Giáo sư tự hào khoe lách luật, cả ngành phục vụ nhóm người bán sách đánh vần lạ

31/08/2018 08:34
Hồng Thủy
(GDVN) - Tại sao quyền hạn trong tay, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận không thể biến sách "đánh vần lạ" thành sách giáo khoa" mà phải "lách luật" với 50 triệu đồng?

Cuộc thí điểm triền miên Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục suốt 40 năm qua không chỉ tiêu tốn khá nhiều ngân sách nhà nước, mà còn khiến người dân bỏ ra hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để con em họ "thí điểm" mà không hề hay biết.

Đằng sau cuộc thí điểm này là cả một hệ thống bán "sách giáo khoa" thu về hàng trăm tỷ đồng mỗi năm hoàn toàn khép kín theo chỉ đạo chặt chẽ của ngành giáo dục.

Trong bài viết này, chúng tôi xin tiếp tục phân tích lý do tại sao lại có cuộc trường kỳ thí điểm này.

Giáo sư tự hào khoe lách luật

Trong bài trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân điện tử có tiêu đề "Thực nghiệm là "lời thưa" của tôi với con trẻ" đăng ngày 19/8/2013, Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho biết:

"Cách đây hai năm, anh Luận đã bỏ tiền túi đi tàu hỏa lên Lào Cai, thuê xe ôm đi về năm trường tiểu học ở địa phương để tự tìm hiểu chương trình tiếng Việt thực nghiệm đang được giảng dạy ở đây. 

Sau khi tự mình mắt thấy tai nghe, Bộ trưởng đã biết rằng sách của tôi có thể triển khai đại trà được.

Ngày 21/9/2012, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Giáo sư Hồ Ngọc Đại, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Ngô Trần Ái cắt băng Khai trương Trung tâm Công nghệ giáo dục thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: gdtd.vn)
Ngày 21/9/2012, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Giáo sư Hồ Ngọc Đại, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Ngô Trần Ái cắt băng Khai trương Trung tâm Công nghệ giáo dục thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: gdtd.vn)

Nhưng để chắc ăn, anh Luận đã bỏ ra 50 triệu đồng thuê luật sư tư vấn về mặt pháp lý cho mình, sau đó mới gọi tôi lên và hỏi: 

“Thầy ơi, em làm như thế có được không?”. Tôi trả lời Bộ trưởng bằng một câu hỏi: “Anh làm như thế mà không sợ à?”. Và Bộ trưởng trả lời tôi rằng:

“Sợ thì em có sợ, nhưng Bác Hồ nói cái gì có lợi cho dân thì em làm”. 

Tôi đã nói với Bộ trưởng rằng anh muốn tôi làm đến đâu tôi sẽ làm đến đấy, tôi đủ sức làm cả nước cũng được, nhưng hoàn cảnh của anh thì khác.

Trước đây, quyển sách Tiếng Việt lớp 1 của tôi chỉ được áp dụng ở các tỉnh miền núi. 

Những đứa trẻ người dân tộc thiểu số không biết tiếng Kinh, cha mẹ chúng nói tiếng Kinh cũng không sõi, không học thêm ở đâu, chỉ sáu tuổi đi học, nhưng chỉ sau một năm học thì đã viết đúng chính tả và không thể tái mù.

Năm ngoái, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép mở rộng cuốn sách về một số tỉnh đồng bằng và đạt kết quả tốt. 

Năm nay, Bộ trưởng đã ký quyết định chương trình sách giáo khoa lớp 1 do tôi soạn sẽ là một phương án sách giáo khoa của Bộ được áp dụng đại trà, nơi nào muốn dạy giáo trình nào cũng được.

Hiện đã có 38 tỉnh dạy theo giáo trình của tôi.

...Nghị quyết 40 của Quốc hội khóa 10 năm 2000 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã quy định cả nước chỉ dùng chung một bộ sách giáo khoa. 

Nhưng Bộ trưởng Luận đã dám công nhận bộ sách của tôi làm bộ sách thứ hai, đó là một người dám làm." [1]

Giáo sư tự hào khoe lách luật, cả ngành phục vụ nhóm người bán sách đánh vần lạ ảnh 2

Dân phải bỏ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nuôi cách đánh vần lạ?

