Xử lý nghiêm, không bao che
Ngày 30/9, trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Võ Tấn Huy – Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) cho biết, đã xử lý các trường hợp sử dụng bằng giả, bằng không lệ theo danh sách mà Công an tỉnh cung cấp.
Cơ quan Công an phát hiện nhiều trường hợp sử dụng bằng giả, bằng không hợp lệ. Ảnh: MT |
“Vào cuối tháng 7 vừa rồi thì Công an tỉnh có văn bản gửi Ủy ban nhân dân huyện danh sách 10 trường hợp là cán bộ, giáo viên có sử dụng văn bằng giả, văn bằng không hợp lệ.
Qua rà soát, thì huyện đã tiến hành xử lý buộc thôi việc, chấm dứt hợp đồng đối với 5 trường hợp là giáo viên, nhân viên hợp đồng tại các trường học.
Riêng một trường hợp là lãnh đạo xã, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã nên thuộc diện quản lý của Huyện ủy thì phải chờ xử lý theo đúng quy trình”.
Theo ông Huy, đối với 5 trường hợp là giáo viên, nhân viên trường học thì có hai người là nhân viên y tế trường học bị buộc phải thôi việc.
Hai nhân viên bảo vệ trường học được tuyển dụng theo dạng hợp đồng lao động thì chuyển về cho Hiệu trưởng xử lý theo thẩm quyền.
“Theo thông tin trên các phương tiện truyền thông thì Công an tỉnh có phát hiện 20 trường hợp sử dụng bằng giả tuy nhiên trong văn bản gửi về huyện đề nghị xử lý thì mới chỉ có 10 trường hợp.
Quan điểm của huyện là xử lý nghiêm, không bao che dung túng cho các trường hợp sử dụng bằng giả, bằng không đúng quy định.
Sắp tới, nêu bên Công an có gửi danh sách bằng văn bản về thì chúng tôi sẽ tiếp tục xử lý”, ông Huy nói.
Liên quan đến việc xử lý giáo viên, nhân viên trường học sử dụng bằng giả, ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk cũng cho rằng, dù có vì lý do gì thì cũng không thể chấp nhận được.
Đối với các Trường trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên nếu phát hiện có trường hợp dùng bằng giả thì ngay lập tức sẽ bị đình chỉ công tác. Qua xác minh cụ thể thì sẽ buộc thôi việc, nếu nặng hơn thì chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Làm sao để ngăn chặn?
Theo một cán bộ phòng Nội vụ huyện Cư Kuin thì khi làm việc với các trường hợp giáo viên, cán bộ nói trên đều thừa nhận việc sử bằng tốt nghiệp trung học phổ thông giả để học lên đại học rồi xin vào cơ quan, trường học làm việc.
“Thực tế thì những tấm bằng trung học phổ thông đó đã kẹp trong hồ sơ của số giáo viên, nhân viên, cán bộ nói trên từ nhiều năm rồi, tận những năm 90.
Qua các đợt rà soát chủ yếu là xét đến các văn bằng Trung cấp, Cao đẳng hoặc Đại học trở lên mà ít khi để ý đến văn bằng trung học phổ thông. Nay cơ quan công an bằng các nghiệp vụ xác minh làm rõ được”, vị cán bộ này cho biết.
Về phương án làm sao ngăn được tình trạng cán bộ, giáo viên sử dụng bằng cấp giả, bằng không đúng quy định thì ông Huy cho biết, ngoài việc rà soát bằng cấp của đội ngũ trước đây thì huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng mà cụ thể là Phòng Nội vụ huyện ngăn chặn từ khâu ban đầu.
“Tới đây, chúng tôi đã giao cho Phòng Nội vụ tăng cường kiểm tra, xác minh kỹ các văn bằng chứng chỉ của những người được xét duyệt hợp đồng hoặc tham gia thi tuyển công chức trên địa bàn.
Trong đó đặc biệt là các đợt thi tuyển giáo viên trường học. Ngăn chặn tình trạng sử dụng bằng giả ngay ở khâu tuyển đầu vào”, ông Huy chia sẻ thêm.
Trước đó, Phòng An ninh chính trị Nội bộ (Công an tỉnh Đắk Lắk) đã phát hiện 20 trường hợp giáo viên, cán bộ ở Cư Kuin sử dụng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông giả và các văn bằng chứng chỉ không hợp lệ.
Tất cả những trường hợp này đều chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng vì muốn có một việc làm với thu nhập ổn định, nhiều năm trước những trường hợp này đã liên hệ nhờ người làm giả bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Sau đó, nộp hồ sơ học lên hệ cao hơn rồi lấy bằng để đi xin việc làm.