120 năm cuộc khởi nghĩa Vương Quốc Chính

25/08/2018 06:55
Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY
(GDVN) - Khởi nghĩa Vương Quốc Chính là cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Bắc Kỳ do nhà sư Vương Quốc Chính lãnh đạo.

LTS: Nhân dịp kỉ niệm 120 năm cuộc khởi nghĩa Vương Quốc Chính (1898 – 2018) do nhà sư Vương Quốc Chính lãnh đạo, Đại tá Đặng Việt Thủy đã có bài viết chia sẻ cùng độc giả.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Khởi nghĩa Vương Quốc Chính (năm 1898) là cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Bắc Kỳ do nhà sư Vương Quốc Chính lãnh đạo.

Dưới hình thức thành lập hội "Thượng Chí", chủ trương đoàn kết lương giáo, Vương Quốc Chính đã tập hợp được đông đảo các văn hào, thân sĩ, công nhân, nông dân tham gia, có cơ sở ở Hà Đông, Sơn Tây, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam và một số tỉnh trung du Bắc Kỳ.

Khởi nghĩa nổ ra đêm 5/12/1898, mục tiêu chính là đánh chiếm thành Hà Nội.

Cuộc khởi nghĩa của Vương Quốc Chính được xem là một trong những cuộc khởi nghĩa kháng Pháp cuối cùng kết thúc thế kỷ XIX ở Việt Nam.

Vương Quốc Chính người làng Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, phủ Kiến An, tỉnh Hải Dương (nay thuộc thành phố Hải Phòng).

Ông là một nhà sư có uy tín, đã từng trụ trì và thuyết pháp ở nhiều chùa tại phủ Kiến An, trong đó có chùa Hoa Long ở núi Voi, huyện An Lão.

Khu di tích núi Voi nơi nhà sư Vương Quốc Chính đã từng thuyết pháp (Nguồn: haiphong.gov.vn).
Khu di tích núi Voi nơi nhà sư Vương Quốc Chính đã từng thuyết pháp (Nguồn: haiphong.gov.vn).

Ông là bạn thân của Tổng đốc Hải Yên kiêm Tán tương quân vụ Nguyễn Thiện Thuật.

Khi Nguyễn Thiện Thuật từ quan, dựng cờ khởi nghĩa ở Chí Linh, Đông Triều, nhà sư Vương Quốc Chính đã có mặt dưới cờ.

Ông được Nguyễn Thiện Thuật giao về Kiến An phát động các tầng lớp nhân dân khởi nghĩa chống Pháp.

Tháng 9/1885, Nguyễn Thiện Thuật nhận được Chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi và nhận nhiệm vụ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.

Hưởng ứng Chiếu Cần vương, nhà sư Vương Quốc Chính gia nhập cuộc khởi nghĩa do Cử Bình và Nguyễn Văn Tư (quê ở huyện An Lão) phát động.

Nghĩa quân xây dựng căn cứ ở ở chùa Hoa Long, nơi nhà sư tu hành. Nghĩa quân đã đánh nhiều trận, làm cho quân Pháp bị thiệt hại nặng.

Năm 1889, quân Pháp mở nhiều cuộc tiến công lớn vào các căn cứ của nghĩa quân Bãi Sậy.

Căn cứ chùa Hoa Long bị tấn công đến lần thứ ba, Cử Bình và Nguyễn Văn Tư bị quân Pháp bắt, xử tử hình, chùa Hoa Long bị triệt phá.

Trước tình hình đó, Vương Quốc Chính dẫn một số nghĩa quân tìm gặp được Đề Yêm - người mà nhà sư đã từng gặp trong các cuộc họp tướng lĩnh, đang xây dựng căn cứ ở chùa Tuyết Sơn trên núi Bảo Đài, động Hương Sơn.

Đề Yêm vui mừng đón nhận vị sư yêu nước vào bộ chỉ huy và yêu cầu ông trụ trì chùa Ngọc Long vì sư ông ở đây vừa viên tịch.

Chùa Tuyết Sơn là đại đồn của Đề Yêm, treo một lá cờ đại màu đỏ, đứng ở xa năm, sáu dặm cũng nhìn thấy. Chùa Bảo Đài là tiền đồn của nghĩa quân.

