Người Việt - Đức tin và thói sính ngoại

30/08/2019 06:53
Xuân Dương
(GDVN) - Muốn nước Việt được định hình lại trên bản đồ thế giới, người Việt không tự rũ bỏ sự bảo thủ và những thói xấu của mình thì ai giúp?

Thói sính ngoại liệu có phải là những gì còn sót lại của một thời nghèo khó, thời mà từ hạt bo bo, vải vóc, thuốc chữa bệnh, vũ khí, nhà máy đến giáo trình đại học và các lý thuyết,… đều được du nhập hoặc được nước ngoài viện trợ. 

Ngày nay mức độ sính ngoại của người Việt tăng hay giảm, tập trung nhiều nhất ở nhóm dân cư nào và nhóm hàng nào?

Từ người nông dân, công nhân, giáo viên, giới showbiz đến quan chức những thứ dính đến chữ “ngoại” luôn là lựa chọn hàng đầu, mỹ phẩm, thời trang, thực phẩm, trường quốc tế, bệnh viện ngoại, thậm chí đồ đã qua sử dụng (second hand) vứt tại bãi của Nhật vẫn được người Việt ưa chuộng.

Vì sao lại có tình trạng này?

Vì hàng hóa sản xuất trong nước chất lượng kém, giá bán cao, lẫn lộn hàng thật, hàng giả hay do thói quen khó bỏ?

Đi tìm câu trả lời là vấn đề nan giải, đôi khi động chạm đến lĩnh vực nhạy cảm.

Đặng Tiểu Bình từng đưa ra chủ thuyết chi phối mọi hoạt động của nhà nước Trung Quốc “Mèo trắng, mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”. 

Các đời Tổng thống Mỹ đều đưa ra học thuyết của mình, đương kim Tổng thống Donald Trump có chủ thuyết “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America great again).

Nếu người Việt ở thế kỷ 21 này không có được một học thuyết của riêng mình thì thói sính tất cả những gì dính đến “ngoại” vẫn sẽ còn đất sống và tâm lý thỏa mãn, “ngủ quên trên vòng nguyệt quế” vẫn sẽ là rào cản khiến nước Việt không thể cất cánh.

Bằng chứng được liệt kê trên truyền thông quốc tế cho thấy năm 2017, người Việt đã bỏ ra hơn 3 tỷ USD mua bất động sản tại Mỹ (chưa kể các nước khác). 

Lãnh đạo “trò chuyện” sao dân ... chóng mặt?
Lãnh đạo “trò chuyện” sao dân ... chóng mặt?

Trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2018, mỗi năm người Việt đã bỏ ra khoảng 3-4 tỷ USD cho con cái du học nước ngoài.

Nếu tìm hiểu kỹ về các “hạt giống đỏ” thì sẽ không khỏi giật mình bởi không ít người trong số đó có bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ do nước ngoài cấp. 

Có thể kể tên như Nguyễn Xuân Anh (Đà Nẵng), Vũ Minh Hoàng (Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ), Lê Phước Hoài Bảo (Quảng Nam),…

Số liệu thống kê cho hay lượng rượu bia tiêu thụ tại Việt Nam đang tăng khoảng 15%/năm và đã lên tới gần 4,7 tỉ lít bia, 350 triệu lít rượu trong năm 2018.

Tính bình quân giá mỗi lít bia/rượu là 1 USD, thì chi phí cho bia rượu đã vượt 5 tỉ USD. [1]

Tổng ba số liệu nêu trên vào khoảng trên 10 tỷ USD.

Số liệu trong “Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2018” của Bộ Công Thương cho thấy kim ngạch xuất khẩu năm 2018 của Việt Nam đạt 243,5 tỷ USD. 

Trong đó các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu đạt 69,8 tỷ USD, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu. [2]

Như vậy người Việt đã dùng khoảng 15% tổng tiền thu được từ xuất khẩu (bởi các doanh nghiệp trong nước) cho du học, mua bất động sản Mỹ và bia rượu, chưa kể số tiền chuyển bất hợp pháp vào các tài khoản bí mật tại nước ngoài!

