LTS: Tiếp theo kỳ 1, Đại tá Đặng Việt Thủy tiếp tục giới thiệu những đường phố ở Hà Nội mang tên các vị tướng lĩnh và sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Phố Trần Đại Nghĩa: dài 1,5km, từ đường Đại Cồ Việt (số 115) qua Trường Đại học Bách khoa đến phố Lê Thanh Nghị (số 144), trên địa bàn phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng. Đặt tên đường tháng 7/2007.
Lúc đầu dài 800 m, tháng 6/2008 điều chỉnh kéo dài 700 m đến 126C Đại La.
Trần Đại Nghĩa (1913-1997), tên chính là Phạm Quang Lễ, Anh hùng lao động (1952); quê xã Chấn Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long; nhập ngũ năm 1946, Thiếu tướng (1948), đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (1949), Giáo sư viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Liên Xô (1966).
Trong kháng chiến chống Pháp ông có nhiều đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng.
Ông đã thiết kế, hướng dẫn thiết kế và tổ chức sản xuất thành công nhiều loại vũ khí: mìn, lựu đạn, bom phóng, súng badôka, súng SKZ...
Giáo sư viện sĩ Trần Đại Nghĩa có nhiều đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng. (Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) |
Năm 1947, ông là Cục trưởng đầu tiên của Cục Quân giới kiêm Cục trưởng Cục Pháo binh (5/1949); thứ trưởng Bộ Công thương (9/1950).
Năm 1964-1972, Chủ nhiệm: Ủy ban thiết kế cơ bản nhà nước, Ủy ban khoa học - kỹ thuật nhà nước kiêm phó trưởng ban cơ khí Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1972).
Năm 1973-1977, ông là Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng. Tháng 3/1977, ông chuyển ngành, Viện trưởng Viện khoa học Việt Nam.
Năm 1980-1983 là Chủ tịch: Ủy ban nghiên cứu vũ trụ Việt Nam, Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam. Đại biểu Quốc hội khóa II,III.
Phố Nguyễn Thị Định: dài 1km; từ tòa nhà 18T2 đường Lê Văn Lương đến đường Trần Duy Hưng (số 27) thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Đặt tên đường tháng 7/2007.
Nguyễn Thị Định (1920-1992), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (truy tặng năm 1995); quê xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre; tham gia cách mạng năm 1936, nhập ngũ năm 1965, Thiếu tướng (1974), đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (1938).
Năm 1940, bà bị thực dân Pháp bắt, giam ở trại Bà Rá (tỉnh Bình Phước). Năm 1943, bà được trả tự do, hoạt động ở huyện Châu Thành.
Tháng 8/1945, bà tham gia giành chính quyền ở tỉnh Bến Tre, ủy viên BCH rồi Hội trưởng phụ nữ cứu quốc tỉnh.
Năm 1946, bà là phái viên trong đoàn cán bộ của Khu 8 vượt biển ra báo cáo với Đảng và nhà nước về tình hình kháng chiến ở Nam Bộ.
Năm 1947, bà là ủy viên thường vụ tỉnh ủy Bến Tre. Trong kháng chiến chống Mỹ, năm 1959-1960 khởi xướng và lãnh đạo chủ chốt phong trào đồng khởi Bến Tre; bí thư tỉnh ủy Bến Tre.
Năm 1964, ủy viên đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam VN.
Năm 1965-1969 là Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, ủy viên quân ủy miền; Hội trưởng Hội liên hiệp phụ nữ giải phóng.
Năm 1976, bà là phó chủ tịch thứ nhất Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Năm 1987-1992 là Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (1980-1992), Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV-VI, đại biểu Quốc hội khóa VI-VIII.
Đường Nguyễn Bình: dài 1,7km; từ cuối đường Nguyễn Đức Thuận (chỗ rẽ vào Công ty sữa Vinamilk) đến hết địa phận Hà Nội ở chỗ qua đền Ỷ Lan nguyên phi.
Đây là một đoạn quốc lộ 5 trên đất Dương Xá, huyện Gia Lâm. Đặt tên đường tháng 6/2008.
