Vụ Trịnh Sướng (Sóc Trăng) làm xăng giả bán ra thị trường tới gần 200 triệu lít mới bị phát hiện không khiến người dân ngạc nhiên bởi giả dối đã xâm nhiễm vào mọi ngóc ngách cuộc sống mà người Việt buộc phải chấp nhận ngay từ lúc mới cắp sách đến trường.
Không khó để đưa ra hàng loạt dẫn chứng về thực phẩm bẩn, thanh tra rởm, tiến sĩ rởm, thành tích rởm, thuốc chữa bệnh rởm,…
Anh hùng rởm Hồ Xuân Mãn ở Thừa Thiên – Huế là một trong những biểu hiện giả dối, cùng với thói giả dối trong giáo dục chắc người Việt ai cũng biết.
Nói đến chuyện doanh nghiệp được quan chức tiếp tay làm ăn gian dối, người dân chắc không quên kết luận của Kiểm toán Nhà nước về các dự án BOT, sau khi kiểm toán 61 dự án BOT, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm 222 năm thu phí.
Kho xăng dầu của Trịnh Sướng. Ảnh: VTV |
Báo Nhandan.com.vn viết:
“Ông Bùi Đặng Dũng (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội) cho rằng Kiểm toán Nhà nước đã rất dũng cảm bởi nhiều bộ, ngành không ủng hộ, thậm chí có cả những ý kiến băn khoăn phản đối”. [1]
Lý do “nhiều bộ, ngành không ủng hộ, thậm chí phản đối” hoạt động kiểm toán dự án BOT của Kiểm toán Nhà nước là gì?
Là do “đây là dự án của các nhà đầu tư tư nhân” nên Bộ Kế hoạch Đầu tư đồng ý với Bộ Giao thông Vận tải là Kiểm toán Nhà nước không được kiểm toán các dự án BOT giao thông. [2]
Giáo dục ít hy vọng đổi thay nếu không loại bỏ những cá nhân lãnh đạo gian dối |
Tại sao các cơ quan công quyền thuộc Chính phủ lại ngăn cản nhau thực thi pháp luật?
Nếu dự án không có gì khuất tất, nếu minh bạch thì việc gì phải sợ?
Không chỉ hai bộ thuộc Chính phủ bênh “nhà đầu tư tư nhân”, vụ Trịnh Sướng làm xăng giả ở Sóc Trăng được Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên biện luận thế này:
“Cơ quan chức năng đã kiểm tra định kỳ và đột xuất nhưng không phát hiện sai phạm, có nghĩa là "thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi…
Không thể nói cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm trong vụ việc này”. [3]
Báo Vietnamnet.vn cho hay:
“Theo cơ quan điều tra, ông Sướng và các bị can khai bắt đầu pha dung môi vào xăng từ 1/1/2017.
Như vậy, đến ngày bị bắt, đường dây sản xuất, mua bán xăng giả của ông này có thời gian hoạt động là 29 tháng.
Cơ quan điều tra xác định, mỗi tháng ông Sướng cùng đồng phạm tung ra thị trường 6 triệu lít xăng giả, tính sơ đã có 174 triệu lít xăng giả đến tay người tiêu dùng”. [4]
Được biết Bộ trưởng Giao thông, ông Nguyễn Văn Thể từng là Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng từ năm 2015 đến ngày 24/10/2017.
Đại cục của con dân đất Việt là gì? |
Ông nghị Kiên và Bộ trưởng Thể đều là đại biểu Quốc hội thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng.
Như vậy ông Thể từng là lãnh đạo cao nhất tỉnh Sóc Trăng trong thời gian gần một năm kể từ khi Trịnh Sướng bắt đầu làm xăng rởm (01/01/2017).
Cũng tại tỉnh này nếu kể thêm thì không ít bê bối, chẳng hạn Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng quyết định kỷ luật về mặt Đảng bằng hình thức cảnh cáo đối với đại tá Thái Văn Đợi, Phó Giám đốc Công an tỉnh, hay “Sở Giáo dục tỉnh Sóc Trăng cử đoàn đi chơi, nhưng nói dối là đi dự hội thảo”,…
Gần đây, vụ một số lãnh đạo đương chức và đã nghỉ hưu tỉnh Sóc Trăng “tình cờ” gặp Trịnh Sướng trong chuyến du lịch Nhật Bản khiến báo chí đặt nhiều câu hỏi.
Báo Laodong.vn cho hay Văn phòng Tỉnh ủy Sóc Trăng đã cung cấp cho báo chí ảnh chụp hóa đơn nộp số tiền 37.900.000 đồng cho công ty Vietravel chi nhánh Sóc Trăng cho chuyến đi Nhật Bản của ông Huỳnh Văn Sum. [5]
Chuyện ông Phó Bí thư Sum bỏ tiền túi đi du lịch có lẽ dân chúng nên tin là thật, chỉ có điều cũng báo Laodong.vn dẫn lời một ông cựu Huyện ủy (thuộc tỉnh Sóc Trăng):
“Chuyến du lịch 5 ngày ở Nhật Bản vào cuối tháng 3.2019. Trước khi đi tôi nộp gần 88 triệu đồng cho một chi nhánh công ty du lịch gần Bưu điện Sóc Trăng”. [5]
Giả dối - thói xấu tệ hại, người cộng sản cần loại bỏ |
Ông cựu Huyện ủy phải nộp gần 88 triệu đồng, nhiều hơn ông Sum khoảng 50 triệu.