Việt Nam không chỉ “chưa giàu đã già” mà còn “chưa giàu đã hoang”, hậu quả tất yếu của xu hướng này là “chưa giàu đã … nghèo”.

Muốn chấm dứt tình trạng này, phải nhìn sang các nước khác và phải bắt đầu từ quan chức nhà nước.

Hàn Quốc là quốc gia có diện tích 99.392 km2 - chưa bằng 1/3 Việt Nam; Dân số 50,76 triệu người - bằng khoảng 1/2 Việt Nam. 

Số liệu của Ngân hàng thế giới (WB) cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa của Hàn Quốc năm 2018 là 1.619,4 tỷ USD, chiếm vị trí thứ 12 trên tổng số 205 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. [3]

Cũng trong năm 2018, về kinh tế thứ hạng của Việt Nam là 49!

Vì sao Hàn Quốc có sự phát triển thần kỳ như vậy?

Cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, Hàn Quốc đã sản xuất được tivi màu, nhưng chỉ để xuất khẩu, trong nước chỉ dùng tivi trắng đen.

Các sản phẩm xa xỉ như mỹ phẩm, xe hơi cao cấp, quần áo thời trang... bị hạn chế nhập khẩu ở mức tối đa. 

Từ năm 1962, chính sách toàn quốc thắt lưng buộc bụng được áp dụng từ Tổng thống đến dân chúng.

Người dân làm việc nặng nhọc và triền miên, nhưng sống rất kham khổ.

Hàng tuần mỗi người dân đều phải nhịn ăn một bữa, không hút thuốc lá ngoại nhập, không uống cà phê. [4]

Việt Nam ngày nay thì sao?

“Cán bộ hút xì gà trị giá 1/20 ngôi nhà tình nghĩa”. [5]

“Thứ trưởng Thăng: Hai con tôi đi du học cũng không về”. [6]

Xì gà và du học đều dính đến “ngoại”, vậy “nội” đứng đâu trong tâm trí người Việt?

Khi doanh nghiệp BKAV của doanh nhân Nguyễn Tử Quảng giới thiệu điện thoại thông minh Bphone, ngay lập tức những lời dè bỉu phát tán trên mạng xã hội, báo Thanhnien.vn trong bài: “'Búa rìu' dư luận nói gì về Bphone” trích dẫn:

“Có vẻ như BKAV đang quá nổ. Một sản phẩm như Bphone còn chưa “đủ tuổi” để so sánh với Galaxy S6 hay Xperia Z3, thế mà đòi đem so sánh với iPhone 6 Plus của Apple”. [7]

Rác trên mạng, rác trong đầu và bệnh sính ngoại của người Việt
Rác trên mạng, rác trong đầu và bệnh sính ngoại của người Việt

Vượt qua những moi móc của các “chuyên gia” nội, BKAV chuyển hướng sang thị trường ngoại, bước tiến đáng kể là thị trường Myanmar.

“Ngay sau lễ ra mắt, Bphone 3 và Bphone 3 Pro đã sẵn sàng trên kệ tại gần 100 cửa hàng trên toàn quốc tại Myanmar, với giá bán 499.000 MMK (tương đương 7,7 triệu VNĐ) cho Bphone 3 và 699.000 MMK (tương đương 10,8 triệu VNĐ) cho Bphone 3 Pro”. [8]

Cần phải thấy rằng Hệ điều hành BOS (OS – Operating System) mà BKAV tạo ra dù có khá nhiều dị nghị của cộng đồng mạng song vẫn là một nỗ lực đáng khích lệ.

Khi chiếc điện thoại thông minh Vsmart Live của Công ty cổ phần nghiên cứu và sản xuất VinSmart tung ra thị trường lập tức bị mổ xẻ và kết luận cấu hình (phần cứng) điện thoại này giống như chiếc Meizu 16XS bán ở Trung Quốc nhưng giá đắt hơn. 

Đáp trả ý kiến cư dân mạng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thiết bị di động, Công ty VinSmart Nguyễn Minh Việt khẳng định:

“Phần “hồn” của Vsmart Live - hệ điều hành VOS do đội ngũ R&D của Vsmart tự phát triển 100%.

