Tết Nguyên đán đang đến gần, đọc báo thấy nhiều ngành nghề khác thưởng Tết khá nhiều, thậm chí giáo viên ở một số tỉnh Đông Nam Bộ cũng có trường được thưởng, được chia số tiền thu nhập tăng thêm lên đến hàng chục triệu đồng khiến nhiều thầy cô giáo cũng chạnh lòng.
Tuy nhiên, phần lớn giáo viên công lập trên cả nước từ lâu không có khái niệm thưởng Tết và chia thu nhập tăng thêm nên họ cũng đã quen dần với một phần quà nhỏ mà Công đoàn nhà trường (tiền do giáo viên đóng góp) tặng tượng trưng, gọi nôm na là… quà Tết.
Vì thế, nhiều giáo viên ở các trường học hiện nay chỉ mong rằng Tết đến không phải đóng góp thêm các khoản tiền “tự nguyện”, được hưởng nguyên lương của mình đã là mừng lắm rồi. Nhưng, có lẽ điều này cũng trở nên khó khăn vì việc vận động, quyên góp thì cứ “đến hẹn lại lên”.
Giáo viên chỉ mong lương hằng tháng của mình không bị trừ thường xuyên (Ảnh minh họa: vov.vn) |
Những lá thư ngỏ vào dịp cuối năm
Hai năm nay, do tình hình khó khăn của dịch bệnh Covid-19 mà cán bộ, công chức, viên chức nói chung và lương giáo viên không tăng, vẫn giữ nguyên ở mức 1.490.000 đồng- điều này cũng đồng nghĩa đời sống một bộ phận giáo viên đang gặp khó khăn- nhất là giáo viên có thâm niên công tác ít.
Lương giáo viên không tăng nhưng nhìn lại thời gian qua thì gần như tháng nào giáo viên đều phải đóng góp các loại quỹ tự nguyện, từ thiện khác nhau, không ít thì nhiều và gần như nó đã trở thành điệp khúc.
Gần đến Tết Nguyên đán thì lại càng phải đóng góp nhiều bởi có nhiều nơi cùng ra kế hoạch, cùng vận động đóng góp khiến cho nhiều giáo viên ngán ngại vì đồng lương của mình nhiều năm không tăng, kinh tế còn đang quá eo hẹp mà chi phí, giá cả thị trường thì mỗi ngày một cao.
Ở trường thì Ban Giám hiệu triển khai kế hoạch vận động giáo viên đóng góp tiền để mua quà tặng cho học trò nghèo vào dịp Tết. Vì thế, giáo viên trong trường đều phải đóng góp mỗi người một vài trăm ngàn đồng vào quỹ này.
Bởi, khi triển khai kế hoạch thì nhà trường thường động viên giáo viên trong trường là mình còn đóng góp cho nhiều loại quỹ khác nhau được, bây giờ lo cho học trò của mình thì lẽ nào lại không làm được.
Về nhà, khu phố mang thư ngỏ đến tận nhà kêu gọi đóng góp để chăm lo Tết cho người nghèo và tất nhiên là giáo viên cũng không thể chối từ, nhất là đối với giáo viên là đảng viên bởi luôn phải gương mẫu đi đầu.
Các trường học của con cũng kêu gọi phụ huynh đóng góp để mua quà cho học sinh nghèo trong trường. Những năm trước học trực tiếp thì nhà trường gửi thư ngỏ cho học sinh đem về cho phụ huynh.
Năm nay, vì học trực tuyến nên nhà trường họp phụ huynh trực tuyến, giáo viên chủ nhiệm thay mặt nhà trường đứng ra kêu gọi phụ huynh chung tay, sẻ chia với học sinh nghèo trong trường học.
Cô đưa số tài khoản của mình lên nhóm zalo của lớp và phụ huynh chuyển khoản xong thì chụp ảnh gửi lên nhóm. Tất nhiên, không có phụ huynh nào không chung tay vì nếu không thì lại sợ con em mình buồn lòng khi cha mẹ các bạn khác đóng góp được.
Người ít thì một vài trăm ngàn, người nhiều thì có thể hơn vì lớp học thuộc địa bàn thành phố nên gần như nhà nào cũng có điều kiện. Không biết trường trong địa bàn trung tâm của thành phố thì có bao nhiêu học sinh nghèo nhưng năm nào trường cũng vận động rất nhiệt tình.
