Khoan thư sức dân và cách xử lý của Bộ Học

16/11/2020 05:57
Xuân Dương
GDVN- Nếu chưa có một nghiên cứu khoa học, chính xác mà đã đưa ra mức thu học phí như Dự thảo Nghị định liệu có thể thuyết phục được người dân?

Bộ Giáo dục và Đào tạo (ngày xưa gọi là Bộ Học) vừa cho công bố dự thảo (lần thứ 2) Nghị định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo (Dự thảo).

Về nguyên tắc việc làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo không sai bởi Nghị định số 86/2015/NĐ-CP đến nay đã hết hiệu lực, cần có Nghị định mới thay thế.

Vấn đề ở chỗ chọn thời điểm công bố dự thảo và dự kiến thời điểm áp dụng từ năm học 2021-2022 khiến dư luận không đồng tình cho thấy tư duy quản lý và khả năng dự báo “khủng hoảng” của cơ quan ban hành chính sách.

Báo Nhandan.com.vn viết: “Khoan thư sức dân trong thời bình, nghĩa gần nhất/thấy ngay, là giảm bớt sự đóng góp/huy động nhân lực vật lực/sức người sức của, thì giờ/tiền bạc... của nhân dân so với thời chiến, sao cho dân giàu hơn thời chiến, sung sướng hơn lên chứ không phải lao lung như thời chiến”. [1]

Ngày 12/11/2020, với 446/448 đại biểu tán thành (chiếm 92,53%), Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Nghị quyết nêu rõ, trong năm 2021, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, chuẩn nghèo, cụ thể không tăng lương cơ sở năm 2021 mà vẫn áp dụng mức lương cơ sở cũ là 1,49 triệu đồng/tháng như Nghị định 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Như vậy việc tạm dừng tăng lương đã diễn ra trong hai năm (2020 và 2021).

Một trong những lý do là đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu khiến đất nước gặp khó khăn về kinh tế, nguồn thu giảm và thiên tai gậy thiệt hại nặng nề.

Dân chúng thông cảm với Chính phủ, chấp nhận tiết giảm chi tiêu trong khi giá cả không ngừng biến động, thực phẩm, nhất là mặt hàng thịt lợn tăng chóng mặt trong thời gian dài.

Tổng cục thống kê cho biết trong 9 tháng - tính đến tháng 10/2020 - dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người lao động cả nước. Có 31,8 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên mất việc, phải giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm thu nhập. [2]

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tính đến quý 3 năm 2020 là 54,6 triệu người. Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý 3 năm 2020 giảm 115.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. [2]

31,8 triệu người trên tổng số 54,6 triệu người giảm thu nhập nghĩa là gần 60% người lao động bị giảm thu nhập, điều này cũng đồng nghĩa với việc phụ huynh học sinh sinh viên gặp không ít khó khăn trong việc cung cấp tài chính cho con em ăn học.

Tình trạng thiên tai năm 2020 tại khu vực miền Trung, tính từ Hà Tĩnh đến Phú Yên là tồi tệ chưa từng có trong vòng mấy chục năm trở lại đây. Hàng nghìn gia đình mất tài sản, thiệt hại nhân mạng, học sinh vũng lũ quét mất toàn bộ sách vở, đồ dùng học tập, thậm chí bữa ăn còn không đủ phải nhờ cứu trợ.

Thu nhập giảm, việc làm bấp bênh, lương không tăng, thiên tai gây thiệt hại hết sức nặng nề nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo lại quyết định công bố Dự thảo tại thời điểm này có hợp lý?

Đảnh rằng cần có Nghị định thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP nhưng thực tế có nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật về Hội hay Luật Biểu tình (đã quy định trong Hiến pháp) nhiều năm qua vẫn chưa được ban hành, vậy có nên vội vàng công bố một văn bản dưới luật như Dự thảo Nghị định về học phí thời điểm này?

Để xử lý “khủng hoảng”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết “Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị được lùi thời gian trình ban hành Nghị định (mới) sang năm 2021 để có điều kiện tiếp thu ý kiến rộng rãi của toàn xã hội và tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định”.

