Mô tả những người bán hàng rong trên phố trong bản tin Tài chính - Kinh doanh sáng 17/08/2020, biên tập viên và cũng là người dẫn chương trình của Đài truyền hình Việt Nam nói họ “sống ký sinh trùng trên những con phố…”.
Cụ thể: “Dịch COVID-19 đã khiến cho những con phố du lịch hay là chủ yếu phục vụ khách nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh trở nên tiêu điều.
Và khi những con phố không còn sức sống, những gánh hàng rong, vốn được xem là sống ký sinh trùng trên những con phố này sẽ tồn tại ra sao?”.
Sai lầm về ngữ pháp tiếng Việt và nội dung câu nói đã được dư luận mổ xẻ và VTV đã chính thức xin lỗi: “Ban biên tập chương trình gửi lời xin lỗi chân thành đến những người bán hàng rong và quý vị khán giả về lỗi tác nghiệp nghiêm trọng này”.
Người bán hàng rong chủ yếu xuất hiện tại các khu dân cư đông đúc, các thành phố, thị xã, thị trấn và vì vậy số lượng là không nhiều, tại các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo tìm mỏi mắt chưa chắc đã thấy gánh hàng rong.
Người bán hành rong bỏ sức lao động để mưu sinh, thuận mua vừa bán, không ít người thường xuyên nộp các loại thuế, phí cho ngân sách địa phương vì thế phải khẳng định họ là những người lao động chân chính.
Giáo dục là quốc sách hàng đầu, một khi đã là “quốc sách” thì đó là chuyện của quốc gia, liên quan đến cả hệ thống chính trị, đến gần 100 triệu người Việt mà cụ thể là hàng chục triệu học sinh, giáo viên, cơ quan quản lý giáo dục.
Những năm gần đây, các chuyên gia giáo dục, các nhà báo, nhà khoa học và dư luận đưa nhiều ý kiến nhận định, rằng “giáo dục Việt Nam đã thất bại”:
“Thất bại của ngành giáo dục”. [1]
“Giáo dục thất bại vì người lớn ‘nhồi sọ’ học sinh”. [2]
“Từ sai lầm của Bùi Tiến Dũng đến thất bại của giáo dục”. [3]
“Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Ngồi canh con học là sự thất bại trong giáo dục”. [4]
“Song Toàn phải chuyển trường: Sự thất bại của giáo dục?”. [5]
…
Khi “giáo dục thất bại” thì tình trạng “tiêu điều” trong giáo dục liệu có giống các “con phố thời Covid-19” mà VTV đề cập?
Nếu câu trả lời là có thì việc đi tìm “ký sinh trùng giáo dục” phải được xem là nhiệm vụ cấp bách khi chủ trương đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo đang được thực hiện.
Vậy “ký sinh trùng giáo dục” là gì và chúng sống bám vào đâu?
Thứ nhất, một bộ phận nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
Nghị quyết 29-NQ/TW ban hành năm 2013 đánh giá:
“Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp”.
Rất nhiều bài báo đề cập chuyện giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục sử dụng văn bằng không hợp pháp để hợp thức vị trí việc làm, không ít người đã bị xử lý.
Những đối tượng này không chỉ yếu về trình độ chuyên môn mà còn không đủ tư cách, đạo đức để làm việc trong môi trường giáo dục nhưng vẫn bám vào giáo dục để sống.
Lùm xùm trong kỳ thi tuyển viên chức giáo dục tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi năm 2019 là một ví dụ. Báo Tuoitre.vn viết về vụ việc:
“Trưởng ban đề thi và trưởng ban chấm thi: mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng do thiếu kinh nghiệm, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ có những sai sót… Nhiều giáo viên chưa đủ chuẩn đã được tuyển vào hội đồng chấm thi dẫn đến sai lệch điểm, ảnh hưởng kết quả thi tuyển tại huyện này”.
Cũng tại Quảng Ngãi, thí sinh Lê Thị Hoa, số báo danh TB027 thi tuyển viên chức giáo dục huyện Trà Bồng đã được Giám đốc Sở Nội vụ liên hệ bằng tin nhắn với Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trà Bồng đề nghị giúp đỡ.
Thiếu kinh nghiệm vẫn làm trưởng ban ra đề, chấm thi tuyển giáo viên, chưa đủ chuẩn vẫn tham gia chấm thi, thi tuyển làm giáo viên có Giám đốc Sở Nội vụ “chống lưng”, “thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp” vẫn làm việc trong ngành giáo dục phải chăng không phải là biểu hiện sống bám vào giáo dục, phải chăng không phải là “ký sinh trùng giáo dục”?
Thứ hai, kinh doanh sách giáo khoa và sách bổ trợ, tham khảo
Năm 2018, báo Giaoduc.net.vn đã đăng bài viết “Bộ sách Tin học cấp trung học cơ sở “dùng một lần” vừa đắt vừa lãng phí”.
Phản ánh của báo tưởng chừng sẽ được các cơ quan quản lý giáo dục tiếp thu thì mới đây, báo Laodong.vn lại có loạt bài:
“Sở Giáo dục Khoa học Công nghệ Bạc Liêu đi… bán sách”;
“Sở Giáo dục Khoa học Công nghệ Bạc Liêu không chỉ đề nghị bán sách tin học”;
“Sở Giáo dục Khoa học Công nghệ Bạc Liêu bán sách “lậu”?”.
Sở Giáo dục và Đào tạo hào hứng bán sách mà lại còn bán sách “lậu” phải chăng là “vì học sinh thân yêu” hay còn vì chuyện gì đó khó nói nhưng ai cũng biết?
