Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với cô Phạm Thị Bảo Đức - Giáo viên dạy Toán Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (Hà Nội) về vấn đề dạy và học trực tuyến. Cô Đức cho biết: “Nếu giáo viên nói dạy học trực tuyến là khó, không thể làm được thì theo tôi đó là ngụy biện, bởi lẽ đây không phải là tình huống đột ngột mới xảy ra.
Dịch bệnh đã xuất hiện 2 năm nay rồi, các thầy cô cũng đã trải qua khá nhiều đợt dạy học trực tuyến. Bộ và sở cũng thường xuyên tập huấn công nghệ thông tin cho giáo viên, nhưng tôi nhận thấy mọi người tham dự các đợt tập huấn này theo kiểu đối phó.
Nhìn chung, giáo viên khá thụ động trông chờ ở hiệu trưởng, hiệu trưởng lại đang trông chờ sở…đó cũng là nguyên nhân giáo viên ỷ lại. Giáo viên cũng muốn ỷ lại vào phụ huynh, dạy một đứa trẻ nhưng suốt ngày lại nhắn tin cho phụ huynh nhờ nhắc nhở con. Như vậy là thầy cô không chịu để cho một đứa trẻ tự giác thực hiện hoạt động học tập của nó.
Không nên đổ tại cho đứa trẻ rằng nó bé, nó chưa biết gì và không làm được. Tôi biết có nhiều cháu học sinh lớp 2 đã có thể tự đăng nhập vào các lớp học trực tuyến, tự học, tự làm và gửi bài cho thầy cô bằng những thiết bị điện tử mà bạn đó có. Nếu thầy cô, cha mẹ hướng dẫn cẩn thận một vài lần là đứa trẻ đó hoàn toàn có thể làm được những thao tác đơn giản như vậy, chứ không phải vì bé mà trẻ không đáp ứng được yêu cầu của thầy cô”.
Cô Phạm Thị Bảo Đức: “Nếu giáo viên nói dạy học trực tuyến là khó, không thể làm được thì theo tôi đó là ngụy biện, bởi lẽ đây không phải là tình huống đột ngột mới xảy ra". Ảnh: NVCC. |
Cô Đức chia sẻ: “Tôi thấy trong giai đoạn hiện nay, việc học trực tuyến có nhiều vấn đề cần cân nhắc, ví dụ: Dạy các con viết mà thầy cô muốn cầm tận tay để hướng dẫn thì không thể làm được trong tình hình này, nếu các con ở nhà lại nhờ bố mẹ cầm tay thì nhiều khi lại hướng dẫn không đúng.
Thầy cô hãy lựa chọn những nội dung phù hợp để giảng dạy trực tuyến, phần nghe, nói, đọc, có thể dạy trước và dạy phần viết sau. Tôi thấy trẻ em hoàn toàn có thể đọc hiểu, ghép vần trước khi biết viết, thực tế là có nhiều trẻ 5 tuổi đã đọc được truyện tranh một cách thành thạo mặc dù chưa hề biết viết.
Hoặc có thể, về phần viết chúng ta giảm bớt yêu cầu xuống bởi với yêu cầu thực tế hiện nay là quá cao, thầy cô luôn yêu cầu các con ngồi nắn nót từng nét, chính xác từng ô li, trong khi trẻ con ở nhiều nước tiên tiến mà tôi đã có dịp đến học tập, tôi thấy họ hoàn toàn tôn trọng các nét viết của từng học sinh, miễn là viết chữ A không thành chữ B, không đến nỗi quá xấu là được.
Môn tập viết của chúng ta hiện nay đang được các thầy cô làm “quá” lên so với mục tiêu chương trình, bắt các con viết chữ A phải đúng từng li, rồi nét nghiêng, thẳng giống nhau cả lớp. Thầy cô và các con mất rất nhiều công luyện chữ như vậy, nhưng khi lên cấp II lại bỏ hoàn toàn, nhiều em chữ xấu vẫn hoàn xấu. Như vậy, công cuộc luyện chữ của thầy cô lớp 1 hoàn toàn không giải quyết được vấn đề gì, trong khi yêu cầu chương trình các con hết lớp 1 là đọc thông, viết thạo mà thôi.