Đây là thứ không thể sao chép, hàm lượng chất xám Việt nằm toàn bộ trong đó”.

(Cụm từ “R&D” là từ viết tắt của “Research & Development” - nghiên cứu và phát triển – NV).

Người viết cho rằng khẳng định của Viện trưởng Nguyễn Minh Việt là có cơ sở. Để hiểu về “Hàm lượng chất xám Việt”, xin lấy một ví dụ minh họa:

Chiếc laptop Lenovo IdeaPad 100-14IBD/ i3-5005U mua năm 2016 có giá khoảng 7.000.000 đồng. Để máy hoạt động, bắt buộc phải có Hệ điều hành.

Thông thường người sử dụng phải mua ít nhất hai phần mềm có bản quyền là Hệ điều hành Windows và phần mềm văn phòng Microsoft Office.

Gói bản quyền Hệ điều hành Windows 10 Pro có giá từ 2.850.000 đồng (full version) đến đến 4.200.000 đồng (x64 Eng Intl 1pk DSP OEI DVD). 

Với Microsoft Office 2019, gói Home & Student giá 1.790.000 đồng, nếu mua phiên bản Home & Business thì giá là 5.290.000 đồng. [9] 

Số tiền tối thiểu phải bỏ ra mua phần mềm là từ 4.640.000 đến 9.490.000 đồng.

Có thể thấy giá mua hai phần mềm Windows và Office đã tương đương giá toàn bộ chiếc máy, với người làm công tác chuyên môn nếu mua thêm một số phần mềm chuyên dụng khác như Photoshop, Kế toán máy, diệt virus, … thì chắc chắn sẽ tốn nhiều tiền hơn mua bản thân chiếc máy. 

Nói cách khác hàm lượng chất xám trong các phần mềm cài đặt vào máy tính có thể đắt hơn giá trị chiếc máy và khi đó để đưa máy vào sử dụng, giá thành chiếc máy (phần cứng) sẽ chỉ chiếm dưới 50% tổng chi phí. 

Ngày 20/08/2019, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”. 

Một trong các tiêu chí của Nghị quyết là “Tỷ lệ nội địa hóa tăng từ 20 - 25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030”.

Như vậy, với một sản phẩm mà hàm lượng trí tuệ của người Việt chiếm trên dưới 50% như Vsmart không chỉ đủ để khẳng định đó là sản phẩm “Made in Việt Nam” mà còn vượt yêu cầu theo Nghị quyết của Đảng, thậm chí đi trước tới hơn 10 năm.

Và đến đây, có thể thấy việc so sánh cấu hình các thiết bị điện tử trong một số trường hợp chưa cho thấy bức tranh toàn cảnh về hàm lượng trí tuệ trong mỗi sản phẩm.

Nếu không có Hệ điều hành, máy tính hay điện thoại thông minh chỉ là một khối linh kiện vô tri vô giác. 

Chiếc khung giát vàng không làm nên giá trị của tác phẩm hội họa. Số cúc trên chiếc áo sơ mi không làm cho nó có giá trị hơn chiếc áo vest.

Nhân nói về Vsmart Live, xin nói thêm về ôtô Vinfast. Lỗi VinFast Fadil không có chắn bùn sau khiến nước và bùn đất bị rỉ qua khe cản sau khi vận hành đã bị phát hiện và ngay lập tức hãng đã có biện pháp khắc phục.

Một chiếc xe không bung túi khí khi va chạm của chiếc Vinfast Fadil ở Hải Dương nguyên do là va chạm nhẹ, đó là một may mắn đối với người lái. Dù đó là việc đáng tiếc và hãng đã lập tức vào cuộc tìm hiểu, làm rõ và thông tin minh bạch.

Vấn đề là với loạt sản phẩm đầu tiên, cả nhà thiết kế lẫn nhà sản xuất khó có thể lường hết sự cố có thể xảy ra.

