Bao nhiêu học sinh 14, 15 tuổi có khả năng nghiên cứu khoa học kĩ thuật?

12/01/2022 06:59
Ánh Dương
GDVN- Bài viết trao đổi với tác giả Trịnh Nguyễn Thanh Tâm một số vấn đề về cuộc thi khoa học kĩ thuật của học sinh phổ thông.

Trong bài viết “Thầy giáo có 6 năm hướng dẫn học sinh thi khoa học kĩ thuật trao đổi với tác giả Ánh Dương” của nhà giáo Trịnh Nguyễn Thanh Tâm (Hậu Giang) ngày 8/1/2022 được đăng tải trên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, tác giả cho rằng, với bản thân học sinh, việc phát hiện ra một vấn đề thực tiễn là bước xác lập quan trọng trong mục tiêu giáo dục.

Tuy vậy, tôi không hoàn toàn đồng tình với luận điểm này cũng như một vài luận cứ mà tác giả nêu trong bài viết, xin có đôi lời chia sẻ thêm.

Đừng ép học sinh 14, 15 tuổi thi khoa học kĩ thuật

Tôi đọc bài viết của tác giả Thanh Tâm phản biện một số luận điểm trong bài “Đừng ép học sinh phổ thông thành thiên tài qua cuộc thi khoa học kĩ thuật” ngày 6/1/2022 trên diễn đàn Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam thì cảm thấy rất vui vì được đồng nghiệp chia sẻ thêm về cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh phổ thông.

Qua bài viết, tôi được biết tác giả Thanh Tâm là một độc giả trung thành của Tạp chí, đã từng có 06 năm hướng dẫn học sinh thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật đạt thành tích cấp tỉnh, cấp quốc gia, thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi – lĩnh vực mà tôi yêu thích.

Nhân đây, tôi xin gửi lời chúc mừng đến tác giả đã hướng dẫn nhiều học sinh đạt giải cao ở các cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật mà không phải người thầy nào cũng làm được với các em bậc trung học cơ sở – chỉ mới 14, 15 tuổi.

Tôi cũng cảm ơn tác giả Thanh Tâm đã nhận xét bài viết của tôi có nhiều luận cứ, luận điểm rất chính xác khi đánh giá về cuộc thi này cũng như mong muốn tôi có thêm những bài viết khác nữa nhằm góp thêm tiếng nói mang tính xây dựng cho ngành giáo dục.

“Hy vọng tác giả tiếp tục có những góc nhìn sâu sắc hơn nữa, phản biện mạnh mẽ hơn nữa để các cuộc thi trở nên có ý nghĩa, góp phần vào sự tiến bộ của giáo dục nước nhà”, lời của tác giả khiến tôi cảm kích.

Tuy vậy, tôi không hoàn toàn đồng tình với luận điểm, “với bản thân học sinh, việc phát hiện ra một vấn đề thực tiễn là bước xác lập quan trọng trong mục tiêu giáo dục” cũng như một vài luận cứ mà tác giả nêu trong bài viết.

Ảnh chỉ mang tính minh họa, nguồn: Baothainguyen.vn

Ảnh chỉ mang tính minh họa, nguồn: Baothainguyen.vn

Thứ nhất, tôi đồng ý rằng, học sinh phát hiện ra một vấn đề thực tiễn không khó, cái khó là việc hiện thực hóa vấn đề thực tiễn đó như thế nào để ra được sản phẩm khoa học ứng dụng mới là điều đáng bàn.

Theo tác giả Thanh Tâm, “từ những phát hiện đó, qua quá trình làm việc cùng giáo viên hướng dẫn, học sinh sẽ có thêm nhiều kênh thông tin hỗ trợ để thu hẹp vấn đề nghiên cứu, được tiếp nhận các tài liệu nghiên cứu và đọc tài liệu theo khả năng hiểu biết của mình.

Việc này chúng ta càng nên khuyến khích học sinh thực hiện vì nó cũng là phương pháp chúng ta đang đổi mới về giáo dục hiện nay.”

Về lí thuyết, tác giả Thanh Tâm nói không sai, nhưng liệu có bao nhiêu học sinh tự đọc được tài liệu nghiên cứu và bao nhiêu giáo viên thực sự hỗ trợ các em về vấn đề nghiên cứu hay thầy làm thay trò, trò chỉ xử lí vài ba công đoạn trong dự án cho có lệ?

Một số giáo viên ở các tỉnh thành trên cả nước chia sẻ với tôi rằng, rất nhiều dự án của học sinh đều có sự can thiệp của người hướng dẫn, thậm chí thầy làm thay cho trò vì học sinh miền núi, vùng sâu vùng xa không đủ năng lực thực hiện.

“Nói là công trình nghiên cứu của học sinh cho oai chứ giáo viên còng lưng ra làm, học sinh chỉ việc học thuộc rồi diễn lại như diễn viên chuyên nghiệp (trừ một số trường hợp đặc biệt, học sinh giỏi thực sự thì giáo viên mới đóng vai trò định hướng)”, cô giáo P.H ở Đắk Lắk nói thẳng.

Cùng nhận định, cô T.P.M (Hà Nội) cho biết, có những cuộc thi khoa học kĩ thuật, học sinh chỉ học thuộc và diễn (trả lời phỏng vấn ban giám khảo – tác giả chú thích) còn thầy cô bạc cả đầu (tốn thời gian làm thay học sinh).