Nguyễn Bình (1906-1951), tên thật là Nguyễn Phương Thảo; quê xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên; tham gia cách mạng 1926, nhập ngũ tháng 3/1945, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1946, Trung tướng (1948).
Năm 1927, ông hoạt động ở Sài Gòn, nhiều lần bị thực dân Pháp bắt giam (lần đầu 1929, đày ra Côn Đảo).
Năm 1936, ông tham gia phong trào bình dân. Năm 1944 phụ trách công tác binh vận và mua sắm vũ khí cho cách mạng ở Hà Nội, Hải Phòng.
Tháng 5/1945, ông chỉ huy lực lượng vũ trang tập trung đầu tiên ở Quảng Ninh, đánh trại Bạch Thái Tông (trại huấn luyện quân sự của Nhật ở Bắc Bộ).
Ngày 8/6/1945, ông là ủy viên Ủy ban quân sự cách mạng tỉnh Hải Dương; tham gia chỉ huy diệt 4 đồn Đông Triều, Chí Linh, Tràng Bạch và Mạo Khê, giải phóng 2 huyện Đông Triều, Chí Linh; thành lập Chiến khu Trần Hưng Đạo.
Tháng 7/1945, ông chỉ huy quân khởi nghĩa đánh chiếm đồn Uông Bí và Bí Chợ, giải phóng thị xã Quảng Yên.
Trong cách mạng tháng Tám năm 1945, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở thành phố Hải Phòng, Đồ Sơn, Kiến An, Hải Dương.
Tháng 12/1945 làm Khu trưởng Khu 7 Nam Bộ. Năm 1946-1948 tổ chức thống nhất lực lượng vũ trang Nam Bộ, ủy viên quân sự Nam Bộ.
Năm 1948-1951 ông là Tư lệnh Bộ đội Nam Bộ, kiêm Phó chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ. Tháng 9/1951, ông hy sinh trên đường đi công tác.
Phố Trần Tử Bình: dài 500m; từ số nhà 387 Hoàng Quốc Việt (cạnh Trường Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo trung ương) đến khu nhà C6 khu nhà ở Nghĩa Tân, thuộc phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Đặt tên đường tháng 6/2008.
Trần Tử Bình (1907-1967); tên thật là Phạm Văn Phú, quê xã Tiên Động, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam; đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1931, nhập ngũ năm 1945, Thiếu tướng (năm 1948).
Năm 1929 tham gia Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Tháng 2/1942 là ủy viên Xứ ủy dự bị Bắc Kỳ, bí thư Khu ủy Khu D (Phú Thọ, Vĩnh Yên, Tuyên Quang), rồi Khu ủy khu B (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình).
Ông bị thực dân Pháp bắt giam nhiều lần. Từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1945 vượt ngục, ủy viên thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư chiến khu Hòa - Ninh - Thanh, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa Bắc Bộ.
Tháng 10/1945, ông là chính ủy Trường quân chính. Tháng 3/1947 ông là Phó bí thư Quân ủy Trung ương phụ trách công tác cán bộ và kiểm tra Đảng.
Tháng 10/1950 là chính ủy Trường lục quân, kiêm Phó tổng thanh tra quân đội. Năm 1957 là đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Ủy viên BCH TƯ ĐCSVN khóa III, đại biểu Quốc hội khóa II, III.
Phố Huỳnh Văn Nghệ: dài 700m; từ đường Nguyễn Văn Linh (cạnh số nhà 449) vào giữa khu đô thị mới Sài Đồng, quận Long Biên. Đặt tên đường tháng 6/2008.
Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977); quê xã Mỹ lộc (nay là Thường Tân), huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Ông sớm tham gia phong trào yêu nước ở miền Nam (1935). Sau khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), bị giặc lùng bắt, ông lẩn tránh sang Xiêm (Thái Lan).