120 năm cuộc khởi nghĩa Vương Quốc Chính  ảnh 2"Có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang"

Từ hai vị trí này, nghĩa quân liên tục tiến công quân Pháp ở các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa (Hà Đông), Kim Bảng (Hà Nam), gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại.

Ngày 14/10/1891 tại chùa Tuyết Sơn đã xảy ra một trận đánh lớn. Nghĩa quân tiêu diệt tên thiếu úy Lemaigre và nhiều lính Pháp, lính Nam triều, buộc chúng phải tháo chạy.

Sau đó, chúng huy động quân lính từ Hà Nội, Hà Đông, Hà Nam, Ninh Bình tới bao vây, đánh phá trong nhiều ngày.

Ngày 1/11/1891, quân Pháp chiếm được căn cứ Tuyết Sơn nhưng phải trả giá đắt, nhiều sĩ quan, binh lính bị thương vong.

Đề Yêm cùng một số nghĩa quân rút vào rừng rồi lên Yên Thế tham gia cuộc khởi nghĩa do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo.

Sau sự kiện này, nhà sư Vương Quốc Chính lánh nạn một thời gian. Khi giặc Pháp rút, nhà sư trở lại chùa cùng một số tín đồ phật tử, dọn dẹp xây dựng lại những nơi bị quân Pháp phá hủy và tiếp tục tu hành.

Tuy nương nhờ cửa Phật, nhưng nhà sư Vương Quốc Chính vẫn bí mật liên lạc với những người cùng chí hướng bàn việc cứu nước.

Ông đã tập hợp được các nhà sư yêu nước như Thích Thanh Trang ở chùa Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng), sư cụ Thanh Hữu ở phủ Hoài Đức (nay là huyện Mỹ Đức)...

Ông còn đến chùa Kim Chiền (Bắc Ninh) để tìm gặp thủ khoa võ Nguyễn Quý Hoan, người từng tham gia cuộc khởi nghĩa Nguyễn Quang Bích ở vùng sông Thao, sông Đà.

Nguyễn Quý Hoan đã tập hợp các học trò và nghĩa quân cũ của mình ở Hưng Hóa luyện tập võ nghệ, hẹn đúng ngày rằm tháng 4/1895 về chùa Hạ Mỗ để họp bàn việc thành lập tổ chức cứu nước theo chủ trương của nhà sư Vương Quốc Chính.

Ngoài ra, ông còn tìm gặp những người khác như: Lang Xáng (tức Lý Diễm) ở khu vực Hồ Tây, Nguyễn Hanh ở Cổ Nhuế, Đỗ Đức Kiên, Chu Hữu Quang ở Tây Tựu (Từ Liêm)...

Những người cùng chí hướng với nhà sư tiếp tục đi tuyên truyền, giác ngộ, trọng tâm là các chùa chiền, nơi có nhiều người đến lễ vào các ngày tuần, rằm...

Hình thức tuyên truyền chủ yếu là thuyết pháp để tố cáo giặc Pháp, khích lệ lòng yêu nước của tăng ni, phật tử cùng một số hình thức khác.

120 năm cuộc khởi nghĩa Vương Quốc Chính  ảnh 3"Uống nước nhớ nguồn" - truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta

Đúng ngày rằm tháng 4/1895, những người cùng chí hướng với Vương Quốc Chính đã tụ hội ở chùa Tuyết Sơn.

Trong cuộc họp này, nhà sư Vương Quốc Chính nêu ra chủ trương thành lập Hội "Thượng Chí".

Hội bí mật về tổ chức, nhưng tuyên truyền rộng rãi ở các chùa từ Nghệ An ra Nam Định, Hà Nam, Hà Nội, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Đông...

Vương Quốc Chính đã cử Nguyễn San là người văn hay, chữ tốt, có tài diễn thuyết đảm nhiệm công tác tuyên truyền.

Đối tượng tuyên truyền là toàn dân, trong đó có các thân hào, thân sĩ, quan lại, tổng lý, công nhân, nông dân, những người làm bồi cho Tây.

Đặc biệt, nhà sư Vương Quốc Chính đã thuyết phục được nhiều người theo Công giáo tham gia cuộc khởi nghĩa.

Điển hình là Tuần Minh, một tín đồ Công giáo đang làm Chánh tổng Vân Cốc ở Sơn Tây, ông được Vương Quốc Chính tin cậy giao tới chức Chánh Đề đốc.

