Liên quan vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô, vừa qua, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra thông báo đề nghị:
1. Các cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo rà soát hồ sơ đã tiếp nhận của cán bộ, học viên, nghiên cứu sinh, nếu có sử dụng Bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh hệ Chính quy – Văn bằng 2 do Trường Đại học Đông Đô cấp thì thông báo ngay bằng văn bản cho Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an.
2. Các cá nhân đã được Trường Đại học Đông Đô cấp Bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh hệ Chính quy – Văn bằng 2 liên hệ với Cơ quan An ninh điều tra- Bộ Công an để trình báo, làm việc và cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra.
Trước đó, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao cũng đã có quyết định trả hồ trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô Hà Nội.
Theo đó, có 626 trường hợp được cấp văn bằng 2 tiếng Anh nhưng theo kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an chỉ làm rõ 193 trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo.
Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao yêu cầu đơn vị chủ quản xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức, viên chức với 193 trường hợp được cấp bằng không đúng quy định.
Cơ quan điều tra mới thu giữ 67 văn bằng gốc, nên yêu cầu tiếp tục thu hồi 126 văn bằng còn lại.
Đối với 60 trường hợp dùng bằng giả, đến nay mới xác định được 25 trường hợp gồm 22 người rút hồ sơ và dừng chương trình nghiên cứu sinh khi khởi tố vụ án; 1 trường hợp thôi học thạc sĩ; 1 trường hợp công chức nghỉ việc; 1 trường hợp xin rút kết quả nâng ngạch thanh tra viên. Viện kiểm sát Nhân dân tối cao cho rằng 35 trường hợp còn lại vẫn cần xác định đã dùng bằng giả thế nào để yêu cầu xử lý theo quy định.
Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao yêu cầu cơ quan chức năng phải xử lý trách nhiệm của đảng viên, công chức, viên chức khi sử dụng bằng giả. [1]
Trường Đại học Đông Đô. (Ảnh: Trung Dũng) |
Trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An (đại biểu Quốc hội khóa 13) cho biết:
“Những người đã được cấp văn bằng 2 Trường Đại học Đông Đô có 2 đối tượng. Một là những người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo, hai là người có đăng ký tuyển sinh, đào tạo.
Việc xác minh một văn bằng là thật hay giả chỉ có cơ quan điều tra họ mới làm được, còn chính các cơ quan quản lý lao động không thể xác định rằng người đó có đang dùng bằng giả hay không.
Trong trường hợp này, với những người có đăng ký tuyển sinh, có qua đào tạo thì chính bản thân những người đó còn không biết Trường Đại học Đông Đô chưa được phép đào tạo văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh.
Nếu cơ quan quản lý cho người lao động dùng văn bằng 2 của Trường Đại học Đông Đô tạm nghỉ việc để chờ xác minh lại văn bằng thì đó cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Đặc biệt, với những người dùng bằng giả thì cần phải xử lý nghiêm”.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An cho rằng, những trường hợp học thật, thi thật để lấy bằng ở Đông Đô muốn chứng minh với cơ quan quản lý rằng mình đã từng theo học ở đó thì họ cũng không biết lấy những bằng chứng đó bằng cách nào, và ai là người đứng ra để cung cấp những bằng chứng đó.
Không những thế, trong thời điểm hiện tại ngôi trường này cũng đang mang nhiều tai tiếng, mức độ tín nhiệm của đơn vị này trong xã hội cũng đang bị giảm sút nên những nạn nhân này cũng gặp không ít bất lợi.
Nếu bị chỗ đang làm cho nghỉ việc thì dùng văn bằng đó của Đông Đô xin việc vào chỗ sau này cũng gặp không ít khó khăn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An. (Ảnh: Lại Cường) |
Tiến sĩ An cũng cho rằng, thời điểm này Trường Đại học Đông Đô nên công bố danh sách toàn bộ những cá nhân được cấp bằng.
Việc này không chỉ làm giải đáp khúc mắc của người dân trong thời gian vừa qua mà một phần nào đó sẽ minh oan cho những cá nhân phải bỏ công sức để có được tấm bằng đúng nghĩa.
Không những thế, phía các cơ quan tiếp nhận những cá nhân dùng bằng văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh của Trường Đại học Đông Đô cũng nên phối hợp tốt với cơ quan chức năng trong đợt rà soát lần này.
Bà Bùi Thị An nhấn mạnh: “Theo tôi, các cơ quan chức năng cần công khai danh sách những cá nhân này sớm. Cái này là công khai để dư luận không bức xúc nữa, đây không phải là bí mật quốc phòng hay an ninh quốc gia không có lý do gì không công khai.
Không những thế, chính những nhà tuyển dụng cũng cần hợp tác với cơ quan điều tra để cung cấp những trường hợp như vậy đang làm ở cơ quan của họ để tránh những trường hợp học giả, bằng giả cố tình tránh né.
Bên cạnh đó, việc minh bạch trong chuyện bằng cấp sẽ nâng uy tín của cá nhân, tổ chức ấy với xã hội chứ nếu cứ để lập lờ như hiện tại mọi việc có thể đi xa hơn”.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://daidoanket.vn/vu-bang-gia-o-dai-hoc-dong-do-tra-ho-so-dieu-tra-bo-sung-547211.html