Nơi học sinh ăn cơm trắng với nhọng đất, rau rừng 'ngóng' một cơ chế đặc thù

24/02/2022 06:44
MINH THẢO - AN NGUYÊN
GDVN- Dù là trường khó khăn, thiếu thốn với phần lớn học sinh là người dân tộc nhưng các em không được hỗ trợ vì xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngày 22/2, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cho biết, đã nhận được công văn số 82 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc phân bổ gạo hỗ trợ học sinh 4 tháng học kỳ II năm học 2021-2022 theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ.

Theo đó, thực hiện phân bổ 716.565 kg gạo cho các trường học trên địa bàn tỉnh Kon Tum để hỗ trợ học sinh. Tuy nhiên, trong danh sách này thì nhiều trường học ở khu vực khó khăn của huyện Kon Plông (Kon Tum) không được nhận hỗ trợ theo quyết định này bởi xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong đó, có Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Măng Cành, nơi chúng tôi đã từng có bài phản ánh về những khó khăn của học sinh khi phải ăn cơm trắng với nhọng đất, rau rừng... để bám trường, bám lớp.

Thấp thỏm với bữa ăn của học trò

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam sau khi nhận được thông tin trên, thầy Trần Thông - Hiệu trường Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Măng Cành (huyện Kon Plông, Kon Tum) buồn bã nói, học sinh của trường không nằm trong danh sách nhận gạo đợt này dù thiếu thốn, khó khăn đủ bề.

Bữa cơm bán trú của học sinh ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Măng Cành chỉ có nhọng đất, cơm trắng với ít cá khô do các thầy cô gom góp mua. Ảnh: MT

Bữa cơm bán trú của học sinh ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Măng Cành chỉ có nhọng đất, cơm trắng với ít cá khô do các thầy cô gom góp mua. Ảnh: MT

“Suốt nhiều tháng qua, giáo viên rồi học sinh nhà trường đều băn khoăn, lo lắng khi các khoản hỗ trợ cho học trò vùng khó bị cắt.

Tại xã Măng Cành, sau khi được công nhân đạt chuẩn nông thôn mới nên không được hưởng các cơ chế, chính sách theo Nghị định 116 của Chính phủ. Kéo theo đó là nhiều học sinh của trường cũng bị cắt chế độ trợ cấp bán trú.

Việc các em học sinh không được nhận gạo, kinh phí từ nhà nước sẽ khiến con đường học hành của các em trắc trở hơn, nguy cơ bỏ học giữa chừng càng lớn.

Thời gian qua, các giáo viên cùng với nhà trường đã bỏ tiền túi rồi đứng ra vận động các mạnh thường quân để hỗ trợ các suất ăn bán trú cho các em nhưng cũng không xuể”, thầy Thông nói.

Do không có gạo để tổ chức bán trú cho học sinh nên thầy Thông đã phân bổ học sinh về các điểm trường lẻ, để buổi trưa các em có thể về nhà ăn cơm rồi buổi chiều trở lại lớp.

“Từ khi đưa học trò về các điểm trường lẻ thì số học sinh nghỉ học buổi chiều càng nhiều hơn. Chất lượng dạy học ở các điểm trường lẻ cũng không được chất lượng như ở điểm trường chính vì không có máy móc, thiết bị.

Nhưng vì khó khăn nên nhà trường không thể gánh vác nổi bữa ăn bán trú cho học trò. Còn phụ huynh thì họ không thể lo đủ kinh phí cho con em ở lại học bán trú”, thầy Thông nói.

Anh Y Giang (phụ huynh một học sinh Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Măng Cành) cho hay, hoàn cảnh của gia đình khó khăn nên việc lo bữa ăn bán trú cho hai con học lớp 2 và lớp 5 ở trường rất vất vả, thiếu thốn. Nhiều hôm không bắt được cá ở suối thì nhà anh chỉ lo đủ tô cơm trắng với nắm rau rừng.

“Nhiều lần mình định cho hai đứa nghỉ học ở nhà phụ cha mẹ làm rẫy, nuôi em nhưng cô giáo cứ đến khuyên can, động viên cho các cháu đi học”, anh Y Giang nói.

Chờ quyết sách “đặc thù” từ Hội đồng nhân dân tỉnh

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông (Kon Tum) cho biết, trong năm học 2021-2022, huyện có đến gần 1.000 học sinh bị cắt chế độ hỗ trợ bán trú do nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Giáo viên vùng cao Tây Nguyên phải vào tới tận từng nhà, từng bản để động viên học sinh đến lớp. Ảnh: MT

Giáo viên vùng cao Tây Nguyên phải vào tới tận từng nhà, từng bản để động viên học sinh đến lớp. Ảnh: MT

Ông Cường thừa nhận việc cắt chế độ hỗ trợ khiến nhà trường, phụ huynh và học sinh lâm vào cảnh khó khăn.

"Về vấn đề này thì nhiều cơ quan đã vào cuộc, có nhiều tiếng nói kiến nghị, phản ánh để thay đổi sự bất cập của chính sách nhưng khó quá nên giờ vẫn chưa thay đổi được gì.

Hiện tại một số trường đã kêu gọi được các mạnh thường quân hỗ trợ, giúp đỡ cho học trò có được bữa ăn bán trú. Còn lại phần lớn phải dựa vào nguồn đóng góp từ phía phụ huynh.

Đối với những phụ huynh khó khăn thì có thể góp rau, củ, quả… còn hộ nào khá giả thì đóng góp bằng tiền mặt, cũng chỉ khoảng 200.000 đồng/tháng để duy trì các bếp ăn bán trú.

Chúng tôi có may mắn là được một dự án Nuôi Em ở Hà Nội đứng ra hỗ trợ phần nào kinh phí để duy trì bữa ăn bán trú cho các em. Nhưng dự án này chỉ hỗ trợ khoảng hơn 200 em, còn lại gần 800 em thì vẫn phải phụ thuộc vào các nguồn khác”, ông Cường nói.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông thì vấn đề hỗ trợ cho học sinh ở các xã vừa đạt chuẩn nông thôn mới đã được đề cập, kiến nghị trong buổi làm việc giữa tỉnh và huyện mới đây.

Về chính sách chung thì đó là quy định mà nhiều tỉnh Tây Nguyên đều phải thực hiện. Nhưng phía phòng giáo dục cũng như các huyện đã đề xuất với Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum về việc ban hành chính sách đặc thù kéo dài hỗ trợ gạo cho học sinh ở các xã này thêm một thời gian nữa (từ 4-5 năm sau khi xã được công nhận nông thôn mới).

“Để lo cho bữa ăn bán trú của gần 1.000 học sinh thì chi phí khoảng 2 tỷ đồng/năm. Vấn đề tài chính thì huyện có thể cân đối ngân sách nhưng cần một quyết định chung từ Hội đồng nhân dân tỉnh để thực hiện, triển khai.

Hiện nay một số khu vực của Tây Nguyên đã kiến nghị và thực hiện theo cơ chế đặc thù nhưng chúng tôi thì vẫn phải chờ”, ông Cường thông tin.

Thực tế trên không chỉ diễn ra ở Kon Tum mà nhiều huyện của Gia Lai, ĐắK LắK, ĐắK Nông… cũng lâm vào tình cảnh trên khiến nguy cơ bỏ học giữa chừng của học sinh Tây Nguyên càng đáng lo ngại hơn.

MINH THẢO - AN NGUYÊN