“Cùng một nội dung định hướng phát triển các hoạt động giáo dục vừa được đem ra bàn, nhất trí và thông qua tại Hội đồng giáo dục nhà trường, và một lần nữa vẫn nội dung này được người hiệu trưởng cũng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng trường mang ra bàn và thông qua tại cuộc họp của Hội đồng trường. Như vậy việc "bày" ra Hội đồng trường cho có mà thôi chứ xét về chức năng thì chẳng khác Hội đồng giáo dục là bao.
Trong nhà trường, Hiệu trưởng có quyền to nhất, Hiệu phó hỗ trợ công việc cho Hiệu trưởng. Tiếp đến các tổ bộ môn, công đoàn, đoàn thể,…thì cần gì phải sinh ra thêm một bộ máy lãnh đạo nữa. Bây giờ dùng một hình thức xã hội hóa lấy ý kiến cha mẹ học sinh, học sinh, đưa đại diện chính quyền địa phương vào Hội đồng trường, tôi thấy cũng chỉ là hình thức”, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô L.N.H – Phó hiệu trưởng một trường Trung học cơ sở tại quận nội thành Hà Nội đã chia sẻ như vậy.
Học sinh trong giờ thể thao. Ảnh minh họa: T.D. |
Theo cô H: “Trong một cơ sở giáo dục nên để Hội đồng giáo dục nhà trường phát huy hết khả năng lãnh đạo là sát sao nhất, còn các Hội thay mặt cho những ý kiến chung, ví dụ: Hội cha mẹ học sinh, hội học sinh,…thì cứ để các hội này hoạt động và những ý kiến đóng góp từ các hội này ban giám hiệu nhà trường cứ việc tiếp thu, đánh giá và tự quyết định có áp dụng hay không. Người hiệu trưởng cũng tự chịu trách nhiệm cụ thể, chứ không thể đổ lỗi cho tập thể hội đồng, như vậy là trốn tránh trách nhiệm.
Giờ lại đưa tất cả các thành phần vào Hội đồng trường nhưng thử hỏi một học sinh nào đó làm sao đại diện được cho tất cả học sinh toàn trường để đưa ra ý kiến. Ngay như cha mẹ học sinh cũng không thể đại diện cho tất cả phụ huynh trong trường, chắc chắn các bậc phụ huynh trong trường cũng không đồng thuận hết các ý kiến, nay lại đưa họ vào để làm hình thức là có đại diện rằng đã lấy ý kiến và thống nhất thu khoản này, khoản kia cho nhà trường.
Một em học sinh cũng chỉ học trong trường từ 3 đến 4 năm, nếu một học sinh từ năm lớp 6 thì còn quá non, học sinh lớp 7, lớp 8 thì thời gian còn học trong trường không nhiều, vậy đóng góp ý kiến gì đây? Vậy suốt ngày Hội đồng trường cứ đi bầu kiện toàn tổ chức hay sao? Tôi thấy thành lập Hội đồng trường không giải quyết được vấn đề gì.
Khi thành lập một tổ chức, người đứng đầu tổ chức đó cần phải biết lắng nghe, biết tập hợp mọi ý kiến từ các thành viên thì các hoạt động mới có hiệu quả thật sự, còn không mọi chuyện vẫn do người đứng đầu tổ chức đó quyết thì thành lập thêm hội đồng cũng chỉ là hình thức mà thôi”.
Cô H nói thêm: “Nếu bộ máy lãnh đạo nhà trường quản lí chặt, cá nhân phải đưa ra giải pháp, phải chịu trách nhiệm. Có điều gì xảy ra trong nhà trường thì đương nhiên hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm, vai trò đó cần được thông suốt từ trên xuống dưới. Cũng như vậy, giáo viên chủ nhiệm phải chịu trách nhiệm mọi việc trong lớp mình phụ trách.
Tất cả mọi chủ trương đường lối trong nhà trường cần được tham khảo ý kiến đông đảo của giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh tán thành ủng hộ, vì tất cả những việc đó đều xuất phát từ mong muốn, nguyện vọng của họ, có như vậy mọi việc mới thực sự có hiệu quả.
Muốn nghe được những ý kiến từ phụ huynh, từ học sinh thì người hiệu trưởng cần phải nghe nhiều ý kiến trực tiếp từ họ, chứ không phải thông qua đại diện nói mấy câu “vui vẻ”.
Một em học sinh ngồi trong Hội đồng nói rằng đây là ý kiến của học sinh toàn trường. Như vậy là nói sai, và thực chất em đó cũng không nói được gì cả, có chăng chỉ là “nói lại” những lời đã được Hội đồng viết sẵn. Và như vậy lại phản giáo dục, gieo vào đầu các em từ bé một sự phụ thuộc, tinh thần thiếu trách nhiệm trong công việc. Điều này xảy ra trong môi trường giáo dục là cực kì nguy hiểm.
Thiện ý của những người đưa ra chủ trương này là tốt, muốn cho mọi công việc trong nhà trường được công khai dân chủ, có hiệu quả, được các thành phần nhất trí ủng hộ, phát huy tiềm lực to lớn của toàn xã hội.
Vậy nên chăng, thiết thực nhất là các lãnh đạo nhà trường cần đối thoại, lắng nghe ý kiến trực tiếp của cha mẹ học sinh, của học sinh bởi tất cả những chủ trương, phương hướng phát triển nhà trường đều mang lại lợi ích cho những người này, cho xã hội chứ không phải để Chủ tịch Hội đồng trường nhận công lao, nhận bằng khen.
