LTS: Dự án Khu công nghiệp kiểu mẫu FLC Hoàng Long có quy mô 286,82 ha, bao gồm vị trí địa giới hành chính thuộc các xã: Hoằng Anh, Hoằng Long, Hoằng Quang (thành phố Thanh Hóa), Hoằng Đồng, Hoằng Thịnh (huyện Hoằng Hóa).
Khu công nghiệp FLC Hoàng Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với chức năng là khu công nghiệp đa ngành, như viễn thông, phần mềm, lắp ráp công nghệ cao, sản xuất đồ công nghiệp tiêu dùng, may mặc, giày da…
Dự án được thực hiện với quy mô 286 ha, tổng mức đầu tư trên 2.300 tỷ đồng, dự kiến sau hoàn thành sẽ tạo công ăn việc làm cho từ 60.000-80.000 lao động.
Bao giờ thì lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá giải quyết được bức xúc của dân? |
Huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng không nhỏ từ hệ lụy của dự án “treo” này.
Tổng diện tích đất bị ảnh hưởng bởi dự án tại hai xã Hoằng Đồng và Hoằng Thịnh lên tới 53,18ha và 582 hộ dân bị ảnh hưởng tư liệu sản xuất.
Theo tính toán, tập đoàn FLC phải đền bù số tiền gần 70 tỷ đồng cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Tuy nhiên, đến cuối tháng 3/2018, doanh nghiệp này mới chỉ chi trả tiền bồi thường cho 159 hộ dân với số tiền hơn 14 tỷ đồng.
Đã 3 năm trôi qua, những cam kết về đầu tư dự án Khu công nghiệp Hoàng Long hầu hết chỉ nằm trên... giấy. Người dân và chính quyền địa phương sở tại bức xúc vì lời hứa suông của tập đoàn FLC, trong khi tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa thể hiện động thái quyết liệt trong việc xử lý dự án “treo” này.
Hôm 19/6, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Tuy – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoằng Hóa để ghi nhận những băn khoăn của lãnh đạo địa phương xung quanh dự án “treo” này.
Phóng viên: Lãnh đạo huyện có nghĩ tới việc sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi dự án “treo” FLC Hoằng Long?
Ông Nguyễn Đình Tuy: Chúng tôi đề nghị rồi chứ! Bên cạnh đó, địa phương đã nhiều lần gửi văn bản gửi đề nghị tập đoàn FLC bố trí kinh phí chi trả tiền bồi thường; hỗ trợ giá trị thu nhập từ sản xuất cho các đối tượng phải ngừng sản xuất do bị ảnh hưởng bởi dự án, nhưng họ hứa rồi cứ chây ì, để đó.
Cách đây không lâu, tại cuộc họp có mặt lãnh đạo tỉnh, huyện Hoằng Hóa, thành phố Thanh Hóa, tôi đã nói thẳng rằng, tập đoàn FLC không nghiêm túc với dân.
Người dân trong huyện từ khi biết chủ trương thực hiện dự án đã nghiêm túc phối hợp với chính quyền, chủ đầu tư để kiểm kê, đền bù giải phóng mặt bằng.
Nhưng khi làm xong xuôi thì chủ đầu tư không trả (đủ) tiền. Có thể họ (tập đoàn FLC) thấy dân Hoằng Hóa quá dễ, mà không thấy được rằng chúng tôi chịu quá nhiều áp lực từ phía người dân.
Ông Nguyễn Đình Tuy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoằng Hóa trao đổi với phóng viên. |
Bây giờ nếu chủ đầu tư không làm được (dự án) thì phải cũng phải thông báo cho dân biết để họ quay trở lại sản xuất bình thường.
Các anh cứ suy nghĩ xem, đồng lúa của dân đang đẹp như vậy, bây giờ để hoang, cỏ mọc um tùm, ai mà không xót xa cho được.
Việc hàng chục ha bị "treo" tư liệu sản xuất gây ảnh hưởng tới an ninh nông thôn tại địa bàn. Chúng tôi cũng bức xúc lắm, mệt mỏi lắm nhưng chưa giúp dân được gì nhiều.