Học sinh lớp 1 ngoài chuyện phải mua sách cho 08 môn bắt buộc và 01 môn tự chọn còn phải mua thêm nhiều loại sách “bán kèm” khiến có nơi thông báo giá tiền bộ sách lớp 1 lên đến trên 800.000 đồng.
Các bộ “sách tham khảo bổ trợ kiến thức lớp 1” có giá từ 200.000 đến 420.000 đồng tùy đơn vị bán.
Bộ sách dành giáo khoa bán kèm sách bổ trợ, tham khảo cho học sinh lớp 1 tại Trường tiểu học An Phong (ảnh: P.L) |
Món “tham khảo, hỗ trợ” không chỉ bày bán cho học sinh lớp 1, tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh, một phụ huynh có con học lớp 4 cho biết dù chưa được hỏi có đồng ý mua sách tham khảo hay không, cô giáo đã phát cho con chị tới 14 cuốn với khoản tiền 477.000 đồng. [6]
Vậy những cuốn sách “tham khảo, bổ trợ kiến thức” mang lại lợi nhuận cho ai?
Nhuận bút cho tác giả (chủ biên và cộng sự) chiếm một tỷ lệ khá nhỏ bởi theo quy định tại khoản 1, điều 14 Nghị định 18/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì nhuận bút đối với xuất bản phẩm được tính như sau:
Nhuận bút = Tỷ lệ % x Giá bán lẻ xuất bản phẩm x Số lượng in.
Với sách tham khảo phổ thông theo chương trình sách giáo khoa thì “Tỷ lệ %” dao động từ 2-12% .
Giả sử nhuận bút dành cho tác giả lấy bình quân là 6%, chiết khấu dành cho khâu bán sách là 20% thì cơ quan phát hành sách (nhà xuất bản) sẽ thu về 74% (nếu bán hết hàng).
Được biết có trường hợp chiết khấu lên đến 35% và phải chăng vì thế, các cơ quan quản lý giáo dục địa phương, các cơ sở giáo dục, các nhà giáo luôn được khuyến khích bởi nguồn chiết khấu không nhỏ này để tình nguyện trở thành nhân viên bán sách?
Thứ ba, kinh doanh một số món “ăn kèm”:
Bên cạnh sách giáo khoa, không ít cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục địa phương còn tham gia kinh doanh các sản phẩm Công nghệ Thông tin như tin nhắn, phần mềm, sổ liên lạc điện tử,… [7], [8]
Cùng với các sản phẩm Công nghệ Thông tin là đồng phục học sinh, là đồ dùng học tập như cặp đựng sách, bút màu,…
Không ít lời phàn nàn về đồng phục học sinh, chẳng hạn:
“Nỗi khổ mang tên “đồng phục học đường”; [9]
“Đồng phục học sinh đã xấu lại đắt, phụ huynh than trời”; [10]
“Mua đồng phục học sinh để... bỏ đi”. [11]
Những “đại gia” kinh doanh món “ăn kèm” là ai có lẽ không khó nhận diện.
Thứ tư, có hay không chuyện xà xẻo kinh phí giáo dục?
Nghị quyết số 29-NQ/TW quy định ngân sách chi cho giáo dục: “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách”.
Luật Giáo dục cũng quy định dành 20% tổng chi ngân sách cho giáo dục, đào tạo.
Thực tế có phải như vậy?
Một bài đăng trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội ngày 29/07/2020 cho biết:
“Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ trọng chi cho giáo dục đào tạo và dạy nghề trên tổng chi ngân sách năm 2018 là 14,2%, năm 2019 giảm xuống còn 14,03%”. [12]
Vậy khoản chênh lệch gần 6% tổng chi ngân sách trong hai năm 2018 và 2019 là bao nhiêu và được sử dụng cho ngành nghề nào?
Từ khi có Nghị quyết số 29-NQ/TW đến trước năm 2018, tổng chi ngân sách dành cho giáo dục thực chất là bao nhiêu?
Các hoạt động “đa dạng, phong phú” nêu trên một phần bám vào giáo dục, phần còn lại bám vào túi tiền của cha mẹ học trò.
Vậy thực tế có còn những loại “ký sinh trùng giáo dục” khác?
Tài liệu tham khảo:
[1] http://kinhtedothi.vn/that-bai-cua-nganh-giao-duc-347911.html
[2]https://zingnews.vn/giao-duc-that-bai-vi-nguoi-lon-nhoi-so-hoc-sinh-post739619.html
[3]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/tu-sai-lam-cua-bui-tien-dung-den-that-bai-cua-giao-duc-594153.html
[4]https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/ba-ton-nu-thi-ninh-ngoi-canh-con-hoc-la-su-that-bai-trong-giao-duc-20191110151946689.htm
[5]https://www.tienphong.vn/giao-duc/song-toan-phai-chuyen-truong-su-that-bai-cua-giao-duc-1260867.tpo
[6]https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/phu-huynh-buc-xuc-tien-truong-tien-sach-iINf3fOGg.html
[7]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/truong-khong-co-nhu-cau-so-chi-dao-mua-phan-mem-thoi-khoa-bieu-15-trieu-dong-post212396.gd
[8]https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/vi-sao-nhieu-truong-hoc-sot-sang-van-dong-phu-huynh-dang-ky-so-lien-lac-dien-tu-post204005.gd
[9]https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/noi-kho-mang-ten-dong-phuc-hoc-duong-20190906204633188.htm
[10] https://tuoitre.vn/dong-phuc-hoc-sinh-da-xau-lai-dat-957903.htm
[11]https://thethaovanhoa.vn/bong-da/mua-dong-phuc-hoc-sinh-de-bo-di-n20110916100106242.htm
[12]http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?ItemID=47293