Đừng ép học sinh phổ thông thành thiên tài qua cuộc thi khoa học kĩ thuật

06/01/2022 06:38
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thời điểm này, nhiều sở giáo dục trên cả nước chuẩn bị tổ chức cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh phổ thông dù dịch Covid-19 còn phức tạp.

Năm học 2021-2022, nhiều tỉnh thành phải chuyển từ hình thức học trực tiếp sang trực tuyến vì dịch Covid-19 hoành hành.

Những tưởng rằng các phong trào, cuộc thi dành cho học sinh sẽ tạm gác lại, nhưng ở thời điểm này nhiều sở giáo dục vẫn tổ chức rầm rộ, ví như cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật cấp trường (phòng giáo dục - bậc trung học cơ sở), cấp tỉnh. [1], [2], [3]

Không có giáo viên cầm tay chỉ việc, học sinh rớt ngay từ… vòng gửi xe

Là giáo viên từng nhiều năm hướng dẫn học sinh thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học kĩ thuật, tôi có thể khẳng định rằng, nếu không có thầy cô (kể cả người bảo trợ) cầm tay chỉ việc thì học sinh sẽ rớt ngay từ… vòng gửi xe.

Thứ nhất, đối tượng dự thi là học sinh lớp 8, lớp 9 trung học cơ sở và học sinh đang học trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên. Có tất cả 22 lĩnh vực dự thi như: Khoa học động vật; Y sinh và khoa học sức khỏe; Sinh học tế bào phân tử; Khoa học vật liệu; Y học chuyển dịch…

Trong đó, có những lĩnh vực chuyên sâu quá sức với học sinh chỉ mới 14, 15 tuổi như: hành vi; tế bào; gen và di truyền; sinh lí; hệ thống và tiến hóa… (Khoa học động vật). Hay chẩn đoán; điều trị; dịch tễ học; dinh dưỡng; sinh lí học và bệnh lí học… (Y sinh và khoa học sức khỏe); hoặc khám bệnh và chẩn đoán; phòng bệnh; điều trị; kiểm định thuốc; nghiên cứu tiền lâm sàng;… (Y học chuyển dịch). [4]

Học sinh cấp 2, cấp 3 học kiến thức khoa học ở sách giáo khoa chỉ ở mức “phổ thông” (có tính chất thông thường, hợp với số đông, không có gì đặc biệt, không thuộc những vấn đề có tính chuyên sâu), chưa đủ trình độ để có thể nghiên cứu những lĩnh vực khoa học hàn lâm.

Hình ảnh học sinh tham gia cuộc thi khoa học kĩ thuật. (Ảnh chỉ mang tính minh họa, nguồn: Baonghean.vn)

Hình ảnh học sinh tham gia cuộc thi khoa học kĩ thuật. (Ảnh chỉ mang tính minh họa, nguồn: Baonghean.vn)

Thứ hai, một dự án yêu cầu phải có câu hỏi nghiên cứu; vấn đề nghiên cứu; giả thuyết khoa học. Phần câu hỏi nghiên cứu; vấn đề nghiên cứu thì học sinh có thể thực hiện được nhưng riêng giả thuyết khoa học, tôi dám khẳng định hầu hết học sinh lớp 8, lớp 9 không hiểu được khái niệm (lí thuyết), nói gì đến chuyện nghiên cứu.

Bởi, giả thuyết nghiên cứu là những nhận định sơ bộ hay là một kết luận giả định về kết quả nghiên cứu, bản chất của đối tượng nghiên cứu do người nghiên cứu đề ra để chứng minh hoặc bác bỏ. Giả thuyết nghiên cứu có thể đúng hoặc sai. Người nghiên cứu đề ra giả thuyết nghiên cứu nhằm định hướng nghiên cứu và kế hoạch thực hiện nghiên cứu khoa học. [5]

Thứ ba, muốn thực hiện dự án khoa học thì người thực hiện phải biết phương pháp nghiên cứu khoa học.

Kể cả nhiều sinh viên khi làm tiểu luận, khóa luận tốt nghiệp cũng chưa “sạch nước cản” về một số phương pháp nghiên cứu cơ bản, phải có giáo viên hướng dẫn chỉ thêm.

Chỉ đến bậc cao học người học mới được học môn học “Phương pháp nghiên cứu khoa học” tương đối bài bản. Vậy thì học sinh từ 14 đến 18 tuổi lấy đâu ra phương pháp để nghiên cứu những đề tài ở tầm vĩ mô như: “nghiên cứu điều trị ung thư”, “nghiên cứu điều khiển quá trình phân giải thuốc bọc chứa nano oxit sắt từ”? [6]

Ngoài ra, chỉ riêng phần sắp xếp, trích dẫn tài liệu tham khảo sao cho đúng quy định thì học sinh cũng không biết vì các em đã được học bao giờ đâu. Vậy nên, nếu không có giáo viên cầm tay chỉ việc, học sinh dự thi khoa học kĩ thuật sẽ rớt ngay từ… vòng gửi xe.

“Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

Năm đầu tiên hướng dẫn học sinh lớp 10 dự thi khoa học kĩ thuật, tôi chỉ gợi ý cho các em cách triển khai đề tài nhưng dự án bị loại ngay vòng đầu.

Tôi tìm hiểu từ đồng nghiệp có kinh nghiệm thì được biết, dự án bị loại vì học sinh triển khai phần câu hỏi nghiên cứu; vấn đề nghiên cứu; giả thuyết khoa học không rõ ràng, dài dòng như một bài văn.