Còn thầy B.D.H. (Đắk Nông) trải lòng: “Có trải nghiệm, đặt chân vào cuộc thi khoa học kĩ thuật mới thấy, cuộc thi dành cho học sinh song thầy cô, nhà trường đầu tư nhiều quá, cũng vì thành tích, danh hiệu. Vậy nên, năm trước tôi và học sinh quyết định dừng cuộc thi dù dự án đã qua vòng sơ loại, cũng có chút tiếc nuối”.

Tôi nhận thấy, những chia sẻ của thầy cô như đã dẫn là hoàn toàn có cơ sở. Điều tinh vi ở chỗ, nhiều dự án sau khi hoàn thành thì rất khó định lượng được bao nhiêu phần của thầy, bao nhiêu phần của trò vì chẳng để lại dấu vết gì.

Thứ hai, tác giả Thanh Tâm cho rằng tôi hơi quy chụp vội vàng khi khẳng định học sinh lớp 8, 9 không hiểu được khái niệm, lý thuyết để triển khai câu hỏi nghiên cứu, vấn đề nghiên cứu; giả thuyết khoa học; phương pháp nghiên cứu.

Tác giả Thanh Tâm cũng thừa nhận, “những đơn vị khác không biết họ làm thế nào, nhưng riêng trường mình thì có thể chia sẻ quan điểm này theo quy trình 3 bước”.

Quy trình 3 bước như tác giả đề cập thì cũng rất nhiều trường làm khi triển khai cho học sinh nghiên cứu khoa học. Ở đây, tôi chưa bàn đến việc triển khai nội dung thế nào (vì nó to tát lắm) mà chỉ nói đến một vài khía cạnh nhỏ hơn trong dự án, đó là: câu hỏi nghiên cứu, vấn đề nghiên cứu; giả thuyết khoa học; phương pháp nghiên cứu.

Riêng phần giả thuyết khoa học, tôi vẫn khẳng định hầu như giáo viên viết thay cho học sinh (14, 15 tuổi) cho dù nội dung này chỉ chiếm khoảng một-trăm-chữ.

Còn về phương pháp nghiên cứu, tôi không tin phần đông học sinh lớp 8, 9 có thể sử dụng phương pháp chuyên ngành, liên ngành để triển khai 04 dạng nghiên cứu cơ bản: nghiên cứu mô tả; nghiên cứu giải thích; nghiên cứu tác động thực nghiệm và nghiên cứu dự đoán (cho dù phần nội dung có thể hiện phương pháp nghiên cứu).

Điều này tôi đã chứng minh qua bài viết “Đừng ép học sinh phổ thông thành thiên tài qua cuộc thi khoa học kĩ thuật”, cụ thể:

“Muốn thực hiện dự án khoa học thì người thực hiện phải biết phương pháp nghiên cứu khoa học. Kể cả nhiều sinh viên khi làm tiểu luận, khóa luận tốt nghiệp cũng chưa “sạch nước cản” về một số phương pháp nghiên cứu cơ bản, phải có giáo viên hướng dẫn chỉ thêm.

Chỉ đến bậc cao học người học mới được học môn học “Phương pháp nghiên cứu khoa học” tương đối bài bản. Vậy thì học sinh từ 14 đến 18 tuổi lấy đâu ra phương pháp để nghiên cứu những đề tài ở tầm vĩ mô như: “nghiên cứu điều trị ung thư”, “nghiên cứu điều khiển quá trình phân giải thuốc bọc chứa nano oxit sắt từ”.

Ngoài ra, lĩnh vực mà tác giả Thanh Tâm hướng dẫn học sinh nghiên cứu thuộc khoa học xã hội và hành vi, tương đối đơn giản hơn so với các 21 lĩnh vực khác.

Nhiều năm qua tôi cũng hướng dẫn học sinh nghiên cứu về lĩnh vực này, chẳng hạn khảo sát thực trạng làm thêm của học sinh trường X – đề xuất giải pháp, chỉ cần nói qua là các em bậc trung học phổ thông làm rất tốt.

Có thể khẳng định, học sinh chỉ mới 14, 15 tuổi của nhà giáo Thanh Tâm rất khó để thực hiện nghiên cứu độc lập một số lĩnh vực như: Khoa học động vật; Kĩ thuật Y Sinh; Khoa học Thực vật; Y học chuyển dịch… ngoại trừ thần đồng hoặc được giáo viên làm thay (nhiều khâu).

Thưa tác giả Trịnh Nguyễn Thanh Tâm,

Chúng ta rất muốn học sinh thi khoa học kĩ thuật một cách ngay ngắn, tử tế, trung thực như những gì mà nhà giáo Thanh Tâm, bản thân tôi cũng như nhiều thầy cô khác đã và đang làm. Thế nhưng, vẫn còn đó những góc khuất của cuộc thi khi mà sân chơi khoa học của học sinh đã bị biến thành “sàn đấu” của không ít cá nhân, tổ chức phía sau.

Và chắc chắn tôi sẽ có thêm bài viết phân tích, mổ xẻ một số góc khuất của cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh phổ thông ở những tuyến bài sắp tới.

Tác giả Thanh Tâm và bạn đọc có thể xem thêm bài viết “Học sinh thi sáng tạo khoa học kĩ thuật, làm sao đừng bắt các em gian dối” của tác giả Cao Nguyên ngày 24/1/2021 trên diễn đàn của Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam để có thêm một góc nhìn về cuộc thi này.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương