Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn sữa tươi cho chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 trong Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016.
Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 5450/QĐ-TTg ngày 28/9/2016 về việc quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
Tuy nhiên thực tiễn triển khai tại một số địa phương vẫn có tình trạng làm trái với Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
Sữa học đường đang bị biến thành hoạt động thuần túy thương mại, bán sữa trái quy định vào trường học tại một số địa phương
Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa và Hà Nam chọn sữa bột pha lại dưới tên gọi "sữa tiệt trùng" hoặc "sữa dinh dưỡng tiệt trùng" của Vinamilk cho chương trình Sữa học đường tại địa phương mình, trong khi nguồn sữa tươi nguyên liệu Vinamilk khẳng định không thiếu;
Nghịch lý Hà Nam bán sữa tươi cho Vinamilk, mua sữa bột pha lại cho con trẻ |
Thậm chí tỉnh Hà Nam triển khai và theo đuổi hẳn một đề án phát triển chăn nuôi bò sữa, trải thảm đỏ để đón Vinamilk đầu tư từ 2017 đến nay vẫn chưa được;
Nông dân Hà Nam vẫn bán sữa tươi nguyên liệu cho Vinamilk trong khi con em họ đến trường không được uống sữa tươi, mà là sữa bột pha lại.
Tại Thái Nguyên, sau Quyết định 1340/QĐ-TTg tỉnh đã cho phép Nhà máy sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) đưa sản phẩm vào tiếp thị, tặng và bán trong trường học nhân danh Chương trình Sữa học đường của Chính phủ tại 3 huyện / thị xã.
Riêng các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố Thái Nguyên được chính quyền địa phương dành cho Công ty Cổ phần Sữa chuyên nghiệp Việt Nam (VP Milk) đến giới thiệu sản phẩm và "tham gia Chương trình Sữa học đường".
Trong tháng Giêng, tháng Hai 2019 VP Milk cũng đã triển khai hoạt động tặng sữa để ủng hộ Chương trình Sữa học đường của Chính Phủ tại tỉnh Ninh Bình, tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng sản phẩm là sữa pha lại (VP Milk Grow +), chứ không phải sữa tươi như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế.
Tính đến tháng 11/2018, tại Thái Nguyên, đã có 184/229 trường mầm non, 91/228 trường tiểu học triển khai chương trình sữa học đường, với tổng số trẻ được uống sữa ở cấp mầm non là trên 58 nghìn trẻ (đạt tỷ lệ 80,34%), ở cấp tiểu học là trên 41 nghìn trẻ (đạt tỷ lệ 39,9%).
Sau vụ 29 học sinh Trường Tiểu học Nhã Lộng huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên ngộ độc sau khi uống sữa Fami Kid của Vinasoy tại trường hôm 15/3/2019, ngày 22/3/2019 Ban chỉ đạo Chương trình Sữa học đường tỉnh Thái Nguyên nhóm họp.
Tại cuộc họp này, Trưởng ban - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trịnh Việt Hùng mới chỉ đạo:
Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp tham mưu và triển khai xuống các trường bộ tiêu chuẩn, chủng loại sữa được phép đưa vào chương trình; tiếp thu ý kiến, điều chỉnh báo cáo và kế hoạch triển khai thực hiện.
Chúng tôi nhận thấy, chỉ đạo này có 2 vấn đề bất cập.
Ngày 28/2/2019, Ban chỉ đạo Chương trình Sữa học đường tỉnh Thái Nguyên họp dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trịnh Việt Hùng, ảnh: thainguyen.gov.vn. |
Một là Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế đã có quy định rõ ràng về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, địa phương chỉ cần áp dụng triển khai đúng, vì sao tỉnh phải giao 2 sở tham mưu và triển khai bộ tiêu chuẩn, chủng loại sữa được phép đưa vào Chương trình?
Tính đến tháng 11/2018 đã có 58 nghìn trẻ mẫu giáo, 41 nghìn học sinh tiểu học Thái Nguyên uống "sữa học đường" mà không phải sữa tươi, có phải sản phẩm bất hợp pháp hay không? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm?
Trưởng ban chỉ đạo Chương trình Sữa học đường Thái Nguyên có chỉ đạo các địa phương để Vinasoy, VP Milk tiếp thị sữa đậu nành, sữa bột pha lại vào trường học nhân danh Sữa học đường hay không?
Vụ ngộ độc sau uống sữa Fami Kid tại Trường Tiểu học Nhã Lộng, Ban chỉ đạo Chương trình Sữa học đường tỉnh Thái Nguyên có trách nhiệm gì không?
Những giải thích lắt léo
Ngày 21/12/2018 Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có Công văn số 125/GDVN-HC gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc sử dụng sản phẩm không phải sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường tại địa phương.
Ngày 13/2/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa thừa ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, có Công văn số 199/SGDĐT-GDMN trả lời Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa lập luận:
"Tại điểm a, khoản 3, Điều 1 của Quyết định số 1340/QĐ-TTg chỉ đưa ra các biện pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu Chương trình Sữa học đường đó là "cho trẻ uống sữa hàng ngày" và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền "Xây dựng và ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, định mức, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm."
