Theo tôi, cho điểm vẫn là khách quan nhất, bỏ giấy khen tiên tiến càng sai

28/08/2021 07:55
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Học lực phải được phân biệt rõ ràng bằng điểm số cụ thể, chỉ hơn thua nhau bằng lời nhận xét sẽ làm cho học sinh ỷ lại, lơ là việc học, thậm chí không muốn học.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với thầy Mai Văn Túc - giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) về một số vấn đề trong Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành, có hiệu lực từ ngày 5/9 tới đây. Thầy Túc nói: “Về mục đích yêu cầu đánh giá người học, tôi cho là đúng. Nhưng giải pháp và thực hiện không có, và ai sẽ là người thực hiện việc này? Điều quan trọng nhất là giải pháp thực hiện.

Tại sao tôi nói như vậy, bởi thực trạng “xin điểm” hiện nay có thể nói vẫn khá dễ, phụ huynh học sinh có thể nhờ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và thậm chí cả hiệu trưởng thì “mọi việc” lại đâu vào đấy, lại có học bạ đẹp. Ý tôi muốn nói việc đánh giá này không khả thi, mọi chuyện vẫn như cũ mà thôi, nói thì dễ nhưng làm thật sự thì rất khó.

Mọi chính sách, chủ trương đề ra thì không có cái nào sai, nhưng vấn đề là giải pháp để đánh giá mới là quan trọng. Ví dụ: Ai cũng biết học phải đi đôi với hành thì mới có kết quả tốt, nhưng hầu hết các cơ sở giáo dục đều dùng thiết bị kiểu "đối phó", bản thân người mua và người thanh kiểm tra cũng không có chuyên môn sâu nên khó có thể kiểm tra đánh giá được chất lượng. Khi học sinh sử dụng các thiết bị đó để thực hành nhưng lại cho ra kết quả sai, dẫn đến chất lượng giáo dục không được như mong muốn".

Thầy Mai Văn Túc - giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) Ảnh: Tùng Dương.
Thầy Mai Văn Túc - giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) Ảnh: Tùng Dương.

Thầy Túc cho biết: "Vậy ai là người quyết định sau cùng để đánh giá một học sinh đạt hay không đạt, việc quyết định này dựa vào cái gì? Và đâu là giải pháp hữu hiệu thì Bộ cần phải nêu rõ. Điều này cần phải có căn cứ khoa học, thầy cô phải thật khách quan, chứ không được dựa vào chủ quan. Tất cả những đánh giá đều phải dựa vào khách quan, và những gì do cảm nhận của con người đều là chủ quan, mà đã là chủ quan thì rất dễ bị sai, ngẫu hứng. Còn khách quan là phải được cân đo, đong đếm theo quy định.

Ví dụ: Bài thi học kì của tất cả các trường đều được Bộ ra đề, rồi làm thật chặt chẽ từ khâu kiểm tra, thanh tra, coi thi, chấm thi... thì mới có hiệu quả. Còn nếu đề thi do các trường tự ra, rồi tự đánh giá thì sẽ không chuẩn bởi trường nào cũng muốn lợi cho học sinh trường đó, trường nào cũng muốn thành tích để báo cáo lên cấp trên”.

Theo tôi, điểm số vẫn là thước đo khách quan

Theo thầy Túc: “Không bao giờ chấp nhận việc chỉ nhận xét mà không có điểm số cụ thể bởi việc nhận xét là chủ quan, giáo viên nhiều khi không đủ trình độ để đánh giá nhận xét một học sinh, nhất là những em có năng khiếu đặc biệt, có nhiều em rất giỏi về một lĩnh vực nào đó mà thầy cô chưa có dịp tìm hiểu rõ. Theo tôi nên quy định chỉ đánh giá 20%, còn lại vẫn phải cho điểm cho dù đó là môn học nào. Việc đánh giá có thể là tốt khi người đánh giá phải “cao thủ” hơn hẳn người được đánh giá, như vậy mới có giá trị”.

Về việc học đều các môn và không còn khái niệm môn chính, môn phụ, thầy Túc cho biết: “ Đánh giá môn chính, môn phụ nó hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của người học, một học sinh thích môn nào thì sẽ cho môn đó là chính, và ngược lại không thích sẽ cho là phụ. Theo tôi, môn nào cũng phải đánh giá nó theo nhu cầu và cảm tính của mỗi người, chúng ta không thể phân ra tổng quát đều nhau như trong Thông tư 22 được.

Phân ra môn nào quan trọng, và môn nào không quan trọng sẽ rất khó, chỉ có thể nhận xét được trong yêu cầu thực tế của công dân trong một giai đoạn, dựa vào yêu cầu của đất nước. Ví dụ: Trong lúc cả xã hội đang bức xúc về vấn đề đạo đức xuống cấp, vậy thì lúc này môn Giáo dục công dân là quan trọng, chứ không phải là môn Toán.

Đã gọi là kiến thức phổ thông thì phải được gọi đúng nghĩa là phổ thông, phải được coi trọng học đều các môn. Bất kì một ngành nghề nào, một lĩnh vực nào cũng cần thiết kiến thức tối thiểu để phục vụ cho cuộc sống, đó gọi là kiến thức phổ thông.

Vậy nên theo tôi cần học đều chứ không thể học lệch, còn sau khi vào đại học có thể theo sở thích và nhu cầu, lúc đó sẽ học chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó, lĩnh vực mũi nhọn. Học đều ở đây là kiến thức yêu cầu của cấp phổ thông mỗi học sinh phải nắm được, phải hiểu được như nhau, chứ không phải là chỉ ưu tiên cho một môn học nào”.