Hãy để bộ máy lãnh đạo vốn có của nhà trường phát huy hết năng lực, làm thật tốt trách nhiệm được giao chứ không cần phải thành lập thêm “bộ máy” nào nữa trong cùng một nhà trường”.
Theo thầy Bảo: " việc chính của các em lúc này là học và học tập cho thật tốt, chứ không phải đến trường học là để tham gia hội đồng này, hội đồng kia". Ảnh minh họa: T.D. |
Khi thực hiện kế hoạch nếu sai phạm thì ai chịu trách nhiệm?
Cũng về vấn đề thành lập Hội đồng trường, thầy Nguyễn Văn Bảo – Tổ trưởng bộ môn tại một trường trung học cơ sở và trung học phổ thông (quận Long Biên, Hà Nội) bày tỏ suy nghĩ:
“Vấn đề ở đây là ai sẽ làm Chủ tịch Hội đồng trường, nếu Hiệu trưởng kiêm luôn Chủ tịch thì cũng dễ xảy ra hiện tượng chuyên quyền, và nếu Hội đồng trường có đưa ra phương hướng thế nào đi nữa thì người chỉ đạo triển khai vẫn là hiệu trưởng nhà trường cho dù hiệu trưởng chỉ là ủy viên trong hội đồng. Nếu Phó hiệu trưởng là Chủ tịch Hội đồng trong khi về mặt Đảng thì người hiệu trưởng là Bí thư chi bộ, vậy thì quyết định sao đây?
Hoặc nếu Tổ trưởng chuyên môn là Chủ tịch thì mọi quyết định vẫn phải “nhìn” Hiệu trưởng nhà trường chứ thực tế làm sao dám tự quyết. Còn nếu các thành viên quyết thì vai trò Chủ tịch ở đâu, Bí thư chi bộ ở đâu? Khi thực hiện kế hoạch nếu sai phạm thì ai chịu trách nhiệm?.
Theo tôi, mô hình thành lập Hội đồng trường ở cấp phổ thông công lập không thực tế và sẽ không có hiệu quả, hay nói cho đúng chỉ là hình thức mà thôi. Chúng ta đều biết trong một cơ sở giáo dục thì Hiệu trưởng là người có chức danh cao nhất, và thường là Bí thư Đảng ủy, và sự lãnh đạo cao nhất của Đảng. Vậy chúng ta lại đưa thêm một bộ máy lãnh đạo nữa vào nhà trường để làm gì trong khi ban giám hiệu nhà trường vẫn làm tốt công việc từ trước đến nay?..”.
Thầy Bảo băn khoăn: “Ngay việc trong thành phần Hội đồng trường có thêm phụ huynh học sinh, cũng như đại diện học sinh, theo tôi cũng chỉ là hình thức".
Thầy Bảo nêu ví dụ một trường trung học phổ thông có 1.500 học sinh, không phải cha mẹ học sinh nào cũng đồng thuận với mọi ý kiến của nhà trường, chưa nói các phụ huynh toàn trường có khi trong 3 năm học cũng chưa từng gặp mặt nhau, họp phụ huynh của một lớp cũng chưa chắc đã đủ mặt, vậy thì làm sao một phụ huynh học sinh lại có thể tập hợp và đưa ra tiếng nói đại diện được hết cho phụ huynh trong toàn nhà trường, đây là điều không thể.
Hoặc nếu vị đại diện phụ huynh kia có đưa ra góp ý, nói là ý kiến đại diện nhưng chắc chắn đó chỉ là ý kiến cá nhân của vị phụ huynh đó mà thôi, hoặc có thể là những ý kiến “phụ họa” vào cùng với ý kiến của người hiệu trưởng nhà trường, bởi nếu nói ngược lại cũng không có lợi gì, mà suy cho cùng cũng chỉ là một thành viên trong Hội đồng trường và có gặp được phụ huynh toàn trường đâu mà bảo là ý kiến đại diện.
Và học sinh đại diện cho các bạn toàn trường lại càng nhỏ bé hơn trong Hội đồng trường, đang tuổi ăn tuổi học, đã có cái nhìn bao quát tổng thể đâu mà có thể đưa ra ý kiến, việc chính của các em lúc này là học và học tập cho thật tốt, chứ không phải đến trường học là để tham gia hội đồng này, hội đồng kia. Chắc chắn rằng những ý kiến của em học sinh này đưa ra cũng chỉ là “nói lại”, chứ làm sao dám đưa ra ý kiến hay góp ý gì được. Ngay như các thầy cô giáo tham gia vào hội đồng trường phổ thông vẫn chưa thể hiện được vai trò của mình thì hi vọng gì ở học sinh?”.
“Liệu có phải đây chỉ là hình thức công khai cho có hay không, khi mà các thầy cô lại đặt lên vai học sinh một khối lượng quá với sức nâng của các em, hay chỉ cho vào cho có đủ thành phần, cho có? Nếu nhà trường muốn nghe tâm tư, nguyện vọng thật của học sinh thì theo tôi mỗi một học kì, nhà trường nên tổ chức đối thoại trực tiếp với học sinh toàn trường, hoặc đối thoại với riêng từng khối, như vậy sẽ hiệu quả và thực tế hơn”, thầy Bảo kiến nghị.