Việc Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thuê luật sư tư vấn vụ triển khai đại trà Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục được thày Đại nhắc lại khi trả lời phỏng vấn Báo Giáo dục và Thời đại ngày 20/8/2013. [2]

Nhưng tường thuật sự việc một cách rõ ràng, sinh động nhất phải kể đến chia sẻ của Giáo sư Hồ Ngọc Đại tại bàn tròn trực tuyến "Những vấn đề giáo dục sau sự kiện đạp đổ cổng trường", do Báo Điện tử VietnamNet tổ chức ngày 21/5/2012:

"Năm vừa rồi, Bộ trưởng  Phạm Vũ Luận ra quyết định chính thức đưa phương án của công nghệ giáo dục về địa phương. 

Nhưng vì Quốc hội ra Nghị quyết số 40 chỉ có một bộ sách toàn quốc nên buộc phải dùng từ “thí điểm”.

Nhưng mà “thí điểm” hiện nay có 16 tỉnh và có 50.000 học sinh… Chỉ cần nếu làm thí điểm thì chỉ cần 1.000 là đáng  tin cậy. 

Giải pháp đưa ra là giải pháp, khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ đạo thì xuống chủ tịch ủy ban nhân dân quận ra quyết định, ủy ban nhân dân huyện ra quyết định nên làm việc ngon hẳn. Rất ngon!

Tôi chưa bao giờ làm việc thuận lợi như năm vừa rồi.

Trước đây làm gì thì chỉ làm với anh Hiển thôi, anh Thành thôi. Anh Hiển là Thứ trưởng, anh Thành là Vụ trưởng, các anh ấy cho phép làm, cùng hỗ trợ.

Trong 3-4 năm nay, khi chỉ có thứ trưởng và vụ trưởng làm, nói chung cũng vất vả, phải thuyết phục.

Nhưng khi Bộ trưởng có quyết định thì tình hình khác hẳn. 

Tôi thấy khi thực sự chính quyền vào cuộc thì tình hình rất dễ. Mà cũng may, hai anh là anh Hiển và anh Luận phụ trách là hai người thực bụng muốn làm giáo dục, không sợ, không ngại thủ tục và chấp nhận danh từ “thí điểm” để lách luật. 

Kể cả sau khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ra quyết định triển khai đại trà, Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục vẫn là "tài liệu thí điểm", ảnh: NXBGDVN.
Kể cả sau khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ra quyết định triển khai đại trà, Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục vẫn là "tài liệu thí điểm", ảnh: NXBGDVN.

Khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận dám ra quyết định chính thức bằng văn bản, tôi thấy tình hình khác rồi." [3]

Quyền hạn trong tay, sao Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khi đó phải lách luật?

Xin lưu ý rằng, "lách luật" là từ của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, chúng tôi dẫn lại. Lách như thế nào thì Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã kể rõ mồn một rồi.

Nhưng tại sao khi đó thầy Đại được cả Vụ Giáo dục tiểu học giúp sức, được Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đồng hành, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ủng hộ mà vẫn phải "lách luật"?

Điều 29 Luật Giáo dục hiện hành quy định: 

"Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông, duyệt sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa."

Giáo sư tự hào khoe lách luật, cả ngành phục vụ nhóm người bán sách đánh vần lạ ảnh 4

Bộ Giáo dục nên dừng o bế Giáo sư Đại, chấm dứt lấy ngân sách làm sách giáo khoa

Điều 11. Cơ quan tổ chức thẩm định, Quyết định số 37/2001/QĐ-BGDĐTcủa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định chương trình và thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông, ghi rõ:

"Cơ quan tổ chức thẩm định là Vụ chuyên môn có chức năng chỉ đạo thực hiện chương trình hoặc sách giáo khoa được thẩm định."

Với tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, thì cơ quan tổ chức thẩm định sẽ là Vụ Giáo dục tiểu học;

Đơn vị này cho đến hiện nay vẫn chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai tài liệu này vào trường học toàn quốc, tại sao lại không thẩm định cho đúng quy trình mà để Bộ trưởng phải "lách luật" bằng 50 triệu, theo lời Giáo sư Hồ Ngọc Đại?

Theo thiển ý của chúng tôi, có lẽ có 2 khả năng có thể giải thích cho sự "lách luật" này.

Thứ nhất là mâu thuẫn lợi ích giữa các nhóm viết sách giáo khoa.