Rút kinh nghiệm, năm sau tôi làm thay học sinh (lớp 11) những quy định bắt buộc như: câu hỏi nghiên cứu; vấn đề nghiên cứu; giả thuyết khoa học; phương pháp nghiên cứu; kết luận (chiếm khoảng 20% nội dung của dự án) thì dự án đạt giải Khuyến khích.

Nhóm học sinh của tôi đã khá quen với việc nghiên cứu khoa học nên lên lớp 12 các em vẫn tiếp tục tham gia.

Học sinh thực hiện một đề tài khoa học xã hội và hành vi mới mẻ, phương pháp nghiên cứu phù hợp, phát triển nội dung khoa học, sáng tạo, có tính ứng dụng cao (theo đánh giá của tôi) nhưng dự án cũng chỉ đạt giải Ba (không lọt vào chung kết).

Tôi quyết định “mục sở thị” bằng cách làm khán giả giáo viên tham dự cuộc thi khoa học kĩ thuật do sở giáo dục và đào tạo một tỉnh phía Nam tổ chức để xem những đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi lọt vào vòng chung kết “khủng” đến cỡ nào.

Tôi đọc toàn văn 2 dự án (về sau công bố đạt giải Nhất, Nhì) của nhóm học sinh trung học phổ thông, một nghiên cứu về phương pháp tư duy phản biện và một nghiên cứu về tâm lí học nhận thức mà thấy “choáng”.

Cá nhân người viết là người có học vị Thạc sĩ, đã từng được một số tạp chí khoa học đăng bài báo nhưng vẫn không thể hiểu hết những gì mà học sinh viết ra. Đọc kĩ một lần nữa, tôi thấy 2 đề tài này không khác gì một luận văn Thạc sĩ chuyên ngành đạt loại giỏi.

Những năm qua, theo ghi nhận của tôi, những đề tài vào vòng chung kết cuộc thi khoa học kĩ thuật được tỉnh này tổ chức đều rơi vào một số trường trung học phổ thông quen thuộc.

Điều đáng băn khoăn là, dự án nào cũng cỡ tầm tiến sĩ, thạc sĩ mới có khả năng thực hiện (theo suy nghĩ chủ quan của tôi).

Cùng với đó, cũng có dư luận râm ran cho rằng, một số trường phổ thông có điều kiện kinh tế đã thuê chuyên gia (người bảo trợ) “hướng dẫn” học sinh nghiên cứu khoa học.

Khi dự án đạt giải Nhất, Nhì thì được truyền thông đưa tin, cũng là một cách giúp nhà trường quảng cáo thương hiệu rất hiệu quả.

Thay lời kết

Ngày 2/1/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT về quy chế thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Theo đó, cuộc thi nhằm khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học; sáng tạo kĩ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn; góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học gắn với phát triển văn hóa đọc;

Thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học; khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu nghiên cứu khoa học của học sinh trung học. [7]

Thế nhưng, càng về sau cuộc thi có những “góc khuất” khiến dư luận không ngớt xôn xao bàn luận. Nhiều ý kiến cho rằng cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông là cuộc thi hay, khuyến khích học sinh tìm tòi, sáng tạo. Tuy nhiên cũng có người đề nghị bỏ cuộc thi vì nhiều lý do. [8]

Riêng đại diện Bộ Giáo dục cho rằng, “cuộc thi khoa học kỹ thuật các cấp trong gần một thập niên qua đã thu hút hàng ngàn học sinh tham gia. Trong đó có cả học sinh ở các vùng khó khăn. Điều đó khích lệ, tạo động lực cho giáo viên thay đổi để học sinh cũng thay đổi trong việc học đi đôi với hành.

Những điểm chưa phù hợp nếu có sẽ được xem xét, xử lý cụ thể nhưng không thể vì điều đó mà phủ nhận những giá trị có thật, có ý nghĩa trong tiến trình đổi mới giáo dục phổ thông”. [9]

Học sinh thi sáng tạo khoa học kĩ thuật, làm sao đừng bắt các em gian dối. Muốn vậy, sân chơi khoa học là của học sinh, đừng là “sàn đấu” của chuyên gia phía sau.

Tài liệu tham khảo:

[1] //hcm.edu.vn/thong-bao/cuoc-thi-khoa-hoc-ky-thuat-hoc-sinh-trung-hoc-cap-thanh-pho-nam-hoc-2021-2022/ct/41000/67756

[2] //snv.bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/aRIn3er4plGA/content/cuoc-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cap-tinh-nam-2021-2022-danh-cho-hoc-sinh-trung-hoc-mang-nhieu-net-moi/20181

[3] //kontum.edu.vn/nop-bai-du-thi-khkt-nam-2021.html

[4] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-38-2012-TT-BGDDT-Quy-che-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cap-quoc-gia-hoc-sinh-150866.aspx

[5] //luanvanviet.com/gia-thuyet-nghien-cuu-khoa-hoc/

[6] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/nghien-cuu-khoa-hoc-trinh-do-hoc-sinh-pho-thong-ngang-tien-si-723452.html

[7] //moet.gov.vn/giaoducquocdan/giao-duc-trung-hoc/Pages/default.aspx?ItemID=4081

[8] //tuoitre.vn/giu-hay-bo-cuoc-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cho-hoc-sinh-20210330152955117.htm

[9] //tuoitre.vn/du-luan-nghi-ngo-muon-bo-cuoc-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cho-hoc-sinh-bo-gd-dt-noi-gi-20210329221253812.htm

[10] //dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/san-choi-khoa-hoc-cua-hoc-sinh-dung-la-san-dau-cua-chuyen-gia-phia-sau-20210331094643823.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Ánh Dương