Khi Hội "Thượng Chí" đã phát triển rộng khắp, Vương Quốc Chính mới chọn minh chủ. Ông biết nhân dân phía Bắc còn ngưỡng mộ nhà Lý nên đã đưa Lý Thiếu Quân ở Nghệ An ra làm "quốc vương".

Ở phía Nam, đồng bào vẫn ngưỡng mộ nhà Nguyễn nên ông chọn Nguyễn Khổng, người Đồ Sơn, huyện Nghi Dương, phủ Kiến An, tỉnh Hải Dương (nay thuộc Hải Phòng), nhận làm cháu bốn đời của vua Gia Long, làm phó vương.

Lý Thiếu Quân lấy niên hiệu là "Long Hưng" và lấy năm Đinh Dậu (1897) làm năm đầu.  

Vương Quốc Chính nhận chức Quốc sư.

Sau khi có vua, Vương Quốc Chính tuyên bố trời ban cho ông 5 cái ấn để ông giao lại cho 5 tướng. Bản thân ông chọn 4 tướng:

Tiền quân: Nguyễn Hanh (còn gọi là Tú Hanh, Tú Thuật), người làng Cổ Nhuế.

Hậu quân: Đinh Công Bạch, người xứ Trung Kỳ, trú quán ở huyện Thọ Xương, Hà Nội.

120 năm cuộc khởi nghĩa Vương Quốc Chính  ảnh 4Những đường phố mang tên các vị tướng lĩnh và sĩ quan Quân đội (2)

Hữu quân: sư Thích Thanh Trang (Nguyễn Trang), quê Hải Dương, trụ trì chùa Hạ Mỗ.

Tả quân: Nguyễn Đăng Quế, quê gốc Nam Định, cư trú ở Hà Nội, trước từng là nghĩa quân của Phan Đình Phùng.

Các tướng tự chọn người giúp mình gọi là Hộ lý.

Ví dụ: Tiền quân Nguyễn Hanh chọn Nguyễn Quý Hoan là thủ khoa võ làm Tiền quân Hộ lý; Hậu quân Đinh Công Bạch chọn cử nhân Nguyễn Hữu Đức, từng làm Tán tương quân vụ trong cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy làm Hậu quân Hộ lý;

Tả quân Nguyễn Đăng Quế chọn Lang Xáng làm Tả quân Hộ lý; Hữu quân Thích Thanh Trang chọn sư ông Ngô Chấn, trụ trì chùa Cát Trù (tỉnh Hưng Hóa), làm Hữu quân Hộ lý.

Quốc sư Vương Quốc Chính họp với 4 tướng và các hộ lý bàn một số việc về tổ chức quân sự.

Tháng 7 năm Đinh Dậu (1897), Trương Công Bỉnh từ Hà Nam đến được Vương Quốc Chính tin tưởng giao ấn Trung quân.

Trương Công Bỉnh chọn Trương Công Xán (người phố Hàng Đào) giữ chức Trung quân Hộ lý; Đỗ Đức Kiên (người xã Tây Tựu) làm Chánh Đề đốc; Bát Soạn và Đỗ Mậu làm Tán tương quân vụ.

Quốc sư Vương Quốc Chính cấp bằng sắc cho các tướng và nêu rõ tiên chỉ của Hội Thượng Chí là đánh đuổi thực dân Pháp bằng thực lực của mình.

Hội coi trọng thực lực, vũ khí, quân lương, không dùng tà thuật, thần linh như một số phong trào khác.

Các tướng lĩnh sau khi nhận phong chức tước, khẩn trương tuyển chọn nghĩa quân từ các vùng nông thôn, binh lính đang theo Pháp, bồi bếp, công nhân ở thành phố Hà Nội...

Vương Quốc Chính liên kết với nghĩa quân Đề Thám để phối hợp tác chiến khi có thời cơ.

Ông cũng chuẩn bị sẵn lực lượng để khi Pháp đối phó với các nơi khác thì ông đánh vào Hà Nội, trung tâm đầu não của Bắc Kỳ, chứ không chỉ thủ hiểm như trước.

Tháng 12/1898, chưa phải là thời gian khởi nghĩa vì Vương Quốc Chính muốn chờ cơ hội thuận lợi và trang bị thêm vũ khí, nhưng theo tin mật báo mà ông nắm được thì quân Pháp đã nắm được một số hoạt động chuẩn bị của nghĩa quân.

