Trường đại học "sính" IELTS nên học sinh đạt 7.0 vẫn lo trượt đại học

22/01/2022 06:58
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số giáo viên ở Hà Nội cho biết học sinh lơ là nhiều môn vì tập trung vào thi IELTS, tuy nhiên cũng khó trách bởi tâm lý tuyển sinh bằng gì thì học nấy.

Với xu hướng các trường đại học tăng chỉ tiêu ưu tiên xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS, ở một số nơi đã có hiện tượng thí sinh thờ ơ nhiều môn học khác, chỉ để tập trung luyện chứng chỉ này.

Những năm trước, chỉ có một vài trường dùng tiêu chí này, song đến năm 2021, qua thống kê, cả nước đã có khoảng hơn 60 cơ sở đào tạo sử dụng các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, SAT,… là tiêu chí để ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng.

Một số giáo viên ở Hà Nội cho biết học sinh lơ là nhiều môn vì tập trung vào thi IELTS, tuy nhiên cũng khó trách các em bởi tâm lý thi gì, tuyển sinh bằng phương thức gì thì học nấy là tâm lý chung của xã hội, và là thực tế diễn ra ở nhiều nơi. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải cứ đổ tiền vào học là sẽ có kết quả IELTS cao và học sinh đó không phải môn nào cũng học tốt.

Theo cô Hà:"Nói chứng chỉ Tiếng Anh IELTS là tốt thì không sai, nhưng có lẽ chỉ tốt cho trường đại học, nhưng nó không mang lại sự công bằng cho học sinh ở tất cả các vùng miền trong cả nước". Ảnh: NVCC.
Theo cô Hà:"Nói chứng chỉ Tiếng Anh IELTS là tốt thì không sai, nhưng có lẽ chỉ tốt cho trường đại học, nhưng nó không mang lại sự công bằng cho học sinh ở tất cả các vùng miền trong cả nước". Ảnh: NVCC.

Về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với cô Đặng Bích Hà - Giáo viên dạy môn tiếng Anh, Trường Trung học phổ thông Tạ Quang Bửu (Hà Nội). Cô Hà chia sẻ: “Nếu để nói mặt bằng chung thì không phải học sinh nào cũng có điều kiện học và thi lấy chứng chỉ tiếng Anh IELTS, theo học các khóa đã rất tốn tiền, mà chưa chắc thi một lần đã đạt được số điểm mong muốn để vào trường top đầu, dẫn đến phải tiếp tục ôn luyện và thi nên rất tốn kém.

Nói chứng chỉ Tiếng Anh IELTS tốt thì không sai, có lẽ chỉ tốt cho trường đại học, nhưng nó không mang lại sự công bằng cho học sinh ở tất cả các vùng miền trong cả nước.

Nếu đã là đại trà chung thì Hà Nội hoặc vài thành phố lớn học sinh sẽ có điều kiện hơn về kinh tế, sẽ được ôn luyện từ bé. Nhưng mặt khác, nói về công bằng trong xã hội thì không phải ai cũng có điều kiện luyện IELTS như nhau, nếu cả nước đều được học trên mặt bằng chung, hoặc cùng điều kiện như nhau thì sẽ lại là chuyện khác.

Nhưng giờ xét vào đại học lại ưu tiên chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, rồi các môn học khác lại không được coi trọng bằng, nhiều thí sinh lại giỏi những môn khác nhưng lại không đỗ vào đại học thì cũng rất là tội cho các em học sinh.

Nếu để đi du học nước ngoài, hoặc theo học tại các trường quốc tế, học chương trình quốc tế nâng cao thì chứng chỉ tiếng Anh IELTS sẽ rất tốt và phù hợp. Nhưng nếu chỉ theo học tại các trường đại học trong nước, hoặc các trường top dưới thì theo tôi chỉ cần dùng chứng chỉ tiếng Anh B1, B2,…của Việt Nam thì phù hợp hơn, chi phí về kinh tế cũng sẽ vừa phải, lại có thời hạn mãi mãi, đó cũng là một lợi thế".

"Giỏi ngoại ngữ là tốt, có chứng chỉ IELTS cũng rất tốt, nhưng nếu tất cả các trường đại học trong nước lấy ưu tiên hơn một chút thôi thì được, chứ tất cả đều “nghiêng” về IELTS quá nhiều, đạt 8.0 đã được kết hợp tuyển thẳng vào trường đại học, như vậy là “hết suất” của những em khác có thể không có điều kiện, không giỏi tiếng Anh nhưng lại giỏi Toán, Lý, Hóa, giỏi về năng khiếu…Theo tôi nếu để tạo công bằng trong xã hội thì các trường đại học cũng phải xem xét lại vấn đề này”, cô Hà nhấn mạnh.

Xu hướng “bỏ rơi” các môn học khác?

Theo cô Hà: “Có khá nhiều học sinh đã nói rằng chỉ cần chứng chỉ IELTS, còn các môn khác chỉ cần 5 điểm, do đó các em chỉ tập trung vào luyện tiếng Anh. Đành rằng đó là sự lựa chọn cá nhân của từng học sinh, các em cũng xác định được mục đích, căn cứ vào các điểm chuẩn của các trường đại học, có thể là cần chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, cần các hoạt động xã hội, tham gia các cuộc thi năng khiếu để tìm kiếm cơ hội.

Hiện nay, nếu các trường đại học không quá căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thì sẽ dẫn tới kết quả học tập của học sinh nói chung sẽ khác, các em sẽ chỉ tập trung vào những gì có lợi cho việc xét tuyển đại học và như vậy rõ ràng là học “lệch”, trong khi kiến thức rất cần toàn diện.