Năm 1944 trở về Sài Gòn, bắt liên lạc với cách mạng, tham gia giành chính quyền tại Sài Gòn. Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm Phó khu trưởng Khu 7 (miền Đông Nam Bộ), chỉ huy nhiều trận đánh nổi tiếng với bí danh Tám Ngãi, được phong quân hàm Thiếu tướng.
Tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” mãi mãi bất diệt! |
Năm 1953, ra Bắc phụ trách Cục Quân huấn Bộ Tổng Tham mưu, sau chuyển qua làm Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp.
Năm 1965, trở về công tác tác tại miền Nam, làm Phó ban kinh tài Trung ương Cục miền Nam.
Huỳnh Văn Nghệ còn sáng tác nhiều thơ văn, người ta gọi ông là "Thi tướng", nổi tiếng với bài thơ Nhớ Bắc được sáng tác vào những năm 40 của thế kỷ XX, trong đó có câu: "Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long".
Đường Lê Quang Đạo: dài 2km; từ cửa Sân vận động quốc gia Mỹ Đình đến ngã ba tiếp nối với đường Láng - Hòa Lạc (đại lộ Thăng Long). Đặt tên đường tháng 8/2008.
Lê Quang Đạo (1921-1999), tên thật là Nguyễn Đức Nguyện; quê xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; tham gia cách mạng 1940, đảng viên ĐCS VN (năm 1940), nhập ngũ năm 1945, Trung tướng (năm 1974).
Năm 1941-1942 là Bí thư ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh, ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ. 1943-1945 là Bí thư ban cán sự Đảng thành phố Hà Nội, ủy viên thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ.
Từ tháng 8/1945 đến 1946 là chính trị viên Chi đội giải phóng quân tỉnh Bắc Giang; Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Phó bí thư Khu ủy đặc biệt Hà Nội, liên khu ủy viên Liên khu 3, Bí thư liên tỉnh Hà Nội - Hà Đông.
Năm 1949, ông làm Phó ban tuyên huấn Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. 1950-1954 phụ trách công tác tuyên huấn chiến dịch Biên Giới, Cục trưởng Cục Tuyên huấn Tổng cục chính trị, ủy viên Ban liên hiệp đình chiến Trung ương.
Năm 1968-1972 ông là chính ủy các chiến dịch: Đường 9 - Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào và Trị Thiên. 1955-1976 là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ủy viên thường trực Quân ủy Trung ương.
Tháng 6/1978 là Phó bí thư thành ủy, kiêm chính ủy Bộ chỉ huy QS thành phố Hà Nội. 1987-1992 ông là Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Tháng 8/1994, ông là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III-VI, ủy viên ban bí thư các khóa IV-V; đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX.
Đường Nguyễn Chánh: dài 1.500m; từ số 218 đường Trần Duy Hưng đến ngã ba giao với vòng xuyến (cạnh Trường tiểu học Nam Trung Yên). Đặt tên đường tháng 9/2012.
Nguyễn Chánh (1914-1957), tên thật là Chí Thuần; quê xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi; tham gia Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội năm 1929, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1931.
Ông nhiều lần bị thực dân Pháp bắt giam. Năm 1936-1939, ông tham gia phong trào Mặt trận dân chủ.
Năm 1945, ông là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi, Bí thư liên tỉnh ủy Quảng Ngãi - Bình Định, tham gia lãnh đạo Đội du kích Ba Tơ, lãnh đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Ngãi.
Năm 1945-1948 là ủy viên trưởng quốc phòng Ủy ban kháng chiến Trung Bộ, Phó bí thư khu ủy, Chính ủy Khu 5, Chính ủy liên khu ủy (1948).
Năm 1951-1954 ông là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, tham gia đảng ủy chiến dịch: Đường 18, Trung Du; Chính ủy kiêm Tư lệnh, Bí thư Liên khu ủy Liên khu 5, chỉ huy chiến dịch Bắc Tây Nguyên (1954).
Năm 1954-1956, ông lãnh đạo và tổ chức bộ đội Liên khu 5 tập kết ra miền Bắc.
