Làm sao để sân chơi khoa học là của học sinh, không là “sàn đấu” của nhà trường?

09/01/2022 07:35
Thuận Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi thành tích được nuôi dưỡng bằng sự giả dối thì thật là nguy hiểm, nhưng nguy hiểm gấp trăm vạn lần người dạy trẻ gian dối lại chính là thầy cô giáo.

Cứ sau mỗi lễ trao giải “Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông” của Bộ Giáo dục, có khá nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh chuyện này. Người hết lời khen ngợi, nhờ có cuộc thi đã tìm ra khá nhiều tài năng trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

Thông qua cuộc thi, đã khuyến khích được học sinh nghiên cứu khoa học kĩ thuật và vận dụng kiến thức của môn học vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống.

Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên (Ảnh minh họa, nguồn: baobinhphuoc.com.vn)Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên (Ảnh minh họa, nguồn: baobinhphuoc.com.vn)

Bên cạnh đó, có không ít ý kiến thẳng thắn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần bỏ ngay cuộc thi này vì đã nhuốm màu gian dối khi có người cho rằng đã có bàn tay “ảo thuật” của người lớn xoay vần mà học sinh chỉ đóng vai người thể hiện tranh giải.

Cũng đã có khá nhiều bài viết dẫn chứng cụ thể những chia sẻ của các thầy cô trong cuộc đồng tình với những nhận định trên.

Công tâm mà nhìn nhận, Bộ tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh mục đích lớn nhất nhằm khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học; sáng tạo kĩ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn; góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học gắn với phát triển văn hóa đọc…

Mục đích hoàn toàn đúng nhưng vì căn bệnh ngụy thành tích, vì sự cạnh tranh danh tiếng để quảng bá thương hiệu nhà trường, người lớn đã biến nhiều cuộc thi, sân chơi của học trò thành “sàn đấu” của giáo viên ở nhiều trường học.

Không riêng gì “Cuộc thi khoa học kỹ thuật” của học sinh phổ thông, “vòi bạch tuộc thành tích” đã vươn dài ra rất nhiều cuộc thi khác của ngành giáo dục.

Gần giống như cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, người viết bài và một số đồng nghiệp của mình đã trải nghiệm cùng học sinh trong “Cuộc thi ý tưởng trẻ thơ” cấp trường để tiến tới “Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng” cấp tỉnh và cấp quốc gia cũng thấy nhiều điều cần phải nói.

Nhà trường áp chỉ tiêu, giáo viên buộc phải “tính kế”

Mục đích của cuộc thi nghe thật hoành tráng: Cuộc thi nhằm khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc, đồng thời giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ các em trở thành nhà sáng chế trong tương lai.

Các em thanh, thiếu niên, nhi đồng từ 6 đến 19 tuổi đều có quyền dự thi. Bởi thế, ở bậc tiểu học thì học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 đã đủ điều kiện tham gia.

Nếu để học sinh tự nguyện tham gia, chắc chắn sẽ không có nhiều sản phẩm. Bởi, chỉ những học sinh có đam mê nghiên cứu, có kiến thức nền mới mong có những sản phẩm đẹp.

Rất nhiều trường tiểu học muốn có sản phẩm dự thi ít nhất là cấp trường nên đã ép chỉ tiêu xuống từng khối. Mỗi khối lại chia cho từng lớp phải có ít nhất từ 1 đến 2 sản phẩm dự thi.

Có nhiều lý do để giáo viên phải sợ không thể không tham gia. Ví như lớp này có sản phẩm nhưng lớp kia không có sẽ bị đánh giá là không quan tâm tới các phong trào của nhà trường, không nhiệt tình trong công việc.

Nhẹ thì giáo viên sẽ bị nhắc nhở, nặng hơn sẽ bị trừ điểm thi đua. Đã đi dạy, mấy thầy cô lại không quan tâm tới việc xếp loại cuối năm. Thế là, vì sợ thành tích nên buộc thầy cô phải lao vào cuộc thi.

Tuy thế, ai cũng biết nếu để tự học sinh lên ý tưởng và làm sản phẩm dự thi thì đến "Tết Công Gô” cũng không có được sản phẩm để nộp chứ mong gì đạt giải.