Bởi cho dù Vụ Giáo dục tiểu học có quyền lựa chọn thành viên, chủ tịch hội đồng thẩm định đi nữa, thì phải chăng hầu hết những người có thể chọn lại nằm trong nhóm biên soạn chương trình - sách giáo khoa 2000?

Hãy nghe xem thầy Hồ Ngọc Đại nhận xét gì về đội ngũ này trong cuộc bàn tròn trực tuyến với Báo VietnamNet năm 2012:

Giáo sư tự hào khoe lách luật, cả ngành phục vụ nhóm người bán sách đánh vần lạ ảnh 5

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chọn cách im lặng?

"Chúng ta không nên nhận, kể cả anh Tiến, anh Thành, anh Luận… không phải là tác giả của “chương trình 2000”. Chương trình này đã triển khai đã mười mấy năm nay. 

Những người đó là một bộ phận hoàn toàn khác. Còn các anh là những người chịu một việc đã rồi.

Vấn đề này, phải bàn lại công việc trước đó nữa, cần nói đến nguồn gốc sâu xa nữa. Vụ Tiểu học thực bụng muốn làm. Anh Hiển, anh Luận thực bụng muốn làm. 

Nhưng cả một hệ thống từ xưa đến nay… Chuyện này, chuyện khác là hậu quả của "Chương trình năm 2000".

Nên nếu nền giáo dục hiện này có vấn đề gì, cần truy cứu thì phải truy cứu bộ máy làm chương trình năm 2000, tốn hàng ngàn tỉ nhưng không ra gì. Cần phải nhìn sâu xa hơn nữa mới thấy gốc rễ vấn đề." [3]

Trong một cuộc bàn tròn khác (về đề án đổi mới sách giáo khoa 70 nghìn tỷ đồng) với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và nhà báo Quang Minh trên VTV1 phát sóng cho nhân dân cả nước xem, Giáo sư Hồ Ngọc Đại bình luận về đội ngũ làm chương trình, sách giáo khoa 2000:

"Sau 2015 Bộ lại có một đợt cải tổ chương trình sách giáo khoa. Vấn đề cải cách sách giáo khoa là buộc phải làm thôi.

Vấn đề là ai làm? Tôi thì tôi không tin cái bộ phận hiện nay làm có thể thành công được.

Những người mà từng làm dự án ấy, họ mà tiếp tục làm thì không thể thành công được.

Vì mỗi một người cái trình độ tư duy chỉ có thế thôi. Một cái tổ chức, trình độ tư duy của nó chỉ có thế thôi.

Anh không thể khác được. Không thể ra tư duy mới được. Nhất là những người đã định hình rồi. Nghe danh hiệu thì ghê gớm lắm, nhưng mà không biết gì đâu.

Giáo sư gì, Phó giáo sư gì, Tiến sĩ, Phó tiến sĩ. Tư duy cũ lắm.

Với cái lớp ấy mà nó hạn chế thì đất nước này nguy hiểm lắm.

Cho nên tôi tin rằng Bộ trưởng mới (Phạm Vũ Luận) sẽ có cách xử lý mới. Tôi tin là như thế. Bởi vì không thể dựa vào cái lực lượng như thế được."

Ông Phạm Vũ Luận khi đó đáp lời: "Điều ấy là khẳng định rồi!" [4]

Bộ trưởng - Giáo sư Phạm Vũ Luận, Giáo sư Hồ Ngọc Đại và nhà báo Quang Minh, ảnh chụp màn hình.
Bộ trưởng - Giáo sư Phạm Vũ Luận, Giáo sư Hồ Ngọc Đại và nhà báo Quang Minh, ảnh chụp màn hình.

Những người Giáo sư Hồ Ngọc Đại chê là "tư duy cũ lắm", "không biết gì đâu" mà ngồi hội đồng thẩm định, thì liệu sách của ông có thông qua nổi không?

Phải chăng chính vì điều này, nên ngay cả khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ra quyết định thành lập hội đồng quốc gia thẩm định Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục, thì điều kiện tiên quyết của hội đồng này là không xem xét tính pháp lý để công nhận nó là sách giáo khoa?

Và bây giờ, điều Giáo sư Hồ Ngọc Đại lo lắng, rằng những người tham gia biên soạn chương trình sách giáo khoa 2000 "tốn hàng nghìn tỷ (đồng) nhưng không ra gì" lại tham gia biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới, đã thành sự thật.

