Đưa sữa bột pha lại vào Chương trình Sữa học đường không chỉ trái với Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ, mà còn vô hiệu hóa các nỗ lực của Chính phủ trong việc phát triển ngành chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững.
Thực trạng này đã và đang tồn tại ở một số địa phương.
Trong bài viết trước, chúng tôi đã phân tích nghịch lý Hà Nam bán sữa tươi cho Vinamilk, mua sữa bột pha lại cho con trẻ.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin tiếp tục phân tích thực trạng tương tự tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hơn 10 năm tiên phong bán sữa bột pha lại vào trường học
Quyết định của Thủ tướng về Sữa học đường, địa phương làm thế nào cũng được? |
Thông cáo báo chí ngày 24/10/2016 của Vinamilk với tiêu đề "Vinamilk tiên phong đi đầu trong chương trình sữa học đường, vì một Việt Nam vươn cao", cho biết:
"Trong 10 năm qua, Vinamilk đã thường xuyên triển khai các chương trình Sữa học đường tại các tỉnh: Bắc Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai.
Gần đây nhất, Vinamilk đã tổ chức lễ phát động chương trình Sữa học đường năm 2016 tại tỉnh Tuyên Quang...
...Tại Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, nơi đầu tiên thực hiện chương trình Sữa học đường từ năm 2007, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm mạnh từ 10% (năm 2006) xuống còn 1,6% (năm 2015) và SDD thể thấp còi giảm từ 4,7% (năm 2012) xuống 2.7% (năm 2015).
Tại Bắc Ninh, nơi đầu tiên triển khai chương trình ở phía Bắc, tỷ lệ SDD thể nhẹ cân giảm từ 6,6% (2013) xuống còn 2,3% (2015); và SDD thấp còi giảm từ 8% (2013) xuống còn 3,8% (2015)." [1]
Hình ảnh trong thông cáo báo chí này cho thấy Vinamilk sử dụng sữa bột pha lại với tên gọi "sữa dinh dưỡng tiệt trùng" cho chương trình Sữa học đường mà công ty tham gia cung cấp sản phẩm tại các địa phương.
Quyết định số 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sữa học đường ký ngày 8/7/2016, quy định sử dụng sản phẩm sữa tươi cho chương trình đầy ý nghĩa nhân văn này.
Điều đó có nghĩa là kể từ ngày 8/7/2016, các sản phẩm đưa vào Chương trình Sữa học đường phải được sản xuất từ sữa tươi nguyên liệu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long với các em học sinh Trường Tiểu học Tràng Đà thành phố Tuyên Quang tỉnh Tuyên Quang trong lễ phát động Chương trình Sữa học đường ngày 5/10/2016 do Vinamilk phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương tổ chức. Sản phẩm học sinh Tuyên Quang sử dụng là sữa bột pha lại, không phải sữa tươi theo Quyết định 1340/QĐ-TTg. Ảnh: doingoai.tuyenquang.gov.vn. |
Tuy nhiên hình ảnh Vinamilk phát động Sữa học đường tại Tuyên Quang ngày 6/10/2016 [2], Bắc Ninh ngày 23/9/2016 [3], Đồng Nai ngày 29/9/2016 [4], sản phẩm sử dụng là "sữa dinh dưỡng tiệt trùng" pha lại từ sữa bột, trái với quy định sử dụng sữa tươi của Thủ tướng Chính phủ trong Quyết định số 1340/QĐ-TTg.
Riêng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, qua tìm hiểu chúng tôi được biết địa phương này đã rất quan tâm đến dinh dưỡng học đường và chăm lo cho trẻ em từ năm 2007.
Tỉnh này đã triển khai đề án "Sữa học đường cho trẻ em dưới 6 tuổi trong các cơ sở giáo dục mầm non và trẻ 3-5 tuổi suy dinh dưỡng ngoài cộng đồng" phê duyệt trong Quyết định số 2572/QĐ-UBND ngày 30/8/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Giai đoạn 1 của đề án từ năm 2007 đến 2011, ngân sách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã duyệt chi 96,697 tỷ đồng, thực chi 82,703 tỷ đồng;
Giai đoạn 2 của đề án này triển khai từ năm 2012 đến 2016 theo Quyết định số 02/2012/QĐ-UBND ngày 17/1/2012 với tổng mức ngân sách được duyệt khoảng 112,785 tỷ đồng.