Năm 1957, ông là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Chủ nhiệm đầu tiên Tổng cục Cán bộ Bộ Quốc phòng. Ông là ủy viên dự khuyết rồi chính thức Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa II.
Đường Văn Tiến Dũng: dài 2400m; từ ngã tư giao cắt với đường Mễ Trì đến điểm giao cắt với đường Yên Hòa - Đại Mỗ (cạnh tòa nhà CT1 Sudico khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì). Đặt tên đường tháng 9/2012.
Văn Tiến Dũng (1917-2002); quê xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội; tham gia cách mạng 1936, đảng viên ĐCSVN năm 1937, nhập ngũ 1945, Đại tướng (1974).
Năm 1943-1944, ông là Bí thư Ban cán sự đảng Hà Đông, Bắc Ninh, ủy viên ban thường vụ rồi Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Nhiều lần bị thực dân Pháp bắt giam.
Tháng 1/1945, ông bị kết án tử hình vắng mặt; ủy viên Ủy ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ, phụ trách tổ chức chiến khu Quang Trung, chỉ huy vũ trang giành chính quyền ở các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Trong kháng chiến chống Pháp, tháng 11/1945 đến 1946, ông là Chính ủy Chiến khu 2. Tháng 12/1946 đến 1949, ông là Cục trưởng Cục chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam, Phó bí thư Quân ủy Trung ương.
Tháng 10/1949 đến 1950, ông là Chính ủy Liên khu 3. Năm 1951-1953, đại đoàn trưởng kiêm chính ủy đầu tiên của Đại đoàn 320.
Tháng 11/1953, ông là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, là trưởng đoàn đại biểu của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ủy ban liên hiệp đình chiến thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Việt Nam.
Từ 1954 ông là Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, trực tiếp chỉ đạo các chiến dịch: Đường 9 - Nam Lào (1971); Trị Thiên (1972); Tây Nguyên (1975); Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh (4/1975).
Năm 1980-1986 là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Đảng ủy Quân sự trung ương (1984-1986).
Ông là Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III-VI (dự khuyết khóa II). Ủy viên Bộ chính trị (3/1972) khóa IV, V (dự khuyết khóa III); Đại biểu Quốc hội khóa II-VII.
Đường Đoàn Khuê: dài 2.100m; từ cuối phố Trường Lâm đoạn qua công an quận Long Biên đến bùng binh giao đường 80m ở khu E dự án Vincom vilage Sài Đồng. Đặt tên đường tháng 1/2014.
Đoàn Khuê (1923-1998); quê xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; tham gia cách mạng năm 1939, nhập ngũ tháng 8/1945, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1945, Đại tướng năm 1990.
Năm 1940 bị thực dân Pháp bắt giam, đày đi Buôn Ma Thuột. Tháng 6/1945 tham gia thành lập tỉnh ủy lâm thời, chủ nhiệm Việt Minh, ủy viên quân sự tỉnh Quảng Bình.
Trong kháng chiến chống Pháp, năm 1946-1947 là chính trị viên trường lục quân trung học Quảng Ngãi. Từ 1947 đến 1954 ông là chính ủy trung đoàn, phó chính ủy Sư đoàn 305.
Trong kháng chiến chống Mỹ, từ 1954-1960 là phó chính ủy Sư đoàn 675, phụ trách chính ủy Sư đoàn 351, chính ủy Lữ đoàn 270. Năm 1960-1964 ông là Phó chính ủy Quân khu 4.
Năm 1964-1975 là Phó chính ủy Quân khu 5, tham gia nhiều chiến dịch trên địa bàn quân khu. Năm 1977-1983 là Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân khu 5.
Tháng 5/1983 đến 1987 là Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng, rồi Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Cam-pu-chia.
Năm 1987-1991 là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng QĐND VN. Tháng 8/1991 đến 1997 ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó bí thư Đảng ủy QS trung ương.
Ông là Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV-VIII, Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI-VIII; Đại biểu Quốc hội khóa VII-IX.
