Chuyện trực Tết của giáo viên ở các nhà trường đã có từ hàng chục năm qua. Dù dịp Tết là thời điểm được nghỉ theo kế hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép nhưng nhiều giáo viên vẫn phải tham gia trực, nhất là đội ngũ lãnh đạo và giáo viên cốt cán trong nhà trường.
Không chỉ trực Tết ban ngày mà nhiều trường học còn yêu cầu giáo viên phải trực đêm nhưng lại không có chế độ chi trả theo quy định của các văn bản hướng dẫn hiện hành. Đây cũng là thực trạng chung của các nhà trường nhưng xem chừng vẫn rất khó có hướng giải quyết phù hợp bởi mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu.
Trực Tết vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng tình của giáo viên (Ảnh minh họa: baogialai.com.vn) |
Lãnh đạo nhà trường cũng lúng túng khi phân công trực Tết
Tại điều 97 của Bộ luật Lao động năm 2012 hướng dẫn người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau: “Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày”.
Như vậy, nếu xét về Luật, khi phân công giáo viên tham gia trực Tết thì nhà trường phải chi trả chế độ cho người lao động bằng 300% mức lương hiện hành. Tuy nhiên, Luật thì vậy nhưng các địa phương, Phòng, Sở lại hướng dẫn khác khiến cho nhiều hiệu trưởng lúng túng trong công việc phân công hàng năm.
Bởi, một điều thực tế là thời gian nghỉ Tết ở các nhà trường thường dài hơn các cơ quan nhà nước. Địa phương nào ít cũng 10 ngày, nhưng đa phần là các nhà trường nghỉ Tết 2 tuần.
Với chừng ấy thời gian, tất nhiên chuyện phân công giáo viên, nhân viên trực Tết là điều không tránh khỏi.
Vì theo biên chế hợp đồng với bảo vệ hiện nay thì đa phần các trường phổ thông chỉ có 1 bảo vệ nên rất khó khi phân công họ trực cả ngày và đêm. Nhất là dịp Tết thì ai cũng phải đi đây, đi đó, đón tiếp người thân đến chúc Tết gia đình mình.
Đây cũng là vấn đề tế nhị mà các hiệu trưởng cũng phải linh hoạt với đơn vị mình để bố trí giáo viên, nhân viên trực Tết.
Đó là chưa kể nhiều trường học hiện nay không có bảo vệ thì việc hiệu trưởng phân công trực Tết càng khó. Ngày thường, trường chỉ thuê bảo vệ trực vào ban đêm, dịp hè, còn ban ngày thì nhà trường hoạt động nên không có bảo vệ trực.
Trong khi đó, các hướng dẫn trực Tết ở trên thường hướng dẫn là bảo vệ nhà trường, Ban giám hiệu, nhân viên và giáo viên cốt cán. Nhưng, nhiều nơi lãnh đạo Phòng, Sở lại hướng dẫn là trực Tết không được chi tiền mà sẽ nghỉ bù sau Tết.
Nhưng, lãnh đạo và nhân viên nhà trường nghỉ bù thì được chứ giáo viên làm sao nghỉ bù được? Nghỉ bù cũng đồng nghĩa học trò phải nghỉ mà điều này không bao giờ cho phép trong các nhà trường. Việc cho chi tiền thì chỉ chi vào 5 ngày Tết Nguyên đán, còn trước và sau Tết thì không cho chi chế độ nên dẫn đến việc phân công đối với giáo viên vẫn còn nhiều bất cập.
Chính vì những khó khăn như vậy nên việc các Ban giám hiệu nhà trường phân công giáo viên trực Tết cũng là điều bất khả kháng. Bởi mỗi trường chỉ có 1 bảo vệ và 2-3 thành viên Ban giám hiệu.
Không phân công giáo viên trực thì sợ tài sản của nhà trường sẽ mất mát, cấp trên phê bình. Hơn nữa, dịp Tết cũng là lúc mà một số đoàn thể, lãnh đạo cấp trên thường tổ chức đến thăm, chúc Tết nhà trường. Nếu mà không có ai trực thì lấy ai tiếp đón. Lúc đó, nhà trường còn bị phê bình nặng hơn.
Vì sao giáo viên không muốn trực Tết?
