Việc chương trình mới sẽ dạy toán thống kê, xác suất từ lớp hai, xuyên suốt quá trình học tập của học sinh đã nhận sự quan tâm rất lớn của dư luận.
Bạn Toàn, kỹ sư xây dựng nhận xét: “Người dạy, phụ huynh học sinh phản đối chuyện dạy toán xác suất, thống kê ngay từ lớp 2 là điều dễ hiểu.
Với những người phản đối, nghe xác suất, thống kê là “nổi da gà”; cuộc đời của họ nếu đi học, đây là môn học “không thi lại không phải là sinh viên”; nay thấy con trẻ lớp hai đã học, ai mà không bất bình”.
Bạn Như, phụ huynh học sinh lớp 2 tương lai có ý kiến “Chương trình cũ hàn lâm, nặng nề, quá tải với học trò; nay chương trình mới đã vội vàng “kéo” từ lớp 7 xuống lớp hai dạy, cảm thấy quá tải hơn cả chương trình cũ, ai cũng cảm nhận được; phản đối là đúng rồi”.
Chương trình nào, môn học nào cũng vậy, học sinh vui vẻ, hứng thú học tập thì kết quả học tập tốt (Ảnh minh hoạ: Tạp chí Gia đình và trẻ em) |
Toán xác suất, thống kê đưa vào lớp 2 chương trình mới có đáng sợ không?
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Vinh - Chủ biên sách giáo khoa Toán cấp tiểu học chia sẻ trên VTV1 về toán xác suất, thống kê trong chương trình lớp 2:
“Chương trình giới thiệu khái niệm qua những hoạt động đơn giản như thu thập dữ liệu, đọc số liệu…
Những nội dung này không quá khó đối với học sinh, hoàn toàn có thể dạy được. Các nước cũng dạy rất nhiều.
Học sinh Việt Nam có 2 cái yếu là yếu về tư duy số liệu thống kê và yếu về khả năng ước lượng.
Ví dụ khi hỏi một học sinh, nhóm này có bao nhiêu em? Học sinh thường không trả lời ngay được; học sinh không biết ước lượng
Vì vậy, xác suất thống kê cần phải đưa vào ngay, có thể đưa ngay vào lớp 1.
Trong dự thảo chương trình, ban đầu Ban soạn thảo chương trình muốn đưa vào lớp 1 nhưng cũng có sự băn khoăn nhất định vì vậy nội dung xác suất thống kê được đưa vào lớp 2.
Là người làm chuyên môn đặc biệt là người biên soạn sách, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng khi đưa nội dung này vào sẽ không tạo áp lực cho học sinh, rất cần thiết, thậm chí có thể giúp cho cả giáo viên, học sinh dễ học, dễ dạy hơn vì sẽ thấy Toán rất gần gũi với cuộc sống".
Như vậy, chương trình toán xác suất, thống kê đưa vào chương trình mới sẽ từ đơn giản đến phức tạp, học trò làm quen dần; không còn “sợ” như thế hệ “tiền bối” khi nghe đến “xác suất, thống kê” nữa.
Toán xác suất thống kê có làm chương trình “nặng nề” hơn không?
Nhiều quốc gia đưa toán xác suất thống kê vào dạy học từ tiểu học |
Chương trình nào, môn học nào cũng vậy, học sinh vui vẻ, hứng thú học tập thì kết quả học tập tốt; nếu không hứng thú sẽ trở nên quá tải.
Cùng với đó, giáo viên bị áp lực học sinh phải hiểu bài, phải làm được bài, phải đạt điểm tốt; vô hình trung, chính giáo viên đã gây áp lực cho chính mình và học trò, chương trình trở nên nặng nề, quá tải.
Chương trình mới cũng vậy; có thể người viết sách khen hay; có thể chuyên gia khen hay; nhưng hay, không hay phải chờ thực tế kiểm chứng.
Chỉ có thể trả lời bằng thực nghiệm cụ thể trên các đối tượng học sinh, cái mà các bộ sách được duyệt đang thiếu.
Để toán xác suất, thống kê không còn là nỗi lo sợ, phải làm sao?
Đầu tiên phải bắt đầu chính từ giáo viên; chính giáo viên phải có tâm lý không lo sợ toán xác suất, thống kê trước.
Tư tưởng thông, giáo viên sẽ có cách tiếp cận tích cực, khoa học; tổ chức cho học sinh tiếp cận kiến thức khoa học; tạo hứng thú cho học trò, khó cũng thành dễ.
Vì thế ban giám hiệu phải động viên giáo viên vượt được qua “rào cản” này; đơn giản nhất, hiệu trưởng, hiệu phó phải tiên phong tiếp cận, truyền đạt cho đồng nghiệp.
Thứ hai, phụ huynh học sinh tuyệt đối không được nói với con cái “Toán đó khó, chả mấy ai làm được”; đứa trẻ ngay lập tức sẽ có tư tưởng chán học, đứa trẻ có tư tưởng này, chẳng thầy cô nào dạy được nữa.
Phụ huynh hãy nói với con mình “Bố mẹ tin, con tập trung chú ý, cùng với các bạn, cô hướng dẫn, con sẽ học được”.
Có niềm tin, là có chiến thắng, đừng gieo sợ hãi của cha mẹ vào con trẻ.
Học sinh có niềm tin, thầy cô giáo có phương pháp, không có khó khăn nào cản đường họ được; con hơn cha là nhà có phúc; xác suất, thống kê không phải là khó; khó ở chỗ làm sao xóa tan tư tưởng cổ hũ, trì trệ của mỗi phụ huynh, giáo viên chúng ta.