Văn mẫu đang làm chai lỳ cảm xúc và triệt tiêu sáng tạo của trẻ

19/08/2021 06:41
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Văn mẫu là những bài văn không bị ép viết theo khuôn mẫu của bao thế hệ học trò lớp trước, của các nhà văn, giáo viên… họ viết bằng chính cảm xúc thật của mình.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề dạy và học theo Văn mẫu hiện nay, cô Nguyễn Hiền Lương - Giáo viên môn Ngữ văn của Trường Trung học cơ sở Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội), cô Lương chia sẻ : “Thực tế nhiều năm nay, những bài Văn mẫu đã ăn sâu từ bậc tiểu học đến trung học khiến việc dạy Văn, học Văn trở nên nhàm chán, kéo theo chất lượng giáo dục chưa được định lượng chính xác.

Là một giáo viên dạy cấp II, tôi nhận thấy có khá nhiều học sinh lớp 6 đầu cấp nhưng không biết viết Văn, các em cho biết ở các lớp dưới thường được giáo viên cho các đề Văn mẫu, học sinh làm những bài tương tự, sau đó lại học thuộc lòng những bài cô đã sửa. Khi thi, giáo viên sẽ kiểm tra trong số những bài các con đã học thuộc lòng đó. Chính vì vậy, khi lên cấp II các con không thể viết được những bài văn dài có cảm xúc thật.

Theo tôi, kiểu dạy Văn “dập khuôn” máy móc ở bậc tiểu học cũng đã làm mất đi tính sáng tạo của học sinh, một bài Văn tả về mẹ thì đều giống nhau, đều có mắt “bồ câu”, rồi mái tóc dài... Điều này xuất phát từ mong muốn của giáo viên để các con được điểm cao trong kì thi, đó cũng là bệnh thành tích. Nhưng bên cạnh đó cũng có những bạn rất biết cách học Văn bởi đây là môn năng khiếu".

Theo cô giáo Lương: "Hãy coi Văn mẫu là một kênh tham khảo chứ không nên đưa vào giảng dạy trong trường học, bởi văn mẫu thực chất là một kênh tham khảo rất tốt". Ảnh: NVCC.

Theo cô giáo Lương: "Hãy coi Văn mẫu là một kênh tham khảo chứ không nên đưa vào giảng dạy trong trường học, bởi văn mẫu thực chất là một kênh tham khảo rất tốt". Ảnh: NVCC.

Theo cô Lương: "Hiện nay, việc thay sách giáo khoa mới cũng góp phần hạn chế việc dạy theo Văn mẫu, cũng sẽ có không ít giáo viên vẫn dạy theo “cách cũ” bởi tư tưởng ngại thay đổi. Tuy nhiên, một nguyên nhân nữa ở môn Văn ở cấp II vẫn còn những bài Văn dài, một bài ở trong sách giáo khoa vẫn có 2-3 đề, dựa vào đó giáo viên dặn học sinh về học thuộc 2-3 đề này bởi bài kiểm tra sẽ rơi vào 1 trong 2 đề đó, như vậy học sinh vẫn phải là học thuộc.

Phần đọc hiểu vẫn là kiến thức của 1 văn bản sách giáo khoa chiếm trên 50% tổng số điểm. Phần này học sinh vẫn phải học thuộc. Phần II là nghị luận xã hội lấy ngữ liệu bên ngoài yêu cầu học sinh vận dụng kỹ năng và sự hiểu biết của mình.

Phổ biến cách dạy môn Văn ở chương trình cấp II hiện nay vẫn là cô đọc, trò chép, học ý để được điểm cao (học theo phom đề thi) nhiều học sinh lớp 9 cho biết rằng con không thể học nổi bởi chỉ hơi khác ý của cô dạy một chút là đã bị điểm kém. Với môn Văn mỗi người có một quan điểm khác nhau, vậy nên thực trạng giáo viên “bắt” các con học thuộc lòng là khá phổ biến. Hơn nữa, chương trình trong sách giáo khoa có quá nhiều nội dung phải học thuộc lòng, điều này cũng khiến cho học sinh sợ học Văn.

Có khá nhiều đề bài, dạng bài nêu cảm nhận những suy nghĩ của con, nhưng theo phản ảnh của học sinh thì đó toàn là suy nghĩ của cô thôi, đâu phải của các con. Như vậy là hoàn toàn theo Văn mẫu và theo ý của giáo viên. Thông thường, học sinh đã có một “lối mòn” quá lâu là học thuộc lòng nên đã triệt tiêu toàn bộ cảm xúc cũng như ý kiến của các con, chính vì vậy các con hầu như không biết viết gì.

