"Có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang" (*)

30/04/2018 07:45
NGUYỄN HUY VIỆN
(GDVN) - Cả dân tộc cùng đồng lòng, quyết tâm ngăn chặn âm mưu gây chiến của các thế lực ngoại bang và quyết không để xảy ra xung đột trong nội bộ quốc gia.

LTS: Nhân kỷ niệm 43 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Đại tá Nguyễn Huy Viện chia sẻ bài viết về tầm quan trọng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc để xây dựng và phát triển đất nước.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta kết thúc bằng Chiến thắng vĩ đại 30/4 cách đây đã 43 năm, nhưng âm hưởng chiến thắng vẫn vang vọng tới ngày nay và những tổn thất, mất mát của chiến tranh cũng vẫn hiển hiện trên phạm vi Quốc gia và trong nhiều gia đình.

Bởi vậy, để kỷ niệm ngày chiến thắng của dân tộc một cách thiết thực, chúng ta cần phải tĩnh tâm ngẫm nghĩ nguyên nhân xảy ra chiến tranh, nguyên nhân dân tộc ta giành thắng lợi trong các cuộc chiến và những tổn thất, mất mát mà chiến tranh đưa đến.

Cả dân tộc cùng đồng lòng, quyết tâm ngăn chặn âm mưu gây chiến của các thế lực ngoại bang và quyết không để xảy ra xung đột trong nội bộ quốc gia, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển của đất nước.

Các dân tộc Việt Nam đại đoàn kết tạo thành sức mạnh vượt qua mọi khó khăn. Ảnh minh họa: Báo Hà Nội Mới
Các dân tộc Việt Nam đại đoàn kết tạo thành sức mạnh vượt qua mọi khó khăn. Ảnh minh họa: Báo Hà Nội Mới

Trên quan điểm đó đề cao hòa giải dân tộc, tạo sự đồng thuận nhằm thực hiện được mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh” do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đề ra.

Có như vậy mục tiêu và thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, của các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc mới trọn vẹn.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin nêu quan điểm cá nhân về vai trò của đồng thuận xã hội, đoàn kết dân tộc đối với sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Không chỉ trong các cuộc cách mạng, trong chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh vệ quốc, tinh thần hòa hợp dân tộc cũng luôn là nhân tố quyết định đảm bảo cho mỗi quốc gia ổn định, phát triển bền vững.

"Có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang" (*) ảnh 2Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Lịch sử Việt Nam và lịch sử nhân loại đã minh chứng điều đó.

Với nước ta, nhìn lại chiều dài lịch sử của dân tộc, khi các bậc minh quân chú trọng quan tâm khoan thư sức dân, biết nghe can gián thì những bậc minh quân đó được nhân dân đồng lòng ủng hộ, bằng tinh thần “trung quân ái quốc”, sức mạnh dân tộc được phát huy tối đa.

Điển hình là dưới các triều vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông nửa cuối thế kỷ XIII, đã xây dựng quốc gia cường thịnh, ba lần chiến thắng đế quốc Nguyên Mông, được lịch sử dân tộc mãi mãi lưu danh.

Là vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497), vua Minh Mạng (1791 - 1841), hai bậc minh quân đã dẫn dắt dân tộc ta đạt trình độ phát triển rực rỡ nhất dưới thời quân chủ, đưa nước ta trở thành cường quốc của Đông Nam Á khi hai vị vua này trị vì.

Ngược lại, nếu các vị vua không biết chăm lo khoan thư sức dân, xây dựng triều chính, không biết nghe lời can gián của các bậc trung quân mà chỉ tin theo đám cận thần sàm tấu xu nịnh, chỉ biết vui thú hưởng lạc, đặc quyền đặc lợi thì tất yếu vương triều sẽ sụp đổ như các đời vua nhà Lý cuối thế kỷ XII, đầu thế kỷ XIII; nhà Trần cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV; hoặc đất nước lâm vào cảnh binh đao, rối ren dưới thời Lê, Trịnh - Nguyễn thế kỷ thứ XVII, XVIII…

Bước sang thời hiện đại, phát huy truyền thống của cha ông, Đảng và Bác Hồ luôn đề cao tinh thần hòa hợp dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng Tổ quốc.

"Có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang" (*) ảnh 3Hãy cùng nhau đoàn kết, nuôi dưỡng, bồi đắp nguồn trí tuệ Việt Nam

Nhờ vậy không chỉ tập hợp được thợ thuyền, nông dân mà còn tập hợp được đông đảo học sinh, sinh viên, trí thức, nhà nho, địa chủ, tư sản và nhiều thành viên trong chế độ quân chủ…tham gia cuộc cách mạng.

Phát huy sức mạnh của toàn dân tộc làm nên Cách mạng tháng Tám lịch sử, giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ mà đỉnh cao là Chiến thắng 30/4.

