Nhiều giáo viên ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An phản ánh về việc nhà trường không chỉ bắt giáo viên trực hè, mà vào mỗi dịp Tết Nguyên đán giáo viên nơi đây cũng bị nhà trường phân trực Tết (ai không trực phải nộp tiền).
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Na Loi huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An (Ảnh CTV) |
Đã thành quy định, thầy cô giáo ở xa muốn được về với gia đình vào dịp Tết thì bỏ tiền ra thuê người khác trực thay mình.
Đồng lương ít ỏi, sống xa nhà nhưng trăm thứ phải chi đang làm nhiều gia đình giáo viên nơi đây khốn khổ.
Nhà trường không có bảo vệ, giáo viên có phải trực thay?
Thầy Nguyễn Thế Hiền, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Na Loi huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An cho biết nhà trường không có bảo vệ nên phải phân công giáo viên trực.
"Giáo viên không muốn trực thì nộp tiền cho người khác trực thế thôi."
Chúng tôi liên hệ với thầy Nguyễn Xuân Hiền, Phó phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn, thầy Hiền xác nhận các trường học ở huyện miền núi Kỳ Sơn này phần nhiều là không có bảo vệ.
Chuyện hợp đồng bảo vệ là do từng trường, và nguồn tiền chi trả cho nhân viên bảo vệ được trích từ ngân sách của nhà trường.
Nếu, lấy tiền ngân sách của nhà trường (ngân sách chi cho hoạt động giảng dạy và học tập) để trả lương cho một bảo vệ trong một năm sẽ gây khó khăn về tài chính cho chính ngôi trường ấy.
Đây chính là điều khó khăn cho nhiều hiệu trưởng hiện nay.
Vì thế, nếu nhà trường không có một khoản thu nào khác ngoài khoản kinh phí được nhà nước cấp hằng năm sẽ khó có đủ tiền để thuê bảo vệ.
Nhưng không vì thế mà nhiều hiệu trưởng lại buộc những thầy cô giáo ở đây phải đóng vai bảo vệ.
Điều này, chính những hiệu trưởng ấy đã và đang vi phạm Luật Lao động.
Giáo viên không phải trực 2 tháng hè, giáo viên cũng không có nhiệm vụ trực Tết
Điều 70 của Luật Giáo dục hiện hành quy định, nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác.
Còn tại Điều 72 của Luật có nêu: Nhà giáo có những nhiệm vụ sau đây: Giáo dục, giảng dạy theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục…
Ngoài ra, nhiệm vụ của giáo viên còn được quy định tại Điều lệ Trường Tiểu học, Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Như vậy, trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, không có điều khoản nào quy định giáo viên phải trực Tết và trực hè. {1}
Như vậy, theo hệ thống pháp luật giáo dục hiện hành, nhà giáo không có nhiệm vụ trực trường để bảo vệ tài sản.
Tuy nhiên, từng trường hợp cụ thể, nhà trường có thể điều động giáo viên làm thêm giờ theo quy định của Khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2012:
"Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa."
Về quyền của nhà giáo trong trường hợp điều động làm thêm giờ, Điều 12 Luật Viên chức 2010 quy định:
"Điều 12. Quyền của viên chức về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương.
2. Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.{2}
Từ những quy định nêu trên cho thấy, hiệu trưởng nhà trường phân công giáo viên trực hè, trực Tết nếu không trực phải đóng tiền hoặc trừ lương là vi phạm các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về giáo dục.
Không có bảo vệ, nhà trường làm thế nào để bảo vệ tài sản trong hè và dịp Tết?
Có thể khởi kiện khi hiệu trưởng yêu cầu giáo viên phải trực trường không công |
Theo quy định thì những ngày hè, Ban Giám hiệu nhà trường, văn thư, thiết bị, kế toán…vẫn phải làm việc.
Vì thế, ban ngày trường gần như đã có người trực.
Ban đêm, nhà trường có thể trích một khoản kinh phí để thuê bảo vệ. Chứ không thể lấy lý do vì không có bảo vệ bắt giáo viên làm người đóng thế.
Hiệu trưởng có thể kiến nghị lên chính quyền địa phương nơi ấy nhờ giúp đỡ trong những tháng hè.
Địa phương nào chẳng có đội dân phòng, có công an? Thay vì đi trực tuần hằng đêm ở các thôn xóm họ sẽ hỗ trợ kiểm tra an ninh trật tự của các trường học xung quanh địa bàn.
Bên cạnh đó, hiệu trưởng cần làm việc thêm với hội phụ huynh nhà trường nhờ phụ giúp.
Khi hội phụ huynh đã thống nhất thì chẳng có gì đáng lo ngại. Dăm trăm phụ huynh trong trường đặc biệt những phụ huynh ở ngay sát trường học có thể thay nhau vào trực hằng đêm.
Làm được điều này, nhà trường cũng được an toàn trong những ngày hè mà giáo viên cũng chẳng bị làm khó.
Tài liệu tham khảo:
https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/giao-vien-truc-tet-nguyen-dan-3975032-b.html{1}
https://vndoc.com/che-do-truc-he-truc-tet-cua-giao-vien-cac-cap/download{2}