Điều đáng nói là Quyết định số 02/2012/QĐ-UBND nói trên quy định, với trẻ trong các trường mầm non 1 tháng mỗi cháu uống 16 hộp (ngân sách hỗ trợ 50%; phụ huynh đóng góp 50%);
"Cáo gửi chân" vào Sữa học đường? |
Tức là doanh nghiệp trúng thầu không "hỗ trợ" đồng nào, cho dù đơn hàng lên tới cả trăm tỷ đồng là không hề nhỏ, liệu cách làm này có gây thiệt hại cho ngân sách?
Hơn nữa, Quyết định số 02/2012/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chọn sữa tươi tiệt trùng có đường cho chương trình Sữa học đường tại tỉnh này;
Nhưng chỉ hơn 2 tháng sau, ngày 27/3/2012 Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định số 10/2012/QĐ-UBND đổi sản phẩm "sữa tươi tiệt trùng có đường" trong quyết định trước, thành "sữa tiệt trùng có đường".
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành đề án Chương trình Sữa học đường qua Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016, ngày 4/8/2016 Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND phê duyệt đề án sữa học đường giai đoạn 2017-2021.
Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục chọn "sữa tiệt trùng có đường 180 ml/hộp" chứ không phải sữa tươi theo Quyết định 1340/QĐ-TTg nói trên và Quyết định 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế.
Tổng kinh phí thực hiện đề án này được Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt là 312.986.728.680 đồng (Ba trăm mười hai tỷ, chín trăm tám mươi sáu triệu, bảy trăm hai mươi tám ngàn, sáu trăm tám mươi đồng).
Từ năm 2007 đến nay, Vinamilk là đơn vị trúng thầu cung cấp sữa học đường cho Bà Rịa - Vũng Tàu, sản phẩm cung cấp là sữa bột pha lại.
Nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu nuôi bò sữa có bị lãng quên?
Cùng năm 2007 bắt đầu triển khai chương trình Sữa học đường, ngày 9/5/2007 Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra Quyết định số 33/2007/QĐ-UBND về việc ban hành chính sách hỗ trợ đối với các hộ tham gia dự án phát triển giống bò sữa trên địa bàn tỉnh.
Xã Châu Pha (huyện Tân Thành) được quy hoạch là vùng chăn nuôi bò sữa của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chương trình Sữa học đường được xây dựng nhằm tạo đầu ra cho sữa tươi nguyên liệu địa phương, nhưng đã bị sữa bột pha lại thay thế. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Trước đó, ngày 22/3/2002 Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có Quyết định số 1768/QĐ-UB phê duyệt dự án phát triển giống bò sữa giai đoạn 2001-2005 với mục tiêu nâng cao năng suất sữa, đáp ứng nhu cầu sữa tươi cho tiêu dùng của nhân dân và sữa nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sữa.
Ngày 17/9/2010 Báo Nhân Dân có bài, Phải chăng dự án phát triển bò sữa ở Bà Rịa - Vũng Tàu phá sản?, phản ánh:
"Theo các chuyên gia thị trường, một nguyên nhân sâu xa dẫn đến chương trình bò sữa của tỉnh bế tắc là do khâu tiêu thụ sữa.
Lúc đầu, dự án được xây dựng dự kiến sẽ tổ chức thu mua sữa tại chỗ trên cơ sở hợp đồng nguyên tắc, đơn vị thực hiện dự án đã ký với Công ty Vinamilk.
Tuy nhiên, khi có bò sữa, Vinamilk hủy bỏ hợp đồng, vì cho rằng lượng sữa của tỉnh thấp, không ổn định, mua tại chỗ vận chuyển về sẽ lỗ.
Kỹ sư Nguyễn Tiến Bảy - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Giống nông nghiệp tỉnh thẳng thắn: "Dự án bò sữa của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang gặp khó khăn.
Trước hết là giá thành sữa quá cao, vì những năm qua, giá thức ăn tăng liên tục, khoảng 40%, trong khi đó giá mua sữa của các công ty sữa chỉ tăng 10%.
120 ngàn con bò sữa Vinamilk ở đâu để Hà Nội thiếu sữa, 3 tỉnh dùng sữa pha lại? |
Sản lượng sữa sản xuất ra không đáp ứng được chi phí chăn nuôi bò sữa. Số đông các hộ chăn nuôi bò sữa đều lỗ. Các công ty thu mua sữa độc quyền, ép giá nông dân."
"Trong nỗ lực tìm lối ra cho dự án phát triển bò sữa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã lập dự án chống suy dinh dưỡng giai đoạn 2006 - 2010 cho 35.000 trẻ em dưới 5 tuổi ở các cơ sở mầm non, được uống sữa 9 tháng/năm và 11.955 trẻ ngoài cộng đồng uống 12 tháng/năm, với tần suất uống 16 lần/tháng.
Dự kiến, giá sữa 3.000 đồng/lần uống. Nguồn kinh phí do ngân sách cấp là 22 tỷ đồng/năm. Dự án này đã được thông qua tại kỳ họp lần thứ 6 Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa 4.
Theo tính toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hiện nay, đàn bò sữa của tỉnh chỉ sản xuất khoảng 427 tấn sữa/năm. Nếu tính kinh phí cấp cho chương trình uống sữa là 22 tỷ đồng, chia cho 3.800 đồng/kg, ra 5.946 tấn.
Như vậy, phải tăng đàn bò sữa lên gấp 15 lần so với hiện nay. Liệu dự án thực hiện có hiệu quả không, khi người dân trong tỉnh không còn mặn mà với con bò sữa?" [5]
Ngày 4/6/2015, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu có bài "Thăng trầm nghề nuôi bò sữa", phản ánh:
"Khảo sát thực tế cho thấy, theo dự án chăn nuôi bò sữa của tỉnh, việc tổ chức thu mua sữa tại chỗ trên cơ sở hợp đồng nguyên tắc, đơn vị thực hiện dự án đã ký với Công ty Vinamilk.
Tuy nhiên, khi có bò sữa, Công ty Vinamilk hủy bỏ hợp đồng vì cho rằng lượng sữa thấp, không ổn định, mua tại chỗ vận chuyển về sẽ lỗ.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu (thứ 2 từ trái sang phải) cùng các đại biểu nhấn nút khởi động Ngày hội Sữa học đường năm học 2017-2018, ảnh: phumy.baria-vungtau.gov.vn. |
Đây chính là nguyên nhân làm cho nhiều hộ tham gia dự án nuôi bò sữa của tỉnh từ năm 2002 bị phá sản.
Hiện tại, những hộ chăn nuôi bò sữa mới chỉ ký hợp đồng bán sản phẩm cho đơn vị thu mua sữa hàng năm theo kiểu “mua đứt bán đoạn”, nhưng giữa doanh nghiệp với người nông dân chưa có sự ràng buộc.
Khi hút hàng thì có bao nhiêu doanh nghiệp cũng thu mua hết, nhưng khi “dội chợ” thì các đại lý thu mua lại tìm cách để hạ giá sữa.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp thu mua yêu cầu người nuôi phải cam kết về số lượng sữa hàng ngày, nếu thiếu sẽ bị phạt, còn thừa thì công ty không thu mua.
Để tạo điều kiện cho nghề chăn nuôi bò sữa phát triển, từ năm 2010, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt “Dự án quy hoạch tổng thể phát triển ngành chăn nuôi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020.” [6]
Ngày 17/5/2018, trang Bnews.vn của Ban Biên tập tin kinh tế, Thông tấn xã Việt Nam, cho biết nông dân nuôi bò sữa ở Bà Rịa-Vũng Tàu gặp khó về đầu ra;
Nghịch lý Hà Nam bán sữa tươi cho Vinamilk, mua sữa bột pha lại cho con trẻ |
Bà con đã hợp đồng bán sữa với một công ty số lượng mua không hạn chế nhưng giá sữa khá thấp, giá sữa chỉ dao động từ 8.000 - 11.000 đồng/lít sữa. Với giá này hầu hết người nuôi bò sữa đều không có lãi.
Bên cạnh đó, việc bán sữa của bà con hoàn toàn phụ thuộc vào các chủ thu mua, từ việc định lượng, phân loại sản phẩm đến mức giá thu mua, trong khi giá cả các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho chăn nuôi lại không ngừng tăng. [7]
Như vậy có thể thấy hàng trăm tỷ đồng tiền ngân sách nhà nước được Bà Rịa - Vũng Tàu rót cho đề án Sữa học đường đã không giúp được gì cho người nông dân nuôi bò sữa trên địa bàn.
Ngược lại, việc đưa sữa bột pha lại vào chương trình Sữa học đường còn làm cho bà con chăn nuôi bò sữa cũng như ngành nông nghiệp chăn nuôi bò sữa khó khăn chồng chất thêm khó khăn.
Nếu phản ánh của Báo Nhân Dân trong bài viết trên là chính xác, thì khi xây dựng đề án chương trình Sữa học đường, mục tiêu giải quyết đầu ra cho sữa tươi nguyên liệu sản xuất tại địa phương đã được đặt ra.
Nhưng sau khi đề án được phê duyệt với ngân sách lên tới cả trăm tỉ đồng, thì chỉ một quyết định đề xuất thay sữa tươi bằng sữa bột pha lại đã phá hủy tất cả.
Hiện nay, Vinamilk tiếp tục đưa sữa bột pha lại vào chương trình Sữa học đường tại Hà Nam và Khánh Hòa, trong đó Hà Nam cũng đang tiến thoái lưỡng nan với đề án phát triển bò sữa.
Chưa kể các địa phương khác, Sữa học đường đang trở thành cái cớ cho các doanh nghiệp kinh doanh sữa bột pha lại như VP Milk, sữa đậu nành như Vinasoy tìm kiếm các đơn hàng lớn và ổn định, chỉ cần chính quyền địa phương "tạo điều kiện", dù trái quy định của Chính phủ.
Ngoài Vinamilk, hiện nay VP Milk cũng đang định đưa sữa bột pha lại vào chương trình Sữa học đường và được tỉnh Thái Nguyên chỉ định đến địa bàn thành phố Thái Nguyên tham gia. Ảnh: Báo Ninh Bình. |
Thiết nghĩ đã đến lúc Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc làm rõ các đơn vị sử dụng ngân sách mua sản phẩm cho chương trình Sữa học đường không phải từ sữa tươi, như tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Hà Nam và có thể cả Đắk Nông, Quảng Trị...
Đồng thời cũng cần chấn chỉnh việc triển khai Chương trình Sữa học đường tại các địa phương khác, không để chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và giá trị thực tiễn lâu dài này bị biến tướng thành kênh tiếp thị bán hàng trái quy định cho doanh nghiệp, phá hoại chính sách của Chính phủ về dinh dưỡng và phát triển nông nghiệp bền vững.
"Ngày 11/9/2006, ông Võ Công Hậu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tỉnh này đang xây dựng chương trình sữa học đường giai đoạn 2006 – 2010 giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn hỗ trợ. Chương trình này nhằm mục đích chính cải thiện sức khỏe cho trẻ em, tuy nhiên, đây cũng là hướng giải quyết đầu ra cho sản phẩm sữa bò trong tỉnh, đồng thời tạo điều kiện phát triển nghề chăn nuôi bò sữa. Trước mắt, chương trình sẽ được thực hiện bằng nguồn sữa chế biến sẵn của Công ty Vinamilk. Nhưng về lâu dài tỉnh có hướng đầu tư chế biến sữa bằng nguồn sữa sẵn có tại địa phương." Trích "Băn khoăn...chuyện nuôi bò sữa" đăng trên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 11/9/2006. |
Tài liệu tham khảo:
[1]https://www.vinamilk.com.vn/vi/thong-cao-bao-chi/1334/vinamilk-tien-phong-di-dau-trong-chuong-trinh-sua-hoc-duong-vi-mot-viet-nam-vuon-cao
[2]https://baodautu.vn/vinamilk-dua-chuong-trinh-sua-hoc-duong-len-tuyen-quang-d52539.html
[3]http://luongtai.bacninh.gov.vn/news/-/details/22371/ngay-hoi-sua-hoc-uong-tinh-bac-ninh-nam-2016
[4]https://laodong.vn/thoi-su/khoi-dong-chuong-trinh-sua-hoc-duong-nam-hoc-2016-2017-596461.bld
[5]http://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/12778702-.html
[6]http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/201506/thang-tram-nghe-nuoi-bo-sua-613038/
[7]https://bnews.vn/nong-dan-nuoi-bo-sua-o-ba-ria-vung-tau-gap-kho-ve-dau-ra/84869.html