Với những hãng xe danh tiếng toàn thế giới, ngày 21/03/2018, hãng Toyota Việt Nam công bố lỗi cảm biến túi khí khiến túi khí không bung trên 3.526 xe Toyota và Lexus và hãng buộc phải triệu hồi để sửa chữa.

Hơn 70 người đã mua các dòng xe ôtô của hãng Ford Việt Nam sản xuất từ năm 2011 đến năm 2017.

Sau thời gian sử dụng, xe của họ thường xuyên xảy ra các lỗi như: Rung giật, trễ số, tuột côn, không bắt số, không thể kiểm soát được tốc độ trong quá trình vận hành.

Tháng 6/2018, hơn 500 xe Ford Transit bị triệu hồi tại Việt Nam do mối hàn trên giá đỡ nhíp phía sau vào thân xe chưa đúng kỹ thuật. [9]

Có thể thấy để có một sản phẩm chất lượng cao thuần Việt, ngoài sự cố gắng và đạo đức của doanh nghiệp cũng cần có thời gian kiểm nghiệm trong thực tế, đồng thời cũng còn cần sự hỗ trợ từ phía chính quyền và sự thông cảm của người tiêu dùng.

Nghiêm khắc xử lý các hành vi gian dối trong kinh doanh là cần thiết, vụ Khai Silk, vụ xăng “rởm” Trịnh Sướng, vụ thuốc chống ung thư than tre,… cần phải bị phạt mức cao nhất trong khung hình phạt mà pháp luật quy định.

Mặt khác, Chính phủ và người tiêu dùng cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp Việt làm ăn chân chính nhưng gặp phải những lỗi ngoài mong đợi hoặc khó khăn khi khởi nghiệp.

Người Hàn Quốc tự tay đập xe Lexus, xin lỗi vì đã mua ôtô Nhật Bản tuy là hành động cực đoan, không nên có song cũng cho thấy thái độ cư xử của người dân đã tạo động lực cho doanh nghiệp nội địa phát triển như thế nào.

Thông tin từ Tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cho hay đầu năm 2019 báo này đã mua 03 chiếc xe Vinfast cho cán bộ và tòa soạn nhằm ủng hộ chủ trương “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Vậy các nhà hoạch định chính sách Việt Nam nên làm gì?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Một đất nước có thu nhập bình quân người dân trên dưới 3.000 USD, xu hướng ôtô hoá đang phổ cập, thì không cớ gì không phát triển công nghiệp ôtô”.

Nói đến ôtô nhưng tầm nhìn không phải chỉ ôtô mà là hàng loạt ngành công nghiệp liên quan như điện tử, luyện kim, cơ khí, cao su,… cùng với đó là quá trình tự động hóa gắn với cách mạng công nghiệp 4.0, với việc đào tạo đội ngũ “công nhân cổ cồn”.

Từ ý kiến của Thủ tướng, người viết cho rằng Chính phủ nên nghiên cứu ban hành quy định từ nay các loại xe mà cơ quan thuộc hệ thống chính trị sử dụng - gồm xe chở người và vật tư - khi dùng ngân sách nhà nước thì chỉ được mua sản phẩm nội địa (trừ xe đặc chủng trong nước chưa sản xuất được).

Bước đầu các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe 4 chỗ từ tỉnh đến trung ương phải dần thay thế xe nhập ngoại bằng xe nội, tiến tới bắt buộc mua xe có mức nội địa hóa cao nhất do doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam sản xuất tại từng thời điểm nhất định.

Đối với các tổ chức thuộc hệ thống chính trị, chẳng hạn Quốc hội có nên đặt hàng các hãng trong nước sản xuất máy tính bảng (hoặc máy tính xách tay) trang bị cho đại biểu Quốc hội thay vì trang bị iPad do nước ngoài sản xuất chỉ với mục đích tra cứu tài liệu?

Quốc hội khóa 14 lúc đầu có 496 đại biểu, hiện còn lại 487 người, nếu tính cả một số bộ phận phục vụ, kỹ thuật thì có thể cần trên 500 chiếc iPad.

Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình…  cũng trang bị cho đại biểu Hội đồng nhân dân iPad để “tiện” sử dụng.

