Công an phát hiện giáo viên dùng bằng giả, Giám đốc Sở Giáo dục nói gì?

27/09/2021 06:37
AN NGUYÊN - MINH THẢO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu phát hiện trường hợp giáo viên trực thuộc Sở quản lý sử dụng bằng giả, bằng cấp không đúng quy định thì ngay lập tức phải đình chỉ công tác, buộc thôi việc.

Nhiều giáo viên, cán bộ sử dụng bằng giả

Ngày 26/9, Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh Đắk Lắk) cho biết, qua xác minh, đơn vị vừa phát hiện 20 trường hợp sử dụng bằng giả và bằng không hợp lệ tại huyện Cư Kuin.

Cơ quan công an phát hiện nhiều cán bộ, giáo viên sử dụng bằng giả. Ảnh: MT

Cơ quan công an phát hiện nhiều cán bộ, giáo viên sử dụng bằng giả. Ảnh: MT

Trong đó cá biệt có nhiều trường hợp là giáo viên các bậc học đang công tác giảng dạy tại nhiều trường học trên địa bàn. Theo thông tin ban đầu thì tại cơ quan điều tra, những người này đã thừa nhận hành vi sử dụng bằng giả của bản thân.

Theo đó, tất cả những trường hợp này đều chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Tuy nhiên, vì muốn có một việc làm với thu nhập ổn định, nhiều năm trước những trường hợp này đã liên hệ nhờ người làm giả bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Sau đó, nộp hồ sơ học lên hệ cao hơn rồi lấy bằng để đi xin việc làm.

Theo bản khai của một giáo viên viên tên N. dạy học thì trước đây người này chỉ mới học đến lớp 11 rồi nghỉ học, vào miền Nam làm việc mưu sinh.

Khi vào Đắk Lắk người này đi học nghề nhưng không có bằng cấp 3 nên bố mẹ N. ở quê đã liên hệ làm cho N. một bằng giả gửi vào. Sau đó N. nộp bằng giả đó đi học lên rồi đi dạy học.

Đại tá Nguyễn Hữu Lương – Trưởng phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Đắk Lắk cho hay, cơ quan công an sẽ tiếp tục rà soát và đặc biệt sẽ làm rõ các đường dây làm, bán bằng giả.

Việc sử dụng bằng giả, bằng không hợp lệ đã gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan, tổ chức Nhà nước; gây bất công bằng trong cán bộ, công chức, viên chức và ảnh hưởng lớn đến chất lượng của công việc.

Trước đó thì tại tỉnh Đắk Lắk đã có hàng chục trường hợp bị xử lý, buộc thôi việc do sử dụng bằng giả, bằng không hợp lệ.

Do đó, các đơn vị cần thẩm tra, thẩm định, rà soát kỹ các loại văn bằng khi tuyển dụng công chức, viên chức vào cơ quan làm việc.

Sở Giáo dục nói gì?

Việc những giáo viên sử dụng bằng giả để đi giảng dạy nhiều năm qua đã gây bức xúc trong dư luận, xã hội. Bởi ngoài trình độ chuyên môn không đảm bảo, không đúng quy định thì vấn đề đạo đức của những giáo viên khi có hành vi gian dối lại được đứng trên bục giảng, gây ảnh hưởng rất xấu.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 26/9, ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk cho hay, thời gian qua, Sở đã triển khai nhiều đợt kiểm tra, rà soát bằng cấp (thuộc phạm vi do Sở quản lý) của đội ngũ cán bộ, giáo viên trên địa bàn.

“Thực hiện theo phân cấp quản lý thì Sở chỉ cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên. Khi rà soát những loại bằng cấp này thì chúng tôi phát hiện nhiều người làm giả, từ đó chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng xử lý”.

Đối với vấn đề giáo viên sử dụng bằng giả để đi dạy thì theo ông Khoa dù có vì lý do gì thì cũng không thể chấp nhận được.

“Đối với giáo viên các bậc từ mầm non đến Trung học cơ sở thì sẽ do các cơ quan huyện, thành phố quản lý nên Sở sẽ không tham gia xử lý đối với các trường hợp sử dụng bằng giả.

Còn đối với các Trường trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên nếu phát hiện có trường hợp dùng bằng giả thì ngay lập tức sẽ bị đình chỉ công tác. Qua xác minh cụ thể thì sẽ buộc thôi việc, nếu nặng hơn thì chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định”.

Có một thực tế do lịch sử để lại tại khu vực Tây Nguyên là tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng trong những năm 90 của thế kỷ trước. Do đó, ngành giáo dục các tỉnh Tây Nguyên đã tận dụng những người có trình độ trung cấp hoặc học xong hệ 9+2 để tham gia dạy học.

Tuy nhiên, ông Khoa cho rằng, trong những năm qua, ngành giáo dục các tỉnh Tây Nguyên đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để những giáo viên này có cơ hội bồi dưỡng chuyên môn, được hỗ trợ để học lên nhằm chuẩn hóa các điều kiện về văn bằng.

Do đó, không thể lấy lý do lịch sử để lại để làm giả bằng cấp hoặc chấp nhận các văn bằng giả trong ngành giáo dục. Nếu những trường hợp giáo viên không đủ điều kiện về bằng cấp thì có thể thuyên chuyển công tác khác, nghỉ hưu sớm… Còn không thể chấp nhận nhà giáo lại sử dụng bằng cấp giả - ông Khoa nhấn mạnh.

AN NGUYÊN - MINH THẢO