Để chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới vào năm học 2020-2021 thì các lãnh đạo ngành Giáo dục, các Nhà xuất bản, các Chủ biên sách giáo khoa mới đã và đang công khai những ưu điểm về các bộ sách giáo khoa của chương trình mới.
Tất nhiên, không có lãnh đạo, không có tác giả nào lại nói sách của mình không ưu việt và càng không bao giờ đánh giá cao chương trình và sách giáo khoa hiện hành (sách năm 2000). Nhưng, cứ nhìn những gì mà Bộ, các Nhà xuất bản đã đang chuẩn bị thì chưa thể khẳng định là chương trình, sách giáo khoa mới sẽ hay và có nhiều ưu điểm hơn chương trình hiện hành hay không.
Chỉ riêng việc lựa chọn bộ sách giáo khoa nào cho những năm tới cũng đã phức tạp (Ảnh minh họa: Thùy Linh) |
Chương trình, sách giáo khoa hiện hành quá tải, nhiều kiến thức hàn lâm đó là điều mà gần 20 năm qua chúng ta đã thấy quá rõ. Nhưng, đó là những môn học độc lập, chương trình chỉ có 1 bộ sách giáo khoa dùng chung mà thôi.
Tới đây, chương trình giáo dục phổ thông mới của nhiều môn học có kiến thức nặng hơn, yêu cầu cao hơn, phương pháp, mục tiêu giảng dạy mới hơn. Điều đặc biệt là có những môn học, hoạt động mới mới ra đời, nhiều môn học được “tích hợp” lại, chương trình lại có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau.
Đa số những tác giả viết chương trình, viết sách giáo khoa mới cũng là những tác giả của chương trình, sách giáo khoa hiện hành.
Chương trình, sách giáo khoa hiện hành được biết đến với rất nhiều sự lãng phí từ ngân sách nhà nước và việc mua sách, tiền học thêm hàng năm mà phụ huynh phải đóng. Nhưng, chương trình, sách giáo khoa mới chắc gì không lãng phí và học sinh không phải mua nhiều sách, không phải học thêm để phục vụ cho các kỳ thi của mình.
Chương trình mới có nhẹ hơn không?
Nếu mà chưa đọc chương trình môn học, chúng ta sẽ dễ dàng tin những thầy viết chương trình, viết sách giáo khoa mới nói chương trình mới sẽ nhẹ hơn trong thời gian gần đây.
Mỗi lần thay đổi chương trình, sách giáo khoa là mỗi lần băn khoăn, lo lắng! |
Nhưng, những người đã đọc Chương trình tổng thể, Chương trình môn học sẽ có lý do để tin rằng chương trình mới không đơn thuần là những kiến thức nhẹ hơn chương trình hiện hành.
Môn Toán xác suất, thống kê được đưa vào giảng dạy ở lớp 2, môn Văn có nhiều chuyên đề, nhiều kiến đại học được đưa xuống phổ thông, môn Mĩ thuật có nhiều kiến thức chuyên ngành đại học cũng được đưa xuống cấp Trung học phổ thông. Môn Hóa học của chương trình hiện hành phải lớp 8 mới được dạy thì chương trình giáo dục phổ thông mới được đưa xuống dạy cho học sinh từ lớp 6…
Nhiều chuyên đề nghiên cứu ở các môn học được đưa vào chương trình phổ thông ở cấp học Trung học phổ thông. Đó là chưa nói đến chuyện chương trình mới có nhiều bộ sách giáo khoa nên chuyện thi cử cũng không hề đơn giản chút nào đối với học sinh phổ thông tới đây.
Chính vì thế, chúng tôi cho rằng Chương trình giáo dục phổ thông mới không đơn thuần là dễ hơn, nhẹ hơn kiến thức các môn học hiện hành. Đặc biệt là 2 môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở nếu làm không khéo sẽ đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Bởi, giáo viên được đào tạo đơn môn nhưng chương trình mới thì có 2 môn tích hợp (đa môn).
Với trình độ, khả năng của giáo viên hiện nay rất khó để khẳng định tất cả giáo viên của các môn học độc lập (Lý, Hóa , Sinh, Sử, Địa) sẽ dạy được 2 môn tích hợp (Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý) trong nhưng năm tới đây.
Sẽ lãng phí và tình trạng học thêm sẽ không giảm
Sự lãng phí đầu tiên là trong năm học 2020-2021 tới đây, sách giáo khoa lớp 1 của Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức thực hiện. Trong khi, năm học tới đây là các nhà trường chọn sách vì Luật giáo dục chưa có hiệu lực.
Nhưng, bắt đầu năm học 2021-2022 thì các Ủy ban nhân dân các tỉnh (thành) tự chọn sách giáo khoa cho địa phương mình.
Vậy nhưng, nhìn từ thực tế trong thời gian qua, chúng ta đã thấy được các Nhà xuất bản đang chạy đua với thời gian để quảng bá cho bộ sách giáo khoa của mình.
Vì thế, chỉ sau năm học 2020-2022 thì hàng triệu bộ sách giáo khoa lớp 1 sẽ bị bỏ xó, bán phế liệu khi mà địa phương chọn 1 trong 5 bộ sách giáo khoa đã được phê duyệt.
Nhiều người hy vọng Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ hạn chế được tình trạng học thêm của học sinh. Nhưng, làm sao có thể hạn chế học thêm được khi chúng ta có tới 5 bộ sách giáo khoa đây?
Bây giờ có 1 bộ sách giáo khoa mà nhiều trường học và giáo viên còn dạy thêm tràn lan. Mai mốt nhiều bộ sách giáo khoa thì họ có đủ lý do để lôi kéo học sinh đến học thêm vì có thêm nhiều lý do nữa.
Cho dù Bộ Giáo dục chủ trương việc đánh giá, kiểm tra, thi cử sẽ căn cứ vào “chương trình” cứ không phải sách giáo khoa. Nhưng, sách giáo khoa thì bám vào chương trình để viết. Việc học sinh tham khảo thêm một số bộ sách khác đương nhiên là việc mà các giáo viên phải tính đến.
Song, muốn tham khảo thì kênh học thêm chắc chắn sẽ được nhiều thầy cô lồng ghép vào. Vì vậy, nếu làm không khéo thì tình trạng dạy thêm, học thêm sẽ còn nhiều hơn bây giờ.
Dù rất hy vọng lãnh đạo ngành Giáo dục sẽ có những chỉ đạo, có những kế hoạch, lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới một cách phù hợp, bài bản, khoa học. Nhưng, cứ nhìn từ thực tế chương trình, đội ngũ giáo viên, sự cạnh tranh sách giáo khoa, tình trạng học thêm hiện nay thì có lẽ nhiều người sẽ còn...băn khoăn.