Theo tôi, phương án khoảng 50% điều kiện xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, 50% còn lại cho các điều kiện khác, như vậy sẽ công bằng với tất cả học sinh. Em nào không giỏi ngoại ngữ nhưng giỏi chuyên môn sẽ có cơ hội rộng mở vào đại học, chưa kể như vậy sẽ giúp các em học đều các môn hơn, sẽ tốt hơn cho nền giáo dục và cũng sẽ lựa chọn được nhiều nhân tài hơn cho đất nước.

Một đất nước phát triển đâu chỉ có trông cả vào ngoại ngữ, mà cần phải có các môn khoa học khác nữa”.

Cô Hà chia sẻ: “Các trường đại học đưa thêm vào tiêu chí xét tuyển bằng một số chứng chỉ tiếng Anh trong nước, như vậy sẽ có nhiều lựa chọn tốt hơn cho học sinh, và những chứng chỉ này đều có quy đổi. Chứng chỉ tiếng Anh B1, B2, Vstep của Việt Nam theo tôi cũng nên đưa vào xét tuyển đại học để tạo sự công bằng cho các em học sinh”.

Với xu hướng tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS, ở một số nơi đã có hiện tượng thí sinh thờ ơ nhiều môn học khác để tập trung luyện chứng chỉ này. Ảnh minh họa: G.H.
Với xu hướng tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS, ở một số nơi đã có hiện tượng thí sinh thờ ơ nhiều môn học khác để tập trung luyện chứng chỉ này. Ảnh minh họa: G.H.

Chuẩn ngoại ngữ cả đầu vào chỉ nên ở mức tương đối?

Cùng vấn đề này, cô Nguyễn Hoàng Hương - Giáo viên tiếng Anh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nêu quan điểm: “Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong đó có IELTS, chỉ nên là tiêu chuẩn đầu vào cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh hoặc chương trình quốc tế, chương trình liên kết nước ngoài.

Đành rằng cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp giỏi ngoại ngữ thường có cơ hội làm việc ở những môi trường chuyên nghiệp với thu nhập cao hơn người không giỏi lĩnh vực này. Tuy nhiên, nếu áp đặt ngoại ngữ, cụ thể là chứng chỉ tiếng Anh IELTS làm tiêu chuẩn đầu vào, các trường đại học trong nước có thể lấy đi cơ hội học tập của những thí sinh có năng lực, ý chí, nhưng chưa giỏi tiếng Anh vì điều kiện học tập của những em này chưa được tốt, vì kinh tế gia đình,...

Chuẩn ngoại ngữ đầu vào chỉ nên ở mức tương đối, vì thế có thể dùng các chứng chỉ tiếng Anh trong nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xét tuyển. Hãy để sinh viên phấn đấu học ngoại ngữ trong quá trình học tập trong trường đại học với những mục tiêu, động lực của riêng mình. Và sau khi đi làm, họ sẽ tiếp tục trau dồi, nâng cao trình độ phù hợp với yêu cầu của công việc, chứ cứ yên tâm đã có chứng chỉ IELTS đầu vào mà bỏ bê không học, không trau dồi kĩ năng tiếng Anh thì sau một vài năm là sẽ mất hết kiến thức. Như vậy liệu có thực chất hay không, hay chỉ là thi đối phó lấy chứng chỉ để xét tuyển.

Không phải đã có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế rồi là sẽ giỏi mãi mãi, mà việc này cần phải được sử dụng thường xuyên, hàng ngày. Thực tế đạt điểm IELTS cao chưa chắc là năng lực tiếng Anh tốt, và ngay cả khi năng lực tiếng Anh tốt cũng chưa hẳn đã đạt điểm IELTS cao như mong muốn. Bởi vì IELTS là dạng bài thi cố định, không thay đổi định dạng qua hàng ngàn lần thi. Vì vậy, càng luyện nhiều thì thành tích thi càng cải thiện. Thi IELTS đòi hỏi các kỹ năng làm bài thi nhiều hơn là kỹ năng ngôn ngữ.

Nhiều học sinh đổ xô đi học IELTS thay cho đầu tư học 3 môn thi xét tuyển đại học, tuy nhiên học ngôn ngữ là thấm dần qua thời gian, không thể có được trong ngày một ngày hai. Hơn nữa, nếu chỉ dồn sức chạy đua để có chứng chỉ ngoại ngữ, học sinh có thể chểnh mảng các môn học khác, dẫn tới không đạt mục tiêu kỳ vọng. Học sinh còn rất nhiều con đường vào đại học như: Dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực tư duy; Điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kết quả của quá trình học tập...”.

Cuối cùng, cô Hương nhận định: “Việc các trường đại học giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tăng cường xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của, qua chứng chỉ tiếng Anh quốc tế,.. khiến nhiều học sinh và phụ huynh hốt hoảng, thực tế nhiều em thi lấy chứng chỉ IELTS đạt 7.0 mà vẫn lo trượt đại học bởi hiện nay rất nhiều phụ huynh ở thành phố cho con theo học và thi lấy chứng chỉ này.

Chính vì vậy lại ôn luyện, lại thi tiếp với mục tiêu cố đạt 8.5 thì may ra mới đỗ, việc này khiến tạo thêm áp lực cho học sinh và gia đình các em, tiêu tốn thêm kinh phí, và còn dẫn tới chểnh mảng các môn học khác”.

Tùng Dương