Mỗi lần thay đổi chương trình, sách giáo khoa là mỗi lần băn khoăn, lo lắng!

24/12/2019 06:17
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Các tác giả sách giáo khoa đang đăng đàn để quảng bá bộ sách của mình có nhiều ưu điểm nhằm mục đích bộ sách đến với người dạy, người học được nhiều nhất.

Chúng ta đều biết, mỗi lần thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới sẽ có tác động đến toàn xã hội trong một khoảng thời gian dài và nó ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nhân lực của đất nước.

Tác động tích cực đó là loại bỏ được những kiến thức hàn lâm, những kiến thức lạc hậu ra khỏi chương trình hiện hành để thay bằng những kiến thức phù hợp và cập nhật những kiến thức mới hơn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy được mặt trái của mỗi lần thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới là kéo theo nhiều dự án giáo dục, tốn kém cho cả ngân sách nhà nước và phụ huynh trong cả nước mà chưa hẳn việc thay đổi ấy ưu điểm hơn chương trình, sách giáo khoa khi chưa thay đổi.

Nhiều bộ sách giáo khoa mới đang được các nhà xuất bản, tác giả sách giáo khoa giới thiệu (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Nhiều bộ sách giáo khoa mới đang được các nhà xuất bản, tác giả sách giáo khoa giới thiệu (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Nhìn lại chương trình, sách giáo khoa năm 2000

Nếu nhìn lại chương trình, sách giáo khoa hiện hành (năm 2000), chúng ta sẽ thấy nó không đơn thuần chỉ là bộ sách giáo khoa như bộ sách giáo khoa năm 1979.

Lúc đầu, cũng được Bộ triển khai rầm rộ, huy động một lực lượng khổng lồ nhân sự để biên soạn, tập huấn, thực nghiệm- điều này đã được giáo sư Nguyễn Minh Thuyết- Chủ biên, đồng Chủ biên hàng chục cuốn sách giáo khoa, sách bài tập môn Tiếng Việt (cấp Tiểu học) và môn Ngữ văn (cấp Trung học cơ sở) của chương trình hiện hành khẳng định.

Ông nói: “Bộ sách giáo khoa hiện hành được dạy thử nghiệm 4 năm ở hàng trăm trường, với sự tham gia của hàng trăm nghìn giáo viên và học sinh mà khi triển khai còn bộc lộ nhiều hạn chế”.

Nhưng những “hạn chế” này đã được Bộ khắc phục bằng các hướng dẫn giảm tải sách giáo khoa. Các nhà trường, các giáo viên phải tăng cường dạy thêm, các học sinh phải miệt mài học thêm và đương nhiên là phụ huynh phải è cổ đóng tiền cho con.

Bộ sách giáo khoa hiện hành đã manh nha cho việc những tác giả sách giáo khoa có được dịp viết thêm các sách bài tập, sách tham khảo, sách Văn mẫu, sách nâng cao, sách kiến thức cơ bản…tung ra thị trường.

Chỉ có 1 cuốn sách giáo khoa ban đầu nhưng chính những tác giả viết sách giáo khoa hiện hành đã “chế” ra nhiều sản phẩm đi kèm mà dân gian gọi vui là “bia kèm lạc” để bán cho học trò ở các nhà trường.

Mỗi lần thay đổi chương trình, sách giáo khoa là mỗi lần băn khoăn, lo lắng! ảnh 2Ai gây khổ cực cho thầy trò cả nước suốt chục năm qua?

Song hành cùng sách bài tập, sách giáo khoa dùng 1 lần là những dự án giáo dục triệu đô nhưng không thu được nhiều hiệu quả. Chúng ta thấy rằng, những dự án giáo dục này chưa hẳn là vì sự đổi mới giáo dục và càng không thay đổi được chất lượng giáo dục.

Chẳng hạn, nếu vì sự đổi mới và phát triển giáo dục thì Bộ và các chuyên gia dự án VNEN không buông bỏ nó một cách đoạn tình như thế! Chỉ tiếc hàng chục triệu USD đầu tư cho dự án mà cuối cùng không phát huy được hiệu quả mà cũng chẳng thể duy trì được lâu dài...

Chương trình giáo dục phổ thông mới, liệu có mới?

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu thực hiện ở lớp 1 vào năm học 2020-2021 và đang được lãnh đạo ngành giáo dục, các chuyên gia viết chương trình, các tác giả sách giáo khoa kỳ vọng sẽ thay đổi được diện mạo giáo dục trong những năm tới đây.

Nghị quyết 88 của Quốc hội ra đời với chủ trương “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ biên soạn 1 bộ sách. Nhưng, cuối cùng kế hoạch viết bộ sách giáo khoa của Bộ đã bị phá sản hoàn toàn.

Nhiều tác giả sách giáo khoa năm 2000 thì bây giờ lại là Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, Chủ biên chương trình môn học, Chủ biên sách giáo khoa của chương trình mới.

Những tác giả bộ sách Cánh Diều- bộ sách giáo khoa xã hội hóa đầu tiên lại là nơi quy tụ của những người viết Chương trình môn học

Những tác giả sách giáo khoa năm 2000 bây giờ tiếp tục viết sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông mới thì nói: “Sách kế thừa sách giáo khoa hiện hành, do đó giáo viên cầm sách dạy được ngay không cần tập huấn”.

Những tác giả không tham gia viết sách giáo khoa năm 2000, bây giờ tham gia viết chương trình mới, sách giáo khoa mới thì cho rằng : "Giáo dục toán học ở phổ thông hiện hành, nhất là với Tiểu học, là quá tải và rất nặng. Nó khó đến mức phải là những giáo sư toán học có trình độ tốt mới hiểu hết được".

Điều mà chúng ta thấy mâu thuẫn, rất khó lý giải là trong khi Bộ đang tổ chức tập huấn cho hàng ngàn giáo viên cốt cán ở các địa phương thì giáo sư Nguyễn Minh Thuyết- Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới- Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của sách giáo khoa Cánh Buồm khẳng định hoàn toàn trái ngược.

Ông nói: “Sách kế thừa sách giáo khoa hiện hành, do đó giáo viên cầm sách dạy được ngay không cần tập huấn”.

Nói vậy, có nghĩa là Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tập huấn, sẽ tập huấn là việc làm thừa, không cần thiết bởi chỉ cần dạy sách Tiếng Việt do giáo sư Nguyễn Minh Thuyết biên soạn là giáo viên “dạy được ngay”.

Rõ ràng, các tác giả sách giáo khoa đang đăng đàn để quảng bá bộ sách của mình có nhiều ưu điểm nhằm mục đích bộ sách đến với người dạy, người học được nhiều nhất.

Rất nhiều vấn đề đang còn để ngỏ, đang khiến dư luận xã hội băn khoăn trước khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới trong những năm tới đây!

NGUYỄN NGUYÊN