Quốc hội trang bị iPad để đại biểu tra cứu tài liệu (Ảnh: anninhthudo.vn)
Quốc hội trang bị iPad để đại biểu tra cứu tài liệu (Ảnh: anninhthudo.vn)

Dự án trang bị máy tính xách tay cho đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình có tổng giá trị khoảng 1,3 tỉ đồng, 50 đại biểu mỗi người được cấp một máy tính xách tay Vaio trị giá 20 triệu đồng, tuy nhiên đa số đại biểu không dùng máy tính đã được cấp. [10]

Số liệu thống kê cho thấy tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là 3.951 người. [11]

Bảy năm trước, Tuoitre.vn đăng bài “Đại biểu của dân và chiếc iPad”, bài viết có đoạn:

“Số tiền mua một chiếc iPad loại trang bị cho đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tương đương hơn nửa năm thu nhập bình quân của người Việt Nam”. [12]

Tờ báo này cũng cho hay mỗi chiếc iPad vào thời điểm năm 2012 có giá khoảng 15 triệu đồng. 

Tổng số tiền trang bị iPad cho gần 500 đại biểu Quốc hội và gần 4.000 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sẽ là bao nhiêu và liệu khi hết nhiệm kỳ, số máy này sẽ được bán thanh lý thu hồi cho ngân sách hay trở thành đồ lưu niệm cho đại biểu?

Nếu Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đặt hàng các doanh nghiệp do các nhà đầu tư người Việt xây dựng - sản xuất và trang bị iPad cho đại biểu thì số tiền phải bỏ ra sẽ không đắt hơn mua của nước ngoài.

Thêm nữa, số tiền ấy phần lớn sẽ do các doanh nhân người Việt nắm giữ chứ không chảy vào túi tư bản ngoại quốc.

Kinh nghiệm đau xót từ đầu tư công cho dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông và nhiều dự án có vốn đầu tư từ Trung Quốc cho thấy, nếu không huy động nguồn lực trong nước, nếu sợ ảnh hưởng đến bang giao thì phần thua thiệt luôn là người Việt.

Tuy nhiên, chỉ Nhà nước, chỉ quan chức Chính phủ thay đổi nhận thức là không đủ.

Quốc hội cần phải thay đổi các điều luật và người dân cần từ bỏ thói xấu tiếp tay cho người nước ngoài núp bóng mua bất động sản, kinh doanh bất hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.

Việc cơ quan chức năng Việt Nam không kiểm tra được doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như phản ánh trong bài “Vụ cá chết: Chúng tôi không thể vào kiểm tra khu công nghiệp (KCN) Vũng Áng” là một minh chứng:

“Đoàn công tác không vào kiểm tra tại KCN Vũng Áng được vì đây là KCN có yếu tố nước ngoài, đoàn không có thẩm quyền - Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản, Bộ NN&PTNT Phạm Khánh Ly cho biết”. [13]

Gần đây, vụ việc gần 400 người Trung Quốc làm ăn bất hợp pháp tại Khu đô thị Our City ở Hải Phòng nói lên điều gì?

Chủ đầu từ Khu đô thị Our City là Công ty Hiệp Phong (100% vốn Trung Quốc).

Vì sao những người phê duyệt, cấp phép cho dự án 100% vốn Trung Quốc này lại cho phép họ đặt tên khu đô thị là “Our City” nghĩa là “Thành phố của chúng tôi (người Hoa?)”?

Phải chăng quan chức cấp phép không biết tiếng Anh hay còn lý do nào khác?

Và vì sao vụ việc kéo dài nhiều năm mà chính quyền địa phương không phát hiện?

Nhiều năm trước, người viết đã đề cập đến chuyện này trong bài viết: “Phố người Hoa ở Việt Nam, chính sách hay tầm nhìn”. [14]

Muốn “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” thì những người lãnh đạo phải nêu gương trước tiên. 

Về chủ trương, đường lối, phải có các chủ thuyết, triết lý của người Việt, phải Việt hóa những tinh hoa của nhân loại chứ không phải bảo thủ, dập khuôn một cách máy móc.