Học sinh ở mức độ nào cũng rất cần những lời động viên, khen ngợi. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Học sinh ở mức độ nào cũng rất cần những lời động viên, khen ngợi. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

"Bỏ giấy khen học sinh tiên tiến lại càng sai"

Thầy Túc nêu quan điểm: “Việc bỏ giấy khen học sinh tiên tiến, theo tôi là sai, bởi phổ học sinh phải đều để các em biết mình đang ở đâu, vậy tại sao lại bỏ đi một “đoạn” như vậy. Như thế là chỉ học sinh giỏi mới giá trị, còn không giỏi là bỏ đi hết hay sao?

Đã là phổ đánh giá thì phải liên tục từ không đạt cho đến đạt, không nên bỏ một “đoạn” nào cả, điều này giúp cho học sinh, phụ huynh và xã hội biết các em đang ở tầm nào, đánh giá phải đủ liên tục từ 0 cho đến 10 điểm.

Nên đưa ra là chỉ thưởng cho học sinh ở mức độ nào, mức giỏi và xuất sắc chẳng hạn, còn học sinh trung bình, khá, tiên tiến vẫn phải được công nhận bằng giấy khen, điều này cũng giúp các em có thêm động lực để phấn đấu.

Nếu bỏ và chỉ công nhận 2 mức giỏi và xuất sắc thôi thì tôi cho là phản tác dụng, các em tốp dưới sẽ chán nản bởi không phải em nào cũng có học lực như nhau, mỗi em đều có tố chất riêng. Theo tôi không nên bỏ đánh giá, bỏ giấy khen, mà chỉ bỏ khen thưởng với các học lực tốp dưới, vẫn duy trì giấy khen với các bậc và chỉ thưởng ở 2 bậc cao nhất, như vậy mới công bằng”.

Cần phải phân biệt rõ ràng bằng điểm số cụ thể

Cũng về Thông tư 22, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với một thầy giáo dạy Văn đề nghị không nêu tên, nên xin tạm gọi là thầy A. đang dạy tại một trường trung học phổ thông của tỉnh Đồng Tháp.

Thầy A. cho biết: “Trước Thông tư 22, Bộ đã từng thí nghiệm mô hình dạy học VNEN đã và đã từng thất bại, vì không phù hợp với tình hình thực tế địa phương, cơ sở vật chất không đảm bảo, điều kiện kinh tế mỗi học sinh không thể đáp ứng được theo xu thế thế giới.

Tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền từ mô hình sáo rỗng không thể thực hiện trên thực tế, nhiều tỉnh thành đều yêu cầu dừng vì không thể thực hiện, đồng nghĩa việc nhận xét học sinh không qua điểm số từng bước bị thất bại.

Là một người thực dạy, tôi nhận thấy Thông tư 22 sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng nền giáo dục nước nhà, bởi vì “cấp trên” không chấp nhận thực tế, còn cấp dưới thì “báo cáo” để được thành tích, để được cấp trên công nhận xuất sắc, tiên tiến.

Xin mời một ai đó trên Bộ có thể xuống địa phương, hoặc về các tỉnh vùng sâu, vùng xa dạy thử một học kỳ để cảm nhận những “quý tử” thời nay học tập như thế nào? Nếu không ai có thể làm điều đó thì chắc chắn chất lượng giáo dục thực tế ở các địa phương khó được công nhận.

Thường ở các trường hiện nay, mỗi khối lớp có từ 1 đến 2 lớp khá - giỏi, những lớp này có lực học và ý thức tương đối tốt, được sự quan tâm kèm cặp của phụ huynh, còn đa phần những lớp khác có được 1/3 học sinh chịu học, điều này khiến giáo viên kêu ca, chán nản rất nhiều.

Nay nếu thực hiện theo Thông tư 22, chắc chắn rằng số lượng giáo viên kêu ca phàn nàn sẽ còn tăng lên đáng kể, với trách nhiệm hàng ngày đè nặng lên vai giáo viên soạn kế hoạch bài dạy mới của lớp 6 theo Công văn 5512 trên Word, mỗi tiết tầm 5 đến 7 trang A4.

Rồi phải soạn bài giảng PowerPoint, bài giảng STEM, thu âm, ghi video bài giảng, tự học bồi dưỡng thường xuyên, học nâng ngạch, học tích hợp chuyên môn…khối công việc như núi, chưa kể hết bao nhiêu hồ sơ sổ sách, công tác kiêm nhiệm ngốn gần hết thời gian ngày và đêm của giáo viên như vậy, mà nay còn thêm nhận xét nữa."

Thầy A. nhấn mạnh: “Đã gọi là xã hội phải chấp nhận có người cao, người thấp, nhưng phải phân biệt rõ ràng bằng điểm số cụ thể, chỉ hơn thua nhau bằng lời nhận xét sẽ làm cho học sinh ỷ lại, lơ là việc học, thậm chí không muốn học. Và cũng cần nói đầu ra của giáo dục với sản phẩm không chuẩn hoá theo khuôn thước chất lượng thì dùng được việc gì?

Hãy trả về đúng nghĩa hai từ công bằng! Có nỗ lực học tốt, ý thức tốt thì điểm tốt, không học thì điểm thấp hơn, chúng ta không nên dạy cho học trò thành tích ảo, mà hãy dạy cho học trò tính thành thật, tự tin đứng lên bằng đôi chân chính mình, đi tiếp sẽ thành công. Xã hội là trường học thứ hai của mỗi con người, nhưng nếu ở ngôi trường đầu tiên không được dạy tốt về nhân cách thì hậu quả về sau chắc ai cũng có thể hình dung”.

Tùng Dương