Một sự kiện nữa khiến cuộc khởi nghĩa nổ ra sớm hơn dự định là vào tháng 10/1898, Trung quân Trương Công Bỉnh cùng một số đồng chí của ông bị bắt ở Hà Nội, sợ để lâu sẽ bị bại lộ, cơ sở vỡ thì không làm nên đại sự, nên Vương Quốc Chính quyết định nhân lúc thực dân Pháp tổ chức Hội chợ vào đầu tháng 12/1898 thì khởi nghĩa.

120 năm cuộc khởi nghĩa Vương Quốc Chính  ảnh 5Đối tác chiến lược và góc nhìn cuộc chiến

Ngày 1/12/1898, các thủ lĩnh 5 quân họp tại nhà Tiền quân Nguyễn Hanh ở làng Cổ Nhuế để bàn cụ thể kế hoạch khởi nghĩa.

Đa số tướng lĩnh cho rằng phải khởi nghĩa ngay, chờ đợi nghe ngóng nữa sẽ bị lộ. Các thủ lĩnh nhất trí cử Tiền quân Nguyễn Hanh giữ chức chỉ huy Trung quân thay Trương Công Bỉnh.

Kế hoạch khởi nghĩa như sau:

Không phân tán lực lượng, đồng thời nổi dậy ở các tỉnh cùng một thời điểm mà huy động lực lượng cùng đánh Hà Nội, Sơn Tây trong một đêm.

Các tướng lĩnh được phân công cụ thể chỉ huy quân đánh vào từng mục tiêu, vị trí. Trong đó có cả việc hô hào lính tập trong hàng ngũ quân Pháp nổi dậy phản chiến.

Thời gian khởi nghĩa dự kiến vào ngày 5/12/1898, khi nhà máy đèn bị đánh hỏng, đèn điện tắt.

Tuy nhiên, tại Sơn Tây, trong ngày tế cờ 3 tháng 12, đã diễn ra sự bất đồng trong các chỉ huy đánh thành Sơn Tây.

Tả quân Hộ lý Lang Xáng chủ trương làm đúng kế hoạch, Chánh Đề đốc Tuần Minh và Phó Đề đốc Ngoạn chủ trương để Hà Nội nổi lên trước, Sơn Tây đánh sau.

Trung quân Nguyễn Hanh biết tin, ra lệnh cho quân ở Sơn Tây (khi đó gồm cả Vĩnh Yên) kéo quân về đánh Hà Nội, nhưng đội quân ở Sơn Tây không chịu nghe lệnh, trừ đội quân của Lãnh binh Khảm và đội quân của Đề đốc Hoành vì các vị này hội quân ở gần Cầu Giấy.

Đúng 22 giờ ngày 5/12/1898, thực hiện mệnh lệnh tiến công Hà Nội, đèn điện trên đường phố tắt, các cánh quân lợi dụng đường phố có nhiều người qua lại đột nhập vào Hà Nội.

Hữu quân Thích Thanh Trang đưa quân vào phục ở Bạch Mai, Tán dương quân vụ Đỗ Mậu đưa quân từ Cầu Đơ vào Ngã Tư Sở.

Đề đốc Đỗ Đình Kiên, Tả quân Hộ lý Lang Xáng, Đề Hoành đã ém trên 300 quân ở Cầu Giấy. Các cánh quân khác đều vào vị trí đã định.

Thực ra Vương Quốc Chính và bộ tham mưu đã qua lo xa khi Trương Công Bỉnh bị bắt, nhưng Trương Công Bỉnh và các cộng sự bị địch tra tấn dã man nhưng không khai báo.

Ngay khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, nhà cầm quyền Pháp còn gọi Tuần Minh đến hỏi vì chúng vẫn tin tưởng ông là một thân sĩ Công giáo không thể vào nghĩa đảng chống Pháp.

Kế hoạch khởi nghĩa chỉ bị lộ 1 giờ đồng hồ trước khi nổ súng (22 giờ, khi đèn tắt), khi tướng Pháp Bichot nhận được tin sắp có bạo động, đã kịp thời lệnh cho mật thám bắt hết thợ điện trực đêm, thu súng của binh lính người Việt, bố phòng cẩn mật các cơ quan, trại lính và cho quân tuần tiễu các phố, nhất là xung quanh thành.

