; cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, chính sách ưu đãi hấp dẫn… Và nếu nhìn vào Khu công nghiệp Hoàng Long thời điểm hiện tại thì nhiều nguyên tắc cơ bản về thu hút đầu tư nói trên đều không đạt.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, một chủ doanh nghiệp (xin giấu tên) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho biết, trước đây, họ có ý định đầu tư khoảng 1,5 nghìn tỷ để mở rộng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp này nhưng không được cơ quan có thẩm quyền và đơn vị được tỉnh giao đất đồng ý.

“Chúng tôi có đã trao đổi với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và đơn vị quản lý về ý định đầu tư, mở rộng sản xuất tại Khu công nghiệp FLC Hoàng Long nhưng họ nói, phải xong hạ tầng, doanh nghiệp mới vào đầu tư được.

Vậy thì doanh nghiệp phải chờ đến bao giờ mới được đầu tư khi dự án vẫn là bãi đất trống?”, chủ doanh nghiệp chia sẻ.

Vị chủ doanh nghiệp nhận định rằng, không chỉ doanh nghiệp của ông có ý định đầu tư tại Khu công nghiệp FLC Hoàng Long mà có thể có nhiều doanh nghiệp khác cũng có ý định tương tự nhưng đành bất lực.

Điều gì xảy ra khi lãnh đạo tin vào lời hứa của Tập đoàn FLC? ảnh 2

Bao giờ thì lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá giải quyết được bức xúc của dân?

“Hiện tại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, doanh nghiệp muốn tìm quỹ đất để đầu tư sản xuất là không dễ.

Nhưng nếu Khu công nghiệp (FLC Hoàng Long) mà không có hạ tầng cơ bản thì doanh nghiệp có nhìn vào thì cũng phải ngoảnh mặt đi thôi.

Khu công nghiệp mà chỉ là bãi đất trống thì làm sao mà làm được gì?

Vấn đề là Chủ đầu tư dự án giữ đất nhưng không đầu tư hạ tầng cơ bản sẽ không thu hút được doanh nghiệp khác đầu tư vào Khu công nghiệp này”, vị chủ doanh nghiệp nhận định. 

Do tính chất cấp bách của dự án mở rộng hoạt động sản xuất, chủ doanh nghiệp này tiếp tục nêu ý kiến (bằng miệng), xin thuê đất bên cạnh Khu công nghiệp FLC Hoàng Long để làm nhà máy, nhưng không nhận được sự đồng ý của tỉnh Thanh Hóa với lý do: “Đây là đất nông nghiệp nên không làm được”, chủ doanh nghiệp cho biết.

Vì không có quỹ đất khác để mở rộng sản xuất, chủ doanh nghiệp này buộc phải đầu tư hoạt động sản xuất tại chỗ (tại Khu công nghiệp Lễ Môn).

“Bây giờ muốn mở rộng sản xuất thì họ không cho, buộc doanh nghiệp phải làm lắt nhắt, co mình lại. Việc đầu tư tại chỗ có thể kéo những hệ lụy về môi trường”, chủ doanh nghiệp nói. 

Như vậy, ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư, không thể loại trừ trách nhiệm của chính quyền sở tại trong việc để dự án "treo", hưởng lớn đến đời sống người dân, doanh nghiệp có ý định đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Nói rõ hơn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhấn mạnh: “Việc để doanh nghiệp chây ì, đắp chiếu dự án, không thực hiện đúng tiến độ là lỗi của chính quyền địa phương.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư tại địa phương là cần thiết và tốt, nhưng cũng cần có những chính sách đối với người dân trong diện quy hoạch, bị thu hồi đất.

Người dân đã nhường đất cho doanh nghiệp làm dự án mà bị ảnh hưởng như mất thu nhập, không còn đất canh tác thì phải có chính sách đền bù cho người dân hợp lý, thỏa đáng.

Không thể vì lợi ích của doanh nghiệp mà quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng.  

Nếu nhiều tỉnh thành có tình trạng dự án lấy đất mà không đền bù cho người dân thỏa đáng, hợp lý mà chính quyền địa phương không xử lý dứt điểm để người dân bức xúc thì Trung ương cũng cần có những chỉ đạo để giải quyết vấn đề bằng cách yêu cầu địa phương, doanh nghiệp thực hiện”.

DU THIÊN