Nguồn gốc, bản chất của sức mạnh đồng thuận xã hội và đoàn kết dân tộc được các nhà kinh điển của phép biện chứng đúc kết từ thực tiễn phát triển của tự nhiên và lịch sử phát triển của loài người.

Rằng các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên cũng như trong xã hội luôn luôn tồn tại đa dạng, vừa có tính độc lập tương đối vừa quan hệ ràng buộc, tác động qua lại lẫn nhau.

Trong tự nhiên do sự chi phối, ràng buộc lẫn nhau nên sự tồn tại của đa dạng sinh học là đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển bền vững của muôn loài, muôn vật nếu mất cân bằng sinh thái thì sự sống của tất cả các loài đều bị đe dọa.

Đối với xã hội, ngoài những đặc điểm và lợi ích chung, do đặc thù về nhận thức, văn hoá, tập tục, lợi ích riên… nên mỗi cộng đồng cũng như mỗi con người luôn có bản sắc riêng.

Cái riêng của mỗi cộng đồng, mỗi cá thể là cơ sở cho sự tồn tại của cái chung của cả dân tộc. Bởi vậy, giữa cái chung và cái riêng luôn phải đảm bảo sự hài hoà, tôn trọng lẫn nhau. Có như vậy mới có sự đồng thuận, hòa hợp để tạo môi trường ổn định cho sự phát triển.

Xuất phát từ quan điểm duy vật biện chứng, Bác Hồ cho rằng những khác biệt trong xã hội là tất yếu khách quan và muốn tồn tại thì phải chấp nhận sự khác biệt để tạo được đồng thuận xã hội.

"Có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang" (*) ảnh 4Những “viên sỏi” hận thù sẽ chìm trong biển cả hòa hợp dân tộc

Bởi vậy lúc sinh thời, Người luôn đề cao tinh thần hòa hợp, đoàn kết dân tộc.

Người viết: “Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đầu hợp lại nơi bàn tay.

Trong mấy triệu con người cũng có người thế này thế khác nhưng thế này thế khác đều dòng dõi tổ tiên ta.

Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc... có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang” (1).

Cần phải nắm vững tư tưởng trên đây của Hồ Chủ tịch để chúng ta mở lòng với đồng bào của mình, hóa giải sự khác biệt để đi đến hòa hợp dân tộc.

Đây là đúc kết hết sức chí lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa mang tính lý luận vừa mang tính thực tiễn.

Từ những cơ sở nêu ra trên đây, người viết bài thiết nghĩ để tạo môi trường ổn định cho sự phát triển và sự trường tồn của dân tộc, cần phải thấm nhuần tư tưởng hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh để giải quyết những vấn đề dưới đây:

1. Phải lấy lợi ích quốc gia làm tối thượng; lấy tình cảm dân tộc, gốc rễ đồng bào làm điểm tựa để có tinh thần cởi mở, bao dung cùng phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Để có sự đồng thuận, hòa hợp dân tộc trước hết phải thừa nhận tư duy độc lập của mỗi người là tất yếu khách quan và cũng là tiền đề của mọi sự sáng tạo, phát triển.

Trên cơ sở đó tôn trọng ý kiến phản biện, ý kiến trái chiều không phân biệt trong đối xử.

3. Không nhầm lẫn những người có bản lĩnh và dũng khí phản biện hoặc đưa ra ý kiến trái chiều với những kẻ cơ hội, bảo thủ để tránh quy chụp.

Thông thường những người phản biện chân chính là những người vừa có bản lĩnh, trình độ vừa tâm huyết với sự phát triển của Quốc gia.

Họ biết khi phản biện hoặc nêu ra ý kiến trái chiều dễ bị “thua thiệt” nhưng họ sẵn sàng chấp nhận để đấu tranh cho lẽ phải.

4. Tôn trọng quan điểm chủ nghĩa duy vật biện chứng, rằng đấu tranh giữa các mặt đối lập là tất yếu khách quan và là động lực phát triển của mọi sự vật, hiện tượng để vận dụng vào thực tiễn.

Có như vậy những ý kiến phản biện, trái chiều mới được tôn trọng và chú ý lắng nghe.

Còn nếu ngược lại không những khó có được sự đồng thuận mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực khác…

5. Chống mọi biểu hiện “bao cấp”, áp đặt tư duy theo tư tưởng “duy ngã độc tôn”, “mục hạ vô nhân”, độc quyền chân lý.

Bởi khi tư tưởng này còn ngự trị thì không bao giờ có sự đồng thuận, hoà hợp; không bao giờ tập hợp được lực lượng mà chỉ tạo ra sự chia rẽ bất bình.

Để niềm vui Ngày 30 tháng Tư - Ngày Chiến thắng của dân tộc càng ngày càng trọn vẹn, càng ngày càng tưng bừng thì chúng ta cần phải khắc sâu lời dạy của Bác Hồ: “ … Đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc... có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”.

Tài liệu tham khảo:

(*) Trích lời Bác Hồ

(1) sđd, tập IV, tr.280-281.

NGUYỄN HUY VIỆN