Nói ra thì bảo giáo viên hay than vãn, hay kêu nghèo nhưng thực tế đời sống giáo viên công lập hiện nay được mấy người giàu. Nhiều giáo viên trẻ lương bậc 1 đến bậc 4 thì hằng tháng chỉ dao động từ trên 3 triệu đồng đến trên 5 triệu đồng. Trong khi, nhiều thầy cô đang còn ở nhà thuê thì không biết họ có nghèo hay không?
Nhưng, mỗi năm phải đóng không biết bao nhiêu lần tự nguyện, hết lần tự nguyện này đến lần tự nguyện khác và thường là trừ ngang lương. Lúc thì 1 ngày lương, lúc thì một vài trăm ngàn và gần như tháng nào cũng phải trừ các khoản tiền “tự nguyện”.
Đặc biệt là trong năm 2021 có rất nhiều cuộc vận động từ các ban ngành được triển khai đến các nhà trường và tất nhiên là giáo viên không thể chối từ. Bởi, cuộc vận động nào thì đoàn thể kêu gọi cũng nêu lên ý nghĩa và mục đích thiết thực.
Phần đông giáo viên không mong thưởng Tết, chỉ cần lương của họ không bị trừ
Thông thường, việc thưởng Tết đối với nhà giáo thì năm nào cũng được báo chí đề cập nhưng cả nước có được bao nhiêu trường, bao nhiêu giáo viên nhận đâu. Đa phần là không có nên giáo viên cũng không mong khoản tiền này vì có mong cũng không được.
Đầu năm, kế toán nhà trường thông báo khoản kinh phí cấp trên cấp về để nhà trường chi cho các hoạt động, đến cuối năm thì kế toán thông báo kinh phí hoạt động trong năm vừa đủ, không có dư nên giáo viên cũng quen dần với việc không có thưởng, không có quà Tết, không có thu nhập tăng thêm.
Vì thế, nhiều thầy cô giáo chỉ cần những đồng lương hằng tháng của họ được nhận về đầy đủ đã là mừng lắm rồi bởi vì họ thường xuyên bị trừ hết khoản này đến khoản khác theo các kế hoạch mà cấp trên hoặc nhà trường triển khai.
Tết đến, thu nhập của giáo viên không tăng thêm mà còn phải đóng góp thêm nhiều loại quỹ từ các đoàn thể kêu gọi chung tay nên đồng lương của nhiều giáo viên mới vào nghề vốn đã eo hẹp lại càng eo hẹp hơn.
Công việc thiện nguyện, chung tay với các cấp chính quyền, đoàn thể, nhà trường hỗ trợ những việc làm ý nghĩa của địa phương, của đơn vị thường thiết thực, ý nghĩa vì người Việt mình luôn có tinh thần “tương thân, tương ái”; “lá lành đùm lá rách”…
Nhưng, có lẽ thiết thực hơn là không nên cào bằng các loại quỹ, không nên vận động tất cả đội ngũ nhà giáo ở các nhà trường quá nhiều lần trong từng năm học. Bởi, có nhiều thầy cô giáo có điều kiện về kinh tế nhưng cũng có rất nhiều thầy cô đang gặp khó khăn trong cuộc sống.
Đặc biệt, vào dịp Tết thì cũng nên thống nhất một đầu mối vận động, tránh vận động tràn lan, mạnh ai nấy làm. Từ đó, dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nói chung và giáo viên luôn phải đóng góp tự nguyện rất nhiều các loại quỹ khác nhau trong cùng một thời điểm và cùng hướng đến một đối tượng.
Ai cũng mong mình giàu, ai cũng mong mình có điều kiện để lúc nào cũng có thể chung tay làm việc thiện và những thầy cô giáo còn mong muốn nhiều hơn.
Nhưng, nhìn vào bảng lương của nhà giáo, có người mỗi tháng tổng lương có hơn 3 triệu đồng, có người thì vay ngân hàng nên đến tháng lương phải trả góp nên chỉ còn nhận được không đáng là bao…
Nhiều thầy cô giáo đang còn khó khăn, năm nào cũng chật vật lo cái Tết cho gia đình thì việc phải chia sẻ cho nhiều nơi, nhiều chỗ từ những đồng lương ít ỏi của mình thì đây cũng là điều đáng để nhiều người phải quan tâm, suy nghĩ.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.