Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho hay, địa phương này không áp dụng thí điểm bộ sách tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại vào dạy thí điểm ở các trường của thành phố.
Đây là bộ sách đang gây xôn xao dư luận bởi những bất cập và hạn chế của nó khiến cả phụ huynh và giáo viên bức xúc.
Mô hình trường học mới - VNEN đã nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế khiến Đà Nẵng phải thu hẹp mô hình này. Ảnh: TT |
Hiện bộ sách này đang được thí điểm tại nhiều tỉnh, thành phố, vậy tại sao Đà Nẵng lại không thí điểm bộ sách này?
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Hồ Thị Cẩm Bình - Trưởng phòng Tiểu học (sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng) cho rằng, mỗi chương trình dạy học đều có mặt tốt và mặt hạn chế riêng của nó.
“Mình không triển khai không phải chê nó không hay nên không làm. Mà ở địa phương đã có những sách, chương trình ổn định nên không triển khai sách của thầy Đại”.
Cũng theo bà Bình, việc lâu lâu lại thí điểm một sách mới, phương pháp dạy mới thì rất vất vả cho cả giáo viên và học sinh.
Dân phải bỏ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nuôi cách đánh vần lạ? |
“Mình không đánh giá chương trình đó như thế nào bởi ai đi sâu, phải làm cái đó thì mới hiểu hết được cái ưu và nhược.
Tuy nhiên, sách này thiên về ngữ âm nên rất tốt cho những nơi mà học sinh gặp khó khăn về phát âm. Tại những địa phương mà việc giao tiếp Tiếng Việt gặp khó khăn thì họ sẽ làm.
Với đối tượng học sinh Đà Nẵng thì rất ổn về cách phát âm. Các em phát âm khá chuẩn, về luật chính tả các em cũng nắm được nên ngành giáo dục nhận thấy không cần phải đưa một chương trình mới vào thay thế”, bà Bình cho hay.
Theo bà Bình thì sản phẩm của ông Hồ Ngọc Đại đã có từ lâu rồi. Trước năm 2000 thì chương trình này đã có rồi và triển khai trên diện rộng.
Nhưng sau khi thay sách (sau năm 2000) thì cả nước không thực hiện nữa. Tuy nhiên, sau đó một ít năm thì một số địa phương vùng khó khăn lại thực hiện chương trình này để bổ trợ việc phát âm, đánh vần cho học sinh.
Vào thời điểm đó, công văn của Bộ giáo dục và Đào tạo gửi về các địa phương triển khai thí điểm chương trình này trên tinh thần tự nguyện.
Nếu địa phương này đăng ký thí điểm thì mới có tập huấn giáo viên, cách dạy theo công nghệ giáo dục. Riêng Đà Nẵng thì không đăng ký thí điểm từ thời điểm đó.
“Ở Đà Nẵng, từ lúc mình về sở phụ trách từ năm 2009 thì cũng tiếp tục không thí điểm dạy sách này.
Bởi đây là địa bàn nhỏ, học sinh phát âm tốt. Việc đánh vần với chương trình hiện hành cũng đảm bảo các em nắm được và phát âm đúng. Mục đích của môn Tiếng Việt là giúp các em đọc được, viết được thì với chương trình hiện hành đã phục vụ tốt rồi.
Mong con "ăn biết nhai, nói biết nghĩ", bà mẹ trẻ gửi tâm thư tới GS.Hồ Ngọc Đại |
Do đó, mình cũng không phải thay đổi. Ngoài ra, theo quan điểm chung của ngành là cái gì đã ổn định thì không nên thay đổi, gây xáo trộn”.
Bà Bình cũng cho biết thêm, hiện trong bậc tiểu học của Đà Nẵng, ngoài những chủ trương chung thì ngành giáo dục địa phương cũng đưa ra nhiều phương pháp mới như: dạy học kỹ thuật, phương pháp cầm tay nặn bột, mô hình trường học mới…
Việc lựa chọn những cái mới này phải dựa trên thực tế sự cần thiết, đổi mới của quá trình dạy học. Còn những cái ổn định rồi thì thôi.
Nhận xét về sách tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại thì cái này nó chỉ hỗ trợ cho việc đánh vần, phát âm của học sinh. Do đó, ngành giáo dục Đà Nẵng không nhất thiết phải thay đổi.
Đà Nẵng từng triển khai thí điểm mô hình trường học (VNEN) tại một trường tiểu học ở xã Hòa Phú (Hòa Vang), sau đó nhân rộng ra một số trường khác. Nhưng qua một thời gian, số trường thực hiện mô hình này giảm dần.
“Các trường không nhân rộng mô hình này nhưng áp dụng những tiến bộ, hiệu quả của mô hình vào việc dạy học như: việc tổ chức lớp học hoặc việc giúp các em tự học, trang trí lớp học…
Tuy nhiên, nếu nhân rộng toàn phần thì họ thấy phần sử dụng tài liệu dạy học cũng có nhiều hạn chế, có lỗi nên họ không thực hiện”, bà Bình cho biết.