Thực tế, ngày Tết thì ai cũng muốn dành toàn bộ thời gian cho gia đình mình. Nhất là đối với những giáo viên công tác xa trường thì dịp Tết là dịp đoàn tụ cùng gia đình sau nhiều tháng ngày xa quê.
Nhưng, nếu được phân công trực Tết thì rất khó xử lý. Nhờ anh em ở gần trường trực thì đâu phải năm nào cũng nhờ được. Năm nào cũng Tết, năm nào cũng được phân công trực chẳng lẽ năm nào cũng nhờ đồng nghiệp trực thay nên giáo viên ở xa gặp khó khăn.
Chính vì thế, nhiều khi giữa ngày Tết phải lủi thủi đi mấy chục cây số đến trường trực Tết. Những giáo viên mà khác tỉnh thì chuyện trực Tết còn khó khăn hơn rất nhiều lần.
Gặp những hiệu trưởng cảm thông, linh hoạt thì đỡ, gặp phải hiệu trưởng cứng nhắc thì gặp rất nhiều phiền phức nếu Tết đó mà giáo viên bố trí về thăm quê.
|
Điều mà một số giáo viên còn băn khoăn, thắc mắc đó chính là chế độ trực Tết đã được quy định trong Luật. Chính vì Luật quy định được hưởng 300% lương nên khi tham gia trực Tết mà nhà trường hoặc cấp trên không cho chi thành ra giáo viên họ chưa đồng tình.
Thà rằng, trực không công được quy định rõ trong Luật để người trực không thắc mắc. Hoặc đã có văn bản chi thì cấp trên hướng dẫn các đơn vị chi trả cho giáo viên. Tuy nhiên, như phần trên chúng tôi đã đề cập là ngày Tết của các nhà trường dài. Nếu chi trả số lượng ngày công nhiều như vậy thì ảnh hưởng đến kinh phí hoạt động của nhà trường. Bởi, tất cả các khoản kinh phí đã được cấp trên cấp về từ đầu năm…
Giải pháp nào cho việc trực Tết ở các nhà trường?
Chúng ta đều biết rằng, giữa Luật và thực tế thực hiện ở cơ sở không phải bao giờ cũng đồng nhất với nhau. Luật cho chi trả tiền trực Tết nhưng hướng dẫn trực Tết ở trường là Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo.
Một khi văn bản hướng dẫn trực Tết không cho chi tiền thì đố hiệu trưởng nào dám chi cho giáo viên. Duyệt chi mà kho bạc không cho rút, hoặc khi quyết toán không được thì kinh phí ấy lấy đâu để bù?
Văn bản đa phần là cho nghỉ bù sau Tết nhưng giáo viên làm sao có thể nghỉ bù khi định mức số tiết đã cụ thể, thời khóa biểu trên lớp đã phân công, phân phối chương trình môn học đã định sẵn số tiết. Giáo viên nghỉ bù rồi lại đi dạy bù hay sao?
Vì thế, để giải quyết câu chuyện trực Tết hàng năm của giáo viên thì các Phòng, Sở phải tham mưu kỹ với các Ủy ban nhân dân huyện, tỉnh về chi trả chế độ trực Tết theo Luật hiện hành.
Nếu không được thì đương nhiên phải sử dụng yếu tố tình cảm đối với giáo viên, nhân viên trường mình. Bảo vệ thì trực đêm, lãnh đạo, nhân viên, giáo viên nhà trường thì chia nhau trực ban ngày.
Thực tế, giáo viên trong trường đông, nếu khéo léo phân công thì mỗi người chỉ trực khoảng 1 buổi. Những trường lớn có thể 2 giáo viên trực/ 1 buổi.
Những giáo viên ở xa trường, hoặc về quê thì hiệu trưởng cần linh hoạt đừng phân công họ mà tội nghiệp. Bởi có giáo viên xa quê nhiều năm nhưng vì vướng lịch trực Tết mà khiến họ khó xử.
Thực tế hiệu trưởng nhà trường cũng có những cái khó riêng của họ khi phân công, giáo viên thì ngày nghỉ mà phải đi trực sẽ cảm thấy không vui chút nào.
Vì thế, tháo gỡ vấn đề này cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể của các Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện để trực hay không trực Tết thì giáo viên không còn phải băn khoăn nữa.