120 năm cuộc khởi nghĩa Vương Quốc Chính  ảnh 6“Những buổi ngày xưa vọng nói về”

Do vậy, đến giờ tắt đèn mà nghĩa quân không thấy đèn tắt, những tiếng chiêng trống ra lệnh cũng không có.

Tuy không có hiệu lệnh, các Tả quân Hộ lý Lang Xáng, Đề đốc Đỗ Đình Kiên, Đề Hoành vẫn chỉ huy quân đánh đồn Ngọc Hà và nhà tên quan ba Cassier, còn các cánh quân khác đều tự động rút khỏi trận địa.

Nhân dân Tây Tựu, quê hương của Đề đốc Đỗ Đức Kiên, vẫn rào làng, đào hào đánh nhau với quân Pháp, do tên Chaigneau chỉ huy, suốt hai ngày liền gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại.

Nghĩa quân Sơn Tây mai phục trên đường Hà Nội - Sơn Tây đã đổ ra đánh giết quân Pháp và lính cơ khi chúng hành quân qua.

Tại các tỉnh Hà Đông và Sơn Tây rất nhiều xã nổi dậy rào làng, vũ trang đánh Pháp, khiến chúng phải điều quân từ Lạng Sơn về đối phó. Quân Pháp còn giải tán, xua đuổi số dân đi sửa đường Cầu Đơ vì nghi ngờ họ là nghĩa quân.

Theo báo cáo ngày 9/12/1898 của Baille, Công sứ Bắc Ninh, thì ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên đều có những bản áp phích và băng rôn của nghĩa quân Vương Quốc Chính mà y gọi là quân phiến loạn.

Theo báo cáo của Cố đạo Valesco, ngày 15/12/1898, thì ở Vĩnh Yên, Tam Dương, Vĩnh Tường, "Giữa ban ngày có những đám người như mê sảng, không có vũ khí, có cờ xí kéo đến huyện lỵ để tuyên bố rằng vua nhà Lý đã lên ngôi, hô hào các quan theo phò vua mới. Ở Bắc Giang, Hải Dương đâu đâu cũng xảy ra như vậy".

Còn "từ Hưng Hóa, Tuyên Quang qua Thái Nguyên, Bắc Ninh đi đến đâu thì bốn góc trời đều thấy những đèn lồng đỏ bay cao trên trời".

Rạng sáng ngày 6/12/1898, quân Pháp ở Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây đã mở những cuộc càn quét lớn, bắt bớ, tàn sát những người tham gia cuộc khởi nghĩa.

Sư cụ Vương quốc Chính và nhiều nhà sư ở Hà Đông, Sơn Tây bị giặc Pháp giết hại. Giặc Pháp giết hại nhà sư Thích Thanh Trang ở chùa Hạ Mỗ.

Nhà sư Thanh Hữu bị Tri phủ Hoài An (Mỹ Đức, Hà Tây) tra tấn cho đến chết. Đề Kiên bị giặc Pháp bị giết hại ở chợ Nhổn...

Tại các tỉnh, quân Pháp và Nam triều cũng thành lập các tòa án binh kết án tử hình và và phạt tù hàng nghìn người ở Hải Dương, Hưng Yên, Hưng Hóa. Nhiều ngôi chùa, nhiều làng xã có người tham gia nghĩa quân bị quân Pháp triệt hạ.

Tuy có cùng một tinh thần yêu nước chống Pháp nhưng phong trào của Vương Quốc Chính không có sự phối hợp với các phong trào khác, thậm chí còn tranh giành ảnh hưởng. Vì vậy nên đã để lộ nhiều sơ hở, giặc Pháp đã theo dõi nhiều cơ sở của nghĩa quân từ mùa trước.

Cuộc khởi nghĩa chống Pháp năm 1898 do nhà sư Vương Quốc Chính khởi xướng và lãnh đạo tuy thất bại nhưng đã nêu tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường, tinh thần chiến đấu dũng cảm chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Tài liệu tham khảo chính:

- Bộ Quốc phòng - Trung tâm từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2004.

- Hỏi đáp Lịch sử Việt Nam, tập 4, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh - 2007.

Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY