"Uống nước nhớ nguồn" - truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta

19/07/2017 07:49
ĐẶNG VIỆT THỦY
(GDVN) - Ngày 27/7 hàng năm là dịp để chúng ta ôn lại những truyền thống tốt đẹp, chăm lo tới đời sống vật chất, tinh thần của các thương binh liệt sĩ và người có công.

LTS: Nhân dịp kỉ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ, Đại tá Đặng Việt Thủy tiếp tục gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết thể hiện sự tri ân, lòng thành kính của mình tới các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Dân tộc ta từ xưa đến nay luôn giữ gìn và phát huy truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn". Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ công ơn, lập đền thờ các anh hùng, những người có công dựng làng, dựng nước, những người đã hy sinh vì Tổ quốc.


Tiếp nối truyền thống đó, bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi mọi người hướng về các chiến sĩ đang chiến đấu ở mọi mặt trận, dành những gì tốt đẹp nhất cho họ. Người đánh giá cao những hy sinh, chịu đưng chịu đựng của các chiến sĩ nơi chiến trường.

Hình ảnh thắp nến tri ân các anh hùng cách mạng tại nghĩa trang liệt sĩ. (Ảnh: Uongnuocnhonguon.vn)
Hình ảnh thắp nến tri ân các anh hùng cách mạng tại nghĩa trang liệt sĩ. (Ảnh: Uongnuocnhonguon.vn)


Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên nêu lên quan điểm về người có công với cách mạng. Trong thư gửi các chiến sĩ Nam Bộ, Người viết: "Từ 3 tháng nay, các anh, chị em đã đem xương máu ra để giữ gìn từng tấc đất của Tổ quốc... Đã bao nhiêu lần phấn khởi nghe những chiến công oanh liệt do những vị vô danh và hữu danh anh hùng của dân tộc tạo nên, đã bao nhiêu lần hồi hộp cảm động trước những gương hy sinh vô cùng dũng cảm của những người con yêu của Tổ quốc".

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đầu tiên nói đến khái niệm thương binh. Theo Người, thương binh là các chiến sĩ đã "hy sinh xương máu để giữ gìn Tổ quốc" mà bị thương, Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con ưu tú như thế.

Trong bức thư gửi Ban thường trực của ban tổ chức "Ngày thương binh toàn quốc" tháng 7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
 
"Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh. 

Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy". 

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cũng như trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc, quân và dân ta giành và bảo vệ được quyền độc lập, tự do trong cho đất nước, song, những mất mát cũng vô cùng to lớn, hơn một triệu đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh một cách vẻ vang. Tổ quốc đã ghi công, nhân dân ta đời đời biết ơn và tưởng nhớ.

"Uống nước nhớ nguồn" - truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta ảnh 2

Lần này về thăm các anh, chúng tôi lại rơi nước mắt


Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nhà nước ta đã chỉ đạo việc quy tập mộ liệt sĩ và xây dựng nghĩa trang liệt sĩ ở các tỉnh miền Bắc, chủ yếu được tiến hành bằng ngân sách địa phương, của các ngành và của nhân dân.

Từ sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975), công việc này được xúc tiến mạnh mẽ. Cùng với hệ thống nghĩa trang liệt sĩ các chiến dịch, nghĩa trang liệt sĩ do huyện, tỉnh quản lý, nghĩa trang liệt sĩ làm nhiệm vụ quốc tế... Các công trình tưởng niệm được hình thành là hàng nghìn nhà bia ghi tên liệt sĩ được xây dựng ở xã, phường, huyện nguyên quán của liệt sĩ. 

Thể hiện trách nhiệm và tình nghĩa thủy chung đối với những người đã khuất, các cấp ủy và chính quyền, các đơn vị quân đội và nhân dân các địa phương đã vượt qua nhiều khó khăn, nguy hiểm, đóng góp công sức bảo vệ thi hài, gìn giữ phần mộ cũng như tham gia việc tìm kiếm cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm và bia ghi công liệt sĩ.

Nhiều tổ công tác đặc biệt của quân đội, các địa phương, nhiều người đã nghỉ hưu vẫn cùng đồng đội trở lại vùng căn cứ, chiến trường nước bạn, vùng núi cao rừng sâu, chịu đựng nhiều khó khăn vất vả để tìm hài cốt liệt sĩ (có cựu chiến binh đã góp sức tìm được 2.000 hài cốt liệt sĩ). Ở một số vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã bỏ tập tục kiêng cữ để tham gia công việc tình nghĩa này.

Đến nay, một hệ thống công trình tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã được hình thành trong cả nước. Trong đó, có nhiều công trình đã trở thành những trung tâm văn hóa lịch sử quen thuộc với cả nước như: 

“Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ (Thủ đô Hà Nội), Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (tỉnh Quảng Trị), Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương, Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), Nghĩa trang liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc (tỉnh An Giang), Nghĩa trang liệt sĩ Anh Sơn (tỉnh Nghệ An), Nghĩa trang liệt sĩ Đồng Tháng, Đền thờ liệt sĩ Bến Dược, Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh), Nhà bia tưởng niệm Kon Tum, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang)...”.

Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên): ngay sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, Nhà nước đã chỉ đạo việc quy tập mộ liệt sĩ và xây dựng Nghĩa trang Điện Biên Phủ ở cả ba khu vực:

- Nghĩa trang liệt sĩ A1 (nằm ngay cạnh đồi A1), an táng 644 mộ. Ở Nghĩa trang A1 có  mộ 4 Anh hùng - liệt sĩ là: Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Trần Can, Phan Đình Giót.
- Nghĩa trang liệt sĩ Him Lam, an táng 896 mộ.
- Nghĩa trang liệt sĩ đồi Độc Lập, an táng 2.432 mộ. 

"Uống nước nhớ nguồn" - truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta ảnh 3

Nghìn ngọn nến tri ân các anh hùng, liệt sỹ tại nghĩa trang Đường 9

Số liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ bao gồm nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Số liệt sĩ ghi tên trên bảng chữ đồng gồm: Thanh Hóa: 750 liệt sĩ, Hải Dương: 680 liệt sĩ, Nghệ An: 640 liệt sĩ, Hà Tĩnh: 390 liệt sĩ, Hải Phòng: 184 liệt sĩ, Vĩnh Phú (cũ): 450 liệt sĩ...

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị): cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã kết thúc thắng lợi. Tuyến vận tải quân sự chiến lược đường Hồ Chí Minh đã góp phần to vào chiến thắng trong cuộc kháng chiến của nước ta.

Trong đó có công lao của cán bộ và chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trên các nẻo đường Trường Sơn. Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn đặt tại xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, có diện tích 40 ha, chia thành 5 khu vực với 10.264 phần mộ và một khu tượng đài. 

- Khu 1: an táng phần mộ liệt sĩ đại diện cho 3 miền Bắc - Trung - Nam, gồm: Hà Nội, Quảng Bình, Quảng Trị, một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
- Khu 2: an táng phần mộ liệt sĩ các tỉnh Hà Tây (cũ), Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình.
- Khu 3: an táng phần mộ liệt sĩ các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh.
- Khu 4: an táng phần mộ liệt sĩ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh.
- Khu 5: an táng phần mộ liệt sĩ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Yên Bái, Lào Cai.

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (Quảng Trị): tọa lạc trên vùng đồi cách thành phố Đông Hà tỉnh Quảng Trị gần 6 cây số, mặt hướng về quốc lộ 9 là nơi yên nghỉ và ghi công của hơn 1 vạn liệt sĩ đã hy sinh trên đất Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phần lớn liệt sĩ thuộc các sư đoàn: 304, 308, 312, 320, 324, 968...

Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương, Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu): ngày 28/11/1861, thực dân Pháp đánh chiếm Côn Đảo, thiết lập nhà tù đầu tiên ở xứ Đông Dương (1/2/1862) để đàn áp phong trào cách mạng Việt Nam. Tháng 3/1955, nhà tù Côn Đảo được bàn giao cho chính quyền Sài Gòn. 

"Uống nước nhớ nguồn" - truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta ảnh 4

Mong có một Con đường Tri Ân


Trên thế gian này, hiếm có nhà tù nào lại được thiết kế nhiều khu kỹ thuật như Côn Đảo. Đó là những "nhà tù trong nhà tù", "địa ngục trong địa ngục", 20 hầm đá, 14 xà lim, 31 gian biệt lập chuồng bò, 120 gian chuồng hổ Pháp, 384 gian chuồng hổ Mỹ và rất nhiều gian chuồng hổ để giam giữ những người tù trong tay không một vũ khí.

Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương có hàng nghìn nấm mộ trên sườn đồi, dưới lòng thung lũng và cả dưới chân đồi phía Sở Ruộng. Cách mộ chị Võ Thị Sáu không xa là ngôi mộ tập thể 5 chiến sĩ kiên cường chống ly khai hy sinh trong trận khủng bố ngày 27/3/1961. 

Mỗi khu mộ ở Nghĩa trang Hàng Dương không chỉ là một số phận bi hùng, một chứng tích tội ác của thực dân, đế quốc mà còn âm vang những trang sử hào hùng của cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng trong tù...

Khu A có mộ của hai nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, Võ Công Tồn, mộ đồng chí Lê Hồng Phong và hàng nghìn chiến sĩ cách mạng bị bắt trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ (11/1940). Nghĩa trang Hàng Dương được bảo tồn như một di tích lịch sử đặc biệt.

Nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam): tọa lạc bên quốc lộ 1 với diện tích 3,5 ha, thuộc thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng, quê hương của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ có 9 con trai, 1 con rể, 1 cháu ngoại là liệt sĩ. 

Nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn: có gần 5.000 mộ liệt sĩ, trong đó có 11 mộ Anh hùng lực lượng vũ trang quê ở huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, 1/5 là cán bộ, chiến sĩ quê miền Bắc, phần lớn là Thanh Hóa, Hải Phòng. Nghĩa trang được đánh giá là quy mô nhất của tỉnh Quảng Nam và khu vực miền Trung.

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang): ở thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, cách thành phố Hà Giang tỉnh Hà Giang 18 cây số. Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên là nơi yên nghỉ của 1.746 liệt sĩ. Trong đó có 264 phần mộ liệt sĩ chưa biết tên đến từ 33 tỉnh, thành phố trên cả nước. Họ là những chàng trai vừa mới mười tám, đôi mươi đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Đền tưởng niệm  liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi - thành phố Hồ Chí Minh): đây là ngôi đền thờ liệt sĩ lớn nhất nước ta hiện nay. Đền Bến Dược được khởi công xây dựng ngày 19/5/1993 với quy mô mặt bằng 7 ha, khánh thành vào ngày 19/12/1995. Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 19/12 hàng năm là ngày lễ hội tưởng niệm và tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại đền Bến Dược.

Đền Bến Dược có các hạng mục: Cổng tam quan, Nhà văn bia, Đền chính, Tháp, Hoa viên. Đền Bến Dược có quy mô rất lớn nhưng dường như không thể quy tụ hết các liệt sĩ đã hy sinh trên mảnh đất Sài Gòn - Gia Định anh hùng. Đến nay, trong đền thờ chính đã khắc tên gần 50.000 liệt sĩ trên 632 tấm đá hoa cương, có trên 34.000 liệt sĩ của thành phố Hồ Chí Minh.

"Uống nước nhớ nguồn" - truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta ảnh 5

Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ thiêng liêng, cao quý

Bài văn bia tại đền Bến Dược do nhà thơ Viễn Phương viết, có đoạn kết:
"... Máu hồng tỏa hương chính khí.
Nhân kiệt làm nên địa linh.
Đất nước lớn vì nhân dân anh hùng,
Nhân dân lớn vì tấm lòng yêu nước.
Người đang sống nhớ thương người đã khuất.
Khắc đá làm bia dựng giữa đất trời,
Những anh liệt như ngàn sao tỏa sáng,
Đời đời sao chiếu mãi giữa tim người".

Bên cạnh những nghĩa trang và đền tưởng niệm liệt sĩ nói trên, ở khắp các địa phương trên cả nước ta đều có các nghĩa trang liệt sĩ cũng như đài tưởng niệm để tri ân các anh hùng, liệt sĩ như: 

“Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) an táng gần 3.000 liệt sĩ thuộc các đơn vị Mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3 và các tỉnh Gia Lai, Kon Tum; Nghĩa trang liệt sĩ Buôn Ma Thuột an táng gần 2.000 liệt sĩ (chủ yếu hy sinh trong chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975); Nhà bia tưởng niệm Kon Tum (tỉnh Kon Tum) tưởng niệm hơn 10.000 cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất Tây Nguyên.

Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Tháp an táng 3.067 liệt sĩ thuộc nhiều tỉnh, thành trong cả nước; Đài tưởng niệm các liệt sĩ giao bưu thông tin liên lạc Tây Nguyên, đặt tại đèo Hà Lan (huyện Cư M'gar, tỉnh Đắc Lắc); Đài tưởng niệm nhà lao Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); Đền thờ liệt sĩ huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định).
 
Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào (đặt tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) an táng 8.708 liệt sĩ hầu hết là quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu trên nước bạn Lào; Nghĩa trang liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam ở Cam pu chia (đặt ở xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) an táng 4.236 liệt sĩ (trong đó chống Pháp: 11 liệt sĩ, chống Mỹ: 638 liệt sĩ, chiến tranh biên giới Tây Nam: 3.587 liệt sĩ, thuộc 61 tỉnh, thành trong cả nước).
 
Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong toàn quốc, khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong ở khu di tích lịch sử quốc gia Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh); Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ngành Giao thông vận tải (gần Ngã ba Đồng Lộc); Nghĩa trang thanh niên xung phong ở xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình); Nghĩa trang liệt sĩ Tông Khao (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) an táng liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào; Khu di tích lịch sử Truông Bồn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An)... cùng hàng vạn các nghĩa trang liệt sĩ ở các xã, huyện, tỉnh...

"Uống nước nhớ nguồn" - truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta ảnh 6

Những bức vẽ xúc động về người mẹ bất tử của dân tộc Việt Nam

Kể từ ngày 17/12/1994 đến nay, để ghi nhớ công lao to lớn của các Bà mẹ Việt Nam đã có nhiều cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc, phát huy và giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta, Nhà nước Việt Nam đã phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" cho hơn 5 vạn bà mẹ trong cả nước.

Trong đó, có những mẹ được phong tặng hai danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Bà mẹ Việt Nam anh hùng. 
Đã có hàng vạn Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan, đoàn thể và nhân dân nhận phụng dưỡng suốt đời. Hàng vạn "ngôi nhà tình nghĩa" đã được các tổ chức và cá nhân trao tặng cho các thương binh và gia đình liệt sĩ.

Tưởng nhớ, tri ân những người có công với nước là thể hiện sâu sắc đạo lý "Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa", "Ăn quả nhớ người trồng cây" một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. 

Ngày 27/7 hàng năm là một dịp để mỗi chúng ta ôn lại những truyền thống tốt đẹp, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

ĐẶNG VIỆT THỦY