Họ cùng đi đây đi đó với nhau, cùng chụp ảnh lưu niệm, thế sao tiền bỏ ra lại chênh nhau tới 50 triệu đồng?
Do ông Phó Bí thư Sum đi lại ít hơn, chi tiêu tiết kiệm hơn hay do Tỉnh ủy Sóc Trăng chưa công bố hết các hóa đơn nộp tiền mà ông Sum còn cất giữ?
Nếu Tỉnh ủy Sóc Trăng không còn có tấm hóa đơn nào khác của ông Sum thì dư luận chỉ có thể “đoán mò” hoặc là có ai đó bù khoản chênh lệch 50 triệu đồng cho ông Huỳnh Văn Sum hoặc là ông cựu huyện ủy gian dối?
Ông Sướng xăng dầu đang ngồi tù, thế còn những “ông Sướng” khác bỏ lúc gần trăm triệu đi chơi thì sao?
Liên quan đến các “ông Sướng khác”, không thể không nhắc lại câu nói của ông nghị Nguyễn Đức Kiên: “Không thể nói cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm trong vụ việc này”?
Từ lời ông Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội: “Không thể nói cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm” dân chúng buộc phải hiểu là Ủy ban Nhân dân các cấp, Thanh tra, Quản lý thị trường, Công an, Kiểm sát, Khoa học Công nghệ, Thuế vụ,… đều đã làm tròn trách nhiệm?
Vậy thì phải chăng ông Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội gián tiếp chỉ ra, rằng chỉ còn đối tượng duy nhất là dân chúng - những người bị hại khi mua xăng rởm - là “thiếu trách nhiệm”, là không chịu biến mình thành “người tiêu dùng thông minh”, là cứ mua bừa xăng rởm khiến hàng loạt ôtô, xe máy bị cháy?
Xin gợi ý ông nghị Kiên đọc hai bài báo sau đây:
“Xăng “rởm” là thủ phạm khiến xe máy cháy hàng loạt?” (Anninhthudo.vn - 29/12/2011)
“Bộ trưởng Công an: Vụ xăng rởm phần nào lý giải nguyên nhân cháy nổ xe”. (Baogiaothong.vn - 07/06/2019)
Vẫn còn một phát biểu của ông đại biểu Quốc hội đoàn Sóc Trăng Nguyên Đức Kiên mà nếu bỏ qua sẽ là “trích dẫn không đầy đủ”:
“Cơ quan chức năng đã kiểm tra định kỳ và đột xuất nhưng không phát hiện sai phạm, có nghĩa là thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi”. [3]
Xin hỏi ông nghị Kiên lần nữa, nếu chữa câu nói của ông như sau thì ý ông thế nào:
“Cơ quan chức năng đã kiểm tra định kỳ và đột xuất nhưng không phát hiện sai phạm, có nghĩa là cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm”?
Hỏi thế nhưng xin ông nghị Kiên đừng trả lời, bởi nếu ông trả lời thì biết đâu “dân thiếu trách nhiệm” chúng tôi lại phải hỏi tiếp.
Mấy năm qua, người Việt thực sự tá hỏa vì những sự giả dối từ lời nói đến việc làm trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức và người được dân ủy nhiệm.
Những kẻ ấy trong văn bản gọi là “Tự diễn biến, tự chuyển hóa” còn dân chúng nói ngắn gọn là “kẻ biến thái”.
Chính vì “biến thái” nên “rác phát ngôn” mới được xem là “lời vàng, ý ngọc”, cũng vì “biến thái” nên cả bầy sâu mới được phù phép thành lãnh đạo tỉnh, sở như mấy chục người ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình trong vụ gian lận điểm thi năm 2018, như hàng loạt tướng tá mới bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định kỷ luật.
Người Việt không thể bị đánh gục dù phải đối diện với thù trong, giặc ngoài ngày càng mạnh mẽ hơn, xảo quyệt hơn và sự đông đảo của chúng chưa có chiều hướng suy giảm.
Tuy nhiên, đến các mốc thời gian 2030 hoặc 2045, đất nước có hết những kẻ như “Sướng” mà vẫn ngoài tù thì vẫn là câu hỏi mà đáp án phải dùng “thì tương lai”.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://nhandan.com.vn/nation_news/item/40449002-kiem-toan-nha-nuoc-gop-phan-phong-chong-tham-nhung-lang-phi.html
[2] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/bo-truong-nguyen-van-the-bi-dai-bieu-bat-gio-tra-loi-khong-chinh-xac-ve-bot-538966.html
[3] https://laodong.vn/thoi-su/ong-nguyen-duc-kien-thu-doan-cua-trinh-suong-va-dong-pham-qua-tinh-vi-738627.ldo
[4] https://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ho-so-vu-an/goc-khuat-trong-duong-day-lam-gia-xang-dau-do-ong-trinh-suong-cam-dau-540584.html
[5] https://laodong.vn/xa-hoi/bat-nhat-thong-tin-vu-trinh-suong-tai-tro-lanh-dao-tinh-soc-trang-di-nhat-738763.ldo