120 ngàn con bò sữa Vinamilk ở đâu để Hà Nội thiếu sữa, 3 tỉnh dùng sữa pha lại? |
Ngoài ra, Quyết định số 1340/QĐ-TTg chưa đề cập và quy định hàm lượng đối với các vi chất dinh dưỡng cần được bổ sung cho sản phẩm sữa phục vụ Chương trình Sữa học đường, cũng như không có quy định nào hạn chế sản phẩm khác phục vụ Chương trình Sữa học đường.
Tại thời điểm tháng 10/2016, Viện Dinh dưỡng và Cục An toàn thực phẩm chưa ban hành quy chuẩn sữa phục vụ cho Chương trình Sữa học đường;
Trong Quyết định 1340/QĐ-TTg không có nội dung nào giải thích "Sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường được hiểu là Sữa học đường".
Vì thế, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Y tế lựa chọn loại "Sữa dinh dưỡng tiệt trùng có đường" dựa trên cơ sở định hướng về các chỉ tiêu, chất lượng sữa học đường theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg và Quyết định 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế về việc Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường..."
Ngày 19/3/2019 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Bùi Quang Cẩm ký Công văn số 687/UBND-KGVX về việc phúc đáp Công văn số 126/GDVN-HC ngày 21/12/2018 của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Trong công văn này, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam lập luận:
"Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 và Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế ban hành quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường đến năm 2020 đã nêu rõ mục tiêu của Chương trình là nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam.
Nhằm thực hiện các mục tiêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã sớm triển khai thí điểm, xây dựng và ban hành Quyết định 2459/QD-UBND ngày 29/12/2017 về việc triển khai Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh trên cơ sở định hướng về các chỉ tiêu, chất lượng sữa học đường theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế và các yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng cao.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình Sữa học đường tỉnh, ông Bùi Quang Cẩm phát động Ngày hội Sữa học đường Hà Nam năm 2017. Ảnh: hanam.gov.vn. |
Mục đích cuối cùng là mong muốn mang đến cho trẻ em trên địa bàn tỉnh nguồn sản phẩm uy tín, chất lượng, đảm bảo dinh dưỡng tối ưu với giá cả tốt nhất.
Sản phẩm sữa được chọn trong Chương trình Sữa học đường của tỉnh Hà Nam đã được Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn, chỉ tiêu về dinh dưỡng và năng lượng.
Trong suốt quá trình đấu thầu, các sản phẩm tham gia Chương trình đều được xem xét, chọn lọc kĩ lưỡng, đồng thời thông qua ý kiến đánh giá của các đơn vị tư vấn dinh dưỡng có uy tín để lựa chọn được sản phẩm phù hợp, giúp phát triển thể chất cho trẻ tốt nhất với giá cả hợp lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả ngân sách nhà nước.
Ngày 17/9/2018, Bộ Y tế đã có công văn số 5454/BYT-ATTP đề xuất với Chính phủ, ngoài sản phẩm sữa tươi, các sản phẩm sữa dạng lỏng khác cũng được tham gia Chương trình Sữa học đường nhằm tạo điều kiện cho tất cả trẻ em trên cả nước có cơ hội sử dụng các sản phẩm sữa học đường với giá cả và chất lượng tốt nhất, đúng mục tiêu của Chương trình đã đề ra."
Về phần các doanh nghiệp, Vinamilk nói rằng hãng này đồng hành cùng Chương trình Sữa học đường của Chính phủ, nhưng bán sữa bột pha lại cho Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam và Khánh Hòa, dù tuyên bố sữa tươi nguyên liệu hãng này không thiếu.
"Cáo gửi chân" vào Sữa học đường? |
VP Milk cũng đang mang sữa bột pha lại tặng học sinh Ninh Bình và Vĩnh Phúc để "ủng hộ" Chương trình Sữa học đường của Chính phủ, đồng thời được Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên chỉ định xuống thành phố Thái Nguyên "giới thiệu sản phẩm và tham gia Chương trình Sữa học đường".
Vinasoy cũng nhân danh Chương trình Sữa học đường của Chính phủ để tặng mỗi học sinh 10 hộp sữa đậu nành Fami Kid rồi tổ chức bán "trợ giá" sản phẩm này vào trường học.
Hàng chục ngàn trẻ em mẫu giáo và tiểu học ở các địa phương đang trở thành khách hàng tiềm năng cho sữa bột pha lại và sữa đậu nành nhân danh Chương trình Sữa học đường của Chính phủ.
Khi ngộ độc xảy ra sau khi uống sản phẩm không đúng quy định như Fami Kid ở Nhã Lộng, Phú Bình, Thái Nguyên, chẳng có ai nhận trách nhiệm.
10 ngày đã trôi qua, không biết Thái Nguyên xử lý lô sữa này như thế nào, kết luận nguyên nhân ngộ độc ra sao?
Với cung cách làm như thế này, liệu cha mẹ học sinh có còn lòng tin vào sự lựa chọn của chính quyền địa phương, thầy cô có bị biến thành nhân viên tiếp thị không công cho các hãng sữa?