Tỉnh cũng đã có ý kiến về việc này nhưng doanh nghiệp không làm (chi trả hết tiền đền bù cho dân).
Vừa rồi họ còn đề nghị với huyện phối hợp thực hiện kiểm kê giải phóng mặt bằng diện tích đất tại xã Hoằng Minh nhưng chúng tôi nhất quyết không đồng ý.
Quan điểm của huyện rất rõ ràng, khi nào họ trả hết tiền đền bù cho dân tại xã Hoằng Đồng, Hoằng Thịnh thì chúng tôi sẽ phối, tiếp tục thực hiện giải phóng mặt bằng.
Là đơn vị phối hợp với chủ đầu tư trong việc kiểm kê, đền bù giải phóng mặt bằng dự án, nhưng sau tất cả những gì đã diễn ra, người dân vẫn chưa nhận được quyền lợi đầy đủ tại những diện tích đất bị ảnh hưởng. Cá nhân ông có nghĩ rằng lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền trong đó có huyện Hoằng Hóa đã quá nhân nhượng với tập đoàn FLC?
Ông Nguyễn Đình Tuy: Thật ra không phải là nhân nhượng đâu. Lúc đầu, theo chủ trương, tỉnh và huyện đều tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp triển khai dự án đúng tiến độ đề ra.
Ông Nguyễn Đình Tuy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoằng Hóa. |
Nhưng đến nay, sau 3 năm, tâm lý của chúng tôi là không muốn họ (tập đoàn FLC) làm khu công nghiệp nữa, để người dân quay trở lại sản xuất hoặc cơ quan có thẩm quyền nên giao đất cho doanh nghiệp khác thuê đất để họ đầu tư.
Chỉ cần hôm nay FLC không làm, ngày mai có khi có cả trăm doanh nghiệp sẽ xin đầu tư ngay tại vị trí đất đó.
Đã 3 năm trôi qua, liệu ông có còn niềm tin vào dự án này nữa không?
Ông Nguyễn Đình Tuy: Thật ra mà nói, trong dự án này, doanh nghiệp họ có dấu hiệu chiếm dụng vốn/tư liệu sản xuất của người dân.
Tại nhiều cuộc họp ở huyện và tỉnh tôi từng nói thẳng rằng, FLC có dấu hiệu lừa dối dân Hoằng Hóa.
Dự án FLC Hoàng Long sau 3 năm chỉ là bãi đất trống phía sau chiếc cổng chào vô hồn, lạnh lẽo. Ảnh của Hữu Chí. |
Ông (doanh nghiệp) nói giải phóng mặt bằng xong sẽ trả tiền đền bù cho dân nhưng mấy năm nay họ có trả (hết) tiền cho dân đâu.
Tức lắm! Nói thật, nếu chúng tôi không tuyên truyền vận động nhân dân kiên nhẫn chờ đợi thì chưa biết dân sẽ phản ứng thế nào với dự án này. Nhưng nếu tình trạng dự án "treo" kéo dài mãi thì dân sẽ họ không để yên.
Ông nói thẳng như vậy không sợ bị liên lụy hoặc bất lợi cho bản thân?
Ông Nguyễn Đình Tuy: Tôi nói vì quyền lợi của người dân chứ không nói cho tôi và cũng không nịnh ai ở đây hết.
Tập đoàn FLC không thể thất hứa mãi với hết người nọ đến người kia được. Để đất “treo” như vậy chúng tôi xót xa lắm!
Tỉnh và huyện đã có công văn đôn đốc chủ đầu tư chi trả tiền đền bù cho dân nhưng doanh nghiệp có chấp hành đâu.
Tôi cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần thể hiện thái độ cứng rắn và có biện pháp xử lý khoát về dự án này. Không thể để tình trạng doanh nghiệp chậm chi trả tiền đền bù cho dân trong khi đất đai thì để hoang hóa.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!