LTS: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của nhà giáo Trịnh Nguyễn Thanh Tâm (ở Hậu Giang) phản biện quan điểm của tác giả Ánh Dương trong bài “Đừng ép học sinh phổ thông thành thiên tài qua các cuộc thi khoa học kĩ thuật” đăng ngày 6/1/2022.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt lại.
Mình là một nhà giáo dạy bậc trung học cơ sở ở thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, một độc giả trung thành của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Mình cũng đã từng có 06 năm làm công tác hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học và tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật các cấp.
Đội tuyển học sinh của mình cũng đạt được một số thành tích đáng khích lệ: hơn 10 giải cấp tỉnh và ba lần đạt giải cấp quốc gia (đều thuộc lĩnh vực 02_khoa học xã hội – hành vi).
Khi đọc bài “Đừng ép học sinh phổ thông thành thiên tài qua các cuộc thi khoa học kĩ thuật” của tác giả Ánh Dương ngày 6/1/2022, bản thân thấy tác giả có nhiều luận cứ, luận điểm rất chính xác khi đánh giá về cuộc thi này.
Vì đây là cuộc thi mang tầm cỡ quốc tế và học sinh đạt giải được hưởng nhiều quyền lợi ưu tiên, chẳng hạn như xét tuyển thẳng vào các trường đại học, cao đẳng.
Tuy vậy, mình cũng xin phản biện một số vấn đề được tác giả đề cập, cụ thể như sau:
Luận điểm thứ nhất: Tác giả cho rằng, học sinh lớp 8, 9 (trung học cơ sở) chưa có những kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực nghiên cứu. Điều này đúng nhưng chưa chính xác hoàn toàn. Vì với bản thân học sinh, việc phát hiện ra một vấn đề thực tiễn là bước xác lập quan trọng trong mục tiêu giáo dục.
Từ những phát hiện đó, qua quá trình làm việc cùng giáo viên hướng dẫn, học sinh sẽ có thêm nhiều kênh thông tin hỗ trợ để thu hẹp vấn đề nghiên cứu, được tiếp nhận các tài liệu nghiên cứu và đọc tài liệu theo khả năng hiểu biết của mình.
Việc này chúng ta càng nên khuyến khích học sinh thực hiện vì nó cũng là phương pháp chúng ta đang đổi mới về giáo dục hiện nay.
Luận điểm thứ hai và ba: Tác giả cho rằng thực hiện dự án cần có câu hỏi nghiên cứu, vấn đề nghiên cứu và giả thuyết khoa học hay phương pháp nghiên cứu. Học sinh lớp 8, 9 không hiểu được khái niệm, lý thuyết thì hơi quy chụp vội vàng.
Những đơn vị khác không biết họ làm thế nào, nhưng riêng trường mình thì có thể chia sẻ quan điểm này như sau:
Quy trình lựa chọn học sinh thực hiện dự án tại trường mình thường trải qua 03 bước:
Bước 1. Phát hiện và mời những học sinh (cuối lớp 6) có năng lực tốt, khả năng giao tiếp, phản biện tốt tham gia thi vào Câu lạc bộ nghiên cứu khoa học. Bài thi của học sinh là một bài kiểm tra đánh giá năng lực chuẩn, mang tính mở về nội dung thực tiễn trong cuộc sống (học sinh thực hiện theo phương pháp Dự án học tập Project Work). Những học sinh vượt qua kỳ thi sẽ được tham gia các khóa học cùng Câu lạc bộ.
Nhóm của Câu lạc bộ Ươm mầm khoa học kĩ thuật phổ thông. (Ảnh: Thanh Tâm) |
Bước 2. Khi tham gia Câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, Học sinh sẽ làm việc với thầy cô có kinh nghiệm để học chuyên sâu về Phương pháp nghiên cứu khoa học. Ở trường chúng tôi đã biên soạn hẳn một giáo trình phù hợp với lứa tuổi cấp 2.