Địa phương tùy tiện giải thích và áp dụng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sẽ gây ra nhiều hệ lụy
Công dân được quyền làm những gì pháp luật không cấm, còn cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức viên chức nhà nước chỉ được làm những gì luật pháp cho phép.
Quy định sử dụng sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường được Thủ tướng Chính phủ xác định rõ ràng trong Quyết định 1340/QĐ-TTg cũng như Bộ Y tế triển khai cụ thể qua Quyết định 5450/QĐ-BYT.
Lập luận như Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm, rằng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hiểu và vận dụng thế nào cũng được.
Ông Bùi Quang Cẩm cùng các đại biểu bấm bút khởi động Ngày hội Sữa học đường Hà Nam năm 2017. Ảnh: hanam.gov.vn. |
Chính sách của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chọn sữa tươi cho Sữa học đường dù đúng đắn đến mấy, nhưng với cách hiểu và cách áp dụng tùy tiện như thế này, làm sao tránh được chệch choạc, thậm chí phá sản?
Còn Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đang cố bảo vệ lựa chọn trái quy định (Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng và Quyết định 5450/QĐ-BYT) của mình bằng cách đánh tráo khái niệm.
Thứ nhất, bất kỳ sản phẩm thực phẩm nào thuộc diện quản lý của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế muốn lưu thông trên thị trường, chẳng phải được xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm?
Trên thị trường có hàng trăm sản phẩm sữa dạng lỏng khác nhau, tất cả đều phải được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép.
Nhưng Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế quyết định chọn sữa tươi vì tính tối ưu của nó về mặt dinh dưỡng, cũng như sau đó là một giải pháp chính sách để phát triển chăn nuôi bò sữa bền vững.
Điều này thì Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam quá rõ, khi kết quả phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2016 - 2018 đạt được còn thấp, nhất là tại các doanh nghiệp tổng đàn chỉ đạt được 1,63% kế hoạch, hầu hết các địa phương không đạt kế hoạch đề ra.
Hà Nam vẫn chọn sữa bột pha lại cho con em tỉnh mình mà không thấy được đây chính là "đầu ra" cho sữa tươi nguyên liệu sạch của tỉnh?
Phải chăng việc phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn Hà Nam là trách nhiệm riêng của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trương Minh Hiến, người được phân công trực tiếp phụ trách?
Còn Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bùi Quang Cẩm được phân công mảng Sữa học đường, hai lĩnh vực này không có liên quan gì với nhau, nên việc ai nấy làm?
VP Milk tặng sữa bột pha lại cho Ninh Bình để "ủng hộ Chương trình Sữa học đường của Chính phủ", sau hoạt động này liệu VP Milk có định tham gia cung cấp sữa bột pha lại cho Chương trình Sữa học đường tại Ninh Bình? Ảnh: Văn Nghĩa / yteninhbinh.com. |
Chính phủ đã tạo ra những công cụ chính sách hữu hiệu để gắn sản xuất với đầu ra, để trẻ em được uống sữa tươi sạch và ngành chăn nuôi bò sữa có được thị trường ổn định, phát triển bền vững.
Nhưng dường như Hà Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa và Thái Nguyên không đoái hoài gì đến quyết tâm và giải pháp của Thủ tướng Chính phủ nên mới để sữa bột pha lại, sữa đậu nành bán vào trường học dưới danh nghĩa Sữa học đường.
Thứ hai, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Bùi Quang Cẩm lập luận rằng, ngày 17/9/2018, Bộ Y tế đã có công văn số 5454/BYT-ATTP đề xuất với Chính phủ, ngoài sản phẩm sữa tươi, các sản phẩm sữa dạng lỏng khác cũng được tham gia Chương trình Sữa học đường.
Phải chăng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Bùi Quang Cẩm không phân biệt được đâu chỉ là "đề nghị", còn đâu mới là "quyết định" của cơ quan có thẩm quyền?
Hơn nữa, ngày 19/3/2019 ông Bùi Quang Cẩm mới ký công văn số 687/UBND-KGVX phúc đáp văn bản số 126/GDVN-HC của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Trước đó ngày 26/11/2018 Bộ trưởng Bộ Y tế đã có công văn số 7162/BYT-BM-TE gửi ủy ban nhân dân các tỉnh. Trong công văn này, Bộ trưởng Bộ Y tế - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Chương trình Sữa học đường Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhắc lại với các địa phương, rằng:
Sản phẩm dùng trong Chương trình Sữa học đường phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nguyên liệu sữa tươi này khi sản xuất thành sản phẩm Sữa học đường phải đạt yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế về việc quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Bùi Quang Cẩm có nhận được Công văn số 7162/BYT-BM-TE nói trên hay không?
Nếu có mà vẫn viện dẫn công văn 5454/BYT-ATTP ngày 17/9/2018 để giải thích cho lựa chọn sữa bột pha lại trái với quyết định của Thủ tướng Chính phủ, có phải là một sự bao biện?