Về thực hiện, những gì doanh nghiệp do người Việt làm chủ 100% có thể sản xuất thì kiên quyết không bỏ ngoại tệ mua của nước ngoài.

Trước mắt là ôtô, điện thoại, máy tính, sản phẩm nông nghiệp,… sau đó là tên lửa, xe tăng, tàu chiến, máy bay,…

Và cuối cùng là người dân, truyện Lão Hạc của nhà văn Nam Cao được chuyển thể thành phim điện ảnh có tên Cậu Vàng.

Bộ phim Cậu Vàng đang gây tranh cãi khi chọn chú chó để vào vai chính là giống chó Shiba Inu có nguồn gốc Nhật Bản.

Liệu Nam Cao sống lại có khen “Hậu sinh khả úy” khi các “hậu sinh” cho rằng Lão Hạc nuôi chó Nhật? 

Và liệu những người làm phim có biết giống chó Phú Quốc thuần chủng đẹp và thông minh thế nào?

Tháng 4 năm 1894 hai con chó Phú Quốc mang tên Xoài (Mango) và Chuối (Banane) đã được người Pháp tên là Gaston Helouin đưa sang thành phố phố Lille tham dự “Dog Show” và đã giành ngay vị trí quán quân và á quân. 

Tại “Triển lãm Hoàn vũ quốc tế về chó” diễn ra tại Anvers, Vương quốc Bỉ, trong khi các con chó nổi tiếng được định giá từ 50 đến 100 quan (tiền Bỉ) thì Xoài và Chuối được định giá 25.000 quan, đắt hơn những con chó cùng dự thi khác từ 250 đến 500 lần! [15]

Phải chăng chuyện này chỉ liên quan đến “chuyên môn chó” hay cũng còn là sự quảng bá cho đồ ngoại, cho thói sính ngoại của bộ phận người Việt?

Muốn nước Việt được định hình lại trên bản đồ thế giới, người Việt không tự rũ bỏ sự bảo thủ và những thói xấu của mình thì ai giúp?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/nguoi-viet-nhau-5-ti-usd-nam-cang-nhau-cang-ngheo-20190507091703515.htm

[2]https://moit.gov.vn/documents/40266/0/Bao+cao+Xuat+nhap+khau+Viet+Nam+2018.pdf/7f1254e3-a1e3-4e90-b050-b8fd9c5b30f0

[3] http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=41932

[4] https://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%A0n_Qu%E1%BB%91c

[5] http://danviet.vn/tin-tuc/can-bo-hut-xi-ga-tri-gia-1-20-ngoi-nha-tinh-nghia-1000669.html

[6] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/thu-truong-thang-hai-con-toi-di-du-hoc-cung-khong-ve-952931.tpo

[7] https://thanhnien.vn/cong-nghe/bua-riu-du-luan-noi-gi-ve-bphone-567145.html

[8] https://baophapluat.vn/dien-thoai/bphone-chinh-thuc-chinh-phuc-thi-truong-myanmar-460347.html

[9] https://vietnamnet.vn/vn/oto-xe-may/o-to-ford-bi-loi-nguy-hiem-70-nguoi-keu-cuu-thu-tuong-467109.html

[10] http://vietbao.vn/Chinh-Tri/Quang-Binh-Da-so-dai-bieu-khong-dung-laptop-da-cap/380293796/96/

[11]https://www.moha.gov.vn/baucu/tin-tuc-su-kien/danh-sach-dai-bieu-hdnd-63-tinh-thanh-pho-25898.html

[12] https://tuoitre.vn/dai-bieu-cua-dan-va-chiec-ipad-501669.htm

[13] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tam-diem/vu-ca-chet-chung-toi-khong-the-vao-kiem-tra-kcn-vung-ang-300746.html

[14] https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/pho-nguoi-hoa-o-viet-nam-chinh-sach-hay-tam-nhin-28039.html

[15] http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/Dua-cho-Phu-Quoc-sang-Paris-thi-dau-300782/

Xuân Dương