Thầy cô lớp 1 đã đặt sai trọng tâm giảng dạy, cần xác định rõ trọng tâm yêu cầu với lớp 1 các con cần đạt được cái gì? Ngay như nền giáo dục của Nhật Bản, Hàn Quốc họ đâu có dạy nhiều kiến thức cho các con lớp 1, nhưng họ lại chú trọng dạy nhiều về nhân cách, họ đặt ra 3- 4 tiêu chí để rèn đứa trẻ tiểu học.
Ví dụ như dạy về lòng tự trọng, sự tự giác…đó là những nhân cách mà mỗi cá nhân trong xã hội cần phải có. Còn kết thúc lớp 1 chỉ cần đọc thông viết thạo, cộng trừ đến số 5 là được. Nhiều thứ khác lúc nào lớn hơn sẽ được học vẫn chưa muộn”.
Cô Phạm Thị Bảo Đức : "Các thầy cô lớp 1 đã đặt sai trọng tâm giảng dạy, cần xác định rõ trọng tâm yêu cầu với lớp 1 các con cần đạt được cái gì?". Ảnh: NVCC. |
Cần xây dựng nguồn học liệu chuẩn toàn quốc
Cô Đức cho biết: “Có dịp sang học tập tại Hàn Quốc, tôi nhận thấy tất cả các trường công đều được sử dụng nguồn học liệu thống nhất, nguồn học liệu này đã được làm chỉnh chu, bài bản từ việc dạy viết, dạy đọc, bài khởi động, trò chơi…bài mới và bài tập đi kèm thế nào. Giáo viên lên lớp chỉ việc truy cập vào nguồn học liệu đó và triển khai cho học sinh.
Nguồn học liệu này đã được thiết kế chuẩn cho việc dạy học ở các cấp, thích hợp cho việc học trực tiếp và học trực tuyến, phù hợp cho những người tự học, có thể áp dụng vào bất kì hoàn cảnh nào đều thích hợp. Thậm chí một số nước họ không bắt học sinh nhất thiết phải đến trường học, có thể bố mẹ dựa trên nguồn học liệu chuẩn để dạy ở nhà, miễn là đến kì thi em đó vượt qua là đạt. Có thể nói, chúng ta hiện nay đang thiếu một nguồn học liệu chuẩn như vậy, chính vì thế mà giáo viên và học sinh gặp rất nhiều khó khăn, rất khó triển khai trong việc dạy và học trực tuyến.
Hơn nữa, dạy học là công việc của giáo viên, làm nghề giáo thì nhiệm vụ và trách nhiệm của mình là phải hướng dẫn được các con, chứ không phải hơi gặp khó khăn lại bắt phụ huynh hỗ trợ, thầy cô cứ nhắn tin suốt ngày, mà có phải lúc nào bố mẹ cũng ở bên cạnh con, họ còn công việc nuôi sống gia đình.
Đành rằng là phụ huynh hỗ trợ nhưng chỉ thời gian đầu thôi, họ đâu có hỗ trợ được mãi. Giáo viên cần phải tìm mọi cách để dạy được đứa trẻ đó, thầy cô cũng đi làm, cũng hưởng lương, vậy nên rất cần thầy cô cố gắng và không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh.
Thầy cô phải quyết tâm đổi mới
Cô Đức chia sẻ: “Bản thân tôi cùng một số giáo viên khác cũng đã tổ chức khá nhiều các buổi tập huấn về truyền cảm hứng trước mùa dạy online cho rất nhiều giáo viên trên cả nước, tôi nhận thấy ở nhiều trường hiện nay chỉ khoảng 20% giáo viên có tinh thần đổi mới và chịu khó đổi mới.
Số còn lại thụ động, không muốn thay đổi, nguyên nhân là do chưa có sự sát sao, áp chế của nhà trường nên giáo viên khá bình chân ỷ vào thâm niên công tác, đã biên chế rồi thì không ai đuổi được mình. Nhiều giáo viên chưa thực sự thấy cần phải đổi mới, nghĩ rằng với cách làm cũ mình vẫn có thể dạy được, năm nào học sinh và giáo viên cũng đạt loại giỏi, vậy nên cần gì phải đổi mới? Nếu giáo viên chưa thực sự nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc thì không lâu nữa sẽ bị đào thải. Đó là với trường công lập.