Vậy nên, túng phải tính, giáo viên một mặt khuyến khích học sinh về “cầu cứu” phụ huynh hỗ trợ, một mặt nhanh chóng tìm ý tưởng để triển khai hộ học sinh.

Học sinh đã học thói gian dối từ người lớn

Ngoài một số rất ít học sinh tự nguyện tham gia cuộc thi là có năng lực, có niềm đam mê thực sự thì phần đông các em không hào hứng gì với những cuộc thi như thế.

Lớp học nào may mắn có phụ huynh phụ giúp còn đỡ, nếu không thầy cô “ôm sô” hết. Từ lúc lên ý tưởng, thực hiện làm đến khi sản phẩm hoàn thành cũng chỉ một giáo viên cho đến khi sản phẩm hoàn thành.

Giáo viên còn phải viết bản thuyết minh về đề tài. Xong đâu đó, mới là lúc thầy cô đi tìm học sinh đứng tên để dự thi. Những học sinh được thầy cô nhắm đến phần đông là học sinh giỏi của lớp.

Sau đó, là những chuỗi ngày học sinh miệt mài học thuộc bảng thuyết minh. Khi thuộc rồi, các em sẽ đứng bên sản phẩm tập giới thiệu.

Nhiều trường học đã tổ chức hội thi cấp trường khá hoành tráng. Nào phông màn, nào ban giám khảo hội thi, nào khách mời…

Học sinh các khối lớp trưng bày sản phẩm rồi thuyết minh về quy trình làm, mục đích, tác dụng…Những sản phẩm vượt qua vòng trường sẽ tiếp tục chinh phục cấp huyện và cấp tỉnh.

Cũng đã có những sản phẩm đạt giải, tiền thưởng, giấy khen học sinh nhận nhưng thầy cô được cộng điểm thi đua, được tính thành tích, nhà trường cũng có được danh tiếng. Có em đạt giải cũng bất ngờ vì không hiểu sao mình lại đạt giải.

Thế mới có câu chuyện nực cười xảy ra trong “Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng” cấp tỉnh năm đó.

Lần đó, tỉnh đã trao 3 giải gồm một giải nhất, giải nhì và giải ba cho 3 tác giả là học sinh khối 4 và khối 5. Vài ngày sau, phóng viên tờ báo tỉnh liên hệ với tác giả đạt giải theo số điện thoại ghi trên sản phẩm để viết bài.

Phóng viên kể rằng, khi gọi vào số điện thoại và gặp được tác giả đoạn giải nhưng có em tỏ ra ngơ ngác không biết đó là sản phẩm gì.

Mãi đến khi phóng viên nói đi nói lại nhiều lần thì “tác giả” mới sực nhớ ra nhưng chẳng biết thêm điều gì khác để nói vì lời thuyết minh hôm dự thi đã quên mất rồi.

Khi thành tích được nuôi dưỡng bằng sự giả dối thì thật là nguy hiểm, nhưng nguy hiểm gấp trăm vạn lần người dạy trẻ gian dối lại chính là thầy cô giáo luôn răn dạy lời hay ý đẹp hằng ngày.

Không vì có sự gian dối để bỏ những hội thi tài năng

Người viết vẫn khẳng định, mục đích của những cuộc thi như thế này là rất tốt nhưng vì thành tích mà nhiều người lớn đã làm cuộc thi nhuốm màu giả dối. Tuy nhiên, không phải giả dối là chúng ta đòi bỏ, đòi tẩy chay.

Điều quan trọng nhất là, làm thế nào để những cuộc thi như thế thật sự chỉ là sân chơi của học sinh. Thầy cô, cha mẹ cũng chỉ là những người quan sát, góp ý khi các em cần.

Cách duy nhất là không nên xem đây là những thành tích của nhà trường, của giáo viên để vinh danh hay tặng thưởng.

Các cơ sở như phòng giáo dục, sở giáo dục không gây áp lực xuống trường, nhà trường không ép chỉ tiêu về các khối lớp. Khi giáo viên không chịu một áp lực gì, các thầy cô cũng chỉ đóng vai người đồng hành bên cạnh để khuyến khích, động viên những học sinh tham gia cuộc thi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thuận Phương