Năm học 2020-2021 hiện vẫn đang áp dụng mức học phí đã được quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. Nếu đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc lùi thời gian trình ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP (đã hết hiệu lực) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Nghị định mới sẽ được áp dụng từ năm học 2022-2023.

Báo Tuoitre.vn nêu câu hỏi “Bộ Giáo dục và Đào tạo rút đề xuất tăng học phí chỉ trong một ngày, vì sao?” cho thấy có gì đó khiến dư luận khó hiểu. [3]

Bảy năm trước, Trung ương ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW, trong đó có nhận định:

“Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục…”.

Trong ba “bất cập” mà Nghị quyết 29-NQ/TW chỉ rõ, không phải ngẫu nhiên bất cập về “chất lượng” xếp hàng đầu.

Dù Nghị định (sẽ ban hành) được áp dụng từ năm 2021 hay 2022 thì nội dung Dự thảo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cũng có nhiều điều cần được làm rõ.

Bài viết này chỉ đề cập việc tăng học phí tại tất cả các cấp học, từ Mầm non đến Đại học.

Trao đổi với báo chí về việc tăng học phí, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng việc này là dựa vào Luật Giáo dục 2019, theo đó:

“Học phí là khoản tiền người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo; Chính phủ quy định cơ chế thu và quản lý học phí. Như vậy, bản chất học phí hiện nay là giá dịch vụ giáo dục và thực hiện theo cơ chế giá do Chính phủ hướng dẫn.

Căn cứ quy định tại Luật giá năm 2012, dịch vụ giáo dục, đào tạo thuộc danh mục Nhà nước định giá, Chính phủ quy định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo theo quy định của pháp luật chuyên ngành”. [4]

Dựa vào Luật Giá, Luật Phí và Lệ phí để biện minh liệu có gì đó chưa ổn?

Theo ông Thưởng thì “Luật phí và lệ phí năm 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2017) đã đưa học phí ra khỏi danh mục phí để chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá”.

Phải chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn trở lại câu chuyện của Bộ Giao thông Vận tải (thay “Trạm thu phí” thành “Trạm thu giá”) để chuyển “Học phí” thành “Học giá”?

Người viết không tin Thứ trưởng Thưởng chưa có thời gian đọc kỹ Luật Giáo dục nhưng hơi ngạc nhiên vì ông Thứ trưởng đã giải thích một cách khó hiểu các điều luật hiện hành.

Nếu chưa có một nghiên cứu khoa học, chính xác mà đã đưa ra mức thu học phí như Dự thảo Nghị định liệu có thể thuyết phục được người dân? (Ảnh minh hoạ: Lã Tiến)

Nếu chưa có một nghiên cứu khoa học, chính xác mà đã đưa ra mức thu học phí như Dự thảo Nghị định liệu có thể thuyết phục được người dân? (Ảnh minh hoạ: Lã Tiến)

Thứ nhất, với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học

Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Luật Giáo dục là đạo luật chính, Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đại học là luật chuyên ngành.

Luật Giáo dục, điều 99: “Học phí, chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo” ghi rất rõ đây là “Học phí” chứ không phải “Học giá”.

Khoản 1, điều 99 Luật Giáo dục quy định:

“Học phí là khoản tiền người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Mức học phí được xác định theo lộ trình bảo đảm chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo do Chính phủ quy định; đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đại học”.

Ngay cả khi Luật Giáo dục cho phép Chính phủ xác định mức chi phí dịch vụ giáo dục thì với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học Luật Giáo dục đã ghi rất rõ ràng là Chính phủ phải tuân theo quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đại học chứ không phải Luật Giá.

Theo một số người am hiểu pháp luật, về nguyên tắc, không thể lấy điều khoản trong luật chuyên ngành (Luật Giá) để phủ định các điều khoản trong luật chính (Luật Giáo dục).

Thứ hai, với giáo dục phổ thông

Bảy năm trước, năm 2013 Trung ương ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW (Nghị quyết) về đổi mới giáo dục đào tạo, đánh giá công tác quản lý giáo dục các cấp, Nghị quyết viết:

“Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém”.

Một trong những nguyên nhân của sự yếu kém nói trên là:

“Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là quan điểm "giáo dục là quốc sách hàng đầu" còn chậm và lúng túng…”.

Nghị quyết cũng chỉ ra: “Khả năng của phần đông gia đình đầu tư cho giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu” do đó Nghị quyết quy định “Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách”.

Trung ương yêu cầu: “Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo việc sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản dưới luật; xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết”.

Sau bảy năm, việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo có được cải thiện?

Luật Giáo dục đã được sửa đổi, ban hành và có hiệu lực từ giữa năm 2020 và nay là một văn bản dưới luật (Nghị định) chuẩn bị được ban hành.

Cũng năm 2020, tại nghị trường có đại biểu Quốc hội đã chỉ ra trong mấy năm qua, thực chất ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo chỉ xấp xỉ 14%. [5]

Thực trạng này không phải do lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hiện, tại sao vậy?

Trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo không có ý kiến về ngân sách cấp cho ngành Giáo dục thì lại đề nghị tăng học phí tất cả các cấp học, điều này có phù hợp với chủ trương của Đảng và pháp luật của nhà nước?

Để trả lời câu hỏi này, xin trích một số quy định tại điều 14 “Phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc”:

1. Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc…

2. Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc trong cả nước; quyết định kế hoạch, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục.

Luật quy định Nhà nước “Chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc trong cả nước” và được cụ thể hóa tại các khoản 3, 4, 5 điều 99:

- Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

- Trẻ em mầm non 05 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí.

- Trẻ em mầm non 05 tuổi không thuộc đối tượng quy định tại khoản 4 Điều này và học sinh trung học cơ sở được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định”.

Một khi học sinh tiểu học tại các cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí, còn học sinh theo học tại các cơ sở ngoài công lập thì nhà nước “hỗ trợ tiền đóng học phí” vậy quy định mức học phí tại trường tiểu học có cần thiết?

Theo giải thích của vị Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Nghị định số 86 không quy định mức thu học phí đối với giáo dục tiểu học nên không có căn cứ xây dựng mức cấp bù ngân sách cho học sinh tiểu học không phải đóng học phí và do đó Dự thảo đưa ra mức trần học phí bậc tiểu học.

Giải thích của Thứ trưởng Thưởng không sai song không thể không nêu câu hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo dựa vào tiêu chí nào để quy định mức trần học phí với các cấp học?

Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên công bố các khảo sát, các nghiên cứu cụ thể về chi phí, xuất đầu tư cho giáo dục như lương viên chức giáo dục, tiền đầu tư trang thiết bị, khấu hao tài sản,… làm cơ sở để xác định chi phí tổng thể cho mỗi học sinh, sinh viên từ đó định ra mức thu học phí phù hợp.

Nếu chưa có một nghiên cứu khoa học, chính xác mà đã đưa ra mức thu học phí như Dự thảo Nghị định liệu có thể thuyết phục được người dân?

Hơn nữa, như báo Nhandan.com.vn đã viết: “Khoan thư sức dân trong thời bình, nghĩa gần nhất/thấy ngay, là giảm bớt sự đóng góp/huy động nhân lực vật lực/sức người sức của, thì giờ/tiền bạc... của nhân dân”.

Vậy chủ trương tăng thu của dân qua việc tăng học phí có phù hợp?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://nhandan.com.vn/chinh-tri-hangthang/doi-dieu-ve-khoan-thu-suc-dan-348778/

[2]https://thanhtra.com.vn/kinh-te/lao-dong-viec-lam/31-8-trieu-nguoi-bi-anh-huong-boi-dich-covid-19-trong-9-thang-172215.html

[3] https://tuoitre.vn/bo-gd-dt-rut-de-xuat-tang-hoc-phi-chi-trong-mot-ngay-vi-sao-2020111321182639.htm

[4]https://tuoitre.vn/bo-gd-dt-de-nghi-giu-nguyen-muc-hoc-phi-hien-hanh-o-tat-ca-cac-cap-hoc-20201113144001919.htm

[5]https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/quoc-sach-hang-dau-chu-truong-chinh-sach-va-thuc-hien-ky-1-post212615.gd

Xuân Dương