Đường Võ Nguyên Giáp: dài 10,5km, rộng 70 - 100m, từ phía bắc cầu Nhật Tân đến điểm giao cắt đường dẫn nút giao phía nam quốc lộ 18, đi qua huyện Đông Anh và Sóc Sơn. Đặt tên đường ngày 7/2/2015.
Võ Nguyên Giáp (1911-2013), Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam (1946-1975), Bộ trưởng Quốc phòng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1946-8/1947; 8/1948-1980); quê xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Đường Võ Nguyên Giáp được đặt tên đường ngày 7/2/2015. (Ảnh: zing.vn) |
Ông tham gia cách mạng năm 1928, Đại tướng (1948), đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (1940). Năm 1929, ông tham gia cải tổ Tân Việt cách mạng đảng thành Đông Dương cộng sản liên đoàn.
Năm 1930, ông bị thực dân Pháp bắt giam. Năm 1936-1939 tham gia phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương, biên tập viên các báo của Đảng, Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội.
Sau tháng 5/1941 xây dựng cơ sở cách mạng ở Cao Bằng, tham gia chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng.
Năm 1942, ông phụ trách Ban xung phong Nam tiến, dùng hoạt động tuyên truyền vũ trang mở đường liên lạc giữa miền núi với đồng bằng Bắc Bộ.
Tháng 12/1944, ông được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao thành lập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Tháng 4 đến 8/1945 ủy viên Ủy ban quân sự Bắc Kỳ, Tư lệnh các lực lượng vũ trang thống nhất (Việt Nam giải phóng quân), tham gia Ủy ban chỉ huy lâm thời khu giải phóng Việt Bắc.
Ông được hội nghị tòa quốc Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 8/1945) cử vào Ban chấp hành Trung ương và Ủy viên thường vụ Ban chấp hành.
Ông tham gia Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời, Chủ tịch quân sự ủy viên hội trong chính phủ liên hiệp.
Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam (1946-1975), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (2/1946 đến 8/1947 và 8/1948 đến 1980), Bí thư Quân ủy Trung ương (1946-1977), Phó Thủ tướng Chính phủ (Hội đồng bộ trưởng) (1955-1992), Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ 8/1945, khóa II-IV, Ủy viên thường vụ từ 8-1945, Ủy viên Bộ Chính trị khóa II-IV.
Đại biểu Quốc hội khóa I-VII. Trong kháng chiến chống Pháp, chỉ huy các chiến dịch lớn: Biên Giới (1950), Điện Biên Phủ (1954)...
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông cùng Bộ Chính trị chỉ đạo các chiến dịch lớn tại miền Nam, trong đó có chiến dịch Hồ Chí Minh, chỉ đạo chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ ở miền Bắc Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được suy tôn là "Người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam", "Vị đại tướng của nhân dân", "Tư lệnh của các tư lệnh, chính ủy của các chính ủy"...
Võ Nguyên Giáp là một trong những nhà lãnh đạo quân sự kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam, một trong những vị tướng kiệt xuất trên thế giới.
Phố Chu Huy Mân: dài 2.400m, rộng 40 - 81m từ ngã ba giao cắt đường quy hoạch 48m tại Trung tâm thương mại Vincom Long Biên đến ngã ba giao cắt đường Nguyễn Văn Linh. Gắn tên phố ngày 6/10/2016.
Chu Huy Mân (1913-2006), tên thật là Chu Văn Điều, quê ở xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, tham gia cách mạng năm 1929, nhập ngũ năm 1945, đảng viên Đảng CSVN năm 1930, Đại tướng (năm 1980).
Ông nhiều lần bị thực dân Pháp bắt giam; năm 1940 bị đưa đi an trí ở Đắc Lay, Đắc Tô, Kon Tum; năm 1943 vượt ngục, tiếp tục hoạt động cách mạng.
Trong Cách mạng tháng 8/1945, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở Quảng Nam, Phó bí thư tỉnh ủy, Chính trị viên Chi đội Quảng Nam.
Trong kháng chiến chống Pháp, năm 1945-1951 làm Chủ tịch Ban quân chính Khu C (gồm 4 tỉnh Trung Bộ), Chính trị viên Mặt trận Đường 9, tham mưu chủ nhiệm Liên khu 4, trung đoàn trưởng, chính ủy trung đoàn.
