Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, sai phạm tại Đại học Đông Đô đã và đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quyết định trả hồ sơ vụ án "giả mạo công tác" xảy ra tại trường Đại học Đông Đô cho Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để điều tra bổ sung.
Liên quan đến vụ việc của Trường Đại học Đông Đô, chia sẻ với Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) – Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng:
“Trước hết, cần phải nhìn nhận chính sách đào tạo văn bằng 2 là một chính sách đúng đắn và phù hợp với xu thế.
Việc sử dụng văn bằng 2 Tiếng Anh để làm Tiến sĩ, Thạc sĩ, thay thế các chứng chỉ, chứng nhận cũng là phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, hiện nay, cách đào tạo văn bằng 2 tại một số trường chưa chuẩn nên dẫn đến tình trạng làm méo mó chính sách.
Việc đào tạo theo tín chỉ, các học phần có trong chương trình đào tạo của ngành đào tạo thứ nhất thì mới được miễn và học tiếp những chương trình, khối lượng theo quy định ở văn bằng 2.
Thế nhưng việc học văn bằng 2 hiện nay, một số trường không đảm bảo các quy định. Việc người ta coi văn bằng 1 nào cũng như nhau, để rồi cứ thế học sang văn bằng 2 khiến chất lượng rất khó kiểm soát.
Ví dụ một người học văn bằng 1 ngành ngôn ngữ tiếng Pháp thì họ học sang văn bằng 2 tiếng Anh thì sẽ nhanh và chất lượng sẽ tốt hơn những người học bằng một ngành ngữ văn hay toán học…
Nhưng bây giờ một số trường coi tất cả như nhau rồi học chung, cấp bằng như vậy sẽ dẫn đến những hệ lụy về đào tạo.
Để việc xảy ra như Đông Đô vừa rồi là một dẫn chứng. Nếu việc kiểm tra giám sát của cơ quan nhà nước được thực hiện tốt thì những sự việc như vậy không thể xảy ra”.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến. Ảnh:Tùng Dương |
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cũng cho rằng: “Nếu Trường Đại học Đông Đô có đơn đề nghị đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh gửi lên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ sẽ xem xét các điều kiện có đủ đảm bảo hay không. Sau đó mới ra quyết định cho đào tạo văn bằng 2 theo năng lực của trường.
Thế nhưng ở đây trường Đại học Đông Đô không được cho phép đào tạo văn bằng 2 Tiếng Anh nhưng họ vẫn đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh như thế gọi là đào tạo chui và như vậy là phạm pháp.
Nếu nói như một số người ở Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra là Bộ vô can trong sai phạm trong đào tạo ở Đại học Đông Đô là không thuyết phục”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến phân tích.
“Trách nhiệm quản lý nhà nước ở đâu, quyền tự chủ không có nghĩa là buông lỏng quản lý nhà nước. Ở đây chỉ bỏ qua việc quản lý trực tiếp theo kiểu cầm tay chỉ việc thôi. Không có nghĩa là buông lỏng quản lý nhà nước.
Để xảy ra như vậy thì trong quản lý nhà nước đã sai rồi”, Tiến sĩ Khuyến nêu quan điểm.
Nói về việc xử lý văn bằng 2 trái quy định của trường Đại học Đông Đô và việc xử lý đối với người sử dụng văn bằng 2 của trường này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng:
“Chưa nói đến chất lượng đào tạo văn bằng 2 của trường này đến đâu nhưng vì trường chưa được cho phép đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh nên văn bằng này không có tính pháp lý.
Nguyên tắc không có tính pháp lý phải thu hồi. Không thể công nhận được. Tất cả các văn bằng 2 Tiếng Anh mà Đại học Đông Đô đã cấp khi chưa có phép đào tạo phải hủy hết. Không có chuyện cái hủy, cái không hủy được”.
Đối với người học, dư luận đang lên tiếng về việc nên hay không nên việc công khai danh tính của những người sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh ở Đông Đô và xử lý những người đã học văn bằng 2 ở đại học Đông Đô như thế nào?
Nêu quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng: “Đối với người học cũng cần phải xác định có 2 loại người học, người ta học ra học, thì họ là những nạn nhân bị bộ phận lãnh đạo của trường Đông Đô lừa.
Họ không biết, họ đăng ký học, nộp tiền đầy đủ, họ đi học, hoàn thành chương trình học nhưng cuối cùng hóa ra cái bằng mà họ nhận được là cái bằng không có giá trị pháp lý.
Đối với bản thân những người này, sự việc đó có thể coi là bài học đối với họ khi không nghiên cứu kỹ các điều kiện quy định khi chỉ nghe những công bố không chính xác của nhà trường thì phải chịu hậu quả.
Họ là nạn nhân, họ không có tội gian dối. Họ không sai thì không thể nêu tên của họ lên phương tiên thông tin đại chúng
Còn việc thu hồi bằng thì là chuyện rõ ràng, không có chuyện dù anh học thật nhưng bị lừa mà vẫn công nhận bằng đó được.
Việc xử lý những người sử dụng văn bằng 2 tại Đại học Đông Đô như thế nào đang là vấn đề khiến dư luận quan tâm. Ảnh minh họa: Trung Dũng. |
Còn lại người mua bằng, khi anh đã biết rõ ràng là sai phạm, anh có sự thông đồng với nhà trường khi biết sai nhưng vẫn làm, học hành láng tráng, cứ đóng tiền nộp xong lấy bằng, những trường hợp này là gian dối.
Đối với các trường hợp này nếu có căn cứ phải xử lý hình sự chứ không chỉ dừng lại việc thu hồi bằng đã được cấp.
Những người này phải công bố danh tính, chẳng có lý do gì phải bao che cho họ. Mà cần nêu ra để nêu gương và có tính răn đe”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.
Việc xử lý đối với những người học thật nhưng lại bị cấp bằng không có giá trị pháp lý, thầy Khuyến cho rằng:
“Đối với người bị lừa thì có một giải pháp nhân văn nhưng không nhất thiết là bắt buộc.
Nếu cơ quan nhà nước có người sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh tại Đại học Đông Đô mà xử lý nhân văn thì có thể cho những người đó được chấp nhận trải qua quá trình đánh giá, kiểm tra.
Quá trình này có thể giao cho một cơ sở đào tạo tiếng Anh có đủ thẩm quyền đào tạo.
Những cơ sở này họ kiểm tra lại tất cả những nội dung đã được học của văn bằng 2, nếu đạt thì cấp cho họ văn bằng mới, văn bằng mới này do cơ sở mới tiến hành kiểm tra và cấp bằng.
Nếu giải quyết được như vậy sẽ rất nhân văn và đảm bảo cho những người học thật và nạn nhân của một sự việc nghiêm trọng trong giáo dục và đào tạo. Việc này hoàn toàn có thể thực hiện được”.