Chương trình này học sinh phải học từ 09 – 12 tháng và có các bài kiểm tra kèm theo. Chỉ những học sinh được đánh giá là Đạt thì mới đề xuất ý tưởng nghiên cứu.
Bước 3. Thực hiện dự án từ ý tưởng nghiên cứu.
Đây là bước mất nhiều thời và cả thử thách sự kiên trì, kiên nhẫn của học sinh.
Nếu tác giả cho rằng, học sinh không hiểu thế nào là giả thuyết khoa học, hay câu hỏi nghiên cứu thì phải “tận mục sở thị” xem các em làm thế nào?
Vì có những ý tưởng, chỉ việc nêu tên của dự án, có em phải làm đi làm lại hơn 20 lần. Vì tên đề tài dự án phải đáp ứng được các thành tố”: mục tiêu, phương pháp, đối tượng hoặc không gian thời gian.
Ngoài ra, việc yêu cầu học sinh xác định loại dự án nghiên cứu cũng được nhà trường làm việc rành mạch, rõ ràng. Ví dụ: trong khoa học có 04 dạng nghiên cứu cơ bản: Nghiên cứu mô tả, nghiên cứu giải thích, nghiên cứu tác động thực nghiệm và nghiên cứu dự đoán.
Học sinh đề xuất phải xác định được mình sẽ làm ở Loại nào thì từ đó mới đề ra cách tiếp cận, xây dựng luận cứ, lựa chọn phương pháp thực hiện phù hợp.
Ngoài những vấn đề trên, việc đánh giá năng lực học sinh và sản phẩm nghiên cứu còn phải dựa trên các hồ sơ lưu trữ. Ở trường chúng tôi, có 02 kênh thông tin cho việc làm này.
Một là các em phải có Sổ tay nghiên cứu khoa học. Học sinh phải ghi chép chi tiết quá trình thực hiện: ngày giờ, địa điểm, đối tượng,… và học sinh phải nộp lại sổ tay vào mỗi cuối tuần để giáo viên xác nhận.
Hai là Sử dụng kênh Zalo nhóm để học sinh đặt câu hỏi hoặc các tài liệu, bản vẽ, video phân tích… bổ sung cho sổ tay khoa học không đáp ứng được nhu cầu thông tin.
Điều này cũng giúp học sinh có phương pháp làm việc khoa học hơn, biết hoạch định công việc trong tuần, biết ghi chép làm số liệu thống kê, phân tích,…
Với quy trình như trên, chúng tôi luôn hướng đến năng lực của học sinh, thầy cô sẵn sàng định hướng, dẫn dắt học sinh đi tới tận cùng vấn đề. Chúng tôi không đặt trọng tâm vào sản phẩm làm ra, báo cáo viết thế nào? Những vấn đề đó chỉ là kết quả của quá trình khổ luyện, chưa phải là mục đích của khoa học.
Vì vậy, có những ý tưởng học sinh chúng tôi không thể hỗ trợ được vì thiếu tính khả thi hoặc liên quan đến vấn đề nhạy cảm: Nghiên cứu dòng chảy và sóng của Sông Xà No để tạo điện năng; Hiện tượng LGBT trong giới trẻ; Giải pháp chống xâm hại tình dục ở trẻ vị thành niên,…
Kính thưa tác giả,
Ngoài những phản biện trên, bản thân mình cũng rất đồng tình với những sự việc tác giả đã nhìn thấy, đã đánh giá trong bài báo hoàn toàn chính xác.
Hiện nay, trên khắp các mạng xã hội, các Chợ Mua bán đề tài dự án của học sinh vẫn diễn ra rất sôi nổi. Những người mang danh người thầy, lấy chất xám học trò lợi cho bản thân mình cũng không ít.
Hy vọng tác giả tiếp tục có những góc nhìn sâu sắc hơn nữa, phản biện mạnh mẽ hơn nữa để các cuộc thi trở nên có ý nghĩa, góp phần vào sự tiến bộ của giáo dục nước nhà.