Nhưng đối với trường tư thục, nếu giáo viên không chịu đổi mới sẽ bị đào thải ngay. Bắt buộc thầy cô phải thay đổi, phải dạy được, và thực tế hiện nay việc đổi mới ở các trường tư thục đang được triển khai rất mạnh.
Việc một số thầy cô không chịu học hỏi, tìm kiếm công cụ mới để phục vụ việc dạy trực tuyến, không ít giáo viên bê nguyên giáo trình dạy trực tiếp để chuyển sang dạy trực tuyến, như vậy sẽ không hiệu quả, học sinh sẽ chán nản không muốn học. Thử đặt địa vị nếu thầy cô ngồi học những tiết như vậy thì có muốn học hay không?
Lãnh đạo các nhà trường cần phải “áp lực” hơn nữa để giáo viên có động lực theo kịp tiến trình đổi mới. Thầy cô là tầng lớp tri thức dạy người mà lại không chịu học, không trau dồi kĩ năng thì làm sao mang danh đi dạy được. Tôi nghĩ đã là giáo viên thì việc tiếp cận công nghệ hoặc các phương pháp mới sẽ không có gì là quá khó. Chỉ cần thầy cô quyết tâm”.
Cô Phạm Thị Bảo Đức và học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (Hà Nội) trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: NVCC. |
Có nên tạm lùi thời gian học với lớp 1 đợi hết dịch bệnh?
Cô Đức nêu quan điểm: “Nếu nói lùi thời gian học lại, vậy thì lùi đến bao giờ khi tình hình dịch diễn biến khá phức tạp, và ai sẽ là người trả lời được câu hỏi này? Một đứa trẻ ở nhà thì bản thân bố mẹ cũng đâu có chơi được với con cả ngày. Thực tế phụ huynh ở nhà trông con cũng kêu ca, phàn nàn rất nhiều.
Nhu cầu giao tiếp, nhu cầu được ở trong một tổ chức, được trò chuyện với mọi người, với thầy cô và các bạn, theo tôi đó là nhu cầu chính đáng của một đứa trẻ, lúc này các con rất háo hức. Người lớn chúng ta đừng đặt nặng yêu cầu quá cao, bắt các con phải đạt được kiến thức này, trình độ kia mà nhiều khi chỉ là được tham gia những hoạt động là các con đã thấy vui rồi.
Được thầy cô hướng dẫn khám phá, chơi trò này, trò kia… là vai trò tổ chức hướng dẫn của người giáo viên. Còn nếu đặt nặng đi học là phải đọc được chữ này, viết được chữ kia, phải viết thật đẹp trong thời gian ngắn…như vậy là đặt áp lực kiến thức lên học trò.
Kiến thức có thể học sau vì trong hoàn cảnh hiện tại, việc đó chưa quan trọng bằng việc các con có nhu cầu hoạt động có tổ chức, được giao tiếp, nhu cầu khám phá, học hỏi, trao đổi với thầy cô và bạn bè, tạo tinh thần vui vẻ, phấn khởi, đây là việc cần thiết trong lúc này.
Mỗi một đứa trẻ có một lộ trình phát triển khác nhau, thực tế tôi đón đầu học sinh lên cấp II, có một điều rất lạ khi hỏi đến em nào là em đó “rúm ró” lại, không dám nói. Tôi nghĩ bậc tiểu học đang có vấn đề gì đó, không biết các thầy cô dạy thế nào mà các em thiếu đi tính tự tin như vậy? Hầu hết các con không dám trả lời, không dám đưa ra ý kiến mặc dù là đúng, các con rất thụ động, giáo viên bảo gì các con làm thế, không bảo thì không làm.
Như vậy đã làm “thui chột” năng lực cũng như sự phát triển tự nhiên vốn có của một đứa trẻ. Theo tôi đây là sự “thất bại” của giáo dục. Chúng ta đang “cào bằng” những đứa trẻ, nhiều em có tố chất rất tốt, nhưng qua 5 năm tiểu học đã làm cho các em mất đi những tố chất đặc biệt đó”.