LTS: Triệu ước mơ của thầy cô giáo nghỉ lễ, tết không phải dạy bù chẳng biết bao giờ thành hiện thực?
Theo đó, chia sẻ về ước mơ không phải dạy bù của các thầy cô giáo, tác giả Nguyễn Văn Lự đã đưa ra quan điểm của mình thông qua bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Hàng năm, công chức, viên chức Việt Nam nghỉ ngày lễ, tết được hưởng 100% tiền lương theo Luật Lao động.
Gần 1,2 triệu ước mơ của thầy cô giáo được nghỉ không phải dạy bù là chuyện có lẽ chỉ có ở nước ta?
Giáo viên mong muốn không phải dạy bù sau các dịp nghỉ lễ, tết (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Hòa niềm vui chung
Ngày nghỉ và số ngày nghỉ/năm không thay đổi theo Luật Lao động. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất nghỉ liền thêm ngày với phương án làm bù rất đáng hoan nghênh.
Người lao động được nghỉ liền vài ngày sẽ kích thích sản xuất và thêm năng lượng cho toàn xã hội.
Chính Phủ đồng ý phương án làm bù còn tạo điều kiện kích cầu phát triển, cải thiện đời sống người lao động và góp phần ổn định xã hội.
Bảng dự kiến số ngày nghỉ 2019:
STT |
Nội dung nghỉ |
Số ngày nghỉ |
Ghi chú |
1 |
Tết dương lịch 2019 |
4 |
Làm bù |
2 |
Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019 |
9 |
Làm bù |
3 |
30/4 /2019 và 1/5/2019 |
5 |
Làm bù |
4 |
Giỗ Tổ Hùng Vương |
1 |
Làm bù |
5 |
Quốc khánh |
3 |
Làm bù |
6 |
Kết thúc học kì I |
1 |
|
Tổng ngày nghỉ năm 2019 |
23 |
Nếu không tính nghỉ hè 60 ngày, thầy cô giáo được nghỉ như những người lao động năm 2019 là khoảng 23 ngày, kể cả ngày chủ nhật.
Ngành Giáo dục không có ngày nghỉ thứ bảy nên không thể bố trí làm bù vào thứ bảy.
Nghỉ dạy học, không phải đến trường, chỉ trừ cán bộ trực trường, nhà giáo có thể du lịch, thăm gia đình hoặc làm gì tùy thích như nhiều công chức, viên chức khác.
Ngành nghề nào cũng có áp lực công việc và ngày nghỉ cũng phải làm bù. Phần lớn công chức, viên chức đến cơ quan làm việc và ít khi phải đem về nhà. Với họ nghỉ làm việc ngày lễ, tết là nghỉ, không cần lo lắng kể cả đi làm bù.
Công việc sẽ giải quyết tiếp vào ngày đi làm sau đó, không quá bận tâm việc chưa làm xong.
Ước mơ nghỉ không phải dạy bù
Ngành giáo dục tiếng là được nghỉ nhưng thực ra không được nghỉ, nghỉ mà thêm lo. Điều vô lí này tồn tại từ lâu lắm nhưng không thầy cô giáo nào lên tiếng. Phần lớn người dạy học chấp nhận như một tất yếu.
Người thợ dạy chữ nghỉ ngày nào, lo ngày đó, nghỉ bao nhiêu thì làm bù bấy nhiêu. Học trò cũng vậy, càng nghỉ nhiều càng thiệt.
Học bù ào ào, dạy bù ào ào, một buổi chiều 5 tiết/môn, đâu cũng làm vậy, miễn sao xong được chương trình đúng thời gian.
Biên chế năm học của ngành giáo dục quy định cứ đến ngày tháng đó là phải kết thúc một kỳ, một giai đoạn, không thể khác, ngay cả thiên tai.
Dù có hai tuần dự phòng, nhưng đến cuối tháng 12 phải xong điểm học kỳ I và cuối tháng tư phải xong điểm kỳ II, để cấp dưới báo cáo cấp trên, đúng ngày, không trường nào, thầy cô nào chậm chễ.
Chỉ cần một học sinh đang học bình thường không có điểm tổng kết, cả nước không thể kết thúc năm học.
Người ngoài ngành có thể không thể hiểu được vì sao viên chức giáo dục lại thích đi làm mà không muốn nghỉ.
Chương trình học theo môn, theo tuần, với số tiết/giờ. Ví như Ngữ văn, Ngoại ngữ… dạy 3 tiết/tuần, 105 tiết/năm. Nghỉ bao nhiêu ngày, số tiết vẫn còn đó, giáo viên và học sinh buộc phải dạy và học bù.
Nhà trường tổ chức hoạt động ngoại khóa, thầy và trò mất tiết: học bù; cả nước nghỉ ngày lễ, tết: học bù. Ai cũng ước đừng nghỉ vào ngày có môn mình, lớp mình để thoát học bù!
Học bù tranh nhau chạy nước rút vào cuối kỳ. Nhà trường phổ thông nào cũng kín thời khóa biểu sáng chiều, chỉ dư ra một chiều dành cho họp và chiều thứ bảy, riêng ngày chủ nhật, theo Luật lao động không được dạy (trừ học thêm ngoài trường).
Dạy bù và học bù thường chỉ chú ý đến kết thúc chương trình, kịp tiến độ mà ít quan tâm hiệu quả. Thầy và trò đều mệt, căng thẳng.
Có lẽ ngành khác cũng phải làm bù nhưng áp lực dạy bù, học bù của giáo dục rất mạnh. Nhỡ đề thi hỏi đúng phần không dạy bù, học sinh không làm được bài thì không ai cứu nổi!
Chẳng biết bao giờ thầy cô giáo được hưởng trọn vẹn niềm vui được nghỉ ngày lễ tết?
Thấy tôi ưu lo, anh bạn bảo: “trót đeo cái nghiệp vào thân thì ăn chơi hôm nay phải lo ngày mai thôi. Chương trình mới cũng thế thôi, nên ông cứ vui đi, quên dạy bù đi!”.
Bạn bè nghỉ lễ tết đều rủng rỉnh niềm vui, cơ quan cho tiền, cho chơi, chuyện làm bù nhẹ nhàng, nhưng thầy cô đã không có quà vật chất lại còn nặng gánh âu lo!
Triệu ước mơ của thầy cô giáo nghỉ lễ, tết không phải dạy bù chẳng biết bao giờ thành hiện thực?