Năm 1951-1954 là Phó chính ủy rồi Chính ủy Đại đoàn 316. Trong kháng chiến chống Mỹ, năm 1954-1963 làm Đoàn trưởng Đoàn 100 (đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào); Chính ủy: Quân khu 4, Quân khu Tây Bắc; Tổng cố vấn Việt Nam cho Chính phủ Liên hiệp Lào của Thủ tướng Xu va na Phu ma.
Năm 1964-1965, ông là Chính ủy Quân khu 5. Năm 1965-1967, Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên, chỉ huy các chiến dịch: Plây Me (1965), Sa Thầy (1966).
Cuối 1967-1976 là Tư lệnh kiêm Chính ủy (1975) Quân khu 5; Chính ủy Chiến dịch Đà Nẵng (28 đến 29-3-1975).
Năm 1977-1986 làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (1981-1986).
Ông là Ủy viên BCHTƯ ĐCSVN khóa III-V, Ủy viên Bộ Chính trị khóa IV-V; đại biểu Quốc hội khóa II, VI, VII.
Phố Đàm Quang Trung: dài 1.800m, rộng 40m từ ngã ba giao cắt đường Nguyễn Văn Linh đến ngã ba giao cắt đường đê tả Hồng (tại chân cầu Vĩnh Tuy). Gắn tên phố ngày 6/10/2016.
Đàm Quang Trung (1921-1995), tên thật là Đàm Ngọc Lưu, dân tộc Tày, quê xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng; tham gia cách mạng năm 1937, nhập ngũ năm 1944, đảng viên Đảng CSVN năm 1939, Thượng tướng (1984).
Năm 1940, ông bị Pháp bắt giam và quản thúc tại địa phương. Tháng 9/1944 xây dựng cơ sở cách mạng và huấn luyện du kích ở vùng biên giới phía Bắc.
Tháng 12/1944 gia nhập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Tháng 8/1945 là đại đội trưởng Giải phóng quân, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Thái Nguyên.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông là Chi đội trưởng Chi đội 4 Giải phóng quân; Khu trưởng đặc khu Hà Nội; trung đoàn trưởng, đại đoàn trưởng Đại đoàn 31 Liên khu 5 (1945-1946); Chỉ huy trưởng Mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng; Phó tư lệnh, kiêm Trung đoàn trưởng chủ lực Liên khu 5; Đại đoàn phó Đại đoàn 312.
Trong kháng chiến chống Mỹ, năm 1955 là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312; Tư lệnh Quân khu Đông Bắc, kiêm Đại đoàn trưởng Đại đoàn 322.
Năm 1958-1961, ông là Phó tư lệnh Quân khu Tả Ngạn. Năm 1961-1966 là Tư lệnh Quân khu Việt Bắc. Tháng 8/1966 đến 1967 là Tư lệnh Bộ tư lệnh tiền phương của Bộ Quốc phòng tại Mặt trận B5.
Năm 1967 là Tư lệnh, kiêm Chính ủy, Bí thư Quân khu ủy Quân khu 4 (1973-1975). Năm 1976-1980 là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 1.
Năm 1981-1986 là Tư lệnh Quân khu 1. Năm 1987-1992 ông là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, kiêm Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV-VI, Bí thư Trung ương Đảng khóa VI; đại biểu Quốc hội khóa IV-VIII.
Ngoài những đường phố trên, tại quận Hà Đông và một số địa phương khác của Thủ đô Hà Nội còn có những con đường, phố cùng mang tên các tướng lĩnh và sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
* Tài liệu tham khảo chính:
- Nhiều tác giả, "Lược sử tên phố Hà Nội", Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, H.1964.
- Giang Quân, "Từ điển đường phố Hà Nội", Nxb Hà Nội, H. 2008.
- Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển Bách khoa Quân sự, "Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam", Nxb Quân đội nhân dân, H. 2004.