Phải chăng cũng chính vì "thái độ" ấy của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, nên Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới đây đã khẳng định với báo giới:

Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục không phải sách giáo khoa nằm trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; càng không phải sách viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới. [5]

Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, đồng thời là điều phối viên ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới cũng cho biết:

"Cũng cần phải nói rõ rằng là, tài liệu Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục chưa phải là sách giáo khoa chính thức, Hội đồng thẩm định thẩm định tài liệu này như một tài liệu dạy học cho phép được tiếp tục thí điểm trong một phạm vi hạn chế chứ chưa công nhận nó như một cuốn sách giáo khoa chính thức. 

Chúng tôi có một đề nghị như vậy với Bộ Giáo dục và Đào tạo, vì căn cứ vào những đánh giá ưu điểm, hạn chế của tài liệu này đặc biệt là căn cứ vào bối cảnh. 

Tài liệu này đã được thí điểm trong gần 40 năm qua và thời gian mà chúng ta tiếp tục thí điểm không còn nhiều. 

Vì theo kế hoạch, năm 2019, Bộ Giáo dục sẽ đưa sách giáo khoa tiếng Việt 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới vào giảng dạy."

Giáo sư Hồ Ngọc Đại khai mạc một khóa tập huấn giáo viên dạy Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Thừa Thiên Huế năm 2016. Ảnh: Nguyễn Thị Mỹ Thái / thuathienhue.edu.vn.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại khai mạc một khóa tập huấn giáo viên dạy Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Thừa Thiên Huế năm 2016. Ảnh: Nguyễn Thị Mỹ Thái / thuathienhue.edu.vn.

Về chương trình sách giáo khoa 2000 "tốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng không ra gì", Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài phân tích. Có thể kể ra đây như:

Những quy luật bất thường qua 3 lần thay sách giáo khoa; Kiến nghị Quốc hội giám sát việc phát hành, phân phối sách giáo khoa

Mong Quốc hội giám sát, làm rõ kinh phí cho chương trình, sách giáo khoa; Hàng tỉ đô la Mỹ đi vay đầu tư cho giáo dục thế nào, hiệu quả ra sao?

Về chương trình sách giáo khoa mới đang triển khai với những con số nhảy múa, đội ngũ tham gia cũng có rất nhiều vấn đề;

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh qua loạt bài 80% thành viên ban phát triển chương trình tổng thể viết sách giáo khoa cho 1 doanh nghiệp tư nhân do ông Ngô Trần Ái lãnh đạo, khi đang thực hiện nhiệm vụ.

Rõ ràng, sách giáo khoa và các tài liệu sử dụng như sách giáo khoa cùng hàng loạt thứ ăn theo (sách tham khảo, sách nâng cao, đề thi và kiểm tra, vở bài tập dùng 1 lần...) là biểu hiện rõ ràng nhất của các nhóm lợi ích đang chi phối giáo dục phổ thông nước nhà. 

Giáo sư tự hào khoe lách luật, cả ngành phục vụ nhóm người bán sách đánh vần lạ ảnh 8

Vụ Tiểu học có phải sân sau của Giáo sư Đại, ai cứu học sinh thoát thí điểm?

Nên giả sử có mâu thuẫn, thì đó cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Dù Bộ trưởng có thành lập hội đồng, nhưng khi đã không cùng "hội", không dễ để hội đồng thông qua.

Khả năng thứ 2 là, những người triển khai Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục chỉ muốn "thí điểm" chứ không muốn thành sách giáo khoa chính thức.

Bởi vì chỉ có "thí điểm" thì mới năm nào cũng được in lại, sách dùng một lần, thu về cả trăm tỷ đồng như chúng tôi đã phân tích.

Nguồn:

[1]http://www.nhandan.com.vn/hangthang/khoahoc-giaoduc/item/21018502-thuc-nghiem-la-%E2%80%9Cloi-thua%E2%80%9D-cua-toi-voi-con-tre.html

[2]https://giaoducthoidai.vn/tieu-diem/gs-ho-ngoc-dai-toi-nhan-duoc-su-hau-thuan-lon-tu-bo-gdampdt-5547-u.html

[3]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/truong-thuc-nghiem-mot-bi-mat-khong-ai-biet-73075.html

[4]https://www.youtube.com/watch?v=5x1vTk3L1Fs

[5]https://news.zing.vn/cach-danh-van-la-khong-lien-quan-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-post872306.html

Hồng Thủy