Liên quan đến sự việc một học sinh của trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway tử vong trên xe đưa đón của trường, nhiều người đang đặt câu hỏi về trường quốc tế là gì? Tiêu chuẩn nào cho trường quốc tế tại Việt Nam?
Hiện nay đang có rất nhiều trường được quảng cáo rùm beng và gắn mác "quốc tế" và được giới thiệu là môi trường học tập tiên tiến, hiện đại với mức học phí cao ngất.
Đã khởi tố vụ án học sinh lớp 1 trường Gateway tử vong vì bị bỏ trên xe đưa đón |
Lâu nay, một bộ phận người dân dường như cho rằng trường quốc tế được phép thành lập ở Việt Nam và vào trường đó là phải đắt, phải tốt.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, trong các văn bản pháp luật hiện nay, không hề có quy định nào về trường quốc tế. Nhiều trường hiện nay tự nhận "quốc tế".
Hiện nay theo điều 48 của Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 01/7/2020) quy định các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân chỉ bao gồm: trường công lập; trường dân lập; trường tư thục, đồng thời cũng quy định cụ thể các cá nhân, cơ quan tổ chức và loại hình đầu tư. Không có loại hình có tên là trường quốc tế.
Những trường này được gắn thêm tên “quốc tế” do có yếu tố nước ngoài; thường là có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc liên kết đào tạo với nước ngoài, hoặc cả hai.
Là trường tư thục nhưng Gateway tự phong, tự gắn mác "quốc tế" và thu học phí cao khủng khiếp. (Ảnh chụp màn hình website của trường) |
Về trường hợp trường Gateway, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy phát biểu trong buổi họp báo ngày 7/8 cho thấy: “Hiện nay trên địa bàn quận Cầu Giấy chỉ có các trường mang yếu tố nước ngoài chứ không có trường nào là quốc tế”.
Ông Ngọc Anh cũng nói thêm: “Trong quy định thành lập trường không có tên nào là trường quốc tế cả. Trong quyết định thành lập của trường không có chữ quốc tế”.
Tuy nhiên, trên website của trường Gateway tại địa chỉ https://gateway.edu.vn luôn nhấn mạnh thông tin đây là trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway.
Đối với các trường có yếu tố nước ngoài cũng đã có những quy định cụ thể. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục.
Quá lo sợ, nhiều phụ huynh trường Gateway tự đưa con đi học |
Trong đó có quy định, tên các trường có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng.
Tại các trường có vốn đầu tư nước ngoài, số lượng học sinh ở mỗi lớp không quá 30 học sinh; số lượng giáo viên ít nhất phải 1,5 giáo viên/lớp đối với trường tiểu học…
Các trường phải đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất như:
Tập trung tại một địa điểm, có môi trường tốt; Diện tích mặt bằng bình quân ít nhất 06m2/học sinh; Có sân chơi, bãi tập, khu để xe với diện tích ít nhất bằng 30% tổng diện tích mặt bằng của trường…
Tóm lại, trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway cũng như nhiều trường quốc tế khác trên cả nước không hề được pháp luật công nhận là trường quốc tế.
Tuy nhiên, danh xưng “quốc tế” vẫn xuất hiện nhan nhản ở các trường nhằm thu hút tuyển sinh.
Những trường có danh xưng “quốc tế” thu học phí cũng cao vút.
Tại ngôi trường Gateway (Khúc thừa Dụ, Cầu Giấy, Hà Nội), ngôi trường vừa xảy ra vụ việc đau lòng khiến bé trai tử vong cho thấy, tên trang web của trường này học phí bậc tiểu học năm học 2019 - 2020 được niêm yết là 117.700.000 triệu đồng/năm. Các bậc phụ huynh có thể đóng học phí theo kỳ hoặc cả năm.
Thậm chí, nếu đóng cả năm trước 31/5 thì sẽ được nhận ưu đãi 5% còn 111.815.000 triệu đồng, đóng trước 14/7 được ưu đãi 3% với học phí là 114.169.000 triệu đồng. Mức học phí này chưa bao gồm phí học liệu, tiền ăn, bus và phí trông muộn. Trường Gateway được giới thiệu là trường học theo mô hình chuẩn Hoa Kỳ được trang bị trang thiết bị tối tân, hiện đại bậc nhất.
Ai sẽ xử lý trường quảng cáo kiểu "treo đầu dê, bán thịt chó" như Gateway? (Ảnh: Vũ Phương) |
Tại sao có từ “quốc tế” như vậy, phải chăng cũng vì thói sính ngoại của người Việt?
Sẽ không cần phải nói quá nhiều về thói sính ngoại của của người Việt. Tất nhiên, việc chọn lựa thế nào là quyền của mỗi người.
Thế nhưng, sinh ngoại để đến mức lợi dụng thì quả thật cần phải xem lại.
Trở lại câu chuyện của trường Gateway, quyết định thành lập không có yếu tố nước ngoài nào.
Các cổ đông thành lập cũng là 100% người Việt nhưng bỗng dưng xuất hiện Tổng hiệu trưởng người nước ngoài, nói triết lý….và nếu không có vụ bé trai tử vong trên xe đưa đón thì có lẽ người ta vẫn nghĩ Gateway là trường quốc tế thật.
Chỉ đến khi niềm tin “chết người” vào cái mác “ngoại” này đột ngột có hậu quả trầm trọng, đổi lại bằng cái chết đầy tức tưởi của em học sinh mới đi học được 2 ngày thì nhiều bậc phụ huynh lúc này mới bừng tỉnh.
Đã đến lúc cơ quan chức năng cần vào cuộc và có chế tài cụ thể đối với các trường tự gắn mác “quốc tế” và các vị phụ huynh cũng cần phải nhớ rằng không có trường "quốc tế".