Với những trường hợp như vậy, lẽ ra giáo viên chỉ được gợi ý một phần nhỏ nào đó để học sinh có hướng triển khai. Nhưng cũng có giáo viên áp đặt quá nhiều vào Văn mẫu, bắt các con học thuộc khiến học trò rất nản, sợ học. Với tôi, thường chỉ dạy cách và hướng, còn ý triển khai bài thế nào là việc của các con, tôi không áp đặt.

Cô giáo Lương và các em học sinh Trường Trung học cơ sở Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cô giáo Lương và các em học sinh Trường Trung học cơ sở Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cần thay đổi cách kiểm tra đánh giá

Cô Lương cho biết: “Tôi được tham dự khá nhiều lớp tập huấn, thấy rằng nếu như giáo viên và học sinh thực hiện được theo đúng chủ trương của bộ sách giáo khoa thì thật tuyệt vời.

Hơn nữa, việc thay đổi cần đồng bộ từ nội dung, từ người dạy, từ phụ huynh và học sinh, cũng như cần đổi mới cả cách kiểm tra đánh giá, có như vậy thì việc học mới có thực chất. Còn nếu chỉ thay đổi sách giáo khoa, người dạy không có ý thay đổi, cách kiểm tra đánh giá vẫn như cũ thì việc học theo “lối mòn”, học theo bài Văn mẫu vẫn xảy ra.

Cần thay đổi cách kiểm tra đánh giá ở đây phải từ cấp trên, bởi từ lâu đã có quan niệm không có học sinh kém, chỉ có giáo viên không biết cách dạy. Cần có những biện pháp khuyến khích giáo viên đổi mới, sáng tạo trong hoạt động dạy và học. Bởi nếu đánh giá giáo viên dựa vào điểm số của học sinh thì nhiều giáo viên tìm cách cho học sinh học Văn mẫu để được điểm cao. Cần thay đổi cách ra đề thi, chấm thi, và nếu đề mở, đáp án mở thì sẽ khuyến khích được sự sáng tạo của học sinh. Bên cạnh điểm số thì cũng cần đánh giá theo sự hài lòng của học sinh cũng như cha mẹ các em.

Thay đổi ngay việc dạy và học môn Ngữ văn từ bậc tiểu học, tôi thấy hiện nay áp dụng rất nhiều các bài văn mẫu để giảng dạy, học sinh chép miệt mài theo ý cô, các bài thi đều giống nhau đến từng dấu chấm, dấu phẩy…và tất nhiên điểm bài thi đều rất cao, nhưng đó không phải là học thật, thi thật.

Giáo viên nên tôn trọng những suy nghĩ, cảm xúc riêng của học sinh, chấp nhận những phản biện đi ngược lại “lối mòn” của thầy cô, nếu đó là phản biện đúng thì thầy cô phải chấp nhận, không được áp đặt. Nếu phản biện sai, thầy cô phải chỉ ra cho học sinh thấy những điểm này con hiểu chưa đúng, hoặc con có thể tìm thêm những thông tin khác".

Cô Lương nhấn mạnh: "Tôi quan niệm giáo viên nên chỉ dạy cách tham khảo tài liệu, cách thu thập và xử lý thông tin, dạy kĩ năng đọc – hiểu – viết chứ không phải áp đặt ý của mình, bài văn phải là cảm xúc, suy nghĩ của học sinh, còn nếu chỉ học thuộc lòng theo Văn mẫu sẽ quên ngay. Quan trọng hơn, nếu nhà trường, giáo viên khuyến khích học sinh học Văn một cách hào hứng, các em sáng tạo đưa những suy nghĩ và cảm xúc thật của mình vào bài viết, đó mới là học thật.

Hãy coi Văn mẫu là một kênh tham khảo chứ không nên đưa vào giảng dạy trong trường học, bởi văn mẫu thực chất là một kênh tham khảo rất tốt, có tác dụng rèn về kĩ năng, khơi gợi cảm xúc. Đó là những bài văn không viết theo khuôn mẫu của bao thế hệ học trò lớp trước, của các nhà văn, giáo viên…Họ viết bằng chính cảm xúc thật của mình. Điều quan trọng là giáo viên và học sinh phải xác định đúng mục đích sử dụng bài văn mẫu”.

Trong 2 ngày (12- 13/8), Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Trung học. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu năm học mới các trường Trung học phổ thông phải học thật, thi thật. Riêng với môn Ngữ văn, Bộ trưởng lưu ý, cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò.

Lưu ý với giáo dục Trung học trong năm học mới, Bộ trưởng nhấn mạnh tới tinh thần học thật, thi thật. Theo đó, các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo, nhà trường cần triển khai việc học, kiểm tra đánh giá sao cho đúng và thực chất. Quá trình dạy học cũng cần quan tâm tới thực tiễn, trải nghiệm; chú ý đến việc tự học; chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, nhân cách, củng cố dạy tiếng Việt và phát